[Tài liệu văn 9] Hình ảnh người lao động trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”
Huy Cận là nhà thơ tiêu biểu của nền thơ hiện đại Việt Nam – một hồn thơ dạt dào cảm hứng lãng mạn về thiên nhiên đất nước, con người trong thời đại mới. Bài thơ “ Đoàn thuyền đánh cá” được sáng tác năm 1958 khi miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội là một trong những bài thơ hay nhất của Huy Cận sau cách mạng. Bài thơ đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của những con người lao động mới với niềm yêu đời, yêu lao động và khát vọng làm đẹp, làm giàu cho quê hương, đất nước.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, miền Bắc bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Một không khí phấn khởi, hăng say lao động kiến thiết đất nước, làm hậu phương vững chắc cho chiến trường miền Nam dấy lên ở khắp nơi. Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận chính là kết quả của chuyến thực tế mà tác giả đã sống trực tiếp, phản ánh không khí lao động và nhất là thể hiện hình ảnh của những con người lao động thời kì này. Bằng bút pháp tả thực kết hợp bút pháp lãng mạn, các hình ảnh đẹp, tráng lệ, bài thơ đã giúp ta nhận ra sự hoà hợp giữa thiên nhiên và con người lao động đồng thời bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ về quê hương, đất nước.
Bài thơ được viết theo mạch cảm xúc, theo trình tự của một chuyến ra khơi. Khi hoàng hôn buông xuống, đoàn thuyền bắt đầu ra khơi rồi đánh cá trong đêm, đến khi trở về cũng là lúc bình minh ló rạng. Và trong suốt hành trình ấy ta nhận ra ở những người lao động, những ngư dân chài lưới là tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống, là niềm vui và tâm hồn lãng mạn.
Trước tiên, họ là những con người có tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống. Họ ra khơi, đánh bắt cá trên biển và cả khi trở về luôn có câu hát đi cùng. Câu hát đã hoà cùng với gió nâng cánh buồm đẩy con thuyền thẳng tiến ra khơi rồi cũng câu hát ấy lại gọi cá vào lưới. Ta không rõ họ hát những gì, những bài hát cụ thể ra sao nhưng có thể chắc chắn một điều rằng mỗi lời ca tiếng hát ấy là một lời ngợi ca cuộc sống mới, ngợi ca vẻ đẹp và sự giàu có, trù phú của biển. Chính tiếng hát của họ đã góp thêm chút thi vị, lãng mạn cho công việc vốn cực nhọc vất vả vô cùng. Và đằng sau những âm điệu khỏe khoắn, hào hùng ấy hẳn phải là một tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống, là niềm vui, niềm tự hào về cuộc sống mới về biển cả quê hương.
Không chỉ lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống, ở những người lao động mới, ta còn nhận ra tinh thần lao động hăng say và tư thế làm chủ thiên nhiên, làm chủ biển cả. Họ ra khơi đánh cá mà chẳng khác nào một đoàn thám hiểm đi tìm kiếm những vùng đất mới, chẳng khác nào một đội quân đang tổ chức đánh trận:
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng”
Lời thơ gợi cho ta thật nhiều liên tưởng thú vị. Đoàn thuyền ra khơi có gió làm bánh lái, trăng làm cánh buồm. Gió trăng đã nâng con thuyền lên một tầm cao mới với một tốc độ đặc biệt. Thuyền lướt nhanh, lướt cao trên từng con sóng, biển nước và mây trời như hòa vào làm một. Con thuyền, con người vốn nhỏ bé trước thiên nhiên, biển cả nay trở lên lớn lao, kì vĩ lạ thường. Ta còn nhớ trong bài thơ ”Tràng giang” của Huy Cận trước cách mạng , lúc ấy con người đứng trước cảnh trời rộng sông dài thì thấy nhỏ bé cô đơn lắm , nhìn đâu cũng thấy thấy những ảo não, u buồn. Nhưng ở bài thơ này, con người đã thực sự đứng ở tư thế làm chủ – làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời, làm chủ đất nước.
Công việc của những người dân chài giống như một cuộc đánh trận, một cuộc đấu với thiên nhiên bằng cả trí tuệ và kinh nghiệm nghề nghiệp của mình. Nhịp thơ lúc này có vẻ nhanh hơn, điều đó giúp ta thấy được nhịp điệu khẩn trương trong lao động của những con người mới. Những ngư dân chài lưới có lúc như một nhà thám hiểm khám phá những vùng đất mới, có lúc lại như đang tổ chức đánh trận. Mật trận sản xuất lúc này cũng cam go chẳng kém mặt trận chiến đấu nơi chiến trường.
Không dừng lại ở đó, đọc bài thơ, người đọc còn nhận ra vẻ đẹp tâm hồn đáng quý ở người dân chài, đó là những con người sống nặng ân tình, ân nghĩa. Đối với những người dân chài lưới thì biển giống như cuộc đời của họ. Có khi thời gian đánh bắt trên biển còn nhiều hơn những ngày tháng ở nhà, Họ sống được là nhờ có biển. Hiểu được điều đó Huy Cận đã viết:
“Biển cho ta cá như long mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”Chỉ với một phép so sánh, tác giả đã giúp ta nhận ra sự hiển hoà, bao dung gần gũi của biển. Biển không chỉ là bạn mà còn là mẹ “nuôi lớn đời ta tự buổi nào”. Con người và biển cả lúc này như hoà vào làm một gắn bó không rời. Câu thơ chính là tiếng lòng của nhà thơ và cũng là những lời cảm tạ của những người dân chài lưới với biển cả. Họ hiểu rằng biển đã mang lại cho họ cả cuộc đời. Cuộc đời ấy có thể lam lũ vất vả nhưng cũng có không ít những tin yêu. Lời thơ có sự đồng điệu với câu thơ của Tế Hanh trong bài thơ “Quê hương”:
“Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon than bạc trắng”
Bao giờ cũng vậy những người dân chài lưới, những con người lao động luôn sống nặng ân tình.
Hình ảnh người lao động hiện lên rõ nét hơn ở những khổ thơ cuối. Trong cả bài thơ này, hình ảnh những người lao động không được miêu tả cụ thể, ta chỉ thấy bong dáng của họ khi nhà thơ miêu tả cảnh kéo lưới lên:
“Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chum cá nặng”
Cách dùng từ của Huy Cận thật độc đáo. Chỉ với một chữ “kịp” tác giả đã diễn tả được đầy đủ cái không khí lao động khẩn trương, hối hả để chạy đua với thời gian, với cuộc sống. Nó giúp ta liên tưởng đến cuộc chạy đua trong lao động sản xuất của những con người lao động để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và trong cuộc chạy đua ấy, hình ảnh người dân chài cũng hiện lên thật đẹp. Bằng bút pháp tả thực, những từ ngữ giàu giá trị gợi tả, câu thơ “Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng” đã cho ta cảm nhận được vẻ đẹp khoẻ khắn, rắn rỏi, vạm vỡ của những người dân chài. Đó không chỉ là vẻ đẹp của sức mạnh cơ bắp mà còn là sức mạnh tinh thần, sức mạnh của ý chí, nghị lực và niềm tin.
Như vậy bằng các từ ngữ, hình ảnh chọn lọc, các biện pháp tu từ độc đáo, bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của những con người lao động trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Họ là những người luôn lạc quan yêu đời, luôn hăng say lao động, sống ân nghĩa thuỷ chung cùng với sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ. Và đằng sau những vần thơ ấy, ta nhận ra ở nhà thơ Huy Cận là tình yêu, niềm tự hào về cuộc sống mới và về những con người mới – những người lao động đang ra sức dựng xây chủ nghĩa xã hội. Sức lay động của bài thơ một phần được tạo nên từ đó.
“ Đoàn thuyền đánh cá” mãi là bài ca tươi xanh, gieo vào lòng bạn đọc những ấn tượng khó phai mờ. Đặc biệt hình ảnh những ngư dân trên biển với khí thế và tinh thần hăng say lao động, có ân tình với biển cả quê hương đã đem đến cho người đọc những tình cảm đẹp đẽ về vẻ đẹp của con người lao động trong thời kì đi lên xây dựng cuộc sống mới.
Chủ đề:5 bài thơ đoàn thuyền đánh cá, cảm nhận của em về khổ 3, Dàn ý vẻ đẹp của thiên nhiên và con người trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, Đoàn thuyền đánh cá liên hệ với bài nào, Hình ảnh con người trong bài Đoàn thuyền đánh cá, Tìm những chi tiết miêu tả hình ảnh đoàn thuyền đánh cá, Văn Đoàn thuyền đánh cá, Vẻ đẹp của thiên nhiên và con người trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, Vẻ đẹp thiên nhiên và con người trong Đoàn thuyền đánh