Hướng dẫn viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về thói quen ỷ lại, dựa dẫm của một bộ phận không nhỏ các bạn học sinh hiện nay
1. Mở bài
Trong cuộc sống, dù làm bất cứ công việc gì, muốn thành công, chúng ta đều phải cố gắng hết sức mình. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là, trong các bạn học sinh hiện nay, có một bộ phận không nhỏ các bạn có thói quen ỷ lại, dựa dẫm. Đây là một thói quen xấu, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản thân mỗi người cũng như sự phát triển chung của toàn xã hội. Chính vì vậy mà nó cần được mọi người quan tâm và sửa đổi.
2. Thân bài
a. Giải thích và nêu biểu hiện
Trước hết, chúng ta cần hiểu thế nào là ỷ lại, dựa dẫm? Ỷ lại, dựa dẫm là một thói quen xấu, đó là sự thụ động trong mọi việc, luôn trông chờ người khác làm thay mình, làm hộ mình những phần việc mà đáng lẽ bản thân mình phải thực hiện. Trong thực tế, chúng ta không khó để bắt gặp những hình ảnh đáng xấu hổ về những bạn học sinh có thói quen ỷ lại, dựa dẫm. Khi được giao bài tập về nhà, thay vì chủ động suy nghĩ để hoàn thành công việc thì nhiều bạn lại lên mạng để sao chép những bài có sẵn hoặc chờ các bạn của mình làm bài xong thì chép bài của bạn. Rồi khi ở nhà những công việc thường nhật phù hợp với khả năng của mình như quét nhà, tưới cây, phụ mẹ công việc bếp núc, sắp xếp nhà cửa gọn gàng,… các bạn không làm mà coi đó là việc của bố mẹ, của người giúp việc. Thói quen xấu này thực sự là vấn đề đáng lo ngại.
b. Phân tích tác hại của hiện tượng.
Thói quen ỷ lại, dựa dẫm mang đến những hậu quả rất nghiêm trọng nếu như mỗi người không kịp thời nhận ra và nhanh chóng sửa đổi. Trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng có người bên cạnh để hỗ trợ, giúp đỡ ta mọi việc, mà nếu như ta mãi quen dựa vào người khác thì ta không thể tự đứng vững trên chính đôi chân của mình. Và khi ấy, bản thân chúng ta sẽ trở nên thụ động, sợ hãi trước những khó khăn, thách thức, sớm đầu hàng, gục ngã. Thói quen ỷ lại sẽ ăn mòn tư duy và đánh mất khả năng sáng tạo của chính chúng ta. Con người thông minh là nhờ lao động, ta không lao động, không làm việc, luôn trông chờ vào người khác chính là ta đang dồn mình vào chân tường của sự ngu dốt, tối tăm. Quan trọng hơn, mỗi học sinh hôm nay sẽ là những chủ nhân tương lai của đất nước, thử hỏi đất nước sẽ ra sao nếu như có những chủ nhân là người thiếu kiến thức, nghèo kĩ năng và luôn luôn trông chờ, dựa dẫm người khác?
c. Nguyên nhân
Vậy, đâu là nguyên nhân để dẫn đến thói quen xấu này? Trước hết, có thể khẳng định nguyên nhân đầu tiên chính là sự nuông chiều của ông bà, cha mẹ đối với con cháu. Các bậc phụ huynh luôn nghĩ rằng cần dành thời gian tối ưu cho việc học của con cho nên sẵn sàng làm cho con tất cả mọi việc dù nó hoàn toàn nằm trong khả năng của con, là những việc con nên làm mà không hiểu rằng lao động chính là học tập. Trong quá trình lao động, con người ta sẽ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo. Cùng với đó, thói xấu này cũng xuất phát từ bản thân các bạn học sinh. Các bạn còn ngại làm việc, ngại hành động, muốn được vui chơi, chưa đặt mình vào vị trí của bố mẹ với những vất vả trong cuộc sống để có thể thấu hiểu và sẻ chia. Dần dà hình thành lối sống thụ động, ỷ lại từ trong chính môi trường gia đình, trường học và đến xã hội.
d. Cách khắc phục
Để khắc phục được hiện tượng xấu này, các bậc phụ huynh và chính các bạn học sinh cần có ý thức thay đổi. Cha mẹ cần khuyến khích, động viên, giao trách nhiệm cho con làm những công việc trong khả năng của con và những công việc phục vụ chính con. Còn bản thân các bạn học sinh, các bạn cần phải nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong học tập cũng như trong cuộc sống. Luôn giữ mình ở tâm thế tích cực, chủ động khi đứng trước mọi vấn đề, tuyệt đối không chờ người khác làm hộ mình, thay mình những công việc mà mình hoàn toàn có thể.
3. Kết bài
Có thể thấy, ỷ lại, dựa dẫm là thói quen xấu mang đến những tác hại khôn lường. Mỗi chúng ta cần nhận thức ngay được điều này, nhanh chóng sửa đổi và tránh xa nó bằng những hành động ,việc làm thiết thực: tích cực làm những công việc nhà cùng bố mẹ, chủ động suy nghĩ khi làm bài tập, chỉ trông cậy vào sự giúp đỡ của người khác trước những việc vượt quá khả năng của bản thân,….đừng để thói quen ỷ lại, dựa dẫm trở thành hòn đá chặn đường ta tiến tới thành công!
Bài văn tham khảo
Ở khắp mọi nơi ta đều có thể bắt gặp biểu hiện của hiện tượng ỷ lại của giới trẻ, từ gia đình trường học cho đến ngoài xã hội. Trong học tập học sinh có xu hướng “học vẹt”, tức là học một cách máy móc những gì thầy cô đọc cho ghi chép mà không cần hiểu bài học muốn nói gì, vì sao kiến thức đó đúng. Nếu học sinh gặp một câu hỏi nằm ngoài những gì đã được nghe được chép, chúng cảm thấy bối rối, khó khăn, không thể tự suy nghĩ mà tìm ra câu trả lời. Ta cũng nhận ra rằng sự sáng tạo của học sinh ngày nay kém các thế hệ trước rất nhiều. Trong gia đình, những đứa con càng ngày càng thiếu ý thức về giá trị của đồng tiền và công sức lao động, ít giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà dù đó chỉ là việc tự dọn dẹp phòng mình. Nhiều lúc chúng còn trách móc cha mẹ không làm giùm chúng những việc mà đáng lẽ ra chúng phải tự làm tự chịu trách nhiệm như mang đầy đủ đồ dùng cá nhân khi đi học hoặc đi du lịch, thức dậy đúng giờ … Ngoài ra, một số đứa trẻ lại thiếu khả năng giao tiếp ứng xử ngoài xã hội, trở nên nhút nhát rụt rè khi tiếp xúc với người lạ. Chúng ta không khỏi thắc mắc vì sao hiện tượng trên ngày càng trở nên phổ biến như vậy?
Nguyên nhân của hiện tượng ỷ lại đa phần không phải là lỗi của bản thân giới trẻ. Trẻ vị thành niên chịu tác động mạnh mẽ của môi trường xung quanh bao gồm gia đình và nhà trường đôi khi bất khả kháng. Vì vậy nguyên nhân lớn nhất của hiện tượng ỷ lại trong giới trẻ chính là môi trường. Trước tiên, ảnh hưởng mạnh nhất đến thế hệ trẻ chính là bản thân gia đình chúng. Thời niên thiếu của thế hệ ông cha ta khó khăn thiếu thốn đủ điều, thế nên cha mẹ nào cũng muốn tạo cho con mình một cuộc sống đầy đủ no ấm hơn bản thân mình ngày xưa. Vì muốn con tập trung cho việc học, lo cho tương lai, các bậc phụ huynh chăm sóc mọi bề cho con mình, không muốn con phải lo lắng việc gì khác ngoài học tập. Hậu quả là giới trẻ ngày nay phụ thuộc nhiều vào gia đình, đến nỗi nhiều người còn không biết cách cầm một cây chổi tự quét nhà ! Đồng thời môi trường học đường ngày nay với căn bệnh thành tích cũng gây tác động xấu đến sự lập của học sinh. Đa số giáo viên và học sinh ưa thích kiểu “học vẹt” “học đối phó” để có thành tích tốt. Điểm số của học sinh ngày nay cao chót vót nhưng đó chỉ là những “điểm ảo” không đánh giá được trung thực trình độ của học sinh, còn bản thân chúng chẳng tiếp thu được gì cả ! Sự đối lập giữa điểm số môn Sử, Địa và lỗ hổng về hiểu biết lịch sử, địa lý nước nhà của học sinh là một dẫn chứng cụ thể cho “điểm ảo”. Học sinh thậm chí còn không biết người được đặt tên cho con đường mình hay đi là ai đến nỗi có năm thành phố Hồ Chí Minh đã phải dán băng rôn kể về các nhân vật lịch sử để nâng cao nhận biết của người dân.
Sự phụ thuộc vào người khác gây hậu quả lớn trong tương lai của thế hệ trẻ. Khi đến tuổi tự lập tách khỏi gia đình, nhiều người sẽ cảm thấy hụt hẫng chới với thiếu tự tin vào bản thân khi bước vào đời. Họ dần trở nên mất phương hướng khi cuộc sống thay đổi, khó thích nghi khi gặp tình huống bất ngờ. Vì vậy ta thấy hiện nay có nhiều người đỗ đạt cao có thể có bằng thạc sĩ nhưng thiếu bản lĩnh đương đầu với khó khăn không thành công trong cuộc sống. Đồng thời sự phụ thuộc cũng là nguyên nhân của sự rập khuôn, tức là thế hệ trẻ sẽ mất dần khả năng sáng tạo, không muốn tìm hiểu tiếp cận cái mới. Mà sự sáng tạo ham muốn khám phá là những yếu tố nòng cốt để thúc đẩy xã hội ngày một phát triển hơn. Như vậy, ta có thể nói rằng hiện tượng ỷ lại của giới trẻ có thể dẫn đến sự đi lùi của nền văn minh nhân loại.
Làm sao để khắc phục hiện tượng ỷ lại ở giới trẻ ? Muốn thay đổi được thói lệ thuộc của lớp trẻ hiện nay trước hết ta phải thay đổi môi trường sống xung quanh chúng. Bằng cách tạo cho con mình điều kiện để tự quyết định và chịu trách nhiệm về hành động của mình, cha mẹ có thể rèn luyện tính tự lập tinh thần trách nhiệm cho chúng. Phụ huynh không thể vì sợ con gặp khó khăn mà cản bước phát triển hoàn thiện mình của con. Nếu vì tình thương con mà cha mẹ gây hậu quả tai hại cho tương lai của con thì thật đau lòng biết bao! Giáo viên nên khuyến khích sự sáng tạo tự khám phá giúp học sinh tiếp thu được kiến thức của riêng mình bằng chính sức lực của mình. Thầy cô không nên áp đặt ý kiến chủ quan của mình lên học sinh, phải tôn trọng ý tưởng của bản thân học trò. Có như thế thì việc giảng dạy mới có hiệu quả. Gia đình và nhà trường phải phối hợp với nhau giúp lớp trẻ rèn luyện kĩ năng sống, cho trẻ đủ tự tin và khả năng tự vươn lên trong đời sống.
Tóm lại, hiện tượng lệ thuộc ở giới trẻ là một mầm bệnh nguy hại cần phải loại trừ để tránh sự đi lùi của xã hội mai sau. Học sinh cần rèn luyện tính tự lập từ khi còn nhỏ trong cả học tập lẫn đời sống bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Ta phải luyện tập ngay từ bây giờ bởi lẽ cha mẹ thầy cô không thể che chở cho chúng ta mãi mãi, đến một lúc nào đó như chim non bay khỏi tổ, ta phải bằng chính đôi tay mình vươn lên đến thành công. Vả lại cảm giác tự mình đạt được kết quả tốt chẳng phải là điều đáng tự hào và niềm vui sảng khoái nhất đó sao?