Nghị luận phân tích bài thơ “Thuật hứng 24” của Nguyễn Trãi
I. Mở bài
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm
+ Nhắc đến một nhà chính trị tài ba, kiệt xuất lại mang trong mình tâm hồn văn thơ độc đáo không thể không nhắc đến Nguyễn Trãi
+ Bài thơ “Thuật hứng” thể hiện cuộc sống yên bình, nhẹ nhàng của vùng quê nơi ông sống
II. Thân bài
– Hai câu thơ đầu: Bỏ lại công danh trở về với cuộc sống thanh nhàn
+ Công danh: Ai cũng theo đuổi, đạt được và thấy được sự đối nghịch trong đó lại muốn rời bỏ
+ Đối với Nguyễn Trãi: Bỏ công danh ở phía sau, trở về quê nhà, lấy thiên nhiên làm bạn, hòa mình vào thiên nhiên với những thú vui
– Hai câu thơ tiếp theo: Những thú vui chốn quê nhà
+ Cuộc sống giản dị, khác so với những gì mà Nguyễn Trãi đã có, đã cống hiến, làm những công việc của những người nông dân như vớt bèo, phát cỏ.
+ Ăn những món ăn giản dị, không có sơn hào hải vị: Rau muống, ương sen
– Bốn câu thơ cuối: Lối sống thanh bạch, nỗi lo cho đất nước
+ Lối sống yên bình, làm bạn với gió, trăng
+ Nỗi lo cho đất nước: Lo cho vận mệnh đất nước khi tồn tại bè lũ quan tham, no cho dân, hướng về đất nước
+ Sự hối tiếc nhẹ khi không cống hiến toàn bộ tài năng của mình cho đất nước
III. Kết bài
– Bài thơ “Thuật hứng” với giọng thơ nhẹ nhàng, khoan thai, giọng điệu tâm tình cởi mở
– Bài thơ thể hiện tâm tư tình cảm của Nguyễn Trãi dành dân, cho nước, yêu thiên nhiên cuộc sống
Bài văn tham khảo
Nguyễn Trãi không chỉ là nhà văn hóa mà còn là nhà thơ lớn của dân tộc. Ông đã để lại cho thơ ca Việt Nam rất nhiều tác phẩm hay và có giá trị, tiêu biểu phải kể đến “Thuật hứng 24”. Bài thơ đã giúp người đọc cảm nhận được tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước tha thiết của thi nhân. Từ đó, thấy rõ hơn quan niệm sống tốt đẹp mà ông hướng tới.
“Thuật hứng” là chùm thơ gồm 25 bài trong “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi. Bài thơ số 24 được viết trong những ngày tác giả về ở ẩn Côn Sơn hòa mình vào với thiên nhiên. Qua đó, người đọc có thể cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi.
Mở đầu bài thơ, nhà thơ đã cho người đọc cảm nhận được lựa chọn của mình:
“Công danh đã hợp về nhàn
Lành dữ âu chi thế nghị khen”
Ở thời đại Nguyễn Trãi đang sống thì công danh là điều mà bất cứ ai cũng muốn đạt được. Có những người dành cả cuộc đời mình để chạy theo những cái xa hoa, phù phiếm bên ngoài. Nhưng xã hội bấy giờ mục nát, thật – giả lẫn lộn. Vậy nên thi nhân lựa chọn gạt bỏ công danh để “hợp về nhàn”. Ông quyết định từ bỏ chốn quan trường đầy thị phi để hòa mình vào thiên nhiên. Quan niệm sống “nhàn” này cũng được bắt gặp trong bài thơ “Ngôn chí” (bài 3) của chính Nguyễn Trãi. Ông không quan tâm “lành dữ” những lời dèm pha của nhân gian mà chọn cho mình cuộc sống an yên, tự tại. Qua đây, người đọc có thể cảm nhận được Ức Trai là người không màng công danh, phú quý, luôn giữ một tâm hồn thanh sạch.
Ở hai câu thơ tiếp theo, độc giả cảm nhận được cuộc sống giản dị, dân dã của Nguyễn Trãi nơi quê nhà:
“Ao cạn vớt bèo cấy rau muống
Đìa thanh phát cỏ ương sen”
Hình ảnh Nguyễn Trãi hiện lên trong hai câu thơ vô cùng chân thực, giản dị và gần gũi. Hàng ngày, thi nhân vớt bèo và cấy rau muống rồi phát cỏ trồng sen. Dù cho bữa ăn chỉ có rau muống thì thi nhân vẫn cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện. Trong “Ngôn chí” (bài 3), Nguyễn Trãi cũng thể hiện quan niệm của mình về cuộc sống dân dã nơi thôn quê “Cơm ăn dầu có dưa muối/Áo mặc nài chi gấm là”. Từ đó, người đọc lại càng cảm nhận rõ hơn tâm hồn thanh cao, không màng công danh phú quý của người quân tử.
Không chỉ có lối sống giản dị, Nguyễn Trãi còn mang tâm hồn nhạy cảm, luôn yêu và gắn bó tha thiết với thiên nhiên:
“Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc
Thuyền chở yên hà nặng vậy then”
Ở chốn quê hương, Ức Trai lấy “phong”, “nguyệt” làm bạn. Trăng như người bạn tri âm tri kỉ, đồng hành cùng người nghệ sĩ. Và đó cũng là nguồn cảm hứng sáng tác cho rất nhiều tác gia trung đại khác. Sự xuất hiện của hình ảnh trăng khiến độc giả cảm nhận rõ hơn bức tranh cuộc sống nên thơ, diễm lệ. Hai từ “yên hà” đã gợi lên tưởng tượng về sự thanh bình chốn làng quê. Dường như ở nơi đây hoàn toàn tách biệt với những bộn bề ngoài kia, chỉ có thiên nhiên bầu bạn với thi nhân. Vậy nên, lúc này nhà thơ như đang mở rộng tâm hồn mình để cảm nhận những vẻ đẹp bình dị của cuộc đời.
Mặc dù “lánh đục tìm trong”, từ bỏ chốn quan trường để lui về ở ẩn nhưng Nguyễn Trãi vẫn luôn dành trọn vẹn tấm lòng lo cho dân, cho nước:
“Bui có một lòng trung lẫn hiếu
Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen”
Hai câu thơ cuối khép lại như một lời khẳng định chắc nịch cho tấm lòng trung quân, ái quốc của tác giả. Về ở ẩn, nhưng Nguyễn Trãi vẫn luôn trăn trở, âu lo cho cuộc sống của nhân dân. Tấm lòng thủy chung của nhà thơ không gì có thể thay đổi được, có nhuộm màu cũng chẳng thể đen, chẳng thể vẩn đục.
Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn xen lục ngôn bát cú đặc sắc kết hợp với giọng điệu tâm tình, tha thiết và những hình ảnh thơ quen thuộc đã làm nổi bật những chiêm nghiệm về cuộc đời mà Ức Trai muốn truyền tải.
Qua bài thơ “Thuật hứng 24”, độc giả cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi. Ông không chỉ yêu thiên nhiên mà còn một lòng lo cho dân cho nước, dành cả cuộc đời để mong mỏi “Dân giàu đủ khắp đòi phương”.