[Tài liệu văn 9] Hình ảnh những chiếc xe không kính trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”
Đề bài : Cảm nhận về hình ảnh những chiếc xe không kính trong bài thơ “ Bài thơ về tiểu đội xe không kính” ( Phạm Tiến Duật).
Bài làm
I/ Mở bài
Phạm Tiến Duật là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ cứu nước. Thơ ông thường viết về người lính trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa với giọng điệu trẻ trung, sôi nổi. Bài thơ “ Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của ông là một trong những minh chứng tiêu biểu cho nét tinh nghịch cũng như tinh thần bất khuất, hào hùng của người chiến sĩ. Bên cạnh hình ảnh những người chiến sĩ lái xe đầy quả cảm, bài thơ còn gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc bởi hình ảnh những chiếc xe không kính.
II/ Thân bài
1/ Khái quát chung
“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” ra đời năm 1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra vô cùng ác liệt. Bài thơ đạt giải nhất cuộc thi thơ do báo văn nghệ tổ chức, được in trong tập thơ “ Vầng trăng quầng lửa”. Từng có mặt trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mỹ, Phạm Tiến Duật đã từng tận mắt chứng kiến những chiếc xe không kính băng băng trên đường ra trận. Chính hình ảnh những chiếc xe không kính, tiểu đội xe không kính đã khơi nguồn cảm hứng cho nhà thơ.
2/ Phân tích
Bằng một giọng thơ vừa như đối thoại, vừa như phân bua, gây sự chú ý, mở đầu nhà thơ viết:
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi.
Với ngôn ngữ thơ giản dị, giọng điệu thản nhiên pha chút ngang tàng, chắc khỏe như tác phong người lính; tác giả đã lí giải nguyên nhân những chiếc xe không có kính. Tác giả dùng từ ngữ phủ định “không” điệp lại ba lần, chuyển sang ý khẳng định: những chiếc xe không kính vốn không phải là một chủng loại riêng, không phải là thiết kế của những nhà sản xuất mà bởi: “Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”.
Biện pháp tu từ liệt kê kết hợp với các động từ mạnh “giật”, “rung” làm hiện lên hình ảnh những chiếc xe mang trên mình đầy thương tích của bom đạn chiến tranh.
Giọng điệu thơ như trùng xuống bởi hai chữ “ đi rồi” thể hiện tâm trạng xót xa cho những chiếc xe- người bạn đồng hành thủy chung.
Hai câu thơ còn cho thấy sự ác liệt của chiến trường những năm chống Mỹ. Thì ra cuộc chiến tranh thời kì 1969- 1970 đã làm cho những chiếc xe vận tải biến dạng. Giặc Mỹ tàn bạo muốn cô lập miền Nam, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đã trút bom xuống những cánh rừng Trường Sơn, nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông duy nhất nối liền hai miền Nam- Bắc.
Hình ảnh những chiếc xe không kính một lần nữa lại được miêu tả một cách chân thực, sinh động ở khổ thơ cuối của bài thơ:
Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe thùng xe có xước
Vẫn là phép điệp ngữ quen thuộc không có”, kết hợp với phép liệt kê tăng cấp: “không có kính”, “không có đèn”, “không có mui”, “có xước” cho thấy sự hỏng hóc càng tăng theo cấp số nhân, đó là quy luật tất yếu của sự huỷ diệt mà đế quốc muốn đem tới Việt Nam.
Tuy nhiên, dường như càng ác liệt thì những chiếc xe càng hiên ngang, dũng cảm ra trận:
Xe vân chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim
Rất nhiều chữ “ không có” nhưng ở cuối bài thơ lại vút lên một chữ “ có”: “ có một trái tim”. Phép đối lập giữa cái không và cái có, giữa vật chất và tinh thần đã thể hiện sức mạnh của những người lính lái xe. Câu thơ “Chỉ cần trong xe có một trái tim” đã trở thành nhãn tự của bài thơ, hình ảnh “ trái tim” vừa là hình ảnh ẩn dụ, vừa là hình ảnh hoán dụ. Hình ảnh hoán dụ là để chỉ người lính lái xe, còn ẩn dụ là gợi đến lòng yêu nước nhiệt thành, ý chí giải phóng miền Nam. Chiếc xe biến dạng đầy thương tích vẫn băng băng hướng ra tiền tuyến bởi nó mang trong mình một nguồn nhiên liệu vĩnh hằng, đó là lòng yêu tổ quốc, tấm lòng vì miền Nám ruột thịt.
3/ Đánh giá
Với thể thơ tự do, không gò bó về vần điệu, ngôn ngữ đậm chất văn xuôi, chỉ trong 2 câu thơ đầu và khổ cuối bài thơ, Phạm Tiến Duật làm nổi bật hình tượng thơ độc đáo mang hơi thở nóng hổi của chiến tranh: hình tượng những chiếc xe không kính băng băng trên đường ra trận. Đó là hình ảnh vốn không lạ, không hiếm, nhưng cái hay, cái mới mẻ ở đây là “xe không kính” có ý nghĩa thực chứ không mang ý nghĩa biểu tượng. Vì thế, đọc thơ Phạm Tiến Duật ta có cảm giác như đang đi thẳng vào giữa cuộc chiến, đến nơi nóng bỏng nhất, trọng điểm ác liệt nhất, gặp những con người quả cảm nhất.
III/ Kết bài
Qua hình ảnh những chiếc xe không kính, nhà thơ Phạm Tiến Dật đã gián tiếp ca ngợi vẻ đẹp của những người lính lái xe, bởi ở trong những gian lao thử thách, phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn cũng chính là lúc tinh thần, ý chí của những người lính vững vàng nhất. Họ chính là những người lính lái xe mở đường đến thời đại mới.
Chủ đề:Dàn ý hình ảnh những chiếc xe không kính, Hình ảnh những chiếc xe không kính, Hình ảnh những chiếc xe không kính và người lính lái xe, Hình ảnh những chiếc xe không kính xuất hiện máy lần trong bài thơ, Hình ảnh trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính có tinh chất gì, Những câu thơ miêu tả chiếc xe không kính, Qua hình ảnh những chiếc xe không kính đó ta thấy tác giả là con người như thế nào, Viết đoạn văn cảm nhận về hình ảnh những chiếc xe không kính