Phân tích đoạn thơ: “Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới … Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”
I. Mở bài:
– Giới thiệu về tác giả Tế Hanh và bài thơ “Quê hương”.
– Giới thiệu đoạn thơ cần phân tích: tái hiện cuộc sống lao động của người dân làng chài và cảnh vật thiên nhiên nơi quê hương.
II. Thân bài:
– Khung cảnh làng quê và nghề nghiệp của người dân làng chài:
+ Câu thơ đầu: “Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới” giới thiệu về nghề truyền thống của làng chài.
+ Hình ảnh “nước bao vây, cách biển nửa ngày sông” thể hiện vị trí địa lý đặc trưng, gần sông nước, vừa thể hiện sự cách biệt và liên kết với biển khơi.
– Thiên nhiên tươi đẹp và yên bình:
+ Hình ảnh “trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng” gợi lên khung cảnh buổi sáng thanh bình, trong trẻo và đầy sức sống của vùng biển.
– Hình ảnh người dân lao động:
+ “Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá”: Hình ảnh người dân khỏe khoắn, hăng hái trong công việc đánh bắt cá.
+ So sánh thuyền như “con tuấn mã”, mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang: Thuyền trở thành biểu tượng cho sự dũng mãnh, tinh thần kiên cường, không ngại khó khăn.
– Cánh buồm và tâm hồn làng quê:
+ “Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng” là hình ảnh đầy cảm xúc, cánh buồm không chỉ là vật dụng mà còn mang theo tâm hồn, khát vọng của làng chài.
+ “Rướn thân trắng bao la thâu góp gió” thể hiện sự mạnh mẽ, hiên ngang, sức sống mãnh liệt của người dân chài trên biển.
III. Kết bài:
– Khẳng định giá trị của đoạn thơ trong việc tái hiện vẻ đẹp thiên nhiên và con người nơi làng chài.
– Đoạn thơ là lời ca ngợi tấm lòng yêu quê hương, lòng tự hào về cuộc sống lao động của người dân chài trong thơ Tế Hanh.
Bài văn tham khảo
Quê hương, hai tiếng vang lên thật ngọt ngào, da diết biết bao. Nó đánh thức trong mỗi con người tình yêu thương thiêng liêng, cháy bỏng với một miền quê — nơi mình sinh ra, trưởng thành. Tình yêu đó đã được hóa thân vào những bản nhạc du dương, những bức tranh tươi màu sắc và đặc biệt hóa thân vào những vần thơ chan chứa bao cảm xúc. Quê hương của nhà thơ Tế Hanh là một trong số những vần thơ như thế, những vần thơ có sức lay động lòng người, thể hiện tình yêu quê hương bất diệt.
Mở đầu bài thơ, tác giả giới thiệu với người đọc về quê hương dấu yêu của mình:
“Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông”.
Chỉ qua hai câu thơ ngắn gọn, Tế Hanh đã cho người đọc biết đến một vùng quê ven biển, với “nghề chài lưới”. Cách gọi “làng tôi” thật dân giã, thân mật, khiến câu thơ không giấu nổi niềm cảm xúc tự hào. Nhà thơ đã đặc tả cụ thể vị trí của làng “nước bao vây, cách biển nửa ngày sông”. Ngôi làng hiện ra như một hòn ngọc giữa màu xanh trong của nước biển. Cách đo thời gian bằng không gian “nửa ngày sông”, không gian của sông nước thật độc đáo tạo cho người đọc ấn tượng mạnh mẽ về vùng quê chài lưới thanh bình, tươi đẹp. Vùng quê đó càng trở nên đẹp hơn, như một bức tranh tươi màu sự sống khi tác giả đặc tả cảnh dân chài ra khơi vào một buổi “sớm mai hồng”:
“Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá”.
Cả một khung cảnh bao la của vùng biển như được tác giả tái hiện qua câu thơ: “Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng”. Tất cả hiện lên ở vẻ đẹp viên mãn, tràn đầy nhất. Các tính từ “trong, nhẹ, hồng” đã tuyệt đối vẻ đẹp của tạo hóa. Đặc biệt vẽ ra bức tranh bình yên của vùng biển rộng lớn. Đó không phải là ngày biển ào ào giông tố mà là một ngày biển lặng, sóng êm. Câu thơ ngắt nhịp 3/2/3, với âm bằng chiếm chủ yếu phải chăng thể hiện những con sóng dạt dào vỗ vào bờ? Nổi bật lên giữa thiên nhiên đó là hình ảnh con thuyền ra khơi căng tràn sự sống:
“Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng hao la thâu góp gió…”.
So sánh độc đáo “chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã”, giàu sức gợi tả, thể hiện sức mạnh không gì ngăn nổi của những chiếc thuyền ra khơi. Bên cạnh đó tác giả sử dụng biện pháp đảo ngữ, đưa các động từ, tính từ đặc tả sức mạnh lên đầu câu: “phăng mái chèo”, “mạnh mẽ vượt”, một lần khẳng định những chiếc thuyền mang trên mình sức mạnh như vũ bão. Câu thơ mở ra một khung cảnh ra khơi hùng tráng, mỹ lệ. Khung cảnh đó càng trở nên kì vĩ hơn với hình ảnh:
“Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…”.
Lấy cái hữu hình so sánh với cái vô hình, tác giả như muốn huyền thoại hóa, mang màu sắc linh thiêng thổi hồn vào cánh buồm. Cánh buồm là nơi chứa đựng bao ước mơ, khát vọng của người dân làng chài vì thế nó cũng giống như hồn vía của ngôi làng. Tế Hanh đã sử dụng từ ngữ miêu tả rất tinh tế: “cánh buồm giương to” chứ không phải “cánh buồm trương to”. Nếu “trương to” thì thật trần trụi, thô ráp, chỉ gợi độ rộng. Còn “giương to” vừa thể hiện sự rộng lớn vừa thể hiện xu hướng tiến về phía trước, đồng thời cũng đầy linh thiêng. Cánh buồm như kiêu hãnh hơn, mạnh mẽ hơn với hình ảnh: “Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”. Động từ “rướn” diễn tả tư thế vươn mình tiến lên được đặt đầu câu nhấn mạnh sự chủ động. Cánh buồm như vươn mình ra xa để thu hút hết những luồng gió, để tăng thêm sinh lực, mạnh mẽ vượt qua các con sóng lao ra khơi xa. Đoạn thơ miêu tả cảnh ra khơi chỉ gồm sáu câu nhưng đã lột tả được cái thần, cái chất của khung cảnh tráng lệ. Các câu thơ luôn kết thúc với âm mở: a, ang, o,… như mở ra một đại dương bao la, đầy hứa hẹn những mẻ cá đầy, nơi mà con thuyền đang hướng tới. Có lẽ trên văn đàn Việt Nam hiếm có cuộc ra khơi nào mà lại được miêu tả một cách hùng tráng, kì vĩ, thấm đượm chất biển như trong thơ Tế Hanh. Ông đã viết về quê hương dấu yêu với cả tình yêu quê hương tha thiết, dạt dào.
Chủ đề:Cảm nhận bài thơ quê hương của Tế Hanh, Cảm nhận của em về đoạn thơ sau Làng tôi vốn làm nghề chài lưới, Phân tích bài quê hương ngắn nhất, Phân tích bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân, Phân tích bài thơ quê hương của Tế Hanh, Phân tích khổ 3 bài quê hương, Phân tích quê hương HSG, Viết đoạn văn ngắn cảm nhận về bài thơ quê hương