Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh
1, Mở bài: Giới thiệu tác giả, hoàn cảnh sáng tác, nội dung chính của bài thơ.
Hồ Chí Minh ( 1890 – 1969) là lãnh tụ vĩ đại nhà thơ lớn , danh nhân văn hoá thế giới. Bài thơ “ Cảnh khuya” được Bác sáng tác ở chiến khu Việt Bắc trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Bài thơ đã miêu tả cảnh đẹp đêm trăng ở chiến khu Việt Bắc, thể hiện tình yêu thiên nhiên say đắm, lòng yêu nước sâu nặng và phong thái ung dung, lạc quan của Bác.
2, Thân bài
- Khái quát: Cảnh khuya là một áng thơ tứ tuyệt kiệt tác mang vẻ đẹp Đường thi. Lời thơ giản dị, ngôn ngữ hàm súc, cô đọng, giàu giá trị biểu cảm. Nét đặc sắc của bài thơ là cảm hứng thiên nhiên trữ tình và cảm hứng yêu nước. Bốn câu thơ miêu tả cảnh khuya núi rừng Việt Bắc, qua đó thể hiện trọn vẹn vẻ đẹp con người Hồ Chí Minh: tâm hồn nghệ sĩ kết hợp hài hòa với phẩm chất chiến sĩ.
- Ở hai câu thơ đầu, cảnh đêm trăng rừng Việt Bắc hiện lên êm đềm thơ mộng:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lông cổ thụ, bóng lồng hoa.
Cảnh đẹp của núi rừng trong đêm khuya hiện lên với tiếng suối trong trẻo. Nghệ thuật so sánh “tiếng suối” với “tiếng hát xa”. Tiếng suối là một âm thanh của thiên nhiên, lạnh lẽo, mơ hồ nay được so sánh với “tiếng hát” của con người bỗng trở nên trong trẻo, gần gũi và ấm áp (có thể liên hệ với câu thơ của Nguyễn Trãi trong văn bản “ Côn Sơn ca” – Côn Sơn suối chảy rì rầm/ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai).
Nhịp thơ 2/1/4 ngắt ở từ “trong” như một chút suy ngẫm rồi đi đến so sánh thú vị. Sự so sánh , liên tưởng vừa làm nổi bật nét tương đồng, vừa thể hiện sự nhạy cảm, tinh tế của trái tim nghệ sĩ. Âm cuối “xa” khiến câu thơ có độ ngân vang vô tận và lắng đọng vào nơi sau nhất của lòng người, dường như tất cả âm thanh khác đều lắng chìm làm cho giữa đêm rừng tĩnh lặng âm thnah tiếng suối càng lắng sâu và trong trẻo. Tiếng suối như tiếng hát , tiếng suối trở nên hiền hòa, thân thiết quá. Nó mang hơi ấm cuộc sống con người, nó gần gũi sống động. Chính nhờ tiếng suối ta mới cảm nhận được rừng Việt Bắc rất yên tĩnh.
Câu thơ thứ hai sử dụng biện pháp tư từ điệp ngữ. Từ “lồng” được nhắc lại hai lần kết hợp với nhân hóa đã phác họa nên một bức tranh thiên nhiên nhiều tầng lớp, đường nét và hình khối đa dạng. Trăng sáng soi rọi vào vòm cổ thụ hắt xuống mặt đất những chùm hoa trăng lốm đốm, lung lịnh, huyền ảo. Trăng, hoa, cổ thụ, đan cài quấn quýt vào nhau tạo nên một bức tranh sinh động hữu tình.
- Hai câu cuối: đã diễn tả tâm trạng của người chiến sĩ- thi sĩ.
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Bác đã cảm nhận được vẻ đẹp tinh tế của thiên nhiên để rồi thốt lên lời ca ngợi chân thành “Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ”, nghệ thuật so sánh đặc sắc đã cho thấy cảnh khuya đẹp như một bức tranh. Một người yêu thiên nhiên như Bác làm sao có thể vô tình trước vẻ đẹp của núi rừng Việt bắc trong đêm khuya.
Câu thơ cuối: cụm từ “chưa ngủ” được lặp lại hai lần ở cuối câu ba và đàu câu 4 như một bản lề khép kín mở ra 2 tâm trạng Bác “chưa ngủ” không chỉ vì ánh trăng đẹp mà chưa ngủ còn vì lo cho dân, cho nước. Trong bất cứ thời điểm nào, trong hoàn cảnh nào Bác luôn canh cánh bên lòng trách nhiệm nặng nề của một vị lãnh tụ cách mạng. Tâm trạng đó của Bác khiến chúng ta vừa cảm phục vừa xúc động. Một tâm hồn vĩ đại, một trái tim vĩ đại của một con người đã dành cả cuộc đời cho dân tộc Việt Nam. Ba tiếng “ nỗi nước nhà” vang lên trong câu thơ thật xúc động. Đó là lòng yêu nước vĩ đại của một trái tim suốt đời “ chỉ biết quên mình cho hết thảy”. Sự hi sinh cao cả của người mãi mãi để lại trong lòng bao thế hệ lòng biết ơn và cảm xúc sâu sắc.
3, Kết bài: Khẳng định lại nghệ thuật và nội dung của bài thơ.
Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt vừa cổ điển lại vừa hiện đại, sử dụng thành công nghệ thuật so sánh, điệp ngữ…. đã tái hiện cảnh đẹp thiên nhiên của núi rừng Việt Bắc, qua đó thể hiện lòng yêu thiên nhiên, yêu nước thiết tha, phong thái ung dung của Bác. Bài thơ đã để lại trong lòng người đọc niềm kính yêu và tự hào về Bác – người cha già vĩ đại của dân tộc.
Chủ đề:Bài thơ Cảnh khuya, Cảm nhận về hai câu thơ đầu bài Cảnh khuya, của Hồ Chí Minh, Dàn ý cảm nghĩ về bài thơ Cảnh khuya, Đoạn văn cảm nhận về bài Cảnh khuya, Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảnh khuya lớp 7 ngắn gọn, Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng giêng, Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng