[Ngữ văn 11] Phân tích bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo
Đề bài : Phân tích bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo (từ khi Chí Phèo bị Thị Nở cự tuyệt đến khi Chí Phèo đâm chết Bá Kiến rồi tự sát).
GỢI Ý LÀM BÀI
I/ Mở bài
– Nam Cao là một cây bút hiện thực xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại những năm 1930 – 1945. Ông là một nhà văn có quan điểm nghệ thuật tiến bộ, có tấm lòng đôn hậu, chan chứa tình yêu thương, gắn bó sâu nặng với quê hương và những người nông dân nghèo khổ.
– Đặc biệt, đến với truyện ngắn “Chí Phèo” – một trong những tác phẩm viết về đề tài người nông dân nghèo trước cách mạng tháng Tám của Nam Cao, chúng ta không thể không cảm thông và xót xa, đau đớn trước bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo thể hiện ở đoạn cuối của truyện. Đồng thời qua đó, chúng ta cảm nhận sâu sắc giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm.
II/ Thân bài
1/ Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo
a/ Ước mơ muốn làm người lương thiện:
– Ngỡ tưởng Chí Phèo sẽ mãi sống trong kiếp của một con thú vật. Nhưng không, cuộc gặp gỡ tình cờ với Thị Nở và được Thị Nở yêu thương, chăm sóc với tình yêu mộc mạc, chân thành đã đánh thức phần nhân tính còn sót lại trong con người Chí, khiến Chí muốn trở lại làm người lương thiện : “Trời ơi, hắn thèm lương thiện, hắn muốn được làm hòa với mọi người biết bao! Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được?”
– Mùi cháo hành đã đẩy lùi hơi rượu ở trong Chí và ngọn lửa lương tri tưởng như đã tắt giờ lại bùng lên với khát khao được sống lương thiện.
b/ Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người
– Nhưng mong ước được sống lương thiện của Chí lại một lần nữa không thành hiện thực. Thị Nở không thể giúp gì thêm cho hắn bởi lẽ:
+ Bà cô Thị Nở kiên quyết ngăn cản mối tình này . Bà không thể đồng ý cho cháu gái bà “đâm đầu” đi lấy cái thằng Chí Phèo – con quỷ dữ của làng Vũ Đại bấy lâu chỉ có một nghề rạch mặt ăn vạ.
+ Nghe những lời bà cô mắng, Thị Nở thấy “lộn ruột” nhưng cũng phải nghe theo . Rồi thị giận dữ nói tất cả những lời của bà cô cho Chí Phèo nghe. Điều này khiến chí “ngẩn người” và thất vọng . Lúc này, Chí vẫn chưa tuyệt vọng bởi dường như Chí vẫn thấy được hơi cháo hành.
+ Khi thị ra về, Chí đuổi theo nắm lấy tay thị . Điều đó chứng tỏ Chí khao khát tình yêu và thiết tha đến với Thị Nở, đến với cuộc đời lương thiện.
– Khi thấy không còn cách gì níu giữ Thị Nở , Chí rơi vào tình thế tuyệt vọng. Lúc này đây, Chí thực sự thấm thía sâu sắc “cái bi kịch tinh thần của con người sinh ra làm người nhưng lại không được làm người” . Chí đã:
+ Vật vã, đau đớn
+ Uống rượu nhưng càng uống lại càng tỉnh
+ Chí ôm mặt khóc rưng rức và luôn thấy thoang thoảng hơi cháo hành. Chi tiết này được nhắc đi nhắc lại nhằm tô đậm nỗi khát khao yêu thương và nhất là bi kịch tinh thần của Chí.
2/ Giải quyết: bi kịch đã biến thành thảm kịch
– Bi kịch phải được giải quyết và nó đã được giải quyết bằng con đường tất yếu: xã hội đã không cho Chí sống thì Chí phải chết (vì nếu sống mà không được công nhận là con người thì sống có ý nghĩa gì?) .
– Trong cơn tuyệt vọng, khủng hoảng và bế tắc, Chí càng thấm thía hơn tội ác của kẻ đã cướp đi bộ mặt và linh hồn của mình. Chí đã đâm chết Bá Kiến và tự kết liễu cuộc đời mình.
3/ Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm
– Giá trị hiện thực: Tác phẩm đã ghi lại bức tranh về xã hội thực dân phong kiến tàn bạo và vô nhân tính. Đồng thời cũng tái hiện chân thực bức tranh về cuộc sống khốn cùng , bế tắc của người dân lao động bị xã hội cũ đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh.
– Giá trị nhân đạo: Nhà văn đã miêu tả số phận bất hạnh và cảm thông sâu sắc với bi kịch của người nông dân qua số phận khổ đau của Chí Phèo. Đồng thời, ông còn khẳng định sức sống bất diệt của thiên lương. Lương thiện và khát khao hạnh phúc là bản tính tự nhiên , tốt đẹp và mạnh mẽ của con người. Từ đó, nhà văn kêu gọi mọi người hãy luôn tin vào con người , tin vào bản chất tốt đẹp của con người và cùng nhau xây đắp phần Người trong mỗi con người để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
III/ Kết bài
– Nhân vật Chí Phèo được xây dựng thành công, vừa khái quát và vừa có cá tính.
– Bằng tấm lòng yêu thương, trân trọng với những người khốn khó , Nam Cao đã phát hiện được những phần sâu kín nhất trong tâm hồn của họ . Đó là những gì còn sót lại của tình người , sự khát khao hạnh phúc , ước muốn yêu thương và nhất là quyền được làm người lương thiện. Bi kịch của Chí chính là tiếng kêu cứu thiết tha của những con người bất hạnh: Hãy đấu tranh chống lại những thế lực đen tối để con người được sống lương thiện và hạnh phúc.
🔻 Xem thêm:
- Phân tích bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo
- Chi tiết bát cháo hành trong truyện ngắn “Chí Phèo” – Nam Cao
- Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Chí Phèo từ sau khi gặp thị Nở trong truyện ngắn “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao.
- Phân tích bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao
Chủ đề:Dàn ý Chí Phèo bị cự tuyệt quyền làm người, Kết bài Chí Phèo sau khi bị Thị Nở cự tuyệt, Mở bài Phân tích bi kịch cự tuyệt làm người của Chí Phèo, Nhìn phía trước người thân chẳng có Ngó sau lưng quá khứ rợn ghê người, Nỗi đau của Chí Phèo, Sự biến đổi của Chí Phèo, Tâm trạng của Chí Phèo sau khi an bát cháo hành, Ý định đầu tiên của Chí Phèo sau khi bị Thị Nở cự tuyệt