[Tài liệu văn 9]Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về nhân vật Phương Định
(1)Truyên ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê kể về ba cô gái trong tổ trinh sát mặt đường là Nho,Thao và Phương Định, trong đó người nỗi bật và đem lại cho người đọc nhiều ấn tượng nhất có lẽ là cô gái trẻ Phương Định.
(2) Định là một cô gái quê ở Hà Nội, tuổi vừa bước vào độ đôi mươi với sự hồn nhiên, ngây thơ cùng những khát vọng tình yêu như bao cô gái cùng tuổi khác nhưng nét đặc biệt ở Định chính là tinh thần, ý thức với đất nước, với quê hương, cô tình nguyện đăng kí vào chiến trường, xông pha vào nơi trận mạc đầy nguy hiểm để góp phần giải phóng cho đất nước.
(3)Cô cùng đồng đội của mình sống trong một cái hang dưới chân cao điểm, trọng điểm bắn phá của tuyến đường Trường Sơn với công việc hàng ngày là chạy trên cao điểm đếm bom, đánh dấu bom chưa nổ và phá bom – một công việc hết sức nguy hiểm, thần kinh lúc nào cũng “ căng như chão”.
(4) Ấy vậy mà khi nói tới công việc, trong cô không hề run sợ, cô nói về nó một cách gọn gàng, khô khốc, tĩnh nhẹ như không, cô nghĩ về công việc của mình quá giản dị và còn cho là có cái thú riêng nữa.
(5)Cuộc sống chiến đấu đối mặt với kẻ thù hàng ngày, thần Chết luôn đe doạ từng giây phút đã rèn luyện cho cô gái Hà thành đức tính dũng cảm, gan dạ, tự tin để hoàn thành mọi nhiệm vụ.
(6)Cô có một tinh thần đồng đội sâu sắc, cô lo lắng đến sốt ruột khi thấy Nho và chị Thao đi trinh sát chưa về, cô hốt hoảng khi thấy Nho bị thương và tận tâm chăm sóc cho người đồng đội; cô yêu mến và cảm phục tất cả những chiến sĩ mà cô gặp trên tuyến đường Trường Sơn, với cô những người đẹp nhất, can đảm nhất và cao thượng nhất không ai khác chính là những những người người mặc quân phục có ngôi sao trên mũ.
(7) Ở chiến trường 3 năm, đã quen với những thử thách nguy hiểm, giáp mặt hàng ngày với cái chết, nhưng cô không hề mất đi sự hồn nhiên, trong sáng và những ước mơ về tương lai : nhạy cảm, mơ mộng và thích được hát.
(8)Cô hồn nhiên đến đáng yêu khi gặp cơn mưa đá trên cao điểm : “Tôi chạy vào, bỏ trên bàn tay đang xoè ra của Nho mấy viên đá nhỏ. Lại chạy ra, vui thích cuống cuồng. Rồi mưa tạnh, tôi bỗng thẫn thờ tiếc không nói nổi” , cùng với trận mưa đá ấy, những kỉ niệm thời thiếu nữ lại trào lên trong cô “ xoáy mạnh như sóng” biết bao hình ảnh thân thương của gia đình, thành phố và quê hương .
(9)Nó vừa là niềm khao khát, vừa làm dịu mát tâm hồn trong hoàn cảnh căng thẳng, khốc liệt của chiến trường.
(10)Là cô gái xinh đẹp, đầy nữ tính, biết điệu đà làm dáng nhưng lại rất kín đáo, tế nhị, có chiều sâu trong tình cảm và tự trọng về bản thân mình “hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa lòa kèn, còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo : “ Cô có cái nhìn sao mà xa xăm””; biết mình được các anh lính để mắt, điều đó khiến cô vui và tự hào nhưng cô không hề tỏ ra vồn vã, săn đón, cô luôn kín đáo giữa đám đông : “đứng ra xa,khoanh tay lại trước và nhìn đi nơi khác, môi mím chặt”.
(11)Những cảm xúc, suy nghĩ chân thực của cô đã truyền sang cho người đọc nỗi niềm đồng cảm, yêu mến và sự kính phục ,tất cả đã được tác giả kể chân thực, sinh động và tự nhiên qua tâm lí nhân vật ở những sự việc và chi tiết có ý nghĩa trong truyện, và những nét tâm lí này lại được chính nhân vật nói lên qua vai kể của mình nên lại càng thấm thía.
(12)Nhà văn Lê Minh Khuê đã xây dựng hình ảnh tuyệt đẹp của Phương Định- cô gái thanh niên xung phong thời kháng chiến chống Mỹ với tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất hồn nhiên, lạc quan, yêu đời , đó mãi là hình ảnh đẹp, tiêu biểu của thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến.
🔻 Xem thêm: