[Tài liệu văn 12] Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành
Phân tích hình tượng cây xà nu trong tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành.
Bài làm
I/ Mở bài
Rừng xà nu là truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Trung Thành, cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nền văn học Việt Nam chống Mỹ. Một hình ảnh trong tác phẩm không chỉ mang đến người đọc phẩm khí vị của mảnh đất Tây Nguyên mà còn mang tính biểu tượng cho phẩm chất của con người nơi đây đi xuyên suốt trong tác phẩm, đó là hình tượng cây xà nu, một hình tượng đẹp song hành với hình tượng người anh hùng Tnú làm thành một cặp đôi hoàn hảo tạo nên sức hấp dẫn và thành công của tphẩm.
II/ Thân bài
1/ Cây xà nu, hình tượng ám ảnh Nguyễn Trung Thành và giàu tính biểu tượng trong tác phẩm.
Trong bài viết “Về truyện ngắn Rừng xà nu”, tác giả Nguyên Ngọc (bút danh là Nguyễn Trung Thành) đã tâm sự: “Ngay từ năm 1962, trên đường vào miền Nam công tác, đến tỉnh Thừa Thiên, giáp Lào, tôi được chứng kiến những rừng xà nu bát ngát xanh tít tận chân trời. Đấy là những cây họ thông, hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sạch. Mỗi cây cao vút vạm vỡ nhựa ưá ra, tán lá vừa thanh nhã vừa rắn rỏi”. Những cây xà nu có phẩm chất đặc biệt ấy đã gây ấn tượng mạnh mẽ và khơi nguồn cảm hứng cho tác giả ba năm sau (1965) tạo dựng lên hình tượng cây xà nu đậm sắc màu Tây Nguyên.
Hình tượng cây xà nu được tác giả miêu tả từ nhiều góc độ đưa lại hiệu quả thẩm mỹ đặc biệt. Trong truyện, nhà văn không chỉ mở đầu và kết thúc bằng hình ảnh rừng xà nu bát ngát đến chân trời, mà đã gần 20 lần nói đến “Rừng xà nu”. “Cây xà nu”, “nhựa xà nu”, “lửa xà nu”… Chất sử thi của thiên truyện sẽ không trở thành giọng điệu chính của tác phẩm, nếu thiếu đi hình tượng cây xà nu được khai thác từ nhiều góc độ, được lặp đi lặp lại nhiều lần đến như vậy, nhất là “các đồi xà nu – 4 lần”; “rừng xà nu – 5 lần”. Thủ pháp điệp trùng khi miêu tả cây xà nu vừa làm nền cho toàn bộ diễn biến của câu chuyện, vừa gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc về cây xà nu. Nhưng xà nu không chỉ có mặt trong đoạn mở đầu và đoạn kết, mà nó còn hiện diện trong suốt câu chuyện về Tnú và làng Xô Man.
2/ Cây xà nu – biểu tượng về dân làng Xô Man và của người Tây Nguyên:
Đọc Rừng xà nu, người ta thấy cây xà nu, rừng xà nu như người dân Xô Man, như hơi thở Tây Nguyên trên núi rừng trùng điệp. Có lẽ vì thế, nhà văn Nguyễn Trung Thành đã đặt tên cho tác phẩm của mình là Rừng xà nu, đã mở đầu và kết thúc tác phẩm cũng chính bằng hình ảnh của cây xà nu: Làng ở trong tầm đại bác của giặc… hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương… Cây xà nu mở đầu tác phẩm cũng là hình ảnh dân làng Xô Man trong cuộc chiến tranh chống Mĩ, chịu đầy đau thương của mưa bom, bão đạn. Hàng vạn cây xà nu trong rừng mà không cây nào không bị thương, có khác nào bao người dân làng Xô Man cũng phải hứng chịu đạn lửa của chiến tranh. Và kết thúc tác phẩm: Ba người (T nú, Dít, cụ Mết) đứng ở đây nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì ngoài những Rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời. Hình ảnh rừng xà nu ngút ngàn, bất tận như sức sống trường tồn bất diệt của người dân Tây Nguyên anh dũng, kiên cường.
Hình ảnh cây xà nu còn xuất hiện ở mọi lúc mọi nơi, không chỉ trong đời sống sinh hoạt hàng ngày mà cả trong kháng chiến. Xà nu thắp ngọn lửa trong bếp mỗi gia đình, trong đống lửa nhà ưng đêm dân làng nổi dậy. Là ánh đèn cho Tnú và Mai học chữ. Nó rần rật cháy trên đường cụ Mết và dân làng vào rừng tìm vũ khí. Nó cháy bùng căm thù trên đôi bàn tay Tnú. Nó hừng hực trong đêm dân làng vùng lên giết giặc… Đấy là một hình tượng nghệ thuật mang tính ẩn dụ. Nhà văn đã nhân cách hoá cây xà nu trở thành một biểu tượng về con người Xô man trong cách mạng.
3/ Cây xà nu – chứng nhân của tội ác quân thù:
Mở đầu tác phẩm là hình tượng hàng trăm, hàng ngàn cây xà nu bị những mảnh đạn của giặc giày xéo: Cả Rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bám lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn. Rừng xà nu bị tàn hại như vậy vì cũng như dân làng Xô Man của Tnú, ở trong tầm đại bác của giặc. Chúng bắn, đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và sẩm tối, hoặc nửa đêm và trở lại gà gáy. Nhà văn có thể không dừng lại miêu tả hết những tội ác của quân giặc đối với dân làng Xô Man, bởi hình ảnh rừng cây kia đã nói lên tất cả. Rừng xà nu cũng như dân làng đều cùng chung số phận! Bao nhiêu cây xà nu bị hạ gục cũng là bấy nhiêu người dân Xô Man đã ngã xuống, bao nhiêu cây bị thương là bấy nhiêu con người mang trên mình chứng tích của bom đạn. Tội ác của giặc Mĩ đã được miêu tả gián tiếp qua hình ảnh rừng xà nu đầy ám ảnh bởi nhựa xà nu đâu còn là dòng nhựa cây vô hồn mà là cục máu lớn đọng đầy đau thương, căm hờn của người dân Tây Nguyên trong chiến tranh.
4/ Cây xà nu – biểu trưng về phẩm chất, khát vọng của người dân làng Xô Man:
Vì mang tính biểu trưng nên trong suốt tác phẩm, mỗi khi miêu tả cây xà nu, nhà văn Nguyễn Trung Thành luôn đặt nó trong thế đối sánh với dân làng Xô Man. Cây xà nu có sức sống mãnh liệt Trong rừng ít có loại cây nào sinh sôi nảy nở khoẻ như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây non mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời… Ngay trong làn đạn hằng ngày, hằng đêm của quân thù, cây xà nu vẫn vương lên, không gì quật ngã đựơc: Có những cây vượt lên được đầu người, cành lá sum xuê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Cứ thế, lớp này ngã xuống đã có bốn năm cây con lớn lên, trùng trùng điệp điệp đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời.
Trong rừng cũng hiếm có một thứ cây nào ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng… Trong một hệ thống hình ảnh biểu tượng trong tác phẩm thì có lẽ hình ảnh ánh nắng mặt trời cũng không nằm ngoài dụng ý nghệ thuật của tác giả. Phải chăng đó là ánh sáng của mặt trời cách mạng, của tự do, một cuộc sống tự do lóng lánh những hạt bụi vàng đầy hấp dẫn, gọi mời cây xà nu hay cũng chính là nguồn lực hấp dẫn để nhân dân Tây Nguyên đấu tranh không mệt mỏi, không khoan nhượng.
Rừng xà nu trở thành một dũng sĩ ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng. Đọc Rừng xà nu không ai không liên tưởng đến sự gắn bó, sóng đôi giữa cây xà nu và những tập thể anh hùng ở làng Xô Man và cả Tây Nguyên. Anh Quyết hy sinh, đã có Tnú cường tráng. Chị Mai ngã xuống lại có cô Dít đầy kiên cường. Khi Tnú bị bắt, bị hành hạ, tất cả thanh niên trong làng, mỗi người một cây gậy sáng loáng đạp lên sàn nhà ưng ào ào như trận bão lớn bùng lên trả thù. Khi Tnú vào quân giải phóng, cậu bé Heng, mới mấy năm, đã lớn nhanh như thổi, thay thế anh làm người liên lạc… Dân làng Xô Man như rừng cây xà nu, dưới làn mưa bom bão đạn của quân thù, như lời cụ Mết, vẫn sống đấy, không có gì mạnh bằng, cây mẹ ngã, cây con mọc lên, đố nó giết hết rừng xà nu này!
III. Kết bài
Rừng xà nu trong thiên truyện không thuần túy là rừng cây đặc trưng của làng Xô Man trên dải Trường Sơn hùng vĩ. Đó còn là hình tượng ẩn dụ về chính con người ở nơi khắc nghiệt của cuộc chiến tranh chống quân xâm lược. Bao con người trong những năm tháng gian lao ấy vẫn còn sống, ngoan cường, bền bỉ và kiêu hãnh. Cho dù cuộc chiến tranh khốc liệt kia đã đi qua, nhưng hình tượng nghệ thuật đó vẫn rất giàu sức sống, vẫn như một lời nhắc nhở về những phẩm giá tốt đẹp của con người.
Chủ đề:Bình giảng hình tượng cây xà nu, Cảm nhận vẻ đẹp của hình ảnh rừng xà nu trong đoạn trích mở đầu và kết thúc tác phẩm, Cảm nhận về hình tượng cây xà nu trong đoạn đầu, Cây xà nu tượng trưng cho số phận và phẩm chất của con người Tây Nguyên ra sao, Dàn ý cảm nhận về hình tượng cây xà nu trong đoạn đầu, Rừng xà nu, Tóm tắt hình tượng rừng xà nu, Viết đoạn văn 200 chữ về hình tượng cây xà nu