Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá – Dàn ý chi tiết
I. Tìm hiếu chung
1. Tác giả
– Tên thật: Cù Huy Cận (1919 – 2005).
2. Tác phẩm
a. Hoàn cảnh sáng tác
– 1958: Miền Bắc đã được giải phóng và bắt tay vào xây dựng Chủ nghĩa xã hội.
– Bài thơ là kết quả của chuyến đi thực tế ở vùng đất mỏ Quảng Ninh. Từ chuyến đi thực tế này, hồn thơ Huy Cận mới thực sự trở lại dồi dào trong cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới.
– In trong tập “Trời mỗi ngày lại sáng”.
b. Thể thơ, cảm hứng sáng tác
– Thể thơ trữ tình bảy tiếng, đan xen hai phương thức miêu tả và biểu cảm.
– Cảm hứng sáng tác:
+ Kết hợp của hai nguồn cảm hứng: cảm hứng về lao động và cảm hứng về thiên nhiên. Hai cảm hứng thống nhất với nhau trong toàn bộ bố cục bài thơ.
+ Nhân vật trữ tình là “ta” đồng thời là tác giả. Tác giả hóa thân vào người lao động đánh cá để cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc sống lao động.
II. Tìm hiểu chi tiết
1. Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi lúc hoàng hôn.
a. Khung cảnh trời biển
– Mở đầu bài thơ là một hình ảnh so sánh gợi lên khung cảnh thiên nhiên huy hoàng tráng lệ:
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa”
– Và liền sau đó là sự liên tưởng độc đáo: vũ trụ được hình dung như một ngôi nhà lớn vào đêm và màn đêm buông xuống là một cánh cửa khổng lồ và những con sóng là then cài cửa. Thiên nhiên như dọn dẹp chuẩn bị nghỉ ngơi (tắt lửa, cài then, sập cửa).
→ Đoàn thuyền ra khơi đi trên biển như là đi trong ngôi nhà của mình.
b. Đoàn thuyền ra khơi.
– Ngược lại với thiên nhiên bắt đầu trạng thái nghỉ ngơi thì con người lại bắt đầu lao động với khí thế rất hào hứng:
“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi”
– Sự đối lập về hình ảnh và nhạc điệu trong hai câu thơ nói lên khí thế và nhiệt tình của người lao động.
+ Câu thơ khiến ta hình dung ra cả một đoàn thuyền, chứ không phải một con thuyền đơn độc ra khơi.
+ Đoàn thuyền “lại” ra khơi, phụ từ “lại” vừa gợi sự đổi lập, vừa gợi tư thể chủ động của con người và cho biết công việc ra khơi đánh bắt cá vẫn diễn ra thường xuyên, lặp đi lặp lại. Mặc dù vậy khí thế vẫn hăm hở, náo nức, cất lên thành khúc hát.
+ Tác giả đã tạo ra một hình ảnh khỏe, lạ, lãng mạn mà rất thực từ sự gắn kết của ba sự vật, hiện tượng cánh buồm gió khơi và câu hát
Với nghệ thuật chuyển đổi cảm giác “câu hát căng buồm”, ta thấy tâm tư người lao động như gửi gắm vào trong lời hát: phần khởi, say mê với công việc. Tất cả nói lên khí thế phơi phới, mạnh mẽ của đoàn thuyền và niềm vui, sức mạnh của người lao động làm chủ biến khơi, làm chủ cuộc đời.
– Câu hát là niềm vui, là sự phấn chấn của người lao động như có một sức mạnh vật chất để cùng với gió khơi làm thổi căng cánh buồm đẩy con thuyền lướt nhanh ra khơi. Và đó cũng là tiếng hát của con người đi chinh phục tự nhiên.
– Lời ca của người lao động có “muôn luồng sáng” giữa biển đêm: (khổ 2)
+ Nghệ thuật so sánh “cá như đoàn”, “bạc” thể hiện sự giàu có của biển cả.
+ Nghệ thật nhân hóa tinh tế: “dệt”, ca ngợi biển cả giàu và đẹp.
Cảnh ra khơi huy hoàng đầy khí thế hứa hẹn.
2. Đoàn thuyền đánh cá giữa khung cảnh trời biển ban đêm.
a. Cảnh đoàn thuyền lướt sóng ra khơi, tìm luồng cá.
– Qua bút pháp phóng đại, khoa trương, ta thấy cảnh đoàn thuyền lướt sóng ra khơi, tìm luồng cá, bủa lưới vây giăng mang vẻ đẹp vừa hùng tráng vừa thơ mộng:
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng”
– Con thuyền được vây bọc trong thiên nhiên có gió làm bánh lái, trăng là cánh buồm. Như vậy, con thuyền nhỏ bé trước biển cả bao la đã trở thành con thuyền kì vĩ khổng lồ hòa nhập với kích thước rộng lớn của thiên nhiên vũ trụ.
Chủ nhân của con thuyền – người đánh cá cũng trong tư thế làm chủ, trung tâm, sánh ngang tầm trời đất. Thuyền và người hòa nhập với kích thước rộng lớn của thiên nhiên.
– Con người không chỉ hòa nhập mà còn nổi bật ở vị trí trung tâm vũ trụ.
+ Động từ “lướt” cho thấy những con thuyền băng băng lướt sóng, thể hiện khí thế của người lao động khẩn trương.
+ Những con người lao động, ra tận khơi xa dò bụng biển tìm luồng cá với thế trận bủa vây điệp trùng:
“Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng”
+ Ngư dân làm việc với lòng dũng cảm hăng say và trí tuệ nghề nghiệp, với tâm hồn phơi phới – thể hiện tư thế của con người lao động đi chinh phục thiên nhiên.
– Bằng những hình ảnh vừa thực vừa ảo, lung linh qua cách liệt kê, ta thấy biển giàu đẹp như một bức tranh sơn mài lộng lẫy điểm tô cho bức tranh lao động rực rỡ, tươi vui: “Cá nhụ, cá chim…nước Hạ Long”.
– Biển không chỉ giàu mà còn đẹp. Vẻ đẹp đó hòa cùng với màu sắc của muôn loài cá trên biển. Huy Cận sử dụng một loạt các tính từ chỉ màu sắc: lấp lánh, đen hồng, vàng chóe,… tất cả tạo nên một bức tranh sơn mài nên thơ và đầy chất lãng mạn.
+ Những con cá song giống như ngọn đuốc đen hồng đang lao đi trong luồng nước dưới ánh sáng lấp lánh quả là hình ảnh ẩn dụ độc đáo. Tuy nhiên hình ảnh “Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe”, lại là hình ảnh đẹp nhất. Ánh trăng in xuống mặt nước, những con cá quẫy đuôi như quẫy ánh trăng tan ra vàng chóe lan tỏa trên mặt biển.
+ Câu thơ “Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long” là hình ảnh nhân hóa đẹp. Đêm được miêu tả như một sinh vật đại dương. Tiếng thở của biển đêm chính là ánh sao lùa sóng nước. Đây là một sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ Huy Cận tạo nên một bức tranh hòa nhịp kì diệu giữa thiên nhiên và con người lao động.
b. Người đánh cá làm việc giữa bao la biển trời và tiếng hát.
-Với cách nhân hóa kì diệu, lời thơ dõng dạc, nhịp thơ như khúc hát say mê, thiên nhiên cũng góp nhạc với con người, thiên nhiên như giúp con người lao động:
“Ta hát bài ca gọi cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao”
– Trăng soi bóng nước, sóng xô bóng trăng trong nước gõ vào mạn thuyền, tạo nên nhịp trăng để lùa cá vào lưới. Thiên nhiên và con người cùng một nhịp lao động.
→ Công việc đánh cá nặng nhọc đã thành bài ca đầy niềm vui, vừa hùng tráng vừa mộng mơ.
– Nghệ thuật so sánh cho ta thấy con người chinh phục thiên nhiên nhưng đầy lòng biết ơn người mẹ thiên nhiên, gợi sự ưu ái giao hòa của con người với biển cả quê hương.
“Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”.
c. Sao mờ, đêm tàn, cũng là lúc kéo lưới kịp trời sáng.
– Cảnh kéo lưới, bắt cá được miêu tả vừa chân thực, vừa lãng mạn:
“Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng
Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”
Con người lao động đang bền bỉ dẻo dai với sức lực dồi dào “kéo xoăn tay”.
+ Họ là trung tâm của cảnh lao động được khắc họa với những nét tạo hình gân guốc, chắc khỏe.
+ Họ kéo “chùm cá nặng” những mẻ cá trĩu nặng cá bạc, cá vàng.
– Màu hồng của bình minh làm ấm bức tranh lao động.
Chữ “lóe” gợi sự nhảy nhót của cá mắc trong lưới vừa gợi ảnh bình minh lên.
→ Công việc nhịp nhàng với sự vận hành của vũ trụ.
3. Đoàn thuyền đánh cá trở về trong cảnh bình minh.
– Cảnh trở về đầy khí thế và niềm vui:
“Câu hát căng buồm với gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”
+ Nghệ thuật đầu cuối tương ứng: câu đầu khổ cuối lặp lại câu cuối khổ đầu như một điệp khúc của khúc ca. Như vậy, câu hát đã theo suốt cuộc hành trình của người dân chài với niềm lạc quan tin tưởng và vui sướng. Điều này nhấn mạnh niềm vui lao động làm giàu đẹp quê hương của người dân chài.
+ Đoàn thuyền trở về trong câu hát phấn khởi với những khoang thuyền đầy ắp cá với tư thế hào hùng, khẩn trương: “chạy đua cùng mặt trời”, giành lấy thời gian, tranh thủ thời gian để lao động. Đoàn thuyền ở đây sánh ngang cùng vũ trụ, là hình ảnh hoán dụ để chỉ người ngư dân trong tư thế sóng ngang cùng vũ trụ.
+ Trong cuộc chạy đua này, con người đã chiến thắng. Khi “Mặt trời đội biển nhô màu mới” thì đoàn thuyền đã trở về bến: “Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”.
+ “Mặt trời đội biển” là hình ảnh nhân hóa vẻ đẹp ngày mới như một huyền thoại rực rỡ. Ở đây ta bắt gặp một hình ảnh mặt trời khác, không phải mặt trời của thiên nhiên mà là của muôn ngàn mắt cá lấp lánh trong buổi bình minh. Ý thơ phảng phất không khí thần thoại, bản anh hùng ca lao động.
+ Câu kết đã diễn tả ánh mặt trời đã điểm tô cho |thành quả lao động thêm rực rỡ, muôn mắt cá như muôn mặt trời tỏa sáng huy hoàng, góp phần làm đẹp thêm trời biển quê hương. Đó là niềm vui chiến thắng, niềm vui đủ đầy khi được mùa tôm cá, niềm vinh | quang bình dị của người lao động.
→ Thuyền và người luôn nổi bật giữa vũ trụ và niềm vui chiến thắng cũng mang tầm vóc lớn lao.
🔻 Xem thêm:
- Cảm nhận về hình ảnh con người Việt Nam trong hai đoạn thơ “Đoàn thuyền đánh cá” và “Mùa xuân nho nhỏ”
- Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận
- Cảm nhận khổ 3,4,5 bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận (chi tiết)
- Cảm nhận về khổ 1 và khổ 2 của bài thơ ” Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận
- Cảm nhận về bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận
Chủ đề:Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, cảm nhận của em về khổ 3 4 5 bài thơ đoàn thuyền đánh cá, Đoàn thuyền đánh cá Huy Cận, phân tích bài đoàn thuyền đánh cá khổ 1 2, Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá khổ 3 4 5, Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá ngắn gọn, phân tích đoàn thuyền đánh cá chi tiết, Phân tích Đoàn thuyền đánh cá học sinh giỏi