NLXH suy nghĩ về ý kiến: “Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi”
1. Giải thích ý kiến
– Từ tế là có lòng tốt trong đối xử; ti tiện là nhỏ nhen, hèn hạ.
– Ý kiến trên nói về cách hành xử khác nhau của hai loại người trước cùng một sự việc là: “khi có lỗi”, người tử tế thì cư xử đàng hoàng, đúng đắn, còn kẻ ti tiện thì , cư xử man trá, tồi tệ.
2. Bàn luận ý kiến
– Khi có lỗi, người tử tế sẵn sàng nhận lỗi
+ Người tử tế là người coi trọng đạo đức, văn hoá, thiết tha với sự tiến bộ và hoàn thiện nhân cách của mình, giàu lòng tự trọng và tôn trọng con người, biết cư xử đúng đắn, sòng phẳng, công bằng.
+ Người tử tế có lòng trung thực, tự tin nên có bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm, dám đối mặt với khuyết điểm và lầm lỗi để hoàn thiện bản thân; không đang tâm đổ lỗi của mình cho người khác, khiến người khác phải gánh chịu những tội lỗi vốn của mình.
– Khi có lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi
+ Kẻ ti tiện không coi trọng đạo đức, văn hoá, do nhân cách thấp kém nên luôn thiếu tự tin; thường lo sợ, che giấu những yếu kém của mình mà không chịu sửa chữa để tiến bộ và hoàn thiện mình; không dám đối mặt với khuyết điểm, không dám chịu trách nhiệm.
+ Kẻ ti tiện chỉ lo đổ thừa khuyết điểm, lầm lỗi cho người khác để chối tội, trốn tránh trách nhiệm; hành vi đổ lỗi càng làm cho bản thân ti tiện hơn, vì dấn sâu vào dối trá; làm ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa người với người như đời sống xã hội.
3. Bài học nhận thức và hành động
– Bằng tri thức và trải nghiệm của bản thân, cần nhận thức đúng về tính tích cực của hành vi dám nhận lỗi và tính tiêu cực của hành vi đỗ lỗi cho người khác cũng như ảnh hưởng của nó đối với xã hội và con người.
– Thường xuyên tu dưỡng đạo đức, nhân cách, nâng cao ý thức tự trọng để có thái độ ứng xử đúng đắn trước lỗi lầm, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp, văn minh; trân trọng. khuyến khích sự dũng cảm, trung thực của những người dám nhận lỗi; nghiêm khắc phê phán những kẻ tìm mọi cách đổ lỗi cho người khác khi mắc sai lầm.
Bài văn tham khảo
Cổ nhân có câu: “Nhân bất thập toàn”, tức là trong cuộc sống, không ai sinh ra đã là hoàn hảo, sai lầm là biểu hiện thường thấy của con người. Sẽ có những sai lầm giúp con người hướng đến thành công, và cũng sẽ có những sai lầm sẽ người ta gục ngã. Dẫu cho bạn có một người bình thường hay là một vĩ nhân của nhân loại thì việc gặp những sai lầm trong cuộc sống cũng vẫn xảy đến. Khi có sai lầm thì lời xin lỗi sẽ luôn là hành động thực tế giúp hạn chế phần nào đó những hậu quả đáng tiếc xảy ra, đồng thời phần nào xoa dịu được tâm hồn người bị tổn thương.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc một người mở lời xin lỗi thường sẽ khó hơn so với việc họ đổ lỗi. “Đổ lỗi” được hiểu là hành vi của một người đang cố tình chối bỏ sai lầm của mình bằng cách viện ra đủ lý do khách quan hay thậm chí tồi tệ hơn là họ đổ lỗi sai cho một cá nhân khác. Điều đáng buồn là hiện tượng đổ lỗi này lại thường xuyên diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Còn “nhận lỗi” được hiểu là hành động tự nhìn nhận về cái sai của bản thân, là sự chia sẻ đối với người bị tổn thương, thiệt hại và cụ thể hóa bằng lời xin lỗi. Việc biết nhận lỗi là thể hiện sự mong muốn được đền bù và mong muốn được tha thứ.
Trong đời sống, sẽ có những lúc con người ta sẽ gặp những tình huống éo le và phạm phải sai lầm theo từng mức độ khác nhau, việc nhận lỗi và sửa chữa chúng sẽ khiến bản thân ta tốt hơn từng ngày, hoàn thiện nhân cách và đồng thời lấy lại niềm tin của người khác với mình. Lỗi lầm sẽ khiến cho cuộc sống của chúng ta đi theo chiều hướng tiêu cực như: gây tổn thương cho người khác, làm mất đi niềm tin, khiến cho bản thân cảm thấy day dứt, ân hận, … Nhưng việc ta biết nhận lỗi và sửa chữa lỗi sẽ giúp cho những cảm xúc tiêu cực sẽ được giảm bớt và tạo dựng thêm nhiều bài học bổ ích. Người biết nhận lỗi và sửa chữa lỗi lầm sẽ là người có cái nhìn nhận thực tế vào đời sống cũng như nhận được sự đánh giá cao của người khác. Người biết nhận lỗi sẽ là người có bản lĩnh, bởi họ biết bước ra khỏi “cái tôi” của chính mình để phát triển bản thân theo một chiều hướng tốt đẹp hơn, họ xứng đáng được tin tưởng, được tha thứ và được noi gương. Tuy nhiên, trong xã hội thì vẫn còn rất nhiều những cá nhân khi mắc sai lầm lại lựa chọn phương án giải quyết là đổ lỗi, chối bỏ trách nhiệm của mình về sự sai sót đó; hay có những người vì lợi ích của bản thân mà cố tình gây ra tổn thương cho người khác; hay có khi là đổ lỗi lầm cho một cá nhân không liên quan nào đó; … Những con người như thế rất đáng bị xã hội lên án, chỉ trích.
Chúng ta chỉ được sống một lần trên đời, khi còn cơ hội thì hãy cố gắng hoàn thiện và phát triển bản thân để có thể trở thành một người có đạo đức, có trách nhiệm, biết nói cảm ơn và biết nói xin lỗi đúng thời điểm, đúng con người để phấn đấu thành một công dân có ích cho xã hội.
Chủ đề:Dần chúng về hiện tượng đổ lỗi cho người khác, Lập dàn ý về Suy nghĩ của em về việc nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác, Trình bày ý kiến của em về hiện tượng hay đổ lỗi cho người khác, Văn 8 Trình bày ý kiến của em về hiện tượng Hay đổ lỗi cho người khác, Ví dụ về việc đổ lỗi cho người khác, Ví dụ về việc nhận lỗi, Viết 1 đoạn văn thuyết phục bản bỏ thói quen đổ lỗi cho người khác, Viết bài văn nghị luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen đổ lỗi