[Học văn 8] Tìm hiểu đoạn trích “Trong lòng mẹ”
TRONG LÒNG MẸ
(trích “Những ngày thơ ấu”)
Nguyên Hồng
I. Tìm hiểu chung
- Tác giả Nguyên Hồng
Nguyên Hồng (1918 – 1982) tên khai sinh là Nguyễn Nguyên Hồng
Ông được mệnh danh là nhà văn của những người cùng khổ, ngòi bút của ông luôn hướng tới những thân phận nhỏ bé, khổ cực, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Khi viết về họ, ông luôn tỏ rõ tình yêu thương, sự thấu hiểu và trân trọng những phẩm chất cũng như ước mơ của họ.
Nguyên Hồng là một cây bút hiện thực xuất sác, có nhiều đóng góp to lớn cho nền văn chương hiện đại Việt Nam.
2. Tác phẩm : đoạn trích “Trong lòng mẹ”
Xuất xứ : đoạn trích “Trong lòng mẹ” là chương IV của tập hồi kí “Những ngày thơ ấu”
“Những ngày thơ ấu” là tập hồi kí về tuổi thơ cay đắng của tác giả, gồm 9 chương, ghi lại một cách trung thực những năm tháng tuổi thơ cay cực của chính tác giả. Đó là một tuổi thơ có quá ít những kỉ niệm êm đềm, ngọt ngào mà chủ yếu là những kỉ niệm đau buồn, tủi cực của một đứa bé “côi cút, cùng khổ” sinh ra trong gia đình sa sút, bất hòa, sớm phải sống bơ vơ trong sự ghẻ lạnh, cay nghiệt của họ hàng và thái độ dửng dưng đến tàn nhẫn của xã hội.
Thể loại: hồi kí (Ghi lại những câu chuyện xảy ra trong cuộc đời một con người, thường là chính người viết)
Phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm
Bố cục: 2 phần
Từ đầu à hỏi đến chứ: cuộc đối thoại giữa Hồng và bà cô
Còn lại : Niềm hạnh phúc của chú bé Hồng khi gặp lại mẹ
II. Tìm hiểu văn bản
- Cuộc đối thoại giữa Hồng và bà cô
(Thấy được bản chất con người bà cô và thấy được tình yêu thương mẹ của bé Hồng)
a. Nhân vật bà cô
Nhân vật bà cô được khắc họa rõ nét trong cuộc đối thoại giữa hai cô cháu qua những chi tiết miêu tả về giọng điệu, lời nói, vẻ mặt, cử chỉ, thái độ,…
Cười hỏi đứa cháu bằng giọng điệu bỡn cợt : “Hồng! Mày có muốn vào Thanh Hóa chơi với mẹ không?”
Khi thấy cháu trả lời bằng nét mặt buồn rầu thì bà cô vẫn tiếp tục cái giọng ngọt xớt : “Sao lại không vào…. Có như dạo trước đâu.”, mắt long lanh chằm chặp nhìn đứa cháu tội nghiệp như thỏa thuê, sung sướng.
Thấy cháu khóc, bà không những không thương mà còn cố khắc sâu nỗi đau trong cháu : “Vào mà bắt mợ mày sắm sửa cho và thăm em bé chứ”, cố ý ngân hai tiếng “em bé” để mong bé Hồng ghét bỏ mẹ mình.
Mặc dù thấy cháu khóc ròng trong tiếng nấc nhưng bà cô vẫn chưa thôi cái thủ đoạn của mình mà vẫn tươi cười kể các chuyện về người mẹ tội nghiệp kia.
Vờ đổi giọng nghiêm nghị, vỗ vai an ủi cháu, tỏ sự ngậm ngùi, thương tiếc người anh vừa mới mất.
Bà cô bé Hồng là người có tâm địa đen tối. Bà không hề quan tâm, lo lắng cho cháu mà chỉ muốn kéo đứa cháu đáng thương, tội nghiệp vào một trò đùa độc ác đã dàn tính sẵn để khoét sâu nỗi đau, nỗi bất hạnh của bé Hồng. Bà cô là một người phụ nữ lạnh lùng , ác độc , giả dối, thâm hiểm, tàn nhẫn đến khô héo cả tình máu mủ, ruột già.
Bà cô cũng là hình ảnh mang ý nghĩa tố cáo những hạng người sống tàn nhẫn, không có tình thương trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ.
b. Nhân vật bé Hồng
Hoàn cảnh của bé Hồng
Gia cảnh sa sút, cha nghiện ngập, mất sớm
Mẹ bé Hồng là người phụ nữ trẻ, khát khao yêu đương nhưng lại phải chôn vùi tuổi thanh xuân của mình trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Sau khi chồng mất chưa đầy một năm, mẹ Hồng đã có con với một người đàn ông khác và vì cùng túng quá phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực
Hồng trở thành đứa trẻ côi cút, sống lang thang, thiếu tình thương ấp ủ, chịu sự ghẻ lạnh, sự hắt hủi của họ hàng bên nội.
Tuổi thơ của Hồng có quá ít những kỉ niệm êm đềm, ngọt ngào mà chủ yếu là những kỉ niệm đau buồn của một đứa trẻ côi cút, cùng khổ.
Diễn biến tâm trạng của bé Hồng khi trò chuyện với bà cô
Khi bà cô hỏi : “Có muốn vào Thanh Hóa chơi với mẹ mày không?”, lúc đầu, Hồng toan trả lời rằng có nhưng nhận ra những ý nghĩ cay độc trong giọng nói và nét mặt khi cười rất kịch của cô, Hồng im lặng cúi đầu. Em đã cố gắng kìm nén nỗi xúc động, kìm nén nỗi đau bởi em biết rõ mục đích của bà cô, không muốn tình yêu thương và kính mến mẹ lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến.
Khi bà cô nhắc đến em bé, nước mắt Hồng ròng ròng, chan hòa, đầm đìa ở cằm và ở cổ, hai tiếng “em bé” đã xoắn chặt lấy tâm can cậu, Hồng đau đớn “cười dài trong tiếng nấc”, cổ họng nghẹn ứ, khóc không ra tiếng à sự đau đớn, uất ức đã lên đến cực điểm.
Nhà văn đã rất khéo léo khi sử dụng hình ảnh so sánh “Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như ….. cho kì nát vụn mới thôi” để diễn tả sự căm tức đến tột cùng những cổ tục tàn ác đã đày đọa mẹ. Đồng thời cũng thể hiện mong muốn phá tan tất cả những cổ tục lạc hậu đó để bảo vệ mẹ.
Biện pháp tu từ so sánh, lời văn dồn dập với những hình ảnh cụ thể và các động từ mạnh: vồ, cắn, nhai, nghiến,… đã khắc họa rõ nét tình cảm, cảm xúc của bé Hồng: luôn tin tưởng, yêu thương mẹ sâu sắc, chân thành, mãnh liệt.
2. Diễn biến tâm trạng của bé Hồng khi ngồi trong lòng mẹ.
Khi bất ngờ gặp mẹ:
+ Thoáng thấy bóng người ngồi trên xe kéo trông giống mẹ, Hồng liền đuổi theo, gọi bối rối: Mợ ơi, mợ ơi, mợ ơi,….
+ Có suy nghĩ : Nếu như người ngồi trên xe kia không phải mẹ thì thực xấu hổ và tủi cực vô cùng. Cái lầm đó chẳng khác gì ảo ảnh của một dòng suối trong suối trong suốt chảy dưới bóng râm hiện ra trước con mắt gần rạn nứt của người bộ hành gục ngã trước sa mạc.
Lối so sánh giả định độc đáo, mới lạ cho thấy nỗi khát khao gặp mẹ vô cùng cháy bỏng, mãnh liệt ở bé Hồng (Khao khát được gặp mẹ của bé Hồng cũng giống như khao khát được gặp dòng nước mát của người bộ hành gục ngã trước sa mạc).
Khi biết đúng là mẹ:
+ Thấy mẹ cầm nón vẫy, bé Hồng vội vã đuổi theo, thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi
+ Khi trèo lên xe, câu ríu cả chân lại và òa khóc nức nở
Những cử chỉ, hành động cuống quýt của bé Hồng cho thấy niềm hạnh phúc, niềm sung sướng đến tột độ của cậu khi được gặp lại mẹ sau bao ngày xa cách.
Nếu như giọt nước mắt khi trả lời bà cô là giọt nước mắt của niềm căm giận, của sự đau đớn , xót xa thì giọt nước mắt khi gặp lại mẹ lại là giọt nước mắt của nỗi tủi hờn mà hạnh phúc, tức tưởi mà mãn nguyện.
Khi được ngồi trong lòng mẹ:
Cảm nhận về mẹ
+ Thấy mẹ không còm cõi, xơ xác như lời bà cô nói
+ Thấy mẹ vẫn đẹp như thuở còn sung túc
+ Thấy hơi quần áo, hơi thở của mẹ thơm tho một cách lạ thường.
Chính tình yêu thượng mẹ đã khiến Hồng có những cảm nhận rất đẹp về mẹ, khác hẳn những gì bà cô đã nói.
Tâm trạng, cảm xúc của bé Hồng
+ Thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi nay bỗng lại mơn man khắp da thịt.
+ ước ao được bé lại, được lăn vào lòng mẹ để cảm nhận được ở mẹ sức êm dịu đến vô cùng.
+ Không nhớ mẹ đã hỏi và mình đã trả lời mẹ những gì, không mảy may nghĩ ngợi gì những câu nói của bà cô.
Cảm giác sung sướng, hạnh phúc đã choán lấy tất cả, cậu không còn nghĩ gì đến gì đến những khổ cực vừa qua nữa.
Nghệ thuật miêu tả tâm lí sắc sảo, tinh tế và sinh động đã diễn tả rất chân thực cảm giác sung sướng đến cực điểm của đứa con khi được ngồi trong lòng mẹ, được đón nhận tình yêu thương của mẹ.
III. TỔNG KẾT
- Nghệ thuật
Mạch truyện, mạch cảm xúc tự nhiên, chân thật
Kết hợp kể, tả, bộc lộ cảm xúc đã tạo nên những rung động tự nhiên trong lòng người đọc.
Khắc họa hình tượng nhân vật chân thực, sống động
Nghệ thuật miêu tả tâm lí sắc sảo
2. Nội dung
Diễn tả một cách chân thực và cảm động những cay đắng, tủi cực cùng tình yêu thương mẹ cháy bỏng của bé Hồng – của nhà văn thời thơ ấu.
3. Ý nghĩa văn bản
Tình mẫu tử là thiêng liêng, bất diệt, là mạch nguồn tình cảm không bao giờ vơi cạn trong tâm hồn con người.
Chủ đề:Độc văn bản Trong lòng mẹ SGK, Nghị luận văn học Trong lòng mẹ, Qua đoạn trích trong lòng mẹ em hãy làm sáng tỏ nhận định sau, Qua nhân vật trẻ em trong đoạn trích Trong lòng mẹ, Suy nghĩ của em về tình mẫu tử trong đoạn trích Trong lòng mẹ, Văn bản Trong lòng mẹ, Văn mẫu Trong lòng mẹ, Viết bài văn về văn bản Trong lòng mẹ