[Tài liệu văn 9] Phân tích bài Viếng lăng Bác của Viễn Phương
VIẾNG LĂNG BÁC
(Viễn Phương)
I/ Tìm hiểu chung
1/ Tác giả Viễn Phương
2/ Tác phẩm
a/ Hoàn cảnh sáng tác:
Bài thơ được viết vào tháng 4/1976
Được in trong tập “Như mây mùa xuân” (1978)
b/ Mạch cảm xúc :
cảm xúc của bài thơ men theo hành trình một chuyến vào lăng viếng Bác. Đó là sự ngạc nhiên, xúc động khi ngắm nhìn quang cảnh bên ngoài lăng Bác; nỗi xúc động, tự hào và lòng biết ơn khi hòa cùng dòng người vào lăng Bác; nỗi xót xa, đau đớn khi đứng trước di hài của Người và nỗi lưu luyến, bịn rịn khi phải rời xa lăng Bác.
c/ Bố cục
Khổ 1: Cảm xúc của tác giả khi ngắm nhìn quang cảnh bên ngoài lăng Bác
Khổ 2: Cảm xúc của tác giả khi hòa cùng dòng người vào lăng viếng Bác
Khổ 3: Cảm xúc của tác giả khi đứng trước di hài của Bác
Khổ 4: Nỗi lưu luyến, bịn rịn trước khi phải rời xa lăng Bác
II/ Phân tích
1/ Cảm xúc của tác giả khi ngắm nhìn quang cảnh bên ngoài lăng Bác
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.
Câu thơ đầu tiên giống như một lời thông báo, lời giới thiệu giản dị của đứa con xa nay trở về thăm người cha già dân tộc:
+ Cách xưng hô con – Bác : là lối nói, lối xưng hô quen thuộc của người miền Nam để gợi sự thân thiết, gần gũi à thể hiện được lòng tôn kính và tình cảm yêu thương ruột thịt à rút ngắn khoảng cách giữa lãnh tụ với quần chúng nhân dân.
+ Cụm từ “Con ở miền Nam”: đã khéo léo giới thiệu khoảng cách không gian địa lí xa xôi đồng thời thể hiện niềm vui sướng khôn tả của nhà thơ khi sau bao nhiêu năm xa cách, sau bao nhiêu mong nhớ thì nay đã có dịp về thăm Bác dẫu có muộn màng.
+ Phép tu từ nói giảm, nói tránh dùng từ “thăm” thay cho từ “viếng” è Viễn Phương như muốn xóa đi nỗi đau buồn về một sự thật Bác đã đi xa và cũng như để khẳng định Bác vẫn còn sống mãi trong lòng dân tộc.
Ấn tượng đầu tiên của tác giả khi đến lăng Bác là hình ảnh hàng tre:
+ Cụm từ “đã thấy trong sương”: gợi cảm nhận tác giả đến thăm lăng Bác từ rất sớm khi màn sương còn chưa tan è tác giả rất nóng lòng, hồi hộp mong được gặp Bác.
+ “hàng tre bát ngát” là hình ảnh thực chỉ hình ảnh hàng tre thân thuộc, gần gũi khắp mọi miền quê của đất nước Việt Nam à hình ảnh hàng tre xuất hiện bên lăng khiến lăng Bác vừa trang nghiêm lại vừa gần gũi.
+ Câu cảm thán “Ôi!” đã bộc lộ sự xúc động, ngạc nhiên của tác giả khi nhìn thấy hình ảnh hàng tre bình dị, thân thuộc bên lăng.
+ “hàng tre xanh xanh Việt Nam” là hình ảnh ẩn dụ cho vẻ đẹp, cho sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam.
+ Thành ngữ “bão táp mưa sa” gợi về những khó khăn, gian khổ mà nhân dân ta đã cùng nhau chung lưng, đấu cật trong suốt hành trình dựng nước và giữ nước.
+ Phép nhân hóa “đứng thẳng hàng” gợi hình ảnh những hàng tre mang dáng dấp cứng cỏi, kiên cường , hiên ngang, bất khuất như tính cách của con người Việt Nam.
2/ Khổ thơ là niềm xúc động sâu sắc, niềm thành kính của Viễn Phương khi đến thăm và đứng trước lăng Bác.
Cảm xúc của nhà thơ khi hòa cùng dòng người vào lăng viếng Bác
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân
Hai câu thơ đầu tiên với hình ảnh mặt trời thực và ẩn dụ sóng đôi đã thể hiện thật hay những suy ngẫm và tình cảm của nhà thơ VP với Bác:
+ “mặt trời đi qua trên lăng”: mặt trời của tự nhiên, của vũ trụ vĩnh hằng, cội nguồn ánh sáng và sự sống của vạn vật trên trái đất.
+ “mặt trời trong lăng”: là hình ảnh ẩn dụ chỉ Bác Hồ. Cũng giống như vầng thái dương kì vĩ của vũ trụ, Bác Hồ chính là ánh sáng đã soi đường chỉ lối cho dân tộc ta đi, là người đem đến hạnh phúc, ấm no, độc lập, tự do cho dân tộc.
+ mặt trời của tự nhiên được nhân hóa qua hai hành động “đi” và “thấy” đang ngày ngày chiêm ngưỡng vầng “mặt trời trong lăng” với niềm cảm phục và ngưỡng mộ.
+ Màu sắc “rất đỏ” của vầng mặt trời trong lăng gợi cho ta cảm nhận về bầu nhiệt huyết cách mạng sục sôi, nói lên tư tưởng và lòng yêu nước nồng nàn của Bác.
Hình ảnh ẩn dụ đã nói lên công ơn to lớn, vĩ đại của Bác; thể hiện niềm tự hào, lòng biết ơn và kính yêu vô hạn của VP cũng như của đồng bào miền Nam dành cho Bác.
Hai câu thơ tiếp theo với sự lặp lại của từ “Ngày ngày” vừa diễn tả nhịp vận hành của vũ trụ, gợi lên cõi trường sinh vĩnh viễn vừa gợi tấm lòng của nhân dân không nguôi nhớ Bác.
+ Hình ảnh tràng hoa là hình ảnh vừa thực lại vừa ẩn dụ. Hình ảnh từng dòng người chầm chậm vào lăng viếng Bác giống như đang kết thành những vòng hoa muôn ngàn sắc hương từ mọi miền về đây viếng Bác. Không chỉ có thế, hình ảnh thơ còn mang đến cảm nhận mỗi người vào lăng viếng Bác là một đóa hoa đang nở rộ dưới ánh mặt trời của Bác và tất cả đã về đây để kính dâng lên Bác những gì tươi đẹp nhất, tinh túy nhất cuộc đời.
+ “bảy mươi chín mùa xuân” là hình ảnh hoán dụ để chỉ bảy mươi chín năm tuổi đời của Bác đồng thời cũng là hình ảnh ẩn dụ để ca ngợi cuộc đời Bác đẹp như những mùa xuân. Bác đã đem mùa xuân của đời mình cống hiến, tận tụy, hi sinh để mang về mùa xuân cho đất nước, mùa xuân cho dân tộc.
Hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ rất đẹp đã nói lên công lao to lớn, vĩ đại, một cuộc đời đẹp vô ngần của Bác đồng thời cũng bày tỏ lòng biết ơn, niềm tự hào sâu sắc của nhân dân VN dành cho Bác.
3/ Cảm xúc của tác giả khi vào trong lăng, đứng trước di hài của Bác
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim
Biện pháp nói giảm, nói tránh “giấc ngủ bình yên” đem đến cho cảm nhận Bác vẫn còn sống mãi, Bác chỉ đang ngủ một giấc ngủ tạm sau hình trình dài mệt mỏi, gian nan. Lời thơ cũng góp phần làm giảm bớt đi cảm giác xót xa, đau buồn về một sự thật Bác đã đi xa mãi mãi.
“vầng trăng sáng dịu hiền” là một hình ảnh ẩn dụ đẹp, ca ngợi cuộc đời thanh cao, giản dị, trong sáng vô ngần của Bác. Ánh sáng dịu nhẹ trong lăng khiến tác giả hình dung đó là ánh sáng của vầng trăng đang ôm ấp giấc ngủ bình yên cho Bác bởi Bác với trăng là bạn, là tri âm tri kỉ (liên hệ: , Ngắm trăng, Cảnh khuya, Rằm tháng giêng, Tin thắng trận,…)
“trời xanh” là ẩn dụ để chỉ cuộc đời Bác, sự nghiệp của Bác mãi trường tồn như bầu trời xanh của dân tộc. “Nghe nhói” – nghệ thuật chuyển đổi cảm giác gợi tả nỗi đau không chỉ cảm thấy được mà còn nghe thấy được, đó là nỗi đau đớn, quặn thắt tự đáy sâu tâm hồn.
Cặp quan hệ từ biểu thị sự tương phản “vẫn… mà…” đã thể hiện sự mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm: tình cảm thì cho rằng Bác vẫn còn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam như bầu trời xanh vĩnh hằng, bất biến nhưng lí trí lại phải thừa nhận một điều Bác đã đi xa cho nên trong khoảnh khắc yếu lòng, con người không thể chiến thắng nổi cảm xúc đau đớn, xót xa.
Lời thơ tựa như tiếng khóc nghẹn ngào của đứa con xa bên di hài người cha kính mến.
Khổ thơ đã diễn tả tấm lòng xót xa, nỗi nhớ thương vô hạn của nhà thơ VP và của đồng bào miền Nam với Bác.
4/Niềm lưu luyến, bịn rịn trước khi phải rời xa lăng Bác
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này
Từ chỉ thời gian “mai” đi liền với địa danh “miền Nam” gợi khoảng cách xa xôi, gợi sự chia li. Câu thơ giống như một lời giã biệt. Cụm từ “thương trào nước mắt” cho ta thấy niềm xúc động mãnh liệt của nhà thơ, giọt nước mắt ấy là giọt nước mắt của nỗi nhớ thương, của khao khát được ở lại mãi bên Người.
Dù có lưu luyến, bịn rịn, không muốn rời xa thì cũng đến lúc phải trở về miền Nam, nhà thơ chỉ có thể gửi lòng mình ở lại bằng cách hóa thân vào những cảnh vật bên lăng Bác:
+ Điệp từ “muốn làm” kết hợp với cách hình ảnh liệt kê “com chim”, “đóa hoa”, “cây tre” đã tạo nên nhịp thơ dồn dập, diễn tả tình cảm tha thiết, khát vọng trào dâng mãnh liệt trong lòng nhà thơ. Ước nguyện của nhà thơ thật cao đẹp: muốn làm con chim mang tiếng hót làm vui bên lăng Bác, muốn làm đóa hoa tô điểm sắc hương cho vườn hoa quanh lăng và đặc biệt, nhà thơ muốn làm cây tre trung hiếu hòa nhaapj vào hàng tre bên lăng để canh giữ giấc ngủ bình yên cho Người.
+ “Cây tre trung hiếu” là hình ảnh ẩn dụ cho lòng kính yêu và ước nguyện thủy chung của dân tộc Việt Nam suốt đời đi theo lí tưởng của Người. Sự xuất hiện của hình ảnh cây tre đã làm cho bài thơ có kết cấu đầu cuối tương ứng, làm cho dòng cảm xúc được trọn vẹn.
Khổ thơ đã diễn tả xúc động tình cảm yêu mến, nhớ thương và ước nguyện được ở mãi bên Bác của nhà thơ VP.