Tình cảm cha con trong chiến tranh qua truyện ngắn “Chiếc lược ngà”| Học văn 9
Suy nghĩ của em về tình cảm cha con trong chiến tranh qua truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.
I. Mở bài
Nguyễn Quang Sáng là nhà văn của những số phận người dân Nam Bộ. Tác phẩm Chiếc lược ngà được viết năm 1966 khi cuộc chiến tranh chống Mĩ đang rất ác liệt là một trong những thành công nổi bật của ông. Tác phẩm là một câu chuyện cảm động về tình cha con trong hoàn cảnh éo le của thời chiến.
II. Thân bài
1. Chiến tranh đã khiến cho gia đình ông Sáu cũng như bao gia đình Việt Nam phải lâm vào cảnh ngộ chia li.
Theo tiếng gọi của non sông, ông Sáu cũng như bao người dân Nam Bộ sẵn sàng rời xa gia đình lên đường đi kháng chiến khi bé Thu, con gái ông, chưa đầy một tuổi. Suốt những tháng ngày xa cách, con ông chỉ biết cha qua tấm ảnh, qua lời kể của bà Sáu.
Kháng chiến chống Pháp kết thúc, cha con, gia đình gặp nhau, đoàn tụ chỉ có ba ngày để bù lại tám năm ròng xa cách. Nhưng trong những ngày phép ngắn ngủi ấy, họ chưa kịp nhận ra nhau, khi nhận ra nhau lại là lúc phải tiếp tục chia xa. Cuộc chia tay lần thứ hai của cha con ông Sáu là cuộc chia li mãi mãi. Ông Sáu tiếp tục đi chiến đấu và nằm lại nơi chiến trường, hai cha con chẳng bao giờ được gặp lại, được ở bên nhau nữa.
2. Chiến tranh không thể chia cắt nối tình cảm gia đình, tình cha con.
Tình cảm cha con của ông Sáu và bé Thu dành cho nhau trong cảnh ngộ éo le, trắc trở của chiến tranh được thể hiện vô cùng cảm động.
a. Tình thương cha của Thu
Ngay từ giây phút đầu tiên gặp ba, Thu xa cách, ngờ vực, lạnh nhạt. Em tỏ ra ương ngạnh, hỗn xược với ông Sáu . Trong suốt ba ngày ông Sáu nghỉ phép, Thu từ chối mọi sự chăm chút, vỗ về của ông, cố tình lảnh tránh tiếng “ba” để bảo vệ người cha trẻ đẹp trong tấm ảnh chụp chung với má của em.
Hành động, phản ứng của bé Thu rất cá tính, có phần ương ngạnh nhưng xuất phát từ tình yêu thương ba một cách ngây thơ, trong sáng, chân thật. Thu chỉ yêu, chỉ nhận người cha giống với bức hình trong tấm ảnh chụp chung với má. Em đối xử với ông Sáu như thế là cách em yêu thương ba mình nồng cháy, yêu thương đến mực tôn thờ, yêu đến mức chỉ khắc ghi bóng một người ba duy nhất trong tim, không ai có thể thay thế được.
Khi được bà ngoại giải thích: Thu hiểu ra mọi sự nhầm lẫn của mình từ vết sẹo trên má của Ba, Thu đã chủ động bày tỏ tình cảm sâu sắc, mãnh liệt với ông Sáu trong tiếng gọi “ Ba” như tiếng xé, trong những cử chỉ vồ vập, hối hả thể hiện tình cảm yêu ba chân thành, sâu sắc mãnh liệt.
b. Tình yêu con của ông Sáu
Ông Sáu dành cho con tình yêu thương vô bờ nhưng hết sức thầm lặng. Xa con, ông luôn nhớ con, ngắm con qua ảnh, háo hức được trở về thăm nhà, thăm con. Thế rồi, niềm hạnh phúc làm cha trào dâng khiến ông không kìm nổi xúc động khi gặp lại con. Nhìn thấy đứa trẻ độ bảy, tám tuổi đang chơi nhà chòi, đoán biết là con, ông đã có những cử chỉ, hành động vồn vã: không chờ xuồng cập bến, ông đã nhún chân, nhảy thót lên bờ khiến chiếc xuồng bị tạt ra, ông bước vội những bước dài, khom người, hai tay đưa về phía trước đón chờ con, nỗi xúc động khiến vết thẹo bên má ông đỏ ửng lên, giần giật, trông dễ sợ,…Và rồi, khi không được con đón nhận lại còn hoảng hốt, bỏ chạy, ông đã vô cùng đau đớn, thất vọng “hai tay buông xuống như bị gãy”,… Những chi tiết miêu tả chân thực giúp người đọc hiểu thật thấm thía khao khát gặp con mãnh liệt vô bờ của ông Sáu.
Tranh thủ ba ngày phép ngắn ngủi, ông dành trọn thời gian để chăm chút, bù đắp cho con cả vật chất lẫn tinh thần. Bị con đối xử lạnh nhạt, ông vẫn cố gắng kiên trì chờ đợi, mong con nhận ra và gọi tiếng “ba” âu yếm. Dù không được đón nhận, ông cũng không hề giận con mà chỉ buồn cho tình cảnh của mình, nỗi đau đớn khiến ông không thể khóc được mà chỉ biết nhìn con rồi “khe khẽ lắc đầu cười” Trong bữa cơm nọ, vì không thể nào kìm chế được sự tức giận, thất vọng vì không biết làm thế nào để con nhận ba, ông đã đánh con để rồi sau này dằn vặt, ân hận mãi.
Trong buổi sáng chia tay gia đình , làng xóm để trở vè khu căn cứ, dù rất yêu con, rất muốn ôm con, hôn con nhưng lại sợ con bé giẫy lên bỏ chạy nên ông chỉ dám đứng từ xa nhìn nó với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu. Vì thương con, ông cố gắng kìm nén cảm xúc của mình để con khỏi sợ. Và rồi niềm hạnh phúc vô bờ đến bất ngờ ngay chính lúc ông không ngờ đến, tiếng gọi “ba” và những cử chỉ vồn vã của con bé khiến ông vô cùng xúc động, một người lính vào sinh ra tử nơi chiến trường như ông Sáu cũng đã phải rơi những giọt nước mắt.
Xa con, sống trong gian khổ, hiểm nguy luôn rình rập, ông luôn nhớ lời con dặn về canh cánh bên lòng về món quà con dặn. Ông dồn hết tình thương, nỗi nhớ vào việc làm cho con một chiếc lược bằng ngà voi trong những lúc rảnh rỗi. Chiếc lược ngà là cầu nối tình cảm cha con ông, chiếc lược ngà mang bóng hình đứa con gái bé bỏng, xoa dịu trong ông Sáu nỗi đau xa cách con. Tiếp cho ông niềm tin, sức mạnh trên mỗi ngả chiến trường. Chiếc lược ngà là minh chứng cho tình cha sâu nặng ông Sáu dành cho con, là kì vật mộc mạc, thiêng liêng của tình phụ tử.
Trong một trận càn lớn của địch, ông Sáu bị thương nặng. Biết không thể trở về trao chiếc lược cho con, ngay cả trong giờ phút hấp hối ông sáu vẫn không quên lời dặn của con lúc chia tay. Ông đã dồn tất cả sinh lực cuối cùng vào cử chỉ móc chiếc lược ngà để trao cho đồng đội để cậy nhờ, ủy thác cho bác Ba thay ông đem cây lược về trao tận tay cho con gái. Ông Sáu đã vĩnh viễn ra đi, chiến tranh, bom đạn kẻ thù đã cướp đi sinh mạng ông nhưng chiếc lược ngà vẫn ngày ngày theo bác Ba dõi tìm Thu trên mỗi ngả chiến trường.
Tình cha con của ông Sáu không bao giờ chết, nó sống mãi trong chiếc lược ngà giản dị mà thiêng liêng.
III. Kết bài
– Đánh giá sức hấp dẫn trong nghệ thuật kể chuyện: Cách tạo tình huống truyện bất ngờ, hợp lí, lựa chọn ngôi kể thích hợp, ngôn ngữ kể chuyện tự nhiên đậm sắc màu Nam Bộ, cách miêu tả nội tâm nhân vật tinh tế.
– Khẳng định và liên hệ: Câu chuyện chiếc lược ngà còn âm vang mãi trong lòng người đọc bởi nó là bài ca bất diệt về tình phụ tử thắm thiết, sâu nặng. Câu chuyện giúp người đọc suy ngẫm và thấm thía hơn về quá khứ đau thương của dân tộc, thấm thía nỗi đau thương, mất mát, éo le do chiến tranh gây ra khiến bao gia đình phải chịu cảnh tan nát, chia lìa. Đồng thời cũng giúp mỗi người biết trân trọng, nâng niu hạnh phúc gia đình mình đang có.
Chủ đề:Cảm nhận tình phụ tử của cha con ông Sáu qua giây phút, Dàn ý về tình cha con trong Chiếc lược ngà, Suy nghĩ của em về tình cha con trong chiến tranh qua truyện ngắn Chiếc lược ngà, Tình cảm cha con trong chiến tranh qua bài Chiếc lược ngà, Tình cha con trong văn học, Viết đoạn văn ngắn về tình cha con trong Chiếc lược ngà, Viết đoạn văn về tình cảm cha con trong chiến tranh, Viết đoạn văn về tình cha con