[Tài liệu văn 10] Phân tích hình tượng người anh hùng Từ Hải trong “Chí khí anh hùng”
Đề bài : Có ý kiến cho rằng: “Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhân vật Từ Hải hội tụ đầy đủ phẩm chất của người anh hùng lí tưởng”.
Hãy chứng minh nhân định trên qua đoạn trích “Chí khí anh hùng”
Bài làm tham khảo
Truyện Kiều là tập đại thành không chỉ của tác giả Nguyễn Du mà còn là tài sản lớn, là công trình vĩ đại của cả nền văn học dân tộc. Thành công của tác phẩm không chỉ ở phương diện tài năng nghệ thuật tác giả thể hiện mà còn ở giá trị nội dung đặc sắc. Nhà thơ đã gửi vào đó tiếng nói nhân đạo sâu sắc, mới mẻ qua việc ngợi ca những khát vọng chính đáng của con người: khát vọng tình yêu tự do, công lí, chính nghĩa,… Đoạn trích “Chí khí anh hùng” với vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Từ Hải có thể nói là đoạn thơ tiêu biểu nhất của Truyện Kiều thể hiện giấc mơ của Nguyễn Du: giấc mơ về người anh hùng cái thế.
Đoạn trích có 12 câu, tập trung khắc họa vẻ đẹp khí phách của người anh hùng Từ Hải. Trước hết, ta thấy ở nhân vật là vẻ đẹp của một tráng sĩ với chí khí mạnh mẽ. Chí ở đây là hoài bão, là lí lưởng, những khát vọng cao đẹp; khí được hiểu là nghị lực, quyết tâm đạt được chí lớn . Chí khí anh hùng của Từ Hải được thể hiện trước hết ở thời điểm mà chàng ra đi lập nên sự nghiệp:
Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương
Nửa năm – đó là cuộc sống hôn nhân mới hình thành, là giai đoạn nồng nàn, thắm thiết nhất. Có thể nói là Từ Hải đang sống ở giai đoạn hạnh phúc nhất của tình yêu, của mái ấm gia đình. Đối với tâm lí người bình thường thì sẽ cảm thấy thỏa nguyện, bằng lòng với hạnh phúc bình dị ấy. Nhưng với một người “Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài ” có cả sức vóc và trí tuệ như Từ Hải thì không thể nào bằng lòng với cuộc sống gia đình bình dị thậm chí có phần đơn điệu cho nên Từ Hải đã quyết tâm dứt áo ra đi, gạt bỏ tình riêng để thực hiện chí lớn của kẻ làm trai.
“Lòng bốn phương” là chí nguyện lập công danh, sự nghiệp. Theo quan niệm phong kiến xưa, thân làm trai phải lập công, lập danh, làm được việc lớn để lưu lại tên tuổi mãi với thời gian. Nguyễn Công Trứ cũng đã từng nói về chí làm trai : “Chí làm trai phải nam, bắc, đông, tây / Cho thỏa sức vẫy vùng trong bốn bể“. Từ “động lòng” cho thấy Từ Hải đã luôn ấp ủ, nung nấu chí lớn . Một chữ “thoắt” đã cho thấy tính cách anh hùng của Từ, đó là sự thức dậy mau lẹ của con người anh hùng trong kẻ phi thường này. Từ sinh ra không phải để làm con người của một mái nhà, trái lại Từ sinh ra là thuộc về bốn phương. Ngang dọc bốn phương mới thực sự là sứ mạng, là cuộc sống của chàng. Từ “thoắt” diễn tả sự nhanh chóng khi quyết tâm tiếp tục sự nghiệp dang dở, diễn tả nhanh chóng sự thay đổi vị thế của Từ Hải từ chỗ là con người gia đình đến người anh hùng mang tráng chí bốn phương. “Trượng phu” cho thấy sự trân trọng hết mực của Nguyễn Du đối với Từ Hải, qua đó ta cũng thấy được phẩm chất cốt cách của con người phi thường này.
Chí khí anh hùng của Từ Hải được thể hiện ở hành động ra đi dứt khoát và mạnh mẽ:
Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong
Hình ảnh Từ Hải được khắc họa thật hoành tráng, đó là hình tượng người tráng sĩ. Từ Hải được tạo hình bằng những đường nét ngạo nghễ trên cái nền kì vĩ của không gian. Hình ảnh “thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong” diễn tả một phong thái ung dung của người “trượng phu” trên con đường gây dựng sự nghiệp ấy. Hành động quyết đoán, mạnh mẽ, quyết chí ra đi không lưu luyến, bịn rịn đã cho ta thấy được khí phách của bậc đại trượng phu hào kiệt.
Chí khí anh hùng ở Từ Hải còn được thể hiện trong lời thoại với Thúy Kiều. Trước quyết tâm ra đi của Từ Hải, Thúy Kiều vốn là tri kỉ của Từ Hải, hiểu được chí lớn của Từ nên nàng không ngăn cản mà chỉ muốn nói lên mong muốn của mình, mong muốn được thực hiện trọn vẹn đạo lễ tam tòng, muốn được đi theo để nâng khăn sửa túi, để gánh đỡ công việc cùng chồng:
Nàng rằng: “ Phận gái chữ tòng
Chàng đi thiếp cùng một lòng xin đi”
Ước nguyện của Thúy Kiều hoàn toàn chính đáng. Thế nhưng, trái với những mong mỏi của nàng, Từ ngay lập tức đáp lại:
Từ rằng: “Tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”
Mới nghe qua thì cứ nghĩ là một lời trách cứ nhưng đằng sau đó lại là lời động viên người tri kỉ của mình biết vượt lên những tình cảm thông thường để sánh cùng chí lớn của người anh hùng. Rồi Từ bộc bạch cái chí phi thường của mình, đó là chí của một người muốn dựng nghiệp bá vương:
“Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”
Với một quyết tâm, chí khí lớn lao, Từ Hải nói như hứa hẹn sẽ gây dựng được một cơ đồ to lớn, nắm chắc trong tay “mười vạn tinh binh” và chàng sẽ trở về để đón Kiều trong “tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp trời”. Lúc thành công quay trở lại cũng là lúc Từ Hải sẽ “rước nàng nghi gia”, đem lại địa vị và danh phận cho người mà chàng xem là tri âm tri kỉ. Những lời của Từ Hải vào khoảnh khắc tiễn biệt này càng làm rõ “chí khí anh hùng” của nhân vật này, thay vì những lời nói thể hiện sự bịn rịn, quyến luyến khi chia tay là những ước mơ, sự khẳng định nhất định sẽ thành công của chàng.
Từ viện lí do Thúy Kiều đi theo sẽ “càng thêm bận” nhưng sâu thẳm bên trong là sự lo lắng cho Kiều khi đi theo sẽ phải chịu cực khổ, nay đây mai đó “bốn bể không nhà”:
Bằng nay bốn bể không nhà
Theo càng thêm bận, biết là đi đâu
Vẻ đẹp lí tưởng của người anh hùng còn được thể hiện ở sự tự tin lập nên việc lớn. Chàng dám khẳng định chắc chắn thời gian mà mình sẽ quay về đó là khoảng thời gian một năm. Một năm – là khoảng thời gian dài cho những nhớ nhung xa cách nhưng đó là khoảng thời gian ngắn cho những chiến công hiển hách vang trời. Lời khẳng định đó cho thấy sự tự tin và bản lĩnh, khí phách của người anh hùng cái thế. Từ Hải khuyên Kiều ở nhà đợi chàng trở về trong sự chiến thắng vẻ vang, hiển hách:
Đành lòng chờ đó ít lâu
Chầy chăng là một năm sau vội gì.
Cách chia tay của Từ Hải rất khác biệt ở chỗ những lời chia tay được thay bằng những lời hứa vào một chiến thắng không xa, sự quyến luyến được thay bằng một quyết tâm vào tương lai.
Hai câu kết của đoạn trích lại trở về với lời của tác giả. Nguyễn Du mô tả Từ Hải ra đi với lời nói quả quyết , cử chỉ dứt khoát, dáng hình tựa như cánh chim cất mình bay thẳng vào muôn hình dặm khơi:
Quyết lời dứt áo ra đi
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi
Mở đầu với dáng điệu “Trông vời trời bể mênh mang“, kết thúc với “Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi “- tư thế hoành tráng mang chiều kích của vũ trụ. Từ Hải hiện ra như một tính cách phi thường, lồng lộng giữa càn khôn. Có thể nói đó là bút pháp lí tưởng hóa nhằm vẽ ra một con người lí tưởng để thực hiện giấc mơ anh hùng của ngòi bút Nguyễn Du.
Với đoạn trích “Chí khí anh hùng”, Nguyễn Du đã xây dựng được một hình tượng người anh hùng lí tưởng hoàn toàn mới. Có thể nói Nguyễn Du đã thực sự thành công khi xây dựng hình tượng nhân vật này chính bằng tài năng nghệ thuật thể hiện ở sự sáng tạo độc đáo và sự đam mê văn chương của mình.
Chủ đề:Cảm nhận về vẻ đẹp của hình tượng người anh hùng Từ Hải qua đoạn trích Chí khí anh hùng, Giới thiệu nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều, Hình tượng nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng tượng trưng cho điều gì, Lý tưởng của người anh hùng Từ Hải có gần gũi với cuộc sống ngày nay không, Mở bài Chí khí anh hùng, Qua đoạn trích Chí khí anh hùng Từ Hải hiện lên như thế nào, Quan niệm về người anh hùng của Nguyễn Du qua nhân vật Từ Hải, Từ Hải trong Truyện Kiều