Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác – Dàn ý chi tiết
1. Cảm xúc của tác giả trước khung cảnh bên ngoài lăng. (Khổ 1)
– Trước lăng Bác là tâm trạng xúc động, là tiếng lòng của một người con miền Nam, sau bao năm mong mỏi được ra viếng Bác.
– Câu thơ thứ nhất: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”, như một lời thông báo giản dị mà chứa đựng bao tình cảm thân thương.
+ Cách xưng hô “con-Bác”, vừa thể hiện tình cảm, vừa thành kính, gần gũi thân thiết như một người con đi xa lâu ngày nay được trở về gặp lại người cha già kính yêu. Như vậy, giữa lãnh tụ và quần chúng không có khoảng cách.
+ Dùng từ “thăm” thay cho từ “viếng”, làm vơi bớt đi nỗi đau đớn và ẩn sau trong đáy lòng mỗi người con miền Nam: Bác Hồ vẫn còn sống.
Cụm từ “con ở miền Nam”, không chỉ nói đến khoảng cách địa lý mà còn muốn nói tới một chặng đường bao nhiêu năm chiến đấu hy sinh mới có được ngày hôm nay.
– Hình ảnh đầu tiên và cũng là hình ảnh ấn tượng đậm nét của tác giả khi đứng trước hàng tre: “Đã thấy trong sương…..đứng thẳng hàng”. Trong cái nhìn xúc động của tác giả hình ảnh hàng tre vừa mang nghĩa thực vừa mang nghĩa biểu tượng.
+ Tả thực: Là loài cây quen thuộc của mỗi làng quê Việt Nam.
+ Biểu tượng. Là hình ảnh ẩn dụ cho con người Việt Nam với bao phẩm chất tốt đẹp: bền bỉ, kiên cường, hiên ngang trước mọi khó khăn, thử thách. Hàng tre mang màu đất nước đại diện cho dân tộc luôn trung thành gắn bó, canh giấc ngủ bình yên cho Người.
– Từ “Ôi!” là từ cảm thán biểu thị niềm xúc động xen lẫn tự hào trước hình ảnh hàng tre.
→ Hình ảnh hàng tre là khúc dạo đầu nói lên niềm xúc động, bồi hồi của nhà thơ khi đến bên lăng Bác.
2. Cảm xúc của tác giả trước hình ảnh dòng người vào lăng viếng Bác. (Khổ 2)
a. Hai câu đầu: “Ngày ngày…rất đỏ”
Khổ thơ thứ hai được tạo nên từ cặp câu với những hình ảnh thực và ẩn dụ sóng đôi:
+ “Mặt trời” một là mặt trời thiên nhiên soi sáng không gian và mang lại sự sống cho muôn loài.
+ “Mặt trời” hai là hình ảnh ẩn dụ để chỉ Bác. Bác là người mang đến ánh sáng cách mạng, đem đến cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
– Mặt trời thiên nhiên được nhân hóa với hai hành động. ngày ngày vận hành trong vũ trụ “đi qua” và “nhìn thấy” mặt trời Bác Hồ.
+ Mặt trời thiên nhiên – một thiên thể kì vĩ bậc nhất trong vũ trụ hàng ngày vẫn chiêm ngưỡng và thán phục mặt trời Bác Hồ “trong lăng rất đỏ”.
+ Chi tiết đặc tả “rất đỏ”, gợi trái tim đầy nhiệt huyết vì Tổ quốc, vì nhân dân – trái tim yêu thương vô hạn của Bác. Màu đỏ ấy làm ấm lại khung cảnh đau thương.
→ Các hình ảnh ẩn dụ độc đáo vừa ca ngợi sự vĩ đại, bất tử của Bác vừa thể hiện lòng tôn kính, ngưỡng mộ, tự hào, biết ơn đối với Bác.
b. Hai câu sau: “Ngày ngày…mùa xuân”.
– Điệp từ “ngày ngày” vừa gợi ấn tượng về cõi trường sinh vĩnh viễn, vừa gợi tấm lòng của nhân dân không nguôi nhớ Bác.
– Hình ảnh “dòng người đi trong thương nhớ” là hình ảnh thực gợi tả ngày ngày từng dòng người vào lăng viếng Bác | trong niềm xúc động, tiếc thương.
– Hình ảnh “tràng hoa” là hình ảnh ẩn dụ để chỉ mỗi người vào lăng viếng Bác tự họ đã là một bông hoa kết thành một tràng hoa dài vô tận để dâng lên Người những gì tốt đẹp nhất. Bởi cuộc đời của họ đã được nở hoa dưới ánh sáng Cách mạng của Người.
– “Bảy mươi chín mùa xuân” là hình ảnh hoán dụ mang ý nghĩa tượng trưng: con người bảy mươi chín mùa xuân ấy | đã sống một cuộc đời đẹp như những mùa xuân và làm nền những mùa xuân cho đất nước cho cuộc đời.
3. Cảm xúc của tác giả trước khi vào trong lăng, đứng trước di hài của Bác. (khổ 3)
a. Bao tình cảm dồn nén bấy lâu khi gặp dáng hình thân yêu đã trào dâng thổn thức.
“Bác nằm trong… dịu hiền”
– Giấc ngủ của Bác là giấc ngủ giữa vầng trăng, giấc ngủ đêm bình thường chứ không phải là giấc ngủ vĩnh viễn. Bác như còn sống mãi cùng chúng ta.
– Giấc ngủ của Bác “bình yên” trong niềm yêu thương của con người và tạo vật, giữa ánh sáng dịu dàng của vầng trăng, trăng và người từng là tri kỉ.
– Nhà thơ đã sáng tạo ra một hệ thống hình ảnh vũ trụ để ví với Bác. Hình ảnh “vầng trăng” gợi cho ta nghĩ đến vẻ đẹp tâm hồn trong sáng, thanh cao của Bác.
b. Cảm xúc ngưỡng mộ như lắng xuống nhường chỗ chỗ nỗi đau trào dâng không thể kìm nén.
“Vẫn biết trời xanh…nghe nhói ở trong tim”
– Hình ảnh ẩn dụ “trời xanh” là hình ảnh của vũ trụ kì vĩ, vĩnh hằng, ẩn dụ gợi những suy ngẫm về cái vĩ đại, cao cả, bất diệt.
+ Bác còn sống mãi với non sông, đất nước như trời xanh còn mãi trên đầu. Người đã hóa thân vào thiên nhiên, đất nước dân tộc.
+ Sự nghiệp của Người là bất tử.
– Dù lý trí đã khẳng định như vậy nhưng tình cảm xót thương không thể chấp nhận thực tế mất mát vẫn khiến trái tim “nghe nhói”. Đó là nỗi đau vô hạn, xót thương rất thật. Lời thơ như tiếng khóc nghẹn ngào của đứa con về muộn bên di hài người cha.
4. Cảm xúc của tác giả trước khi sắp phải trở về Miền Nam. (khổ 4)
– Đến giờ phút chia tay, sắp phải trở về miền Nam, nhà thơ trào dâng niềm cảm xúc. Lòng thường nhớ bấy lâu nay đã vỡ òa trong tiếng khóc nghẹn người “Mai về miền Nam thương trào nước mắt”
– Câu thơ như một lời giã biệt, cụm từ cảm thán “thương trào nước mắt”, cho ta thấy đây là những giọt nước mắt của nhớ thương, khao khát muốn ở lại bên lăng Bác.
– Nhà thơ lưu luyến chẳng muốn chia xa. Từ “trào” diễn tả cảm xúc thật mãnh liệt, luyến tiếc, bịn rịn. Đó là tình cảm của muôn triệu con tim bé nhỏ cùng chung nỗi đau mất Bác.
– Tình cảm ấy đã chấp cánh cho ước mơ được hóa thân, hòa nhập vào cảnh vật ở lăng Bác: “Muốn làm con chim…chốn này”
+ Điệp từ “muốn làm” cùng các hình ảnh đứng sau đó tạo nhịp thơ dồn dập, diễn tả tình cảm tha thiết, khát vọng trào dâng mãnh liệt và ước nguyện chân thành của nhà thơ nói riêng, của mọi người nói chung.
+ Kết cấu đầu cuối tương ứng, hình ảnh cây tre lặp lại nhưng mang thêm ý nghĩa mới, tạo ấn tượng. Hình ảnh ẩn dụ này thể hiện lòng kính yêu và ước nguyện thủy chung tiếp tục đi theo con đường, lý tưởng cách mạng mà Bác đã chọn cho dân tộc.
– Bài thơ khép lại trong sự xa cách về không gian nhưng lại tạo được sự gần gũi trong ý chí, tình cảm. Đó cũng chính là tình cảm của mỗi người con miền Nam với Bác.
🔻 Xem thêm:
- Phân tích 2 khổ đầu bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương – Dàn bài chi tiết
- Cảm nhận 2 khổ thơ cuối bài Viếng lăng Bác của Viễn Phương – Dàn ý chi tiết
- Cảm nhận ước nguyện của nhà thơ trong “Mùa xuân nho nhỏ” và “Viếng lăng Bác”
- Câu hỏi đọc hiểu bài “Viếng lăng Bác”
- Phân tích hai khổ thơ cuối bài “Viếng lăng Bác”
Chủ đề:2, Nghị luận bài thơ Viếng lăng Bác, Nghị luận về bài thơ Viếng lăng Bác ngắn gọn, Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác khổ 2 3, Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác khổ 3 4, Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác tác giả tác phẩm, phân tích bài viếng lăng bác khổ 1, Phân tích bài Viếng lăng Bác ngắn gọn nhất, Phân tích Viếng lăng Bác học sinh giỏi