[Tài liệu văn 10] Cảm nhận tâm trạng nàng Kiều trong 14 câu giữa của đoạn trích “Trao duyên”
Đề bài : Cảm nhận tâm trạng nàng Kiều trong 14 câu giữa của đoạn trích “Trao duyên”
Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ, vật này của chung.
Dù em nên vợ nên chồng,
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.
Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.
Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy, so tơ phím nàv.
Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai
Dạ đài khuất mặt cách lời
Rưới xin chén nước cho người thác oan”.
I/ Mở bài
Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, nhà nhà nhân đạo chủ nghĩa với tình yêu thương sâu sắc dành cho con người đặc biệt là những người phụ nữ chịu nhiều bất hạnh. “Truyện Kiều” là tập đại thành của ông và cũng là của nền văn học dân tộc. Tác phẩm đã thể hiện niềm cảm thương sâu sắc của nhà thơ dành cho nàng Kiều – người con gái tài sắc mà bất hạnh. Đoạn trích “Trao duyên” trong Truyện Kiều là đoạn trích mở đầu cho mười lăm năm lưu li oan khổ của nàng Kiều, thể hiện bi kịch tình yêu tan vỡ. Sau lời nhờ cậy Thúy Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng, 14 câu tiếp theo của đoạn trích là tâm trạng đau đớn của Kiều khi trao kỉ vật cho em và dặn dò em chuyện mai sau.
II/ Thân bài
1/ Khái quát
Mối tình Kim – Kiều vừa chớm nở thì gia đình Thúy Kiều gặp cơn gia biến, cha và em bị bắt giam, bị đánh đập, tài sản gia đình bị sai nha vơ vét “sạch sành sanh”. Kiều buộc phải bán mình chuộc cha, hi sinh tình yêu với Kim Trọng. Vào đêm trước ngày theo Mã Giam Sinh lên đường, Kiều đã thức suốt đêm khóc thương cho số phận và nghĩ về lời hẹn ước với chàng Kim. Kiều nhờ Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng.
2/ Phân tích đoạn thơ
Sau khi đưa ra những lí do để thuyết phục Thúy Vân, Kiều trao cho Vân những kỉ vật thiêng liêng của mối tình giữa mình với Kim Trọng:
Chiếc thoa với bức tờ mây,
Duyên này thì giữ, vật này của chung.
Dù em nên vợ nên chồng,
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.
Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa”.
Thúy Kiều từ từ trao lại những kỉ vật tình yêu : chiếc vành, bức tờ mây, phím đàn và mảnh hương nguyền cho Thúy Vân. Kiều đưa cùng một lúc nhưng là đưa từng món một, mỗi món gắn liền với một kỉ niệm, mang ý nghĩa của một mối tình nồng nàn, sâu đậm. Ta hình dung như Kiều vừa trao, vừa ngập ngừng ngắm lại từng kỉ vật, nhớ lại từng kỉ niệm với nỗi xót xa, tiếc nuối.
Trao kỉ vật cho em, ở Kiều có sự mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm. Lí trí thì mong muốn trao kỉ vật, trao duyên cho em, mong em sẽ thay mình nối duyên với Kim Trọng nhưng tình cảm thì lại muốn sống cùng với kỉ vật, duyên thì em giữ lấy nhưng kỉ vật sẽ là đồng sở hữu chung của ba người. Điều đó có nghĩa là Kiều vẫn mong muốn được sống cùng với kỉ vật, sống trong tình yêu của Kim Trọng. Nàng vừa mong muốn Thúy Vân và Kim Trọng có cuộc sống vợ chồng êm đềm nhưng lại mong muốn họ không bao giờ quên mình “Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.” Nguyễn Du ở đây đã thể hiện sự thấu tỏ và đồng cảm, chia sẻ, cảm thông sâu sắc với nỗi niềm của nàng Kiều.
Sau khi trao kỉ vật, Kiều đã dặn dò em chuyện mai sau:
“Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy, so tơ phím nàv.
Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai
Dạ đài khuất mặt cách lời
Rưới xin chén nước cho người thác oan”.
Lời Kiều nói với Vân cũng trở nên huyền hồ như từ cõi âm vọng lại. Nàng nhìn về tương lai (Mai sau) và tưởng tượng ra cảnh Kim Trọng và Thúy Vân hạnh phúc bên nhau (Đốt lò hương ấy, so tơ phím này) còn nàng thì đã chết. Nàng dặn dò em mai này nếu thấy ngọn gió hiu hiu trên lá cây, ngọn cỏ thì đó chính là linh hồn của nàng hiện về để chung hưởng hạnh phúc cùng em. “Bồ liễu”là hình ảnh tượng trưng cho người phụ nữ yếu đuối, “nát thân bồ liễu” ý chỉ cái chết đau đớn cả về thể xác lẫn linh hồn. Và cho dù có phải chết đau đớn thì dưới tuyền đài, mối tình thanh mai trúc mã vẫn còn chưa tan. Hồn Kiều vì còn nặng lời thề và chết oan nên không thể siêu thoát, vẫn vương vấn ở chốn trần gian. Nàng cầu mong, dẫu có âm dương cách trở “cách mặt khuất lời” thì vẫn mong có sự đồng cảm, xót thương của em và Kim Trọng và hãy rưới xin cho nàng chén nước để linh hồn của nàng được an ủi. Nỗi đau thương, giằng xé trong lòng Kiều thật khiến người ta phải xót xa, thương cảm.
3/ Đánh giá
Dưới ngòi bút tài hoa, sắc sảo của Nguyễn Du, những giằng xé trong nội tâm của nàng Kiều được thể hiện thật rõ nét. Qua đó, người đọc thấy được ở nàng sự nhảy cảm, tấm lòng vị tha và giàu tình yêu thương. Nghệ thuật miêu tả nội tâm tài tình với những lời độc thoại, đối thoại , nỗi đau và vẻ đẹp tâm hồn của nàng Kiều được thể hiện thật tinh tế, sinh động.
III/ Kết bài
Đoạn thơ đã cho ta thấy vẻ đẹp nhân cách của Thúy Kiều thể hiện qua nỗi đau đớn khi duyên tình tan vỡ và sự hi sinh đến quên mình vì hạnh phúc của người thân. Đoạn trích cũng như toàn bộ tác phẩm đã đem đến cho ta cái nhìn chân thực về thời đại của tác giả, về số phận của con người để từ đó ta thấy được giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của Truyện Kiều – một trong những yếu tố làm nên thành công của Truyện Kiều và khiến Truyện Kiều sống mãi với thời gian.
Chủ đề:Cảm nhận 14 câu đầu đoạn trích Trao duyên, Cảm nhận 14 câu giữa bài Trao duyên, Chiếc vành với bức tờ mây đọc hiểu, chiếc vành với bức tờ mây'' là gì, Dàn ý 8 câu cuối Trao duyên, Duyên này thì giữ vật này của chung là gì, Từ cảm nhận câu thơ từ 13 đến 18 trong đoạn trích Trao duyên Chiếc vành ngày xưa, Từ Dạ đài trong câu Dạ đài cách mặt khuất lời trích trong đoạn trích Trao duyên là từ chỉ