[Tài liệu văn 9] Cảm nhận khổ 4,5 bài thơ “Bếp lửa”
Đề bài : Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:
“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”
Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen,
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn,
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…
I.Mở bài:
Trong mỗi mái ấm gia đình, trong nỗi nhớ da diết của tuổi ấu thơ, hình ảnh người bà luôn là hình ảnh đẹp nhất, lưu lại dấu ấn sâu đậm nhất trong trái tim mỗi con người. Bài thơ « Bếp lửa » của nhà thơ Bằng Việt với những hồi tưởng của tác giả về những năm tháng sống bên bà, cùng bà nhóm lên ngọn lửa nồng ấm của tuổi thơ đã để lại trong lòng người đọc biết bao rung cảm về tình bà cháu ấm nồng, tha thiết. Tình cảm trong trẻo, dạt dào ấy được thể hiện thật đậm nét qua những dòng thơ gợi nhớ kỉ niệm về những năm kháng chiến :
Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:
“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”
Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen,
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn,
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…
II.Thân bài
1/ Khái quát
Bài thơ “Bếp lửa” được sáng tác năm 1963, khi tác giả 19 tuổi và đang học ngành Luật ở Liên Xô. Tác phẩm viết theo thể thơ tự do và được đưa vào tập thơ “Hương cây – Bếp lửa”, tập thơ đầu tay của Bằng Việt và Lưu Quang Vũ. Bằng sự kết hợp hài hòa giữa biểu cảm với tự sự, miêu tả và nghị luận, bài thơ đã xây dựng hình ảnh bếp lửa gắn liền với hình ảnh người bà và là điểm tựa khơi gợi mọi cảm xúc và suy nghĩ về tình bà cháu.
2/ Cảm nhận đoạn thơ
Ở những khổ thơ đầu, bằng biện pháp tu từ điệp ngữ và các từ ngữ, hình ảnh chọn lọc, Bằng Việt đã giúp người đọc cảm nhận được trọn vẹn tình bà cháu thiêng liêng, sâu đậm. Từ hình ảnh một bếp lửa, nhà thơ nhớ về bà và những kỉ niệm sống bên bà để từ đó bộc lộ niềm yêu thương, sự thấu hiểu, lòng biết ơn đến người bà của mình và cũng là với quê hương đất nước. Và tình cảm ấy tiếp tục được bộc lộ ở khổ thơ tiếp theo.
a/ Kỉ niệm về những năm chiến tranh tàn phá
Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh :
“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên !”
Chiến tranh đã gây ra bao đau thương, mất mát, tàn phá khắp mọi nơi trên đất nước ta, cướp đi của con người tất cả mọi thứ. Chính chiến tranh đã gây nên bi kịch của tình cha con trong “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng, khơi dậy những vần thơ vang tiếng căm thù của những nhà thơ cách mạng… Nhưng với Bằng Việt, cũng từ đó mà ông mới cảm nhận được vẻ đẹp trong góc khuất của tâm hồn bà.
Câu thơ với động từ “cháy” được lặp lại, từ ghép “tàn rụi” được tách ra khiến hiện thực thời chiến không chỉ lấp đầy câu thơ mà còn tràn ngập khắp không gian ký ức. Trong từ láy “lầm lụi” hiện lên dáng hình của những con người phải chịu đau thương, mất mát, làm cả câu thơ như trĩu xuống.
Và nổi bật lên là hình ảnh người bà với một sức sống mãnh liệt và nghị lực bền bỉ. Từ láy “đinh ninh” diễn tả một điều gì đó chắc chắn từ trong tâm khảm, một lời nói nhẹ nhàng mà vẫn mạnh mẽ, trái ngược hẳn với quang cảnh “lầm lụi” xung quanh. Dẫu túp lều tranh đã bị đốt rụi, nơi nương thân của hai bà cháu không con, bà vẫn đứng vững, chống chọi với tất cả nghịch cảnh để dắt cháu vượt qua khó khăn. Chính từ sự “vững lòng” ấy mà người đọc cảm nhận được góc khuất trong tâm hồn bà, nơi ẩn giấu lòng yêu nước và tấm lòng hy sinh của người phụ nữ ấy.
Lời bà dặn cháu thật nôm na nhưng vô cùng chân thực và cảm động – hậu phương có gian khổ, thiếu thốn, nhớ nhung, mất mát,… cách mấy vẫn phải giấu đi, nén lại trong lòng cho tiền tuyến được an lòng. Bà không chỉ thương con thương cháu mà còn vô cùng ân cần, chu đáo, hiểu được tâm trạng của người con đang đi chiến đấu.
Tác giả – và cũng là đứa cháu – đã thật tinh tế và nhạy cảm khi thể hiện được hạt ngọc ẩn kín trong tâm hồn người bà. Bà không còn là của riêng Bằng Việt nữa mà đã hòa cùng vào biết bao người phụ nữ Việt Nam khác, những con người cần mẫn, giàu đức hy sinh, là chỗ dựa tinh thần lớn lao cho tiền tuyến, góp một phần vô cùng quan trọng vào chiến thắng chung của nhân dân. Mạnh mẽ là vậy nhưng trong hình ảnh bà vẫn có cái hồn giản dị, tự nhiên vốn có.
Trong suốt cả bài thơ, chỉ có ở ba câu thơ cuối khổ bốn người đọc mới được tiếp xúc trực tiếp với bà. Với cách nói bình dị, mộc mạc (“kể này, kể nọ”, “cứ bảo”…), bà hiện lên thật gần gũi, thân thương, khiến ta có cảm giác như được nghe tiếng nói của chính bà mình vậy. Ngay cả cái cách bà gọi cháu là “mày” cũng thể hiện một sự thương yêu, trìu mến vô bờ, một cách gọi vô cùng dân dã.
Những câu thơ không cầu kì, gọt giũa hay có nghệ thuật đặc biệt gì cả, chỉ giản dị đến chân thành như lời nói của bà. Nhưng từ đó, tấm lòng người bà ấy hiện lên mênh mông như biển cả, lặng sóng thôi nhưng bát ngát tình thương con, thương cháu và sâu thẳm với một nghị lực vô cùng bền vững.
b/ Hình ảnh bếp lửa chuyển thành ngọn lửa tinh thần
Vì sao mà tấm lòng người bà chứa đựng được biết bao điều như vậy ? Vì trong tấm lòng đó luôn âm ỉ một ngọn lửa tinh thần :
Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…
“Rồi sớm rồi chiều” ẩn chứa cả một dòng thời gian âm ỉ, dai dẳng mang theo cả cuộc đời bà, mang theo bao tâm tình của đứa cháu phương xa.
Từ hình ảnh bếp lửa cụ thể, tác giả đã nâng lên thành “ngọn lửa” mang ý nghĩa khái quát, tượng trưng. “Bếp lửa” với những ấm áp, giản dị của tình cảm gia đình, của tình bà cháu đã bùng lên thành “ngọn lửa” của niềm tin và sức sống cho các thế hệ mai sau. Hình ảnh ấy được lặp lại hai lần trong điệp từ “một ngọn lửa” càng khẳng định đó chính là cội nguồn của bao yêu thương, của những tần tảo hy sinh nơi bà. Trong hình ảnh “lòng bà luôn ủ sẵn”, người đọc cảm nhận được một ngọn lửa không bao giờ tắt qua năm tháng, một ngọn lửa bất diệt từ trong chính trái tim bà.
Lời thơ thủ thỉ, dịu êm mà sao tiếng lòng của thi sĩ như có sức mạnh thần kì làm người đọc thấy trong tim mình như có lửa bùng lên. Từ láy “dai dẳng” như càng tiếp thêm cho sự bền bỉ, lan tỏa của hình ảnh ấy. Đến nỗi tới bây giờ “ngọn lửa chứa niềm tin ấy” vẫn còn cháy trong cháu, mang theo bao cảm xúc không thể nói hết được mà phải dùng đến một dấu chấm lửng, để lại bao suy ngẫm trong lòng độc giả. Bà không để lại cho con cháu những giá trị vật chất thông thường mà là một điều quý giá hơn gấp bội : ngọn lửa của sự sống. Khái quát lên, bà là hiện thân cho vẻ đẹp thiêng liêng của người giữ lửa, truyền lửa.
3.Đánh giá lại nội dung và nghệ thuật của cả đoạn
Có thể nói rằng qua đoạn thơ trên, bằng việc sáng tạo nhiều hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng, đặc biệt là hình ảnh ngọn lửa; thể thơ tám chữ phù hợp với cảm xúc hồi tưởng và suy ngẫm; Bằng Việt đã để lại trong người đọc chúng ta tình bà cháu vô cùng cao đẹp. Tình cảm ấy là sự khởi đầu của tình yêu thương con người, tình yêu đất nước. Ngọn lửa của tình bà theo suốt những năm tháng cuộc đời nhà thơ, nuôi dưỡng, ấp ủ, chở che, mang đến cho cháu nghị lực.Ngọn lửa ấy sưởi ấm tấm lòng nhà thơ cũng như mỗi người đọc chúng ta.
III. Kết bài
Đoạn thơ đã thể hiện thật cảm động về tình bà cháu qua những suy ngẫm và hồi tưởng của người cháu phương xa nay đã trưởng thành. Với những câu từ giản dị gói gọn bao cảm xúc dâng trào, đoạn thơ cũng như toàn bộ bài thơ đã mang đến cho chúng ta những rung động thật đẹp đẽ về tình bà, tình cảm gia đình và cũng là tình cảm với quê hương, đất nước ; giúp ta hiểu và nhận ra một chân lí giản dị : những kỉ niệm tuổi ấu thơ luôn là những kỉ niệm đẹp nhất, nâng đỡ tâm hồn con người trong mỗi hành trình dài rộng của cuộc đời.
🔻 Xem thêm:
- Cảm nhận khổ thơ 3,4 và khổ thơ cuối bài “Bếp lửa”
- Phân tích đoạn thơ đầu bài thơ “Bếp lửa” – Bằng Việt
- Cảm nhận của em về tình bà cháu và bếp lửa trong bài thơ ” Bếp lửa” của Bằng Việt.
- Cảm nhận khổ 4,5 bài thơ “Bếp lửa”
- Phân tích bài thơ “Bếp lửa” của nhà thơ Bằng Việt
- Cảm nhận khổ 5,6 bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt
- Hình ảnh người bà trong bài thơ “Bếp lửa”
- Cảm nhận về hai khổ cuối bài “Bếp lửa”
- Đạo lí ân nghĩa, thủy chung của con người Việt Nam qua ” Ánh trăng” và “Bếp lửa”
- “Bếp lửa” – kỉ niệm thân thiết của tuổi thơ…
- Viết đoạn văn nêu cảm nhận về hình ảnh người bà trong bài thơ “Bếp lửa”
- Chứng minh: “Bếp lửa” gây cho ta những tình cảm ta chưa có…
- “Bếp lửa” – Tình cảm gia đình, tình yêu quê hương hòa quện