Hướng dẫn phân tích cảnh VII vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt
1. Mở bài: Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, đoạn trích.
– Lưu Quang Vũ là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học Việt Nam . Được xem là một hiện tượng của sân khấu kịch những năm tám mươi của thế kỉ XX. Kịch của Lưu Quang Vũ mang nhiều cách tân độc đáo, quan tâm thể hiện xung đột trong cách sống và quan niệm sống, bày tỏ khát vọng hoàn thiện nhân
cách con người.
– Vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt là tác phẩm gây tiếng vang nhất của Lưu Quang Vũ, được tác giả hoàn thành năm 1984, công diễn lần đầu năm 1987. Đoạn trích thuộc cảnh VII là đoạn kết của vở kịch, đặt vấn đề về lẽ sống con người qua nỗi khổ bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo, qua mâu thuẫn cực độ giữa hồn và xác, vở kịch chứa đựng những vấn đề triết lí nhân sinh: sống nhờ, sống giả, sống không phải là mình, đó là bi kịch lớn nhất của một con người. Để chuyển tải triết lí nhân sinh cao cả ấy, Lưu Quang Vũ đã xây dựng lên cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt mang đầy tính ẩn dụ sâu sắc.
2. Thân bài
a. Phân tích nội dung, chủ đề đoạn trích
• Tóm tắt nội dung: Trương Ba là một người làm vườn giỏi, sống trung thực, ngay thẳng, nhân hậu, chan hòa với mọi người và có tài chơi cờ. Chỉ vì sự cẩu thả và tắc trách của Nam Tào, Bắc Đẩu trên thiên đình mà ông Trương Ba phải chết oan. Tiên cờ Đế Thích vì tiếc một người có tài chơi cờ nên đã hóa phép cho hồn Trương Ba nhập vào xác của anh hàng thịt vừa mới chết một ngày. Hồn Trương Ba từ đó sống trong thân xác của anh hàng thịt. Ai cũng ngỡ đó là cách giải quyết thuận lợi cho Trương Ba, để cho con người hiền lành này tiếp tục sống êm ấm trong gia đình mình. Nhưng trớ trêu thay, chính sự tái sinh trong xác người khác lại là điều bất hạnh của Trương Ba. Trong chính gia đình mình, ông bị người thân chê trách, xa lánh và coi thường. Hồn Trương Ba bị dồn vào sự đau khổ nhất: tự mình ý thức được sự tha hóa của mình, bị cường hào nhũng nhiễu, nhìn thấy con trai hư hỏng mà không dạy dỗ được… Tất cả những điều đó đã khiến ông không thể chịu đựng được nữa, không thể khuất phục trước thể xác, trước những cái xấu xa và tự đánh mất mình. Hồn Trương Ba không thể sống chung với xác anh hàng thịt, hồn đã tách ra khỏi thân xác để tranh luận.
• Chủ đề: Qua việc xây dựng xung đột giữa tâm hồn thanh cao của Trương Ba với thể xác phàm tục của anh hàng thịt, tác giả đã khắc họa bi kịch tha hoá và cuộc đấu tranh gay gắt để bảo vệ, hoàn thiện nhân cách của con người. Từ đó tác giả đã phê phán một số hiện tượng tiêu cực trong xã hội và gửi gắm triết lý nhân sinh sâu sắc về yêu cầu thống nhất giữa tâm hồn và thể xác.
• Mâu thuẫn, xung đột trong đoạn trích kịch
Xung đột giữa hồn và xác (giữa bản năng và lý trí, giữa ham muốn vật chất và khát vọng tinh thần) là xung đột trung tâm của vở kịch. Đến cảnh VII, xung đột lên tới đỉnh điểm cần phải giải quyết. Sau mấy tháng sống nhờ trong xác hàng thịt một cách trái tự nhiên, hồn Trương Ba trở nên xa lạ với người thân và tự chán chính mình: “Không!Không!Tôi không muốn sống như thế này mãi! Tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi này lắm rồi, chán lắm rồi!”. Tình huống kịch bắt đầu từ chi tiết này. Trong cuộc đối thoại với Xác hàng thịt, Hồn Trương Ba đã đau khổ, tuyệt vọng khi không thể bảo vệ tâm hồn cao quý, thuần khiết. Hồn Trương Ba đã hoàn toàn đuối lí, bất lực trước những lí lẽ của Xác hàng thịt rằng thân xác có khả năng chi phối mạnh mẽ tâm hồn. Một khi đã phải mượn “cái thân thể kềnh càng thô lỗ” của anh hàng thịt làm nơi trú ngụ, thì dù muốn hay không, hồn Trương Ba vẫn bị cái thân xác phàm tục ấy sai khiến. Hồn Trương Ba tưởng rằng xác hàng thịt “không có tiếng nói, mà chỉ là cái xác thịt âm u đui mù…” nhưng sự thực thì thể xác vẫn có tiếng nói riêng, và tâm hồn “đã luôn luôn bị tiếng nói ấy sai khiến”. Chính vì âm u, đui mù mà thể xác “có sức mạnh ghê gớm, lắm khi át cả cái linh hồn cao khiết”. Lớp kịch đặc sắc này được khép lại bằng tiếng kêu “Trời!” (như tuyệt vọng) của hồn Trương Ba, và hồn Trương Ba buộc phải chấp nhận, “bần thần nhập lại vào xác hàng thịt”. Xung đột kịch đã không được giải quyết và tiếp tục phát triển ở phần sau.
• Nhân vật kịch
Trong cuộc đối thoại đầy kịch tính của nhân vật Hồn Trương Ba và Xác hàng thịt, người đọc nhận ra nhiều tầng ý nghĩa cũng như thông điệp, tư tưởng của tác phẩm qua hai nhân vật này. HồnTrương Ba chính là hình ảnh đại diện cho con người với lí tưởng sống cao đẹp, tâm hồn cao khiết. Ông vốn là một người làm vườn chất phác, hiền lành, yêu vợ, thương con, chơi cờ giỏi và yêu thích lối sống giản dị, thanh cao. Vì sự nhầm lẫn, tắc trách của Nam Tào mà chết oan uổng. Sống trong thân xác hàng thịt, Trương Ba đau đớn, tuyệt vọng khi không được là chính mình. Lời thoại mở đầu đoạn trích kịch Không! Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi!. Tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi này lắm rồi, chán lắm rồi! đã thể hiện sinh động tâm trạng tù túng, bí bách, bất lực của Trương Ba. Ông ra sức bảo vệ quan điểm của mình, quan điểm về tâm hồn cao khiết sẽ không bị khuất phục trước thân xác phàm tục rằng: Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch,thẳng thắn…. nhưng hoàn toàn thất bại trước những lí lẽ không thể phủ nhận của Xác hàng thịt. Dù được sống lại nhưng rõ ràng với Trương Ba, đó là một bi kịch đau đớn, bi kịch sống không được là chính mình, bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo.
Ngược lại, Xác hàng thịt lại là hình ảnh đại diện cho con người phàm tục với những nhu cầu, khát vọng mang tính bản năng. Trước sự chối bỏ thân xác của Hồn Trương Ba, Xác hàng thịt đã có những lí lẽ, bằng chứng rất thuyết phục: Tôi là cái bình để chứa đựng linh hồn. Nhờ tôi mà ông có thể làm lụng, cuốc xới. Ông nhìn ngắm trời đất, cây cối, những người thân… Nhờ có đôi mắt của tôi, ông cảm nhận thế giới này qua những giác quan của tôi….; Mỗi bữa tôi đòi ăn tám, chín bát cơm, tôi thèm ăn thịt, hỏi có gì là tội lỗi nào? Lỗi là ở chỗ không có đủ tám, chín bát cơm cho tôi ăn chứ! Xác hàng thịt đã lập tức phản bác, thẳng thừng phê phán Trương Ba là người ưa sĩ diện, luôn lấy cái xác ra để che đậy cho hành vi thỏa mãn ham muốn thú vui tầm thường, còn bản thân thì vẫn tự nhận mình là thanh cao, thánh khiết, để lòng được thanh thản, không cảm thấy dằn vặt. Trong quan điểm của Xác hàng thịt, tâm hồn con người hoàn toàn bị nhu cầu thể xác chi phối.
=> Xây dựng hai nhân vật với những lời đối thoại gay gắt, kịch liệt, đậm chất triết lý, Lưu Quang Vũ đã chạm đến một vấn đề có ý nghĩa muôn thuở. Đó là vấn đề về mối quan hệ giữa thể xác và linh hồn, giữa bản năng và lí trí, giữa ham muốn vật chất và khát vọng tinh thần. Không thể duy tâm, duy ý chí khi đòi tách cái hồn “ra khỏi cái xác”, “dù chỉ một lát”. Con người là một thể thống nhất, hồn và xác phải hài hòa. Không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục, tội lỗi. Khi con người bị chi phối bởi những nhu cầu bản năng của thân xác thì đừng chỉ đổ tội cho thân xác, không thể tự an ủi, vỗ về mình bằng vẻ đẹp siêu hình của tâm hồn.
b. Phân tích đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích
Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung (Lêônit Lêônôp). Làm nên thành công của đoạn trích kịch không thể không kể tới những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc. Trước hết là nghệ thuật xây dựng tình huống xung đột kịch độc đáo – xung đột giữa hồn và xác. Đây thực ra là một ẩn dụ, xác anh hàng thịt ẩn dụ về thể xác con người, còn hồn Trương Ba ẩn dụ về linh hồn của con người. Tác giả đã sáng tạo ra một tình huống ẩn dụ có sức lôi cuốn, gợi cho người đọc những suy nghĩ sâu sắc, con người không thể sống không là mình, không thể sống giả dối hay vay mượn cuộc sống của người khác. Con người không chỉ sống bằng thể xác và còn phải sống bằng cả linh hồn, tình cảm,…
Bên cạnh đó, biện pháp đối lập cũng được sử dụng rất đắc địa để tô đậm sự khác nhau cơ bản giữa hồn người này và xác người kia: Hồn của Trương Ba biểu tượng cho sự thanh nhã, cao khiết, trong sạch, đạo đức. Hồn là phần chân chính của mỗi con người. Ngược lại, anh hàng thịt với thân xác vạm vỡ, kênh càng, thô lỗ… biểu tượng cho bản năng, cho những ham muốn trần tục. Những màn đối thoại, độc thoại được sáng tạo sắc nét không những giúp giúp nhân vật bộc lộ bản chất, suy nghĩ của cá nhân mình mà còn giúp cho người đọc, người xem suy ngẫm về những triết lí được gửi gắm trong mỗi câu thoại của các nhân vật.
3. Kết bài : khẳng định giá trị, ý nghĩa của tác phẩm/ đoạn trích
Đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, qua việc khắc họa bi kịch của nhân vật hồn Trương Ba, đã thể hiện một ý nghĩa triết lí về nhân sinh, về hạnh phúc con người. Lưu Quang Vũ đã chạm được vào cái triết lí về sự thống nhất hữu cơ của cá thể con người, thân xác nào thì linh hồn ấy, thể hiện một khát vọng lớn: mỗi người phải được là chính mình, được sống hoàn toàn là mình, được sống một cách hòa hợp giữa tâm hồn và thể xác. Đồng thời tác phẩm cũng là tiếng nói khẳng định không gì hạnh phúc bằng khi được sống đúng là mình, sống với những gì mình đã có. Như thế cuộc đời sẽ thanh thản, nhẹ nhàng và ý nghĩa biết bao! Cuộc sống thật đáng quý nhưng không phải sống thế nào cũng được. Cuộc sống chỉ có giá trị khi con người được trở về đúng bản chất của mình, được sống trong một cơ thể thống nhất.
Chủ đề:da hàng thịt, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Mở bài Hồn Trương Ba, Nội dung Hồn Trương Ba, Phân tích cuộc đối thoại giữa Hồn Trương Ba và de Thích, Phân tích cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt, Phân tích hồn Trương Ba da hàng thịt đoạn đầu, Phân tích hồn Trương Ba da hàng thịt học sinh giỏi, Phân tích Hồn Trương Ba với de Thích