[Tài liệu văn 12] Đàn ghi – ta của Lorca
ĐÀN GHITA CỦA LORCA ( Thanh Thảo )
“ khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”- Lorca
I/ Tìm hiểu chung
1/ Tác giả :
– Tên thật : Hồ Thành Công, 1946, Quảng Ngãi.
– Tốt nghiệp khoa Văn, ĐHTH Hà Nội rồi tham gia kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam.
– Làm thơ, viết báo, viết tiểu luận phê bình…
– Là một trong những gương mặt tiêu biểu cho thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
– Đặc điểm thơ:
+ Là sự lên tiếng của người trí thức nhiều suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội và thời đại
+ Thể hiện sự cách tân thơ Việt : đào sâu cái tôi nội cảm; cách biểu đạt mới với câu thơ tự do, xóa bỏ ràng buộc khuôn sáo bằng nhịp điệu, cách gieo vần….
– Tác phẩm chính: Những người đi tới biển, Dấu chân qua trảng cỏ, Khối vuông ru-bích…
– 2001: được giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
2/ Tác phẩm :
a/ Xuất xứ :
Rút trong tập “Khối vuông Ru-bích”
– Thể hiện tư duy thơ Thanh Thảo: giàu suy tư, nhuốm màu sắc tượng trưng, siêu thực.
– Lorca (1898-1936): Nhà thơ thiên tài của Tây Ban Nha, người có khát vọng tự do và khát vọng cách tân nghệ thuật mãnh liệt, đã bị chính quyền phản động thân phát xít bắt giam và giết hại.
b/ Bố cục :
Bài thơ chia làm 4 đoạn:
+ Đoạn 1(6 dòng đầu) : Hình ảnh Lor-ca, con người tự do, nghệ sĩ cách tân trong khung cảnh chính trị và nghệ thuật Tây Ban Nha
+ Đoạn 2 (12 dòng tiếp): Ga-xi-a Lor-ca bị hạ sát và nỗi xót xa về sự dang dở của khát vọng cách tân
+ Đoạn 3 (4 dòng tiếp): niềm xót thương Ga-xi-a Lor-ca và nỗi xót tiếc những cách tân nghệ thuật của Lor-ca không ai tiếp tục.
+ Đoạn 4 (9 dòng cuối): Suy tư về cuộc giải thoát và cách giã từ của Ga-xi-a Lor-ca.
c/ Chủ đề :
Qua hình tượng Lorca và tiếng đàn ghita, tác giả diễn tả cái chết bi tráng, đột ngột của người nghệ sĩ đấu tranh cho tự do và cách tân nghệ thuật, đồng thời bày tỏ nổi đau xót sâu sắc và niềm tin mãnh liệt vào sự bất tử của tên tuổi và sự nghiệp Lorca.
II/ Phân tích:
a/ Ý nghĩa tựa đề và lời đề từ :
- Tựa đề “Đàn ghi ta của Lorca”
– Đàn ghi ta là niềm tự hào, là hồn của đất nước Tây Ban Nha (nên còn được gọi là Tây Ban cầm).
– Đàn ghi ta gắn bó thân thiết với Lor-ca trên những nẻo đường ca hát và sáng tạo.
à Đàn ghi ta là biểu tượng cho tình yêu của Lor-ca đối với đất nước Tây Ban Nha, cho con đường nghệ thuật của tác giả, cho khát vọng cao cả mà Lor-ca nguyện phấn đấu suốt đời.
- Lời đề từ : Đây là di chúc của nhà thơ, khi tiên cảm về cái chết.
– Hãy chôn tôi với cây đàn – phần hồn của đất nước Tây Ban Nhaà tình yêu Tổ quốc nồng nàn.
– Hãy chôn tôi với cây đàn – biểu trưng cho sự nghiệp của Lor-caà ước nguyện suốt đời theo đuổi sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật, mong muốn xóa bỏ ảnh hưởng của bản thân để dọn đường cho thế hệ sau vươn tới.
b/ Ý nghĩa tượng trưng qua hệ thống hình ảnh
– Đoạn 1 :
+ Hình ảnh Lor-ca được giới thiệu bằng những nét chấm phá, phần nào chịu ảnh hưởng của trường phái ấn tượng: những tiếng đàn bọt nước – Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt – li-la-li-la-li-la – đi lang thang về ven biển đơn độc – với vầng trăng chếnh choáng – trên yên ngựa mỏi mòn.
+ Những hình ảnh tương phản vừa giúp ta hình dung về Lor-ca, vừa gợi ta liên tưởng tới khung cảnh của một đấu trường. Nhưng ở đấy không phải đấu trường với cuộc đấu giữa võ sĩ với bò tót mà là một đấu trường đặc biệt với cuộc đấu giữa khát vọng dân chủ của công dân Lor-ca với nền nghệ thuật già nua. Ở đó, nhìn theo góc độ nào cũng vẫn chỉ thấy con người tự do và nhà cách tân nghệ thuật thật mong manh và đơn độc.
– Đoạn 2:
+ Cái chết bất ngờ đến với Lor-ca. Con người trong sạch và vô tội ấy dù luôn bị ám ảnh bởi cái chết của chính mình, vẫn không thể nghĩ nó lại đến sớm thế và đến vào lúc chàng không ngờ nhất.
+ Cảnh Lor-ca bị hành hình với những diễn biến phũ phàng lúc đầu được diễn tả bằng hình ảnh thực: “áo choàng bê bết đỏ”, sau đó, sự kiện thảm khóc ấy tạo những cú xốc dây chuyền được diễn tả theo lối tượng trưng, liên tục chuyển đổi cảm giác, qua hệ thống âm thanh vỡ ra thành màu sắc, thành hình khối, thành dòng máu chảy: “tiếng ghi ta nâu”, “tiếng ghi ta lá xanh biết mấy”, “tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan”, “tiếng ghi ta ròng ròng-máu chảy”.
Đoạn 3:
+ Niềm xót thương của Ga-xi-a Lor-ca và nỗi xót tiếc những cách tân nghệ thuật của Lor-ca không ai tiếp tục:
không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
Di chúc “khi tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn” của Lor-ca được lấy làm đề từ của bài thơ như một thứ chìa khóa ngầm hướng người đọc hiểu thông điệp thực sự của bài thơ. Di chúc này, trong nhận thức của một người đọc bình thường, hiển nhiên bộc lộ tình yêu say đắm của Lor-ca với nghệ thuật? Không chỉ có vậy, nó còn là tình yêu với xứ sở Tây-Ban-cầm? Nhưng Lor-ca không phải là một nghệ sĩ sinh ra để nói những điều đơn giản. Do đó, di chúc của Lor-ca còn những ý nghĩa sâu xa khác. Nhà thơ cách tân là Lor-ca biết thi ca mình một ngày nào đó sẽ ngăn cản những người đến sau trong sáng tạo nghệ thuật nên đã dặn lại cần phải biết chôn nghệ thuật của ông để đi tới.
+ Chẳng phải do ngẫu hứng khi Thanh Thảo viết “không ai chôn tiếng đàn – tiếng đàn như cỏ mọc hoang…”. Câu thơ mở ra nhiều hướng suy nghĩ: là nỗi xót thương cái chết của một thiên tài; là nỗi xót tiếc hành trình cách tân dang dở không chỉ với bản thân Lor-ca mà còn với nền văn chương Tây Ban Nha. Bởi lẽ, nhà cách tân Lor-ca đã chết, nghệ thuật vắng thiếu kẻ dẫn đường. Nghệ thuật thành thứ cỏ mọc hoang? Nhưng ý thơ đâu chỉ dừng lại ở đó. Dường như còn có cả nỗi buồn của người nghệ sĩ ham tìm tòi cách tân, rốt cuộc không ai thực sự hiểu di chúc của Lor-ca. .Nỗi đau xót trước cái chết của Lor-ca và trước sự dang dở của một khát vọng cách tân đọng lại thành những hình ảnh đẹp và buồn được viết theo lối sắp đặt, dựa trên nguyên lí cốt lõi của cấu trúc gián đoạn: giọt nước mắt vầng trăng – long lanh trong đáy giếng,… do đó, tạo lập một hệ thống hình ảnh trùng phức giao thoa, ánh xạ vào nhau, gợi những suy tư đa chiều…
– Đoạn 4:
+ Cái chết thực sự của một nhà cách tân là khi những khát vọng của anh ta không có ai tiếp tục. Nhưng cái chết đau đớn hơn của một nhà cách tân còn là khi tên tuổi và sáng tạo của anh ta được đem lên bệ thờ và trở thành một bức tường kiên cố cản trở sự cách tân văn chương của những người đến sau.
+ Vậy, nhân danh lòng kính trọng Lor-ca, hãy để cho Lor-ca có được một sự giải thoát thực sự. Đường chỉ tay bé nhỏ, dòng sông rộng mênh mang, hay là phận người thì ngắn ngủi mà thế giới thì vô cùng. Lor-ca đi vào cõi khác với hình ảnh: “Lor-ca bơi sang ngang-trên chiếc ghi ta màu bạc”.
+ Các hành động : “ném lá bùa”, “ném trái tim vào xoáy nước”, vào cõi “lặng yên” đều mang nghĩa tượng trưng cho sự giã từ và giải thoát, chia tay thực sự với những ràng buộc và hệ lụy trần gian…
c/ Yếu tố âm nhạc trong bài thơ :
Bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca ngoài cấu trúc tự sự còn được chồng thêm một cấu trúc khác: cấu trúc nhạc giao hưởng, gợi liên tưởng một bè trầm, có phần nhạc đệm của ghi ta. Các chuỗi âm li-la-li-la-li-la luyến láy sau hai câu thơ đầu, gợi liên tưởng tiếng vang của chùm hợp âm sau tấu khúc hoặc ca khúc mở đầu. Chuỗi âm “li-la li-la li-la” kết thúc bài thơ gợi lên tiếng vang của chùm hợp âm vĩ thanh, sau khi phần chính của bản nhạc đã được diễn tấu xong, hoặc khi ca khúc đã dừng lời.
d/ Nghệ thuật :
Sử dụng thành công thủ pháp thơ siêu thực: không có dấu câu, hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng, bài thơ như một bản nhạc giao hưởng, ngôn ngữ hàm súc giàu sức gợi cảm.
e/ Ý nghĩa văn bản :
Ngợi ca vẻ đẹp nhân cách, tâm hồn và tài năng Lor-ca- nhà thơ, nhà cách tân vĩ đại của văn học Tây Ban Nha và thế giới thế kỉ XX.
🔻 Xem thêm:
- Cảm nhận về hình tượng P.G. Lorca qua bài thơ Đàn ghita của Lorca
- Phân tích 18 dòng thơ đầu trong bài thơ “Đàn ghi-ta của Lor-ca” của Thanh Thảo
- ĐÀN GHI TA CỦA LOR – CA (Thanh Thảo)