[Tài liệu văn 11] Phân tích tiếng chửi của Chí Phèo mở đầu tác phẩm “Chí Phèo”
Cảm nhận của anh chị về đoạn trích sau để thấy được tiếng chửi của Chí là tiếng nói đau thương của một con người ý thức về bi kịch của mình:
Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có mà trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết…
( Chí Phèo– Nam Cao, Ngữ văn 11, tập 1, Trang 146)
DÀN Ý
I/ MB : giới thiệu về tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận
Nam Cao là cây bút hiện thực xuất sắc của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam 1930 – 1945. Dưới ngòi chân thực của ông, đời sống, thân phận, nỗi thống khổ của những người nông dân được lột tả một cách vô cùng chân thực. “Chí Phèo” là một thành công xuất sắc của Nam Cao viết về đề tài người nông dân trước Cách mạng. Trong tác phẩm, nhà văn đã xây dựng thành công nhân vật Chí Phèo với những bi kịch đau thương của một kiếp đời cùng khổ. Bi kịch của nhân vật được thể hiện đặc biệt qua đoạn văn miêu tả tiếng chửi mở đầu thiên truyện.
II/ Thân bài
1/ Khái quát chung
Khái quát chung về tác phẩm : Truyện ngắn “Chí Phèo” nguyên có tên là “Cái lò gạch cũ”. Khi in thành sách lần đầu năm 1941, nhà xuất bản tự ý đổi tên thành “Đôi lứa xứng đôi”. Đến khi in lại trong tập “Luống Cày”, nhà văn Nam Cao đã đổi tên thành Chí Phèo – gọi theo tên nhân vật chính của tác phẩm. Câu chuyện kể về cuộc đời và số phận của Chí Phèo – một đứa trẻ bị bỏ rơi, lớn lên nhờ sự cưu mang của dân làng Vũ Đại. Năm 20 tuổi, Chí làm canh điền cho nhà Lí Kiến. Vì ghen tuông vu vơ, Bá Kiến đã nhẫn tâm đẩy Chí vào tù. Nhà tù thực dân đã tiếp tay cho tên cường hào ác bá để rồi sau 7,8 năm biến Chí từ một người nông dân hiền lành, lương thiện trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Chí bị xã hội xa lánh, bị cách biệt hoàn toàn với thế giới loài người. Nhưng rồi, cuộc gặp gỡ với Thị Nở, tình yêu thương và sự chăm sóc giản dị, chân thành của Thị Nở đã đánh thức phần người tưởng như đã chết trong Chí. Chí khao khát được hoàn lương, Chí hi vọng Thị Nở sẽ là cầu nối đưa Chí trở về với xã hội bằng phẳng của những con người lương thiện. Đau đớn thay, khát vọng hoàn lương của Chí đã không thành. Bà cô Thị Nở đã ngắn cấm đứa cháu của bà được yêu Chí Phèo bởi không ai lại đi lấy cái thằng “không cha không mẹ”. Chí Phèo đau đớn, phẫn uất, Chí nhận ra kẻ thù tạo nên bi kịch của đời mình chính là Bá Kiến. Chí xách dao đến nhà Bá Kiến, giết chết hắn và tự kết liễu đời mình.
Khái quát về vị trí, kết cấu nghệ thuật của tiếng chửi: Tác giả đã đưa tiếng chửi lên đầu truyện để tạo sự hứng thú, sự tò mò cho người đọc, mang đến cho độc giả ấn tượng độc đáo ban đầu để từ đó nội dung cốt truyện được dần dần hé mở trong khát khao khám phá, tìm hiểu, lí giải. Tiếng chửi được trần thuật qua nhiều ngôi khác nhau, lúc được thể hiện qua lời dẫn truyện của tác giả, lúc lại được trần thuật qua tâm trạng đầy ngán ngẩm của dân làng Vũ Đại và lúc thì lại chính là giọng chất vấn đầy đau đớn, phẫn uất của Chí Phèo.
2/ Phân tích đoạn văn
a/ Phân tích nội dung tiếng chửi
Những câu văn trần thuật ngắn gọn đã dựng lên bức chân dung một anh Chí ngất ngưởng trên con đường làng. Ban đầu hắn chửi trời nhưng rồi nhận ra trời là của chung, không riêng gì ai cả. Rồi hắn chửi đời nhưng lại chua chát nhận ra “đời là tất cả nhưng chẳng là ai”, vậy thì chửi đời có nghĩa gì, có đánh động được đến ai đâu. Và rồi hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại nhưng cũng không ai lên tiếng vì ai cũng nghĩ rằng “chắc nó trừ mình ra” . Trong cơn tức tối vì không ai thèm coi mình là một con người, Chí đã chửi tất cả những người không chửi nhau với hắn. Thật sự xót xa khi Chí cố gắng giao tiếp với con người dù bằng hình thức tồi tệ nhất là tiếng chửi cũng không được, không ai thèm chửi nhau với Chí. Thật khốn khổ biết bao cho con người sinh ra là người mà không được làm người, và có lẽ tiếng chửi đau đớn nhất là chửi “cái đứa chết mẹ nào đã đẻ ra thân hắn”. Tiếng chửi càng ngày càng gần hơn, càng cụ thể và xót xa hơn. Ngôn ngữ là phương tiện duy nhất để Chí Phèo giao tiếp với cuộc đời , để biết mình vẫn còn đang tồn tại vậy nhưng bây giờ ngôn ngữ cũng trở nên bất lực. Chí đã hoàn toàn bị đẩy vào ốc đảo cô đơn, xa cách với con người.
b/ Ý nghĩa của tiếng chửi
Tiếng chửi đã mở ra trước mắt người đọc bi kịch cuộc đời của Chí Phèo. Cả cuộc đời Chí Phèo chỉ là con số không tròn trĩnh: không cha mẹ, không người thân, không nhà cửa,…Chí Phèo chửi cha mẹ mình thực chất là chửi chính mình, chửi chính số kiếp đau đớn của mình. Tiếng chửi là bước đường cùng, là đoạn cuối của quá trình tha hóa con người ở Chí Phèo . Cùng với việc đánh mất nhân hình, tiếng chửi và hành động rạch mặt ăn vạ , đập phá, đâm chém,… chính là những biểu hiện của quá trình lưu manh hóa, biến Chí trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.
Tiếng chửi chính là tiếng kêu đau đớn của Chí trước bi kịch bị tước đoạt quyền làm người. Tiếng chửi của Chí không có một lời đáp bởi vì tất cả dân làng Vũ Đại đều không ai coi Chí là một con người. Đây là hậu quả tất yếu từ những đau thương mà Chí Phèo gây ra cho họ. Tình cảnh “chỉ có ba con chó dữ và một thằng say rượu” đã cho thấy sự cô đơn đến tận cùng của Chí Phèo. Chí đã bị chối bỏ, bị đẩy ra ngoài cái xã hội của làng Vũ Đại, bị tước đoạt quyền làm người.
Tiếng chửi của Chí còn là tiếng nói đau thương của một con người ý thức được về bi kịch của mình : sống giữa cuộc đời nhưng đã mất quyền làm người, sinh ra là người nhưng lại không được làm người theo đúng nghĩa. Tiếng chửi chất chứa nỗi đau đớn, tuyệt vọng của một con người đã từng có phần đời lương thiện với những ước mơ rất đời thường nhưng cuối cùng lại bị dập tắt trong đau đớn, nghiệt ngã.
3/ Đánh giá
Qua chi tiết tiếng chửi, ta thấy được bút pháp hiện thực rất sắc sảo, tài tình của nhà văn Nam Cao. Bằng giọng văn lạnh lùng, trong nóng ngoài lạnh, tác giả đã gợi ra được số phận bi kịch của Chí Phèo. Và đằng sau giọng điệu lạnh lùng ấy là một trái tim yêu thương, thấu hiểu, xót xa dành cho nhân vật, là tấm lòng đau người, đau đời tha thiết. Nghệ thuật trần thuật dạt đến trình độ bậc thầy đã làm nên sức sống cho tác phẩm.
III/ Kết bài
“Chí Phèo” là một tác phẩm có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ. Qua việc miêu tả tiếng chửi của nhân vật Chí Phèo, tác phẩm đã khái quát một hiện tượng xã hội ở nông thôn Việt Nam trước năm 1945: một bộ phận nông dân lương thiện bị đẩy vào con đường bần cùng hóa, lưu manh hóa. Nhà văn đã kết án đanh thép xã hội tàn bạo đó đồng thời thể hiện niềm tin tưởng vào bản chất lương thiện của những con người dẫu mang hình hài quỷ dữ.
🔻 Xem thêm:
- Phân tích bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo
- Chi tiết bát cháo hành trong truyện ngắn “Chí Phèo” – Nam Cao
- Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Chí Phèo từ sau khi gặp thị Nở trong truyện ngắn “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao.
- Phân tích bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao