Phân tích nhân vật Mị qua hai lần miêu tả: ở đầu tác phẩm và khi chứng kiến cảnh A Phủ bị trói
Đề bài: Mở đầu truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài giới thiệu nhân vật Mị:
“Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi. ”
Kết thúc truyện, tác giả tả Mị chuẩn bị cứu A Phủ:
“…Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình. Mị tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng trốn được rồi, lúc đó bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy. Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, nhưng làm sao Mị cũng không thấy sợ… … ”
(Tô Hoài – Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.4 và tr.13)
Phân tích hình ảnh nhân vật Mị trong hai lần được miêu tả như trên, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này.
I/ Mở bài
– Tô Hoài là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Ông là nhà văn say sưa sáng tạo, rất nhạy cảm với cảnh sinh hoạt của con người.Tác phẩm của ông hấp dẫn người đọc bởi vốn hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán của các dân tộc miền núi, nổi bật là truyện “Vợ chồng A Phủ”.
– Nêu vấn đề cần nghị luận: Hình ảnh nhân vật Mị xuất hiện ở mở đầu truyện ngắn Vợ chồng A Phủ và kết thúc truyện khi Mị chuẩn bị cứu A Phủ cho thất sự thay đổi trong tính cách của nhân vật này.
II/ Thân bài:
1/ Khái quát tác phẩm:
Truyện “Vợ chồng A Phủ” được nhà văn Tô Hoài sáng tác năm 1952, tin trong tập “Truyện Tây Bắc”. Tác phẩm gồm hai phần: phần đầu kể về cuộc sống tủi nhục của Mị và A Phủ ở Hồng Ngài, là nô lệ nhà thống lí Pá Tra; cuối phần một là cảnh Mị cứu và chạy theo A Phủ. Phần sau kể về Mị và A Phủ ở Phiềng Sa. Họ trở thành vợ chồng, được giác ngộ cách mạng.
2/ Tổng quát nhân vật Mị.
– Trước khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra:
+ Mị là cô gái người Mông trẻ trung, hồn nhiên, có tài thổi sáo “thổi lá cũng hay như thổi sáo, có biết bao nhiêu người mê”;
+ Mị đã từng yêu, từng được yêu, luôn khao khát đi theo tiếng gọi của tình yêu.
+ Hiếu thảo, chăm chỉ, ý thức được giá trị cuộc sống tự do nên sẵn sàng làm nương ngô trả nợ thay cho bố.
– Khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra: bị “cúng trình ma” nhà thống lí, làm con dâu gạt nợ, bị bóc lột sức lao động, “không bằng con trâu con ngựa”, “đàn bà trong cái nhà này chỉ biết vùi đầu vào công việc”, bị đày đọa nơi địa ngục trần gian, bị đánh, bị phạt, bị trói, …
– Dù chịu nhiều bất hạnh, đau khổ nhưng Mị là người có phẩm chất tốt đẹp, có sức sống tiềm tàng, khao khát tự do, có tinh thần phản kháng mạnh mẽ.
3/ Phân tích nội dung, nghệ thuật qua 2 lần miêu tả nhân vật Mị:
a/ Nội dung:
a.1/ Nhân vật Mị được tác giả miêu tả trong lần mở đầu truyện:
– Mị là nhân vật chính, trung tâm, là linh hồn của tác phẩm. Tác giả đã dồn rất nhiều công sức để Mỵ được xuất hiện một cách độc đáo, trực tiếp. Dung lượng của đoạn mở đầu rất ngắn nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc.
– Hoàn cảnh: Mị trở thành con dâu gạt nợ trong nhà thống lí Pá Tra
– Diễn biến hành động và tâm trạng:
+Tô Hoài đã để cho nhân vật Mỵ xuất hiện“bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa”. Thực ra việc xuất hiện như thế không có gì là đặc biệt, nhưng khi việc đó diễn ra thường xuyên, liên tục đến mức “ai ở xa về có dịp vào nhà thống lí ” đều nhận thấy sự việc này thì nó đã trở thành điều bất thường. Hình ảnh đó hé lộ cho người đọc biết trong gia đình thống lí Pá Tra, Mị không được ở vị trí bình thường của một con người mà bị đày xuống vị trí của một loài vật, đồ vật vì tàu ngựa là không gian để nuôi nhốt gia súc, còn tảng đá lại gợi ra ý niệm về sự vô tri vô giác, trơ lì và câm lặng. Bằng cách đặt Mị bên cạnh những đồ vật, con vật, Tô Hoài đã hé lộ cho người đọc biết thân phận bị rẻ rúng, bị chà đạp, bị coi như con vật trong nhà Thống lí Pá Tra.
+ Cùng với việc miêu tả không gian gắn liền với Mị, nhà văn còn miêu tả một cách khái quát về diện mạo, thần thái của nhân vật này: Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi. Rõ ràng với câu văn này, mục đích của Tô Hoài không phải là miêu tả diện mạo mà chỉ bắt lấy thần thái của nhân vật để hé lộ cho người đọc biết thế giới nội tâm đầy đau khổ, sầu não, u uất trong lòng, đồng thời nó cũng cho biết thái độ cam chịu, chấp nhận của nhân vật Mị trước số phận đã an bài.
– Ý nghĩa: Mị xuất hiện ngay ở đầu tác phẩm qua giọng kể chầm chậm, buồn buồn của nhà văn. Cách miêu tả tưởng như bình thường nhưng lại hiện lên đầy đủ những tín hiệu dông bão cuộc đời của Mị, hé mở một số phận éo le, đau khổ, thu hút sự chú ý của người đọc.
a.2/ Nhân vật Mị được miêu tả trong lần chuẩn bị cứu A Phủ:
– Hoàn cảnh: Trong đêm mùa đông nơi núi cao, Mị có thói quen thổi lửa, hơ tay. Còn A Phủ bị thống lí Pá Tra bắt trói đứng vào cây cọc để thế mạng cho con bò bị con hổ ăn thịt. Khi thấy nước mắt A Phủ, từ chỗ vô cảm, Mị đã đồng cảm thương xót và nghĩ ngợi nhiều
– Diễn biến hành động và tâm trạng:
+Tác giả đã miêu tả hành động của Mị: Mị không thổi, cũng không đứng lên vì đám than đã vạc, đêm đã khuya;
+Ý thức rõ được hậu quả khi một ngày kia A Phủ trốn được rồi thì mình sẽ bị trói và chết bên cái cọc ấy nhưng Mị không thấy sợ. Dù không nói ra một cách rõ ràng nhưng những suy nghĩ của Mị đã cho thấy cô chấp nhận cái chết về phía mình để tìm cách cho A Phủ được sống. Đến đây có thể thấy lòng thương người đã lớn tới mức Mị quên đi sự sống của bản thân đế đối lấy sự sống cho người khác.
– Ý nghĩa: Nhân vật được miêu tả ít hành động, chủ yếu đi sâu vào diễn biến nội tâm của Mị. Việc Mị sẵn sàng chết thay cho A Phủ đã ánh lên vẻ đẹp cao thượng vị tha trong tâm hồn Mị.
b/ Nghệ thuật
– Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật Mị rất sâu sắc. Mị là người phụ nữ có bề ngoài nhẫn nhục, âm thầm nhưng bên trong lại có sức sống tiềm tàng mãnh liệt, một niềm ham sống, niềm khao khát tự do và hạnh phúc.
– Tác giả sử dụng ngôn ngữ nửa trực tiếp, giúp người đọc nhận ra vẻ đẹp trong đời sống nội tâm của nhân vật, nghe được tiếng nói bên trong tâm hồn nhân vật, vừa tạo được sự đồng cảm giữa nhà văn, nhân vật và người đọc.
4/ Nhận xét sự thay đổi của nhận vật:
-Ở lần miêu tả thứ nhất, Mị là một con người luôn mang một nỗi buồn da diết, sống cam chịu, nhẫn nhục, bị chà đạp tàn nhẫn về thể xác và tê liệt tinh thần phản kháng. Thân phận của Mị thua cả con trâu, con ngựa, giống như con rùa lùi lũi. Đến lần miêu tả thứ hai, Mị đã cảm nhận được mọi thứ, tự tưởng nhớ lại đời mình, hình dung hậu quả của việc mình làm nếu bị phát hiện sẽ trả giá rất đắt bằng mạng sống. Thế nhưng Mị không thấy sợ thế lực cường quyền và thần quyền. Điều đó chứng tỏ sự thay đổi, phát triển tính cách của nhân vật Mị, từ cam chịu đến vùng lên, từ vô cảm đến đồng cảm, từ cõi chết trở về sự sống…
– Sự thay đổi của nhân vật Mị góp phần làm nên giá trị hiện thực và nhân đạo của truyện Vợ chồng A Phủ. Nhà văn tố cáo đanh thép tội ác của bạn chúa đất miền núi Tây Bắc khi chúng đã cấu kết với nhau để áp bức, bóc lột người dân lao động nghèo. Mặt khác, tác giả thể hiện niềm cảm thông, xót xa trước bất hạnh của con người, phát hiện, ca ngợi và tin tưởng vào sức sống tiềm tàng, khát vọng tự do và khả năng đấu tranh để thoát khỏi xiềng xích nô lệ.
III.Kết bài:
– Tóm lại số phận và vẻ đẹp của nhận vật Mị qua 2 lần miêu tả;
– Rút ra bài học cuộc sống từ nhân vật Mị: khao khát sống, tinh thần đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu…
🔻 Xem thêm:
Chủ đề:Cách giới thiệu nhân vật Mị, Cảm nhận về nhân vật Mị, Cảm nhận về nhân vật Mị trong hai lần miêu tả, Dàn ý phân tích nhân vật Mị, Giới thiệu nhân vật Mị, Hình tượng nhân vật Mị, Làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật Mị, Nhận xét sự tinh tế khi diễn tả sự hồi sinh trong tâm hồn nhân vật Mị, Phân tích nhân vật Mị, Phân tích nhân vật Mị Ai ở xa về, Phân tích nhân vật Mị khi về làm dâu, Phân tích nhân vật Mị ngắn gọn, Phân tích nhân vật Mị ở hai lần thức tỉnh, Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân, Phân tích số phận và vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Mị