Viết bài văn ngắn trình bày cảm nhận của em về bài ca dao : Muối ba năm muối đang còn mặn – Ngữ văn 10
Viết bài văn ngắn trình bày cảm nhận của em về bài ca dao :
Muối ba năm muối đang còn mặn
…………Có xa nhau đi nữa, ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.
Ca dao là tiếng hát trữ tình của người lao động. Niềm tự hào về quê hương đất nước, nghĩa tình gia đình, cộng đồng, sự rung cảm trước thiên nhiên tươi đẹp…đều được thể hiện qua những lời ca đằm thắm, thiết tha. Tình yêu lứa đôi với những cung bậc như nỗi nhớ thương, lòng chung thủy cũng là những giai điệu đẹp trong khúc hát trữ tình sau lũy tre xanh. Một trong những bài ca dao quen thuộc ca ngợi lối sống tình nghĩa, đó là :
Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng, gừng hãy còn cay
Đôi ta nghĩa nặng, tình dày
Có xa nhau đi nữa, ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.
Bài ca dao này sử dụng biện pháp rất quen thuộc của văn học dân gian là mượn những thuộc tính của các sự vật trong tự nhiên để nói về cuộc sống, về tình cảm con người.
Mặn là thuộc tính tự nhiên của muối, cay là thuộc tính của gừng, và cả hai vị ấy đều rất nồng nàn. Vì thế bài ca dao được mở đầu :
Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng, gừng hãy còn cay
Muối và gừng, đó là những sự vật vô cùng quen thuộc trong đời sống dân dã, bình dị và nghèo khó. Người bình dân dùng hình ảnh muối và gừng để nói đến tình nghĩa một cách kín đáo mà chân thực, sâu sắc. Muối càng để lâu năm càng mặn, gừng để càng già càng cay. Người bình dân mong muốn tình nghĩa cũng đậm đà, lâu bền như vị mặn của muối, vị cay của gừng.
Nếu hai câu đầu nói gián tiếp thì hai câu sau dùng cách nói trực tiếp :
Đôi ta nghĩa nặng, tình dày
Có xa nhau đi nữa, ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.
Hai tiếng “đôi ta”thật gần gũi, thân thiết. Cụm từ “nghĩa năng tình dày” nói về tình nghĩa sâu nặng một cách thấm thía. Với người bình dân, tình bao giờ cũng đi với nghĩa. Tình càng dày thì nghĩa càng nặng. Người bình dân xem nghĩa trọng hơn tình, thậm chí có khi không bao giờ phai nhạt. Gừng chín tháng, muối ba năm, nhưng tình nghĩa của con người là trọn đời, trọn kiếp. Ba vạn sáu ngàn ngày là một trăm năm, là cả đời người. Đây không phải là thời gian khách quan mà là thời gian tâm trạng nhằm khẳng định tình nghĩa con người “dày, nặng” có khả năng đối mặt với thời gian, thách thức thời gian, chiến thắng thời gian. Nghĩa tình gắn bó với nhau suốt đời suốt kiếp như thế mới là sâu đậm. Có thể nói, chỉ có cái chết mới chia lìa đôi ta.
Bài ca dao toát ra những nội dung nhân nghĩa đẹp thế nhờ ở nghệ thuật dùng hình ảnh đối chiếu ( muối, gừng), thời gian đối chiếu ( ba năm, chín tháng, ba vạn sáu ngàn ngày), dùng phép tách từ rồi đệm từ ( tình nghĩa thành tình nặng, nghĩa dày) và phối hợp với nghịp điệu, sự biến đổi số tiếng trong mỗi câu: câu 7, câu 6 và câu 13 tiếng. Do đó, âm điệu bài ca dao rắn rỏi, đanh chắc, rất phù hợp với lời nguyền về một tình yêu chung thuỷ, bền vững, vĩnh hằng.
Tóm lại, bài ca đã góp thêm một tiếng nói ngợi ca tình nghĩa thuỷ chung của người dân lao động. Tình cảm của con người vốn dễ đổi thay nên khát vọng ấy là khát vọng muôn đời của con người. Tình có thể đổi nhưng nghĩa không thể thay. Vì thế, tình và nghĩa luôn gắn liền với nhau trong quan niệm của người Việt Nam. “Nghĩa nặng tình dày” như gừng cay muối mặn, muôn đời vẫn mặn nồng như thế.Vượt lên mọi huỷ hoại của thời gian, không gian, ca dao vẫn sống và tiếp tục sống để làm say đắm lòng người, bởi ca dao là những tâm tình, ước vọng chân thành nhất của người dân lao động.