[Học văn 7] Phân tích bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương
1, Mở bài: Giới thiệu tác giả, văn bản, nội dung của văn bản.
Hồ Xuân Hương được mệnh danh là “ Bà chúa thơ Nôm” – là một trong những nữ sĩ tài hoa của nền văn học Việt Nam thời trung đại. Thơ của bà thấm đẫm tình yêu thương trân trọng con người đối với người phụ nữ. “ Bánh trôi nước”, là bài thơ Nôm đặc sắc, tiêu biểu cho hồn thơ Hồ Xuân Hương. Bài thơ ca ngợi phẩm chất trong trắng sắt son của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa đồng thời thể hiện lòng thương cảm sâu sắc đối với thân phận chìm nổi của họ.
2, Thân bài:
“Bánh trôi nước” là bài thơ bình dị về đề tài nhưng mang hàm nghĩa sâu sắc. Bài thơ tả cái bánh trôi nước, một món ăn dân tộc, từ đặc điểm, cách làm đến chất lượng của bánh nhưng quan trọng hơn bài thơ còn ca ngợi vẻ đẹp về hình thức và phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam xưa, đồng thời cảm thương cho thân phận người phụ nữ Việt Nam xưa.
Hai câu thơ đầu:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi, ba chìm với nước non.
Câu thơ thứ nhất mở đầu bằng cụm từ “thân em” rất gần gũi với cách nói trong ca dao than thân.Người đã tự giới thiệu về mình bằng cách nói khiêm nhường, vừa tội nghiệp. Cụm từ “ vừa trắng, lại vừa tròn” trong đó có các tính từ “ trắng, tròn” có giá trị gợi tả liên tưởng về vẻ đẹp của người phụ nữ. Đó là vẻ đẹp hoàn hảo, phúc hậu, tròn đầy.
Câu thơ thứ hai đã sử dụng sáng tạo thành ngữ “ Bảy nổi ba chìm”kết hợp với từ “ nước non” chỉ “cuộc đời”. Câu thơ đã giúp ta hình dung ra thân phận vất vả, bấp bênh, chìm nổi, chịu nhiều thiệt thòi của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Hai câu thơ cuối:
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Câu thơ thứ ba: Hai chữ “rắn nát” và “tay kẻ nặn” nhằm ám chỉ số phận của người phụ nữ hoàn toàn lệ thuộc. Lễ giáo phong kiến với đạo tam tòng khắc nghiệt đã khiến cho người phụ nữ mất đi quyền quyết định của chính mình.
Câu thơ cuối: “ mặc dù..mà..vẫn giữ..” biểu thị một thái độ kiên trinh, bền vững, phẩm chất son sắt, chịu thương, chịu khó của người phụ nữ Việt Nam trước những sóng gió của cuộc đời. Với cặp quan hệ từ “mặc dầu…mà…vẫn” và hình ảnh ẩn dụ “tấm long son” đã khẳng định và ngợi ca bản lĩnh và vẻ đẹp phẩm chất son sắt, thủy chung dù số phận bấp bênh, cuộc đời trôi dạt và lệ thuộc. Họ vẫn giữ được tâm hồn trong sáng và sự thủy chung, son sắt của mình.
3, Kết bài: Khẳng định lại nghệ thuật và nội dung của bài thơ.
Chỉ với 4 câu thơ, 28 chữ, ngôn ngữ thuần việt, sử dụng sáng tạo thành ngữ và cách nói dân gian, hình ảnh ẩn dụ, bài thơ đã đã thể hiện sâu sắc cảm hứng nhân đạo trong văn học VN thời phong kiến: ca ngợi vẻ đẹp, phẩm chất của người phụ nữ, đồng thời cảm thông sâu sắc với thân phận chìm nổi của họ, qua đó phản kháng, tố cáo sự bất công trong xã hội xưa. Chính vì thế bài thơ được coi là áng văn chương đa nghĩa và độc đáo.