
Suy nghĩ về vấn đề một bộ phận người trẻ trong cuộc sống ngày nay đang dần đánh mất khả năng lắng nghe và thấu hiểu người khác
I/ Mở bài
Giới thiệu vấn đề nghị luận
II/ Thân bài
a. Giải thích
+ Lắng nghe là quá trình tập trung, tĩnh lặng để tiếp nhận những âm thanh xung quanh một cách chủ động
+ Thấu hiểu là khả năng con người biết đặt mình vào vị trí của người khác để đồng cảm, sẻ chia.
+ Một bộ phận người trẻ dần đánh mất khả năng lắng nghe và thấu hiểu người khác là thực trạng một số người trẻ tuổi ít dần quá trình thu nhận, ngẫm suy thấu đáo, không hiểu được suy nghĩ, cảm xúc, hoàn cảnh, giá trị… của những người xung quanh
b. Bàn luận
+ Thực trạng mất dần khả năng lắng nghe và thấu hiểu người khác thể hiện qua việc kết nối trực tiếp giữa những người trẻ ngày một ít đi. Người trẻ dễ trở nên vô tình, thiếu sự chia sẻ, đồng cảm với những người xung quanh…
+ Nguyên nhân của sự mất dần khả năng lắng nghe và thấu hiểu người khác ở người trẻ: sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội khiến người trẻ thiếu sự gắn kết trực tiếp với cộng đồng,lối sống đề cao cái tôi cá nhân của người trẻ,
+ Hậu quả: việc mất dần khả năng lắng nghe và thấu hiểu người khác dẫn đến người trẻ khó tạo dựng và vun đắp các mối quan hệ tốt đẹp, làm cản trở sự phát triển của xã hội văn minh, thân thiện.
c. Giải pháp
+ Người trẻ cần nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của việc lắng nghe và thấu hiểu con người xung quanh, hiểu được rằng lắng nghe và thấu hiểu là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống hiện đại; tích cực giao tiếp, rèn luyện đời sống tâm hồn, trau dồi nhân cách…
+ Người trẻ có những hành động rèn luyện khả năng lắng nghe và thầu biểu người khác: rèn luyện thói quen suy ngẫm; tôn trọng sự khác biệt, bồi đắp cảm xúc, tăng cường sự đồng cảm với người khác, kết nối những hành động chia sẻ đến mọi người….
+ Gia đình tạo môi trường giao tiếp yêu thương và tôn trọng lẫn nhau; nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa giúp người trẻ có cơ hội được giao tiếp thấu hiểu lẫn nhau; xã hội tăng cường các chương trình, hoạt động nhân ái, lan toả những giá trị tích cực ra cộng đồng.
d. Mở rộng vấn đề, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác:
Bên cạnh một bộ phận người trẻ đang dần đánh mất khả năng lắng nghe và thấu hiểu người khác, vẫn còn có nhiều người trẻ biết lắng nghe, chung tay sẻ chia với cộng đồng; một số người cho rằng trong cuộc sống hiện đại người trẻ chỉ cần tập trung phát triển và theo đuổi lý tưởng của bản thân; lắng nghe và thấu hiểu người khác là quan trọng nhưng cũng cần biết lắng nghe và thấu hiểu chính bản thân mình.
III/ Kết bài
Khẳng định vấn đề nghị luận.
Bài văn NLXH 600 chữ trình bày suy nghĩ về vấn đề một bộ phận người trẻ trong cuộc sống ngày nay đang dần đánh mất khả năng lắng nghe và thấu hiểu người khác
Trong nhịp sống hiện đại đầy hối hả, khi con người ngày càng chạy theo công nghệ, tiện ích và những mục tiêu cá nhân, một biểu hiện đáng lo ngại đang dần hiện hữu ở một bộ phận người trẻ: đó là sự mai một khả năng lắng nghe và thấu hiểu người khác. Đây không chỉ là một vấn đề cá nhân mà còn là biểu hiện của sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa con người với nhau, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của xã hội.
Lắng nghe là hành động chú tâm tiếp nhận âm thanh, lời nói hay cả những điều chưa được nói ra từ người khác. Còn thấu hiểu là khả năng đặt mình vào vị trí người đối diện để cảm nhận, chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ, hoàn cảnh của họ. Thế nhưng, trong thực tế, một bộ phận người trẻ đang dần đánh mất hai khả năng quý giá ấy. Họ ít quan tâm đến lời nói, cảm xúc hay nhu cầu của người khác. Sự vô tâm, hời hợt hay thậm chí là lãnh đạm trong giao tiếp ngày càng xuất hiện nhiều hơn, thể hiện rõ trong các mối quan hệ gia đình, tình bạn, thầy trò…
Biểu hiện dễ thấy là việc người trẻ ngày càng gắn bó nhiều hơn với thế giới ảo thay vì đối thoại trực tiếp. Những bữa cơm gia đình trở nên im lặng khi ai cũng chúi mắt vào điện thoại. Những cuộc trò chuyện giữa bạn bè dễ bị gián đoạn bởi thông báo mạng xã hội. Họ ít khi thật sự lắng nghe nhau, chỉ nghe để đáp lại, không nghe để thấu hiểu. Một phần nguyên nhân đến từ sự phát triển chóng mặt của công nghệ khiến người trẻ có xu hướng “sống ảo”, rơi vào thế giới riêng mà quên mất sự hiện diện của người bên cạnh. Ngoài ra, lối sống cá nhân, đề cao cái tôi, ít khi chấp nhận sự khác biệt cũng là rào cản khiến việc lắng nghe và thấu hiểu trở nên khó khăn.
Hậu quả của việc thiếu lắng nghe và thấu hiểu là nghiêm trọng. Người trẻ dễ rơi vào trạng thái cô lập, khủng hoảng trong các mối quan hệ, mất phương hướng trong cuộc sống. Về lâu dài, điều này khiến xã hội trở nên lạnh lùng, thiếu sự gắn bó và dễ dẫn đến xung đột, chia rẽ. Sự đồng cảm – nền tảng của nhân văn – dần bị thay thế bằng sự dửng dưng, thờ ơ.
Trước thực trạng ấy, cần có những giải pháp cụ thể. Trước hết, người trẻ cần ý thức được rằng lắng nghe và thấu hiểu là những kỹ năng sống quan trọng, không chỉ giúp xây dựng mối quan hệ tốt đẹp mà còn phát triển chính bản thân. Họ nên rèn luyện việc lắng nghe từ những điều nhỏ: dành thời gian trò chuyện chân thành với người thân, không ngắt lời người khác, học cách lắng nghe không phán xét. Việc tham gia các hoạt động thiện nguyện, xã hội cũng là cơ hội quý giá để người trẻ được tiếp xúc, chia sẻ và thấu hiểu nhiều hơn. Gia đình cần tạo môi trường giao tiếp ấm áp, nơi mọi thành viên đều được lắng nghe và tôn trọng. Nhà trường nên tăng cường hoạt động ngoại khóa, kỹ năng sống giúp học sinh rèn luyện sự đồng cảm. Xã hội cũng cần phát huy vai trò của các chương trình nhân văn, tôn vinh những hành động đẹp để lan tỏa tinh thần yêu thương.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một cách khách quan rằng không phải tất cả người trẻ đều thiếu khả năng lắng nghe và thấu hiểu. Vẫn còn rất nhiều bạn trẻ sống tình cảm, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ người khác. Mặt khác, lắng nghe người khác là điều cần thiết nhưng cũng cần song hành với việc lắng nghe và thấu hiểu chính mình, từ đó mới có thể đồng cảm với người xung quanh một cách chân thành.
Tóm lại, việc một bộ phận người trẻ đang đánh mất khả năng lắng nghe và thấu hiểu người khác là một thực trạng đáng lo ngại. Lắng nghe và thấu hiểu không chỉ là kỹ năng sống mà còn là biểu hiện của một xã hội văn minh, gắn bó và nhân văn. Mỗi người trẻ cần chủ động rèn luyện để giữ gìn và phát huy hai phẩm chất quan trọng này, góp phần xây dựng một cuộc sống chan hòa, thấu cảm và yêu thương hơn.
Chủ đề:Biểu hiện của lắng nghe và thấu hiểu, Là học sinh em nghĩ làm thế nào để học cách lắng nghe và, Làm thế nào để lắng nghe và thấu hiểu người khác, Lắng nghe để thấu hiểu cảm xúc của chính mình, Lắng nghe và thấu hiểu người khác là gì, nghị luận: lắng nghe và thấu hiểu, Viết đoạn văn 200 chữ về sự lắng nghe và thấu hiểu, Ý nghĩa của việc lắng nghe và thấu hiểu