[Tài liệu văn 10] Phân tích 12 câu đầu đoạn trích “Trao duyên”
Đề bài : Cảm nhận của em về tâm trạng của nàng Kiều trong 12 câu đầu đoạn trích “Trao duyên”.
I/ Mở bài
Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, nhà nhà nhân đạo chủ nghĩa với tình yêu thương sâu sắc dành cho con người đặc biệt là những người phụ nữ chịu nhiều bất hạnh. “Truyện Kiều” là tập đại thành của ông và cũng là của nền văn học dân tộc. Tác phẩm đã thể hiện niềm cảm thương sâu sắc của nhà thơ dành cho nàng Kiều – người con gái tài sắc mà bất hạnh. Đặc biệt, đoạn trích “Trao duyên” mở đầu cho mười lăm năm đoạn trường của nàng Kiều đã gợi lên những rung động sâu xa trong lòng người đọc. Và mười hai câu đầu của đoạn trích chính là lời Kiều nhờ cậy, thuyết phục Thúy Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng:
Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em
Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai?
Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ, thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.
II/ THÂN BÀI
1/ Khái quát
Mối tình Kim – Kiều vừa chớm nở thì gia đình Thúy Kiều gặp cơn gia biến, cha và em bị bắt giam, bị đánh đập, tài sản gia đình bị sai nha vơ vét “sạch sành sanh”. Kiều buộc phải bán mình chuộc cha, hi sinh tình yêu với Kim Trọng. Vào đêm trước ngày theo Mã Giam Sinh lên đường, Kiều đã thức suốt đêm khóc thương cho số phận và nghĩ về lời hẹn ước với chàng Kim. Kiều nhờ Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng.
2/ Phân tích đoạn trích
Hai câu đầu đoạn trích là lời Kiều nhờ cậy Vân trong chua xót, trong nghịch cảnh:
Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Sức nặng của lời nhờ cậy nằm ở các từ “cậy”, “chịu”, “lạy”, “thưa”. Tại sao không phải là “nhờ” mà lại là “cậy”, không phải là “nhận” mà lại là “chịu”. Sự chọn lọc ngôn từ ấy cho thấy rất rõ sự tinh tế, thông minh của Thúy Kiều. “Cậy” cũng có nghĩa là “nhờ” nhưng trong từ “cậy” còn hàm chứa sự trông mong, tin tưởng được tựa nương. “Chịu” cũng có nghĩa là “nhận” nhưng đó không phải là sự nhận lời một cách tự nguyện và thoải mái mà còn hàm chứa ý nghĩa bắt buộc phải nhận lời, không thể không nhận. Ngôn ngữ trong lời nói của Kiều hết sức khéo léo, chân thành khiến Vân khó có thể chối từ.
Cùng với các từ ngữ có phần khác lạ, Kiều còn có hành động bất ngờ, trái với tự nhiên: lạy, thưa. Kiều là chị, vậy mà lại “lạy”, “thưa” với em, đó là điều bất bình thường, đi ngược với lễ giáo phong kiến. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh của Kiều lúc này thì sự bất bình thường ấy lại trở nên bình thường và rất hợp lí bởi Kiều đang “lạy”, “thưa” với người sẽ giúp đỡ mình, ban ơn cho mình. Kiều hiểu câu chuyện mình nói ra là rất hệ trọng, hiểu những thiệt thòi của em cho nên Kiều đang đứng ở vị thế của kẻ chịu ơn trước người ban ơn. Cách cư xử của Kiều cho thấy nàng rất khéo léo và thấu tình đạt lí.
Sau phần mở lời khác thường hé mở một câu chuyện hệ trọng sắp được nói ra, Kiều đã thật nhanh, thật rõ ngọn ngành để Vân hiểu, thông cảm mà nhận lời:
Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em
Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai?
Thành ngữ “đứt gánh tương tư” đã nhấn mạnh nỗi đau tình yêu dang dở , mối tình đẹp với chàng Kim vừa mới chớm nở đã vội chia tan. Kiều nhờ em hãy kết duyên với Kim Trọng, hãy chắp môi tơ duyên còn dang dở của mình. Keo loan là loại keo được chế từ huyết của chim loan để gắn kết các vật . Kiều mong Vân hãy thứ “keo loan” để gắn lại chuyện tình dang dở của Kim Kiều. “Mặc em” là mặc kệ em, tùy em định liệu, cách nói mang hàm ý ép buộc, em không thể chối từ lời khẩn cầu của chị.
Nàng kể vắn tắt mối tình với chàng Kim. Điệp từ “khi” và các từ chỉ thời gian “ngày”, “đêm” đã gợi nhắc những kỉ niệm tươi đẹp, nhấn mạnh mối duyên tình sâu đậm với chàng Kim. Từ đó khắc sâu nỗi đau khổ, xót xa trong tâm trạng của Kiều. Nàng đau đớn bởi tình yêu tan vỡ đồng thời cũng xót xa cho số phận trớ trêu của chính mình: cơn gia biến bất ngờ, biến cố đột ngột của gia đình đã đẩy nàng buộc phải lựa chọn bên tình bên hiếu. Lựa chọn chữ “hiếu” là lựa chọn của lí trí cho nên rất dễ dàng và mau lẹ còn chữ “tình” là lựa chọn của trái tim cho nên đâu dễ nguôi ngoai, dứt bỏ.
Rồi Kiều thuyết phục em, mong em thấu hiểu, cảm thông và nhận lời thỉnh cầu ngang trái:
Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ, thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.
Lí do thứ nhất Kiều đưa ra để mong em chấp thuận lời nhờ cậy đó là tình máu mủ, tình chị em ruột thịt. “Ngày xuân em hãy còn dài” , em còn tuổi xuân, còn tương lai rộng mở với bao điều hứa hẹn nhưng xin em hãy vì chị, vì tình chị em mà giúp chị. Lời khẩn cầu tha thiết của Kiều cho thấy Kiều rất hiểu những thiệt thòi của em, hiểu nỗi khó xử mà em đang phải đón nhận. Và hơn thế nữa, Kiều còn viện dẫn tới cả cái chết để mong em hiểu mà không thoái thác. Nếu em đồng ý giúp chị, đồng ý thay chị “thay lời nước non” với chàng Kim thì cho dù phải chết chị cũng vui lòng, mãn nguyện. Lời của Kiều giống như một lời ủy thác mà người nghe khó có thể chối từ. Và cũng có lẽ, khi nói ra những điều này, khi phải trao đi tình yêu thì Kiều xem như mình đã chết, đó là cái chết về tinh thần, sống mà như đã chết.
3/ Đánh giá
Với thể thơ lục bát giàu nhạc điệu, dễ dàng bày tỏ những cung bậc cảm xúc , kết hợp với nhiều biện pháp tu từ , sử dụng sáng tạo thành ngữ dân gian, ngôn ngữ bình dân và ngôn ngữ bác học đan cài , Nguyễn Du đã khắc họa rõ nét tâm trạng dằn vặt, đau đớn của nàng Kiều khi phải hi sinh chữ tình để làm tròn chữ hiếu . Qua đó, ta thấy được tình yêu thương , sự cảm thông sâu sắc của Nguyễn Du dành cho nhân vật của mình.
III/ Kết bài
Đoạn thơ đã cho ta thấy vẻ đẹp nhân cách của Thúy Kiều thể hiện qua nỗi đau đớn khi duyên tình tan vỡ và sự hi sinh đến quên mình vì hạnh phúc của người thân. Đoạn trích cũng như toàn bộ tác phẩm đã đem đến cho ta cái nhìn chân thực về thời đại của tác giả, về số phận của con người để từ đó ta thấy được giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của Truyện Kiều – một trong những yếu tố làm nên thành công của Truyện Kiều và khiến Truyện Kiều sống mãi với thời gian.