Phân tích 2 khổ thơ cuối bài Ánh Trăng – Nguyễn Duy
Phân tích đoạn thơ sau :
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình
(Ánh trăng, Nguyễn Duy)
Hàng ngàn năm nay, vầng trăng đã hiện diện trong thơ. Trăng như một biểu tượng thơ mộng gắn với tâm hồn thi sĩ. Nhưng có một nhà thơ cũng viết về trăng, không chỉ tìm thấy ở đấy cái thơ mộng, mà còn gửi gắm những nỗi niềm tâm sự mang tính hàm nghĩa độc đáo. Đó là trường hợp bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy viết năm 1978 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Khác với những bài thơ thời chiến tranh mà con người chỉ có một lí tưởng là chiến đấu và sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc, con người không có điều kiện để sống cho những gì thuộc về riêng tư, hay chuyện đời thường. Đọc bài thơ này ta nhận ra cái điều mới lạ ấy. Bước từ chiến tranh sang thời bình, con người bắt đầu có những toan tính, những ham muốn được hưởng thụ. Nguyễn Duy mượn vầng trăng và người lính nói về một sự thay đổi trong lòng người.
Vầng trăng trong thời tuổi thơ và chiến tranh gắn bó đẹp là vậy thế mà do hoàn cảnh, con người đã lãng quên để rồi từ trong sâu thẳm tâm hồn, con người phải day dứt. Hai khổ kết bài thơ là một sự thức tỉnh, một bài học làm người.
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình
Vầng trăng vẫn đẹp và tròn đầy như biểu tượng bao dung, nghĩa tình của nhân dân không đòi hỏi được đền đáp. Nhưng trăng cũng “im phăng phắc” với ánh mắt nghiêm nghị, thái độ nghiêm khắc. Khiến tình cảm người lính trong giây lát đã lãng quên quá khứ, trong sa ngã đời sống đã tự vấn lương tâm mình, tự sám hối với lòng mình. Cái rưng rưng muốn bật khóc và cái giật mình tỉnh ngộ là tấm lòng chân thực của người lính vốn cao đẹp không thể khác.
Với ý nghĩa này, Ánh trăng mang tính chất triết lí sâu sắc, có tác dụng cảnh tỉnh những ai dễ lãng quên quá khứ tốt đẹp. Cần biết sống thủy chung, nghĩa tình.
Sau chiến tranh “Thời tôi sống biết bao câu hỏi lớn/ Câu trả lời thật không dễ dàng chi”. Ánh trăng của Nguyễn Duy giúp mỗi người tìm được câu trả lời thấm thía trong cái “giật mình”, “rưng rưng” ấy.
🔻 Xem thêm: