[Ngữ văn 11] Phân tích nhân vật Bá Kiến trong “Chí Phèo” của Nam Cao
Đề bài : Phân tích nhân vật Bá Kiến trong “Chí Phèo” của Nam Cao.
I/ MỞ BÀI
Trải qua những thăng trầm trong cuộc đời và sự nghiệp, ông quan niệm văn chương “phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi; ca tụng tình yêu, bác ái, công bằng”. Đó là quan niệm “nghệ thuật vị nhân sinh”, gắn liền với hiện thực, không rời xa cuộc đời. Chính vì vậy mà các tác phẩm của Nam Cao đều đi sâu vào đời sống tinh thần của con người, khám phá những góc khuất bên trong mỗi số phận khác nhau.Trong truyện ngắn “Chí Phèo”, Nam Cao đã tái hiện lại hình ảnh thu nhỏ của nông thôn Việt Nam trước cách mạng qua bức tranh làng Vũ Đại. Bức tranh hiện thực ấy không chỉ khắc họa người nông dân hiền lành bị lưu manh, tha hóa mà còn nổi bật lên những con người thuộc tầng lớp thống trị tàn ác, tiêu biểu là nhân vật bá Kiến. Bên cạnh hai nhân vật Chí Phèo và thị Nở, nhân vật bá Kiến cũng để lại trong lòng bạn đọc những ấn tượng riêng biệt.
Là một nhà văn trung thành của chủ nghĩa hiện thực, Nam Cao không chỉ cho thấy số phận khốn khổ, bất hạnh của người nông dân trong xã hội thực dân nửa phong kiến mà con vạch trần bộ mặt của giai cấp thống trị. Bá Kiến chính là nhân vật điển hình cho sự độc ác, tàn bạo của bọn thống trị đương thời.
II/ THÂN BÀI
1/ Khái quát
– Nguyên mẫu:
Theo một số tài liệu, nhà văn Nam Cao đã xây dựng nhân vật Bá Kiến dựa trên một nguyên mẫu có thật ở làng Đại Hoàng quê ông. Người này có tên là Trần Duy Bính, còn được gọi là nghị Bính, xuất thân từ một gia đình quý tộc 6 đời làm lí trưởng. Ông Bính làm Chánh tổng rồi sau đó lên ông Nghị. Tuy nhiên nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm có nhiều điểm được hư cấu so với nhân vật nghị Bính ở ngoài đời.
– Bá Kiến thuộc loại nhân vật cường hào, ác bá:
Truyện ngắn Chí Phèo phản ánh hiện thực xã hội nông thôn Việt Nam 1930-1945. Truyện tập trung vào xung đột giai cấp giữa bọn địa chủ, cường hào với người nông dân, vạch trần mối quan hệ đối kháng từ bao đời chưa thể điều hòa giữa giai cấp thống trị áp bức, bóc lột và người dân nghèo khổ. Nếu nhân vật Chí Phèo là điển hình cho người nông dân thì nhân vật Bá Kiến là điển hình cho bọn cường hào, ác bá. Đem so sánh nhân vật Bá Kiến trong “Chí Phèo” của Nam Cao với các nhân vật như nghị Lại trong “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan và nghị Quế trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố có thể nhận thấy nghị Lại và nghị Quế chỉ là bọn trọc phú hủ lậu, tham lam, bần tiện nhưng Bá Kiến thì không chỉ tham lam, bần tiện mà còn cáo già, lọc lõi, lắm mưu nhiều kế và đặc biệt nham hiểm.
– Bối cảnh xuất hiện:
Bối cảnh nhân vật Bá Kiến xuất hiện trong tác phẩm là bối cảnh xã hội làng Vũ Đại, một xã hội thu nhỏ của nông thôn Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Làng Vũ Đại được một thầy địa lý phán là có thế đất “quần ngư tranh thực”, nghĩa là đàn cá săn mồi, trong đó cá lớn thì nuốt cá bé. Cường hào trong làng thì chia năm bè bảy cánh như phe Bá Kiến, cánh đội Tảo, Tư Đạm, Bát Tùng… Ngoài mặt chúng tử tế với nhau nhưng bên trong ngấm ngầm muốn cho nhau ăn bùn, để đè đầu cưỡi cổ lẫn nhau. Mặt khác, chúng lại hợp với nhau để cùng bóc lột dân lành. Trong đàn cá tranh mồi ấy người ấy, Bá Kiến được đánh giá là con cá lớn nhất.
-
Lai lịch và ngoại hình
2.1. Lai lịch:
Có thể nói, cái trí xảo và gian tham của Bá Kiến cũng có dòng có dõi. Hắn xuất thân trong một gia đình đã từng bốn đời làm Lí trưởng. Cái xuất thân dòng dõi ấy, khiến Bá Kiến kế thừa mọi mánh khóe ở đời. Bằng đủ mọi mưu mô và thủ đoạn khôn khéo, hắn đã lần lượt leo lên đỉnh cao danh vọng. Từ tiên chỉ làng Vũ Đại hắn leo lên làm Bá hộ rồi Chánh hội kì hào, Huyện hào. Đến cả cái danh Bắc Kì nhân dân đại biểu hắn cũng chiếm lấy. Con trai hắn sau cũng làm lí trưởng. Bá Kiến khét tiếng đến cả trong hàng huyện. Đâu chỉ có dân lành mới sợ cái uy của cụ Bá, mà cả bọn lưu manh lẫn cường hào đối nghịch cũng dè chừng và kiêng nể.
2.2. Ngoại hình
Không như các nhà văn hiện thực phê phán khác khi miêu tả bọn quan lại, cường hào thường chú ý miêu tả ngoại hình của chúng, điển hình như nghị Quế của Ngô Tất Tố, huyện Hinh của Nguyễn Công Hoan. Nam Cao lại ít chú ý đến ngoại hình của nhân vật Bá Kiến. Ông chỉ phác thảo vài nét rất đơn giản như “Cụ cười nhạt nhưng giòn giã lắm”, tiếng quát rất sang và “cụ hay quát để thử dây thần kinh người khác”, hoặc cái cười như Tào Tháo… Tuy nhiên những nét ngoại hình ấy đã ít nhiều thể hiện bản chất, tâm địa của kẻ độc ác, xảo quyệt.
-
Bản chất gian hùng
3.1. Bản chất gian hùng của nhân vật bá Kiến được thể hiện ngay từ lần đầu xuất hiện
Nhà văn để cho Bá Kiến xuất hiện đầu tiên trước độc giả đúng lúc Chí Phèo say rượu, đến cổng nhà hắn để rạch mặt, kêu làng, ăn vạ. Cảnh tượng rất hỗn loạn huyên náo. Lí Cường hữu dũng vô mưu chỉ làm cho tình hình thêm căng thẳng. Đúng lúc Chí Phèo rạch mặt ăn vạ khiến Lí Cường tái mặt thì cụ Bá về. Vừa thấy Chí Phèo “nằm dài, không nhúc nhích lên khẽ như gần chết” “thoáng nhìn qua” Bá Kiến “đã hiểu cơ sự”, hắn nhanh chóng tìm ra được kế sách thích hợp nhất để ứng phó. Với sự từng trải, hắn biết rõ tác hại của đám đông này. Bá Kiến hiểu ngay rằng nếu để dân chúng chứng kiến hành động thô tục của Chí thì bố con hắn chỉ thêm mất mặt. Hắn cũng thừa biết tâm kế của thằng “đầu bò”, với nó đám đông kia chính là hậu thuẫn, kích thích để nó hung hăng hơn. Và cũng cần phải có ít nhiều thời gian để Chí Phèo giã rượu, đỡ táo tợn đi đã. Vả lại, trước đông người, Bá Kiến khó có thể hiện thành công mánh khóe mua chuộc, dụ dỗ. Muốn dụ dỗ, ắt phải nhún nhường. Đường đường là một cụ bá hét ra lửa mà để đám dân đen chứng kiến cảnh ngọt nhạt với một thằng cùng đinh, thì còn ra cái thể thống gì. Bởi vậy, việc đầu tiên, Bá Kiến tìm cách giải tán đám đông ngay đã, hắn “quát mấy bà vợ” và đuổi họ vào nhà. Chắc những người “tuôn đến xem” nghe tiếng quát “rất sang” này đủ hiểu cụ muốn đuổi khéo mình. Tiếp theo, “quay sang bọn người làng”, Bá Kiến dịu giọng hơn một chút “cả các ông, các bà nữa, về đi thôi chứ! Có gì mà xúm lại thế này?”. Đến đây, tất nhiên “không ai nói gì, người ta lảng dần đi “. Cho dù vừa tò mò, vừa hả hê; nhưng họ vẫn nể, vẫn sợ cụ Bá. Vả lại ngay vợ của cụ cũng phải vào nhà rồi… Đến khi “chỉ còn trơ lại Chí Phèo”, cụ bắt đầu giở giọng đường mật, gọi đầy tớ cũ của mình, nay như đã biến thành con vật gớm ghiếc bằng “anh”, vồn vã mời Chí “vào nhà uống nước”. Chưa đủ, cụ “tiên chỉ làng Vũ Đại” “khét tiếng trong hàng huyện” còn nhận có họ hàng với anh cùng đinh này “rồi giết gà mua rượu cho hắn uống, xong lại đãi thêm đồng bạc để về uống thuốc”… Chỉ cần Chí ngồi lên, Bá Kiến biết là mình đã thắng. Tuy vậy, cụ vẫn quát mắng lí Cường, sau khi đã “đưa mắt nháy còn một cái”. Với cách xử sự như trên, chứng tỏ cụ bá lõi đời đã đi guốc vào bụng dạ Chí Phèo lúc này: ưa phỉnh nịnh, hám cái lợi trước mắt… Rốt cuộc, Bá Kiến “khôn róc đời”, đạt được cả hai mục đích: vừa tạm dập tắt ngọn lửa hờn căm trong con người Chí, vừa chuẩn bị biến Chí thành tay sai lợi hại. Như vậy, qua một tình huống, cái xảo quyệt lọc lõi của tên cường hào này được thể hiện một cách sinh động.
3.2. Nham hiểm, thủ đoạn
Bá Kiến đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm làm quan qua bốn đời làm tổng lý, trở thành một kẻ già đời trong nghề đục khoét, bóc lột dân lành, một lão cáo già đểu giả đầy thủ đoạn. Nhà văn Nam Cao đã rất tài tình khi thâm nhập vào dòng nội tâm của Bá Kiến để hắn tự phơi bày bản chất thật của mình. Tất cả sự mưu mô, đểu giả, tàn bạo của Bá Kiến không chỉ thể hiện ở hành động, việc làm mà còn hiện lên rất rõ qua dòng nội tâm của hắn.
Đáng lẽ thân làm quan phụ mẫu người mang sứ mệnh chăm lo cho đời sống nhân dân thì Bá Kiến chỉ lo vơ vét tiền của, chèn ép dân đen. Để vơ vét được nhiều tiền của, lão đã vận dụng hết các ngón nghề điêu luyện, không trừ ngón nào. Với người nông dân hiền lành nhưng khốn khó, lão tha hồ bóp nặn trong những vụ thu thuế. Kinh nghiệm bóp nặn của cụ là bám vào thằng có tóc chứ không bám vào đứa trọc đầu, những thằng dễ bóp nặn là những thằng có máu mặt, vợ đẹp con đàn và khi bóp nặn chỉ bóp đến nửa chừng.
Bá Kiến là một kẻ khôn róc ở đời “Thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ hai sợ kẻ cố cùng liều thân”. Vậy nên, cụ biết “mềm nắn rắn buông”, xử nhũn với những thằng tứ cố vô thân, du côn, liều lĩnh không sợ chết. Cụ không dại gì mà đối đầu với chúng vì cụ nghĩ cũng phải có những thằng đầu bò để trị những thằng đầu bò. Trị không được thì cụ dùng, chúng trị lẫn nhau đứa nào chết cụ cũng có lợi. Điển hình là trường hợp Bá Kiến mua chuộc và lợi dụng Chí Phèo để Chí đi đòi nợ Đội Tảo, một tay vai vế trong làng, kẻ địch đối đầu với cụ. Cụ luôn dùng đúng, người đúng việc, bởi thế mà, không có cái nợ nào cụ không đòi được, không có kẻ thù nào mà cụ không làm cho điêu đứng, tán gia bại sản. Làng Vũ Đại được ví như mảnh đất “quần ngư tranh thực”, các phe cánh đối đầu nhau và cụ lấn át được những vây cánh khác bởi cụ biết “thu dụng những thằng bạt mạng không sợ chết và không sợ đi tù” vì chúng là “những thằng được việc”.
Cái nham hiểm ghê người của nhân vật này còn ở chỗ tìm cách làm cho lũ đàn em, hoặc đám dân làng sinh chuyện, tức là chém giết, đốt phá, kiện tụng lẫn nhau để hắn có dịp mà ăn. Chứ theo cụ ở cái làng có hai nghìn dân lại xa phủ xa tỉnh như làng Vũ Đại chỉ trông vào hai vụ thuế thì có bán cha đi cũng không đủ tiền để mua triện đồng.
3.3. Ném đá giấu tay, giả nhân giả nghĩa
Bá Kiến là con người vô cùng xảo quyệt, ném đá giấu tay, giả nhân giả nghĩa. Sự gian xảo của hắn được phơi bày trọn vẹn trong âm mưu hại người. Nếu ghét kẻ nào, lão ngám ngầm đẩy người ta xuống sông, đưa vào chốn tù tội hoặc khốn cùng. Nhưng rồi lão lại dắt tay họ lên để họ phải cảm ơn. Lão sẵn sàng dùng mọi cách để đòi được số tiền cần lấy, để rồi ném trả lại một ít với luận điệu thương hại giả dối vì thương kẻ bần hàn cùng túng quá. Hắn diễn kịch cứ như thật. Vì thế mà nhận cho ra bộ mặt thật của tên cáo già Bá Kiến không phải là điều dễ dàng.
3.4. Đểu cáng, tàn bạo
Bá Kiến là đại diện tiêu biểu nhất của giai cấp thống trị trong xã hội xưa. Bản chất bạo tàn, vô tình của Bá Kiến đã khiến bao người lâm vào cảnh cùng khổ. Cụ bá khét tiếng là một người hách dịch, nham hiểm và độc ác dùng nhiều thủ đoạn để buộc người khác phải cắm đất cắm nhà, xúi giục bọn lưu manh đến ức hiếp dân nghèo.
Hơn nữa, không chỉ gây ra những nỗi khổ về vật chất mà Bá Kiến còn chà đạp tinh thần, khiến cho những người lương thiện như: Năm Thọ, Binh Chức, Chí Phèo rơi vào bi kịch lưu manh hóa. Đặc biệt, Bá Kiến đã vận dụng triệt để những mưu mô, thủ đoạn khiến để biến Chí Phèo – một thanh niên chất phác, tự trọng và khỏe mạnh thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”, sẵn sàng theo lệnh hắn để đi đâm chém … rồi phải kết liễu cuộc đời mình một cách thảm khốc. Rõ ràng, bi kịch của Chí Phèo đã góp phần quan trọng hoàn thiện chân dung gian hùng của Bá Kiến.
-
Nhân cách bỉ ổi
4.1. Dâm ô, đồi bại
Bên cạnh việc khắc họa sinh động, sâu sắc bản chất lọc lõi xảo quyệt, Nam Cao không quên vạch trần nhân cách bỉ ổi của “tiên chỉ làng Vũ Đại”, trong những mối quan hệ kín đáo. Và Nam Cao đã phơi bày thói dâm ô vô độ và sự đê tiện của tên cường hào này. Dù có bốn vợ nhưng Bá Kiến không bỏ lỡ việc ngồi chung xe lên tỉnh với vợ Binh Chức. Lão không chỉ lừa tình mà còn lừa tiền chị nông dân vắng chồng khốn khổ. Đâm ra, tiền của anh Binh gửi về chỉ vừa đủ cho Bá Kiến chơi bời hành lạc với chị Binh trong chuyến lên tỉnh.
4.2. Ghen tuông, ích kỉ
Nhân cách bỉ ổi của Bá Kiến còn được thể hiện rõ ở cái ghen bóng ghen gió. Chỉ vì ghen tuông vô lí mà lão cường hào có thể nhẫn tâm dùng mưu mô để đẩy người khác vào tù. Chí Phèo chính là nạn nhân của tính ghen tuông, ích kỉ ấy, chỉ vì bị bà ba gọi vào bóp chân, xoa bụng mà Chí bị Bá Kiến đẩy vào tù mất 7,8 năm. Rồi khi thấy bà vợ thứ tư gần bốn mươi tuổi mà vẫn còn trẻ, còn phây phây, lại đa tình thì “Cụ chỉ muốn cho tất cả những thằng trai trẻ đi ở tù”.
-
Cái chết của Bá Kiến
Cuối cùng, bá Kiến cũng phải trả giá cho sự xấu xa, tàn ác của hắn. Bá Kiến đã phải chết dưới lưỡi dao của Chí Phèo. Nam Cao xứng đáng là nhà văn hiện thực bậc thầy khi xây dựng tình huống Chí Phèo giết Bá Kiến. Từ lâu Chí đã biết Bá Kiến là kẻ thù của hắn và ngay sau khi ra tù đã đến nhà Bá Kiến để chửi. Lúc đó, bằng sự “khôn róc đời” cụ bá đã biến Chí Phèo từ chỗ coi mình là kẻ thù đến chỗ dần trở thành tên đầy tớ, tay sai. Khi bị cự tuyệt quyền làm người Chí Phèo càng uống rượu càng tỉnh và tỉnh ra hắn ý thức sâu sắc được rằng Bá Kiến chính là kẻ thù lớn nhất của hắn, chính Bá Kiến đã đẩy hắn vào kiếp sống của con quỷ dữ, để hắn rơi vào bi kịch. Như vậy, Chí Phèo đến nhà Bá Kiến với tâm lí của kẻ cùng đường nhất quyết muốn trả thù. Bình thường, Bá Kiến khôn ngoan có thể chuyển bại thành thắng nhưng lần này cụ phải chịu chết dưới tay Chí Phèo. Bởi vì Chí Phèo đến đúng lúc cụ đang tức giận, cụ đang ghen vì bà Tư và muốn cho tất cả lũ trai trẻ đi ở tù. Giữa lúc đang tức giận như thế, một người khôn ngoan đến mấy cũng không bình tĩnh được, nhất là khi trông thấy một thằng chỉ đến để vòi tiền uống rượu. Sự ghen tuông đã khiến cho bá Kiến không chú ý để nhận ra ý định của Chí Phèo nên khi lưỡi dao của Chí vung lên Bá Kiến đã phải đền mạng.
Cái chết của bá Kiến là tất yếu, bởi bọn quan lại cường hào đã quen thói ức hiếp, bóc lột dân lành. Và khi bị đẩy đến con đường cùng thì nhất định họ phải vùng dậy để đấu tranh còn bọn áp bức bóc lột sẽ phải đền tội. Sau khi giết chết Bá Kiến, Chí Phèo cũng tự sát vì hắn cũng không còn con đường nào khác. Cái chết của hai nhân vật này cho thấy tình trạng mâu thuẫn xã hội ở nông thôn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 chỉ có thể được giải quyết bằng biện pháp quyết liệt.
Kết thúc truyện, người đọc hả hê khi nhìn thấy Bá Kiến nằm giãy chết trong vũng máu. Nhưng người đọc cũng lập tức lo âu và suy nghĩ vì “Tre già măng mọc, thằng ấy chết còn thằng khác”. Bá Kiến này chết nhưng trong xã hội vẫn còn có biết bao Bá Kiến khác. Những kẻ đối địch bấy lâu của Bá Kiến thì chờ đợi cái chết của lão mà nhảy lên tiếp tục đè đầu, cưỡi cổ người nông dân. Kiếp sống lầm than của dân lành như thế không biết bao giờ mới chấm dứt. Điều đó cho thấy sự bế tắc của các nhà văn HTPP như Nam Cao trong việc tìm ra con đường để thay đổi xã hội.
III. KẾT BÀI
-
Nghệ thuật:
Bá Kiến thuộc kiểu nhân vật phản diện được xây dựng theo bút pháp điển hình hóa nên nhân vật này vừa có nét chung của giai cấp thống trị tham lam, tàn bạo, không từ một thủ đoạn nào để bóc lột người nghèo lại có nét riêng của tên ác bá gian hùng, nham hiểm, thủ đoạn. Nhà văn không chú ý miêu tả ngoại hình mà tập trung miêu tả nhân vật qua cách ứng xử, hành động, lời nói và đặc biệt khắc sâu đời sống nội tâm bên trong. Hơn nữa, tác giả còn khéo sử dụng một lối văn linh hoạt sinh động, giản dị và trong sáng, gần với khẩu ngữ hàng ngày của quần chúng để cho Bá Kiến hiện lên rất sinh động.
-
Nội dung:
Nhân vật Bá Kiến quả là một thành công của nhà văn Nam Cao. Bá Kiến tiêu biểu cho giai cấp thống trị đương thời và thông qua nhân vật, nhà văn lên án nạn cường hào ác bá, tố cáo xã hội xấu xa thối nát đã sản sinh ra những kẻ như Bá Kiến để chúng làm hại dân lành. Tác phẩm vì thế thể hiện giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.
🔻 Xem thêm: