[Tài liệu vă 12] Phân tích hình tượng nhân vật Tnú trong truyện “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành
Tây Nguyên – núi rừng hùng vĩ, bí ẩn với những cánh chim Ling, chim Chơ Rao rực rỡ sắc màu, với những âm thanh trầm hùng của đàn tơ rưng, tiếng cồng chiêng của mùa lễ hội… Với Nguyễn Trung Thành đất và người Tây Nguyên đã mang đến cho ông không ít thành công. Trước hết là giải nhất văn học Việt Nam 1954-1955 với tiểu thuyết Đất nước đứng lên viết về buôn làng Công Hoa với người anh hùng Núp trong kháng chiến chống Pháp. Một lần nữa Nguyễn Trung Thành lại bước lên đài vinh quang với truyện ngắn Rừng xà nu để nhận giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu 1965. Tác phẩm viết về câu chuyện buôn làng Xô man đánh Mỹ trong đó nổi bật nhất là nhân vật Tnú – người kết tinh mọi đau thương, khát vọng và sức mạnh của cộng đồng.
Rừng Xà Nu ra đời năm 1965 khi đế quốc Mỹ bắt đầu ồ ạt vào miền Nam nước ta. Câu chuyện là lời kể về cuộc đời của Tnú. Truyện của một đời một người kể trong vòng một đêm và trở thành lịch sử của một dân tộc. Cuộc đời Tnú chính là cuộc đời của dân làng Xô Man từ đau thương vùng lên đấu tranh và trưởng thành. Nguyễn Trung Thành đã xây dựng thành công nhân vật Tnú giống như biểu tượng cho Tây Nguyên anh dũng trong chiến đấu cách mạng để trả món nợ cho dân tộc.
- Cuộc đời, tính cách, số phận của Tnú trước khi làng Xô Man nổi dậy.
a. Khi Tnú còn nhỏ.
Lúc còn nhỏ Tnú là một đứa trẻ mồ côi lớn lên trong sự đùm bọc cưu mang của dân làng. Cụ Mết bảo “đời nó khổ nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta”. Tnú chính là đứa con của Xô Man, của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Có lẽ vì vậy mà Tnú tiêu biểu cho phẩm chất của dân làng Xô Man và người Tây Nguyên anh dũng. Khác với A Phủ của Tô Hoài, Tnú được giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Ngay từ nhỏ anh Quyết đã dạy Tnú và Mai trở thành những cán bộ cách mạng giỏi. Không phụ lòng mong mỏi của anh Quyết, Tnú đã hội tụ và sớm bộc lộ những phẩm chất của một anh hùng, của một người cán bộ cách mạng trong tương lai.
Tuổi thơ Tnú gắn bó với buôn làng Xô Man nên có đi xa nơi đây, làm cách mạng mấy năm nhưng khi trở về Tnú vẫn cảm nhận rất rõ tình yêu với mảnh đất chôn rau cắt rốn. Tnú là người yêu thương, gắn bó, là đứa con của buôn làng Xô Man. Khi đi bộ đội về thăm làng một đêm, Tnú “xúc động để cho vòi nước của làng mình giội lên khắp người như ngày trước” . Đó là tình yêu máu thịt với mảnh đất quê hương của một con người đầy tình nghĩa.
b. Khi tham gia hoạt động cách mạng.
- Nhận trọng trách lớn lao và nguy hiểm.
Nhân dân Tây Nguyên anh dũng, kiên cường trong kháng chiến. Ngày cán bộ Đảng về đóng chốt ở buôn làng Xô Man, dân làng đã thay nhau nuôi giấu cán bộ. Cũng đã có những người bị chúng bắt và giết để hòng lung lay ý chí của nhân dân. Bà Nhan bị chúng chặt đầu, cột tóc treo trên đầu súng, anh Sút bị treo cổ lên cây vả đầu làng. Phong trào nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng của dân làng không vì thế mà bị nhấn chìm, mà còn bùng lên mạnh mẽ hơn. Cả lòng một lòng với Đảng, bảo vệ chở che cán bộ nhưng trong số đó, hăng hái nhất là Mai và Tnú. Lúc ấy, bọn giặc khủng bố rất gắt gao, dân làng không thể đi được mà lại càng không thể để cán bộ đói và bị bắt. Tnú và Mai dù còn rất nhỏ nhưng không sợ mà đã xung phong đi tiếp tế và liên lạc với những cán bộ trong rừng. Nếu không gan góc quả cảm thì thì sao dám nhận trọng trách ấy. Hai đứa trẻ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Khi đi làm liên lạc Tnú đã xé rừng mà đi, khi khắp các ngả đường đều bị giặc bao vây. Tnú không chọn đường mòn, không chọn quãng nước êm mà chọn con đường gai góc, chọn quãng nước chảy xiết và lọt qua tất cả vòng vây của giặc. Tnú nghĩ rằng đi chỗ nước êm thằng giặc Mĩ – Diệm hay phục, chỗ nước mạnh nó không ngờ. Đó không chỉ là sự gan dạ, lòng yêu cán bộ mà còn là sự thông minh của cậu bé liên lạc nhỏ này. Tnú yêu thương cán bộ vượt qua súng đạn để tiếp tế thậm chí còn ngủ trong rừng cùng cán bộ vì sợ để cán bộ một mình “nhỡ giặc bắt thì làm sao”.
Còn nhỏ mà Tnú đã gan góc lạ thường và có ý chí sắt đá. Một lần chẳng may bị giặc bắt trong khi đi liên lạc cho anh Quyết lên huyện, cái thư cuộn trong lá dong ngậm ở miệng định vượt sông, vượt thác thì bị giặc bắt. Khi họng súng lạnh ngắt chĩa vào tai, Tnú sẵn sàng nuốt ngay bức thư vào bụng để giữ an toàn cho cán bộ. Khi giặc hỏi cộng sản ở đâu Tnú nhất định không khai nó đặt tay lên bụng mà dõng dạc trả lời “cộng sản ở đây này”, sau câu trả lời ấy người Tnú lại ngang dọc vết dao chém, thậm chí là có thể đối mặt với cái chết nhưng Tnú đâu có sợ bởi:
Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
Là gươm kề cổ, súng kề tai
Là thân sống coi như còn một nửa
(Tố Hữu)
Để làm được điều đó con người cần có phẩm chất của người anh hùng. Và thêm vào đó là cả lòng kiên trung cách mạng. Gan góc, quả cảm, mưu trí là vậy nhưng Tnú lại học chữ rất chậm: học chữ o thì quên chữ a. Bởi ý chí cách mạng nên Tnú giận bản thân mình lắm, đập bể cái bảng và bỏ ra bờ suối cả ngày lấy đá đập đầu cho máu chảy ròng ròng để phạt mình. Tnú không chịu thua kém Mai, và điều quan trọng là Tnú cần phải học chữ để làm cách mạng. Tnú quyết tâm học chữ cho được bởi anh Quyết nói: “Phải học giỏi mới làm được cán bộ giỏi”. Và Tnú đã vượt qua kẻ thù là chính mình và học thuộc con chữ để làm cách mạng. Có thể nói những phẩm chất của Tnú đã báo trước cho chúng ta sẽ có một cán bộ cách mạng trung kiên, bất khuất.
- Sau khi Tnú bị bắt.
Ba năm sống trong ngục tù của bọn Mĩ – Diệm, Tnú vượt ngục trở về làng, anh trưởng thành như một cây xà nu cường tráng “bộ ngực rộng hai cánh tay chắc như lim”. Trưởng thành trong tù ngục là một thử thách của người chiến sĩ cách mạng, nhà tù thực dân phát xít như chuồng cọp, nó như cỗ máy xay thịt. Nên những người sống sót mà trốn thoát hay còn sống mà đợi đến khi được trả tự do không khác nào thứ vàng mười đã qua thử lửa. Tnú cũng vậy, anh giác ngộ cách mạng từ rất sớm nên kiên cường, bất khuất. Chí Phèo vào nhà tù thực dân nó đã bị hủy hoại nhân hình, nhân tính. Còn Tnú sau ba năm trong tù ngục anh trưởng thành và mang vẻ đẹp của con người đã quen cái nắng, cái gió trên mảnh đất Tây Nguyên. Trở thành một cán bộ cách mạng trung kiên, Tnú thay anh Quyết lãnh đạo dân làng Xô man đánh giặc. Tnú lấy Mai cô bé học chữ hơn anh thuở nào. Hạnh phúc trọn vẹn khi đứa con ra đời giống anh đến lạ lùng. Đó là đoạn đời hạnh phúc, đẹp đẽ nhất nhưng cũng bi thương nhất của Tnú.
2. Tnú trong cuộc nổi dậy
a. Diễn biến tâm trạng Tnú khi chứng kiến cảnh vợ con bị tra tấn.
Cách mạng cho Tnú thấy rõ con đường để đi, cuộc đời cho Tnú một gia đình hạnh phúc với tình yêu của Mai và đứa con mới chào đời. Nhưng quãng thời gian hạnh phúc ấy thật ngắn ngủi, giặc đã cầm súng kéo về khi buôn làng còn chưa kịp cầm vũ khí. Nghe tin Tnú trở về lãnh đạo dân làng Xô man chuẩn bị khởi nghĩa, kẻ thù rất gườm anh. Chúng khiếp sợ và gọi chàng là con cọp bao lần phục kích mà chúng không bắt được. Chúng kiên quyết phải bắt được Tnú thì mới có thể dập tắt được phong trào cách mạng ở nơi đây. Mặc dù rất yêu thương vợ con nhưng cũng như bao người dân Việt Nam trong kháng chiến, Tnú phải gạt tình riêng để làm cách mạng. Tnú suốt ngày ở trong rừng cùng bọn trai làng mài gươm giáo để đánh giặc. Mai ở nhà nuôi con. Khi giặc bao vây, không cho ai ra khỏi làng để tiếp tế lương thực nuôi đám thanh niên và cụ Mết trong rừng, chỉ còn mỗi con Dít là nhanh nhẹn hơn cả, qua được vòng vây của giặc và mang cơm cho thanh niên. Chúng bắt Dít như một con tin để dụ Tnú ra. Chúng bắt con bé đứng giữa sân, lên đạn tôm xông rồi bắn từng viên một, không trúng người mà chỉ sượt qua tai, sém tóc, cày quanh chân. Nhưng con bé gan dạ quá chúng không làm gì được. Cách cuối cùng và cũng là hèn hạ nhất – bọn chúng lập kế hoạch bắt cọp cái, cọp con để dụ con cọp đực trở về. Thế rồi chúng bắt mẹ con Mai tra tấn dã man, dần dần cho đến chết. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả miêu tả rất chi tiết cảnh mẹ con Mai bị giặc tra tấn. Còn sự đớn đau nào hơn khi tận mắt chứng kiến cảnh những người thân yêu nhất của mình bị đẩy dồn đến cái chết. Tnú đang bị đặt vào trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Đặc biệt Tnú đã đi qua hàng loạt các tâm trạng và suy nghĩ nóng bỏng của một người đang lực bất tòng tâm khi chứng kiến nỗi đau tột cùng. Nguyễn Trung Thành đã thể hiện tài năng phân tích tâm lí nhân vật hết sức tinh tế và sắc sảo thông qua diễn biến tâm trạng Tnú khi chứng kiến cảnh mẹ con Mai bị bị hành hạ đến chết. Đứng sau gốc cây vả chứng kiến cảnh vợ con bị tra tấn lòng căm thù trong con người anh sục sôi nóng bỏng. Lúc đầu hai tay Tnú bíu chặt lấy gốc cây khi nhìn bọn giặc dắt mẹ con Mai ra sân. Khi nghe tiếng cây gậy sắt nện xuống hừ hự, ngày một nhiều, tiếng khóc ré lên của đứa con thì Tnú đã bỏ gốc cây của anh…anh đã bứt hàng chục trái vả mà không hay. Anh chồm dậy. Để khi căm hờn và đau thương hòa quyện và dâng cao thì hai con mắt anh như hai ngọn lửa lớn – ngọn lửa của nỗi đau, sự yêu thương và căm hờn đang cháy sục sôi trong đáy mắt, trong con tim của Tnú. Mặc cho sự ngăn cản của cụ Mết, Tnú xông lên cứu mẹ con Mai nhưng đôi bàn tay ấy không cứu được vợ, mẹ con Mai đã chết, bản thân Tnú thì bị bắt và tra tấn dã man. Cảnh tượng về cái chết đau thương trong đêm ấy cứ trở đi trở lại trong lời kể của già làng và dòng hồi ức đau đớn của anh. Không những không cứu được vợ con, Tnú còn bị kẻ thù đốt cháy mười đầu ngón tay “Mỗi ngón chỉ còn hai đốt….không mọc lại được”. Nỗi đau thương này là minh chứng hùng hồn cho câu nói vừa giản dị vừa sâu sắc của cụ Mết: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”.
b. Sự thất bại của Tnú khi nổi dạy đấu tranh đơn lẻ.
Trong đêm bị giặc bắt Tnú không chỉ mất mười đầu ngón tay, không chỉ bị hành hạ nỗi đau thể xác mà anh còn vĩnh viễn mất mẹ con Mai. Nỗi đau tinh thần không thể liền sẹo. Sức chịu đựng vì đau đớn, lòng căm thù sục sôi vì mất vợ con tất cả được dồn nén trong một tiếng thét lớn. Tiếng thét của Tnú vang vọng thành nhiều tiếng thét dữ dội hơn giục giã buôn làng Xô Man đứng lên quật khởi. Đêm đau thương của Tnú cũng là đêm “rừng Xô man ào ào rung động”. Có thể nói ngọn lửa căm thù từ đôi tay Tnú đã châm ngòi cho cuộc nổi dậy của dân làng. Cuộc đời Tnú cũng là những trang sử của buôn làng Xô Man từ đau thương mất mát họ đã vùng lên chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Khi họ nhận ra chân lý thì cũng là lúc họ nhận thức được trách nhiệm của mình đối với sự tồn vong của quê hương đất nước.
Chỉ một tiếng thét của Tnú khi đã dội lên liền kéo theo tiếng thét ồ ồ của cụ Mết: Chém! Chém hết! Để rồi một cuộc cách mạng đã nổ ra. Tiếng chân người đạp trên sàn nhà ưng ào ào. Bọn lính kêu lên thất thanh. Đầu tiên là cụ Mết. Cụ đứng đấy với cây mác dài trong tay. Bàn tay của người già làng ấy đã hạ gục thằng Dục. Rồi các thanh niên, tất cả các thanh niên trong làng, mỗi người một cây rựa sáng loáng, những cây rựa được mài bằng đá núi Ngọc Linh mà Tnú mang về. Mười tên giặc đã bị giết hết bằng giáo mác mà chính bàn tay dân làng Xô Man và Tnú đã làm ra. Và với ánh lửa xà nu đang cháy ngùn ngụt giữa nhà rông vẫn đỏ soi xác kẻ thù cùng với tiếng chiêng đã tạo nên màu sắc Tây Nguyên cho đêm đồng khởi – đêm ấy cả rừng xà nu ào ào rung chuyển. Những hình ảnh, âm thanh và tình tiết đầy dồn lắng khiến cho thiên truyện đậm mầu sắc và khí vị của thiên sử thi anh hùng.
c. Tnú sau cuộc nổi dậy của buôn làng.
Sau cuộc nổi dậy giành thắng lợi, dân làng Xô Man hoạt động cách mạng hăng say hơn. Những thế hệ trẻ lớn lên lại tiếp tục sự nghiệp cách mạng của cha anh: Những Dít, những Heng lớn lên còn gan dạ và trưởng thành hơn thế hệ đi trước. Còn Tnú thì tham gia lực lượng để trực tiếp cầm súng chứ không còn đơn thuần làm hậu phương ở buôn làng như trước nữa. Bàn tay của Tnú đã hồi sinh và trả được món nợ máu, bàn tay bị cụt đốt đó đã bóp cổ đến chết thằng giặc cố thủ trong hầm. Khi xây dựng nhân vật Tnú, Nguyễn Trung Thành đã soi rọi qua nhiều góc nhìn khác nhau để thể hiện vẻ đẹp hoàn mĩ. Có lẽ sức hấp dẫn của nhân vật chính là nhờ những góc độ sinh động ấy.
Cuộc đời, số phận và con đường của Tnú đi mang ý nghĩa tiêu biểu như một quy luật tất yếu “đau thương – căm thù – quật khởi“. Cuộc đời bi tráng và con đường đến với cách mạng của Tnú là điển hình cho con đường sống và đến với cách mạng của người dân Tây Nguyên, góp phần làm sáng tỏ chân lí của thời đại, phải dùng bạo lực cách mạng để tiêu diệt bạo lực phản cách mạng, đấu tranh vũ trang là con đường tất yếu để tự giải phóng và cũng là con dường duy nhất.
3.Ý nghĩa hình ảnh bàn tay Tnú.
Kết tinh mọi vẻ đẹp của phẩm chất anh hùng Tnú chính là đôi bàn tay. Không phải ngẫu nhiên tác giả lại để cho Tnú kể với dân làng mình sự đối đầu của anh với kẻ thù sau này: “Tôi nói: này tao có súng đây, tao có cả dao găm đây nhưng tao không giết mày súng, tao không đâm mày bằng dao nghe chưa Dục. Tao giết mày bằng mười ngón tay cụt này thôi, tao bóp cổ mày thôi”. Nhà văn đã cố tình tô đậm hình ảnh đôi bàn tay Tnú – đôi bàn tay có cả một lịch sử, một số phận, đồng thời toát lên tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Đôi bàn tay tự lập, tự nuôi sống bản thân vì Tnú mồ côi từ bé. Đôi bàn tay ấy cũng có một cuộc đời: khi còn lành lặn đôi bàn tay ấy biết cầm phấn học chữ, biết cầm đá đập đầu cho máu chảy ròng ròng vì học chữ hay quên, đôi bàn tay từng dũng cảm chỉ vào bụng mình mà nói “cộng sản ở đây này”. Đôi bàn tay ấy từng cầm tay Mai hò hẹn, từng biết bứt hàng chục trái vả khi chứng kiến cảnh bọn chúng tra tấn mẹ con Mai. Đôi bàn tay biết gùi đá núi, biết mài dao rựa. Vợ con anh chết anh bị bắt đôi bàn tay ấy bị giặc đốt trong cái đêm buôn làng quật khởi. Sau đêm mất mát ấy Tnú lại ra đi, tham gia vào lực lượng vũ trang và mang theo đôi bàn tay cụt đốt để chứng tích cho tội ác của giặc. Thời gian có thể làm lành và mờ đi những vết sẹo trên tay anh nhưng nỗi đau mất vợ con thì vẫn còn nguyên đó. Ngày trở về đôi bàn tay ấy lại cùng dân làng cầm giáo, cầm mác đứng lên giết giặc. Trong một cuộc chiến đấu chính bàn tay cụt đốt kia đã bóp chết tên chỉ huy đồn giặc cố thủ trong hầm. Đó cũng là đôi bàn tay tàn nhưng không phế, vẫn tiếp tục cầm súng đánh bại kẻ thù, đôi bàn tay hồi sinh. Đôi bàn tay xuyên suốt câu chuyện, gắn bó với cuộc đời, số phận và những chiến công của Tnú. Chính vì thế mà cụ Mết phải nhắc đi nhắc lại cho dân làng Xô Man nhìn và khắc ghi đôi bàn tay ấy như ghi lòng tạc dạ một trang sử hào hùng của buôn làng mà Tnú là nghười anh hùng đại diện đầy đủ nhất và tiêu biểu nhất. Có thể nói chi tiết đôi bàn tay Tnú được nhà văn xây dựng rất ấn tượng. Chỉ với hình ảnh đôi bàn tay ấy độc giả cũng phần nào hiểu được số phận tình cảm của Tnú – người con trung kiên của Xô Man anh hùng.
4, Mối quan hệ giữa Tnú và rừng xà nu.
Trong tác phẩm, Nguyễn Trung Thành đã xây dựng đồng hành cả hình ảnh cây rừng xà nu và hình ảnh Tnú. Tnú và cây xà nu gắn bó khăng khít với nhau, bổ sung cho nhau. Rừng xà nu chỉ giữ được màu xanh bất diệt khi có những con người biết hi sinh như Tnú. Tnú sinh ra và trưởng thành bên cánh rừng xà nu bạt ngàn. Anh là cây xà nu trưởng thành của buôn làng Xô Man, được rừng xà nu che chở, lớn lên trong tấm ngực lớn của người mẹ xà nu. Tnú cầm súng bảo vệ làng Xô Man và giữ cho rừng xà nu xanh tít tận chân trời. Sẽ không còn hình ảnh Tnú hay rừng xà nu nếu như một trong hai bị hủy diệt. Điều đó hơn một mối quan hệ bình thường, nó là quan hệ sống còn, máu thịt.
5.Nghệ thuật xây dựng nhân vật.
Nhà văn khắc hoạ nhân vật bằng chính diễn biến những sự việc trong cuộc đời Tnú làm nổi bật tính cách với nỗi đau và bi kịch cá nhân, bằng ngôn ngữ và hành động mang đậm màu sắc Tây Nguyên. Tnú được xây dựng bằng bút pháp sử thi bi tráng, anh trở thành người anh hùng của núi rừng Tây Nguyên. Nghệ thuật xây dựng nhân vật kết hợp giữa tả thực và biểu tượng. Tnú gắn với một biểu tượng về sức sống bất diệt của Tây Nguyên là cây xà nu. Đôi bàn tay Tnú là biểu tượng độc đáo cho cuộc đời và số phận của nhân vật. Không khí kể chuyện như một cuộc kể khan của già làng. Lối viết hiện đại pha trộn nhiều yếu tố sử thi dân gian làm cho Tnú, một nhân vật của thời kháng chiến chống Mĩ lại phảng phất hình bóng của người anh hùng trong sử thi cổ đại.
Xây dựng thành công nhân vật Tnú, nhà văn đã khắc hoạ được hình ảnh tiêu biểu của con người mang đậm dòng máu, tính cách của núi rừng Tây Nguyên. Qua hình tượng Tnú, Nguyễn Trung Thành còn tái hiện số phận và phẩm chất của cả cộng đồng trong cuộc chiến đấu bảo vệ buôn làng thân yêu. Đó là tình cảm gắn bó thiết tha sâu nặng với quê hương đất nước, với núi rừng và con người nơi đây, căm thù giặc sâu sắc, một lòng một dạ đi theo cách mạng, không ngại khó khăn, gian khổ, hi sinh, tin tưởng tuyệt đối vào sự thắng lợi của cách mạng. Có thể nói qua thiên truyện ngắn xuất sắc này của Nguyễn Trung Thành, người đọc càng thêm hiểu và thêm trân trọng con người Tây Nguyên với biết bao phẩm chất đẹp đẽ và cao quý.
Chủ đề:cảm nhận về nhân vật tnú trong đoạn trích, Dàn ý hình tượng nhân vật Tnú, Hình tượng cây xà nu và nhân vật Tnú, Hình tượng nhân vật Tnú ngắn gọn, Hình tượng nhân vật Tnú Soạn, Nhân vật Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu xuất hiện qua lời kể của ai, Tóm tắt nhân vật Tnú, Vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Tnú