[Học văn 8] Cảm nhận về tình yêu thương mẹ của chú bé Hồng
Đề bài: Cảm nhận về tình yêu thương mẹ của bé Hồng qua đoạn trích “Trong lòng mẹ” (trích hồi kí “Những ngày thơ ấu”) của tác giả Nguyên Hồng
I. Mở bài
+ Nguyên Hồng là nhà văn hiện thực xuất sắc với giọng văn trữ tình, đằm thắm yêu thương.
+ “Những ngày thơ ấu” là cuốn hồi kí cảm động về chính cuộc đời thơ ấu tác giả.
+ Tiêu biểu là đoạn trích “Trong lòng mẹ” đã thể hiện trọn vẹn tình yêu thương mẹ thiêng liêng, cảm động của bé Hồng.
II. Thân bài
- Giới thiệu về hoàn cảnh của bé Hồng:
– Chú bé Hồng – nhân vật chính của truyện lớn lên trong một gia đình sa sút. Người cha sống u uất, trầm lặng, rồi chết trong nghèo túng, nghiện ngập. Người mẹ có trái tim khao khát yêu đương đành chôn vùi tuổi thanh xuân trong cuộc hôn nhân không có hạnh phúc. Sau khi chồng chết, người phụ nữ đáng thương ấy vì quá cùng quẫn phải bỏ con đi tha hương cầu thực và bị người đời gán cho cái tội “chưa đoạn tang chồng mà đã chửa đẻ với người khác“. Bé Hồng phải sống trong gia đình người cô giàu có mà cay nghiệt. Chịu những nỗi đau giằng xé về tinh thần.
2. Phân tích:
a. Tuy đau khổ, sống xa mẹ nhưng bé Hồng vẫn dành cho mẹ những tình cảm yêu thương trọn vẹn. Tình yêu thương ấy được thể hiện sâu sắc trong cuộc đối thoại của em với bà cô ác nghiệt.
– Tình cảm mãnh liệt của đứa con đã giúp bé Hồng vượt qua những lời lẽ xúc xiểm, những dụng ý xấu xa mà người cô cố tình gieo rắc vào lòng cậu bé. Với trái tim nhạy cảm, sự thông minh tinh ý, Hồng đã nhận ra phía sau lời nói thản nhiên, điệu cười rất kịch của cô là những rắp tâm tanh bẩn muốn bé khinh miệt và ruồng rẫy mẹ mình.
– Em chỉ biết khóc, nước mắt chan hoà. Giọt nước mắt vì uất ức, tủi cực và thương mẹ sâu sắc vì nghĩ mẹ không đáng bị sỉ nhục như thế.
– Không chỉ thế, bé Hồng còn nhận thức sâu sắc nguyên nhân nỗi đau khổ của đời mẹ. Em căm tức những thành kiến tàn ác đã khiến mẹ phải xa lìa con thơ.
– Lòng thương mẹ mãnh liệt tới mức: “Giá những cổ tục…mới thôi”. Hàng loạt các động từ mạnh được nhà văn sử dụng theo chiều hướng tăng tiến: vồ, cắn, nhai, nghiến…đã thể hiện thái độ kiên quyết bảo vệ mẹ trước những cổ tục độc ác của xã hội cũ.
– Như vậy, dù hơn một năm trời, mẹ không gửi cho một lá thư, không một lời hỏi thăm, không cho đồng quà, lại bị bủa vây bởi những lời cay độc của bà cô nhưng bé vẫn không nghĩ xấu về mẹ. Trái lại, em cảm thông và thương mẹ đến tột cùng.
=>Ở bé Hồng, ta thấy ngời sáng lên vẻ đẹp của một tâm hồn trẻ thơ thánh thiện, sự bao dung và lòng hiếu thảo.
b.Tình thương, nỗi nhớ mong, khao khát được gặp mẹ và niềm hạnh phúc vô biên khi được sống trong tình yêu thương của mẹ:
– Bé Hồng luôn khao khát được sống trong tình thương của mẹ. Chỉ thoáng thấy bóng người giống mẹ mình, bé đã chạy theo gọi rối rít: “Mợ ơi!”. Tiếng gọi tha thiết của bé Hồng khuấy động cả không gian, gửi trọn tình yêu thương và nỗi khát khao tình mẹ luôn thường trực, cồn cào trong trái tim non nớt. Điều này đã được cụ thể hoá trong hình ảnh so sánh: mẹ như dòng nước trong mát còn con như người bộ hành sắp gục ngã giữa sa mạc.
– Khi được ngồi lên xe cùng mẹ, bé Hồng oà khóc và cứ thế nức nở. Nếu khi khóc với bà cô là tiếng khóc tủi hờn, uất ức thì khi gặp mẹ đó lại là tiếng khóc của niềm hạnh phúc. Trong đôi mắt của tình yêu thương Hồng thấy mẹ đẹp như một thiên thần: gương mặt tươi sáng, đôi mắt trong, nước da mịn, hơi thở thơm tho…Em như huy động mọi giác quan để tận hưởng và đón nhận tình mẹ.
– Trong lòng mẹ, mọi đau khổ đều tan biến, bé Hồng mê man trong hạnh phúc “mẹ êm dịu vô cùng”, “Tôi không nhớ mẹ đã hỏi tôi và tôi đã trả lời mẹ những gì”
=> Cả một thế giới như đang bừng nở, hồi sinh, ăm ắp tình mẫu tử thiêng liêng và cảm động.
3. Khái quát về nội dung và nghệ thuật
– Đoạn trích là bài ca đẹp về tình mẫu tử thiêng liêng mà cao quý, mang giá trị nhân đạo sâu sắc.
– Những trang văn miêu tả tâm lí nhân vật chân thực, cảm động đã ghi lại “những rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại”.
– Giọng văn chứa chan cảm xúc, thể hiện rõ phong cách Nguyên Hồng: “Những gì tôi viết ra là những gì thương yêu nhất của tôi, những ước mong nhức nhối của tôi”
III. Kết bài
+ Đoạn trích làm ngời sáng tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.
+ Giá trị của đoạn trích “Trong lòng mẹ” nói riêng và tác phẩm “những ngày thơ ấu” nói chung sẽ trường tồn mãi cùng thời gian bởi nó chứa đựng tình cảm nhân văn sâu sắc, thấm thía triết lí về tình cảm gia đình, thấm được chất thơ giữa cuộc đời cay cực.
Chủ đề:Cảm nhận về tình yêu thương mẹ của be Hồng, Tình cảm của chú bé Hồng đối với mẹ, Tình yêu thương mãnh liệt của chú bé Hồng đối với người mẹ bất hạnh được thể hiện như thế nào, Tình yêu thương mẹ của chú bé Hồng, Trình bày cảm nhận của em về tình yêu thương mẹ của be Hồng, Viết đoạn văn về tình yêu thương của mẹ, Viết đoạn văn về tình yêu thương mãnh liệt của chú bé Hồng, Viết đoạn văn về tình yêu thương mẹ