[Học văn 7] Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước
Bài 1.
– Ở đâu năm cửa, nàng ơi?
Sông nào sáu khúc nước chảy xuôi một dòng?
Sông nào bên đục bên trong?
Núi nào thắt cổ bồng mà có thánh sinh?
Đền nào thiêng nhất xứ Thanh?
Ở đâu lại có cái thành tiên xây?
– Thành Hà Nội năm cửa, chàng ơi!
Sông Lục Đầu sáu khúc nước chảy xuôi một dòng.
Nước sông Thương bên đục bên trong,
Núi đức thánh Tản thắt cổ bồng mà lại có thánh sinh.
Đền Sòng thiêng nhất tỉnh Thanh,
Ở trên tỉnh Lạng, có thành tiên xây.
– Bài ca dao là lời của chàng trai nói với cô gái, hỏi – đáp về những địa danh với đặc điểm của từng địa danh mang đặc điểm nổi bật.
– Ở chặng hát đối của các cuộc hát đối đáp, đây là hình thức của các chàng trai cô gái thử tài nhau, đo độ hiểu biết về kiến thức lịch sử, địa lí.
– Câu hỏi và lời đáp hướng về nhiều địa danh ở nhiều thời kì của vùng Bắc Bộ. Những địa danh đó không chỉ có những đặc điểm địa lí tự nhiên mà cả những dấu vết lịch sử văn hóa nổi bật. Thành Hà Nội năm cửa, sông Lục Đầu sáu khúc chảy êm đềm, nước sông Thương bên đục bên trong, núi Tản Viên, đền Sòng, thành tiên ở Lạng Sơn…
– Người hỏi biết chọn nét tiêu biểu của từng địa danh đề hỏi, người đáp hiểu rất rõ và trả lười đúng ý. Hỏi- đáp như vậy là thể hiện chia sẻ sự hiểu biết cũng như niềm tự hào, tình yêu đối với quê hương, đất nước. Chàng trai, cô gái cùng chung sự hiểu biết, cùng chùng tình cảm như thế. Đó là cơ sở và là cách để họ bày tỏ tình cảm với nhau.
– Qua lời hỏi và đáp có thể thấy chàng trai và cô gái là những người am hiểu kiến thức lịch sử, địa lí và là những người lịch lãm, tế nhị.
Bài 2.
Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Ai vô xứ Huế thì vô….
Phân tích phong cảnh trong bài ca. Tại sao câu thơ Ai vô xứ Huế thì vô… lại bỏ lửng, không có câu bát nối thêm vào phía sau để thành cặp lục bát hoàn chỉnh ?
Trả lời
Bài ca dao chưa phải là bài miêu tả cảnh xứ Huế mà mới miêu tả “đường vô”. Mặc dù mới chỉ là “đường vô” nhưng cảnh sắc đã hiện lên đẹp đến mê hồn, có non xanh, có nước biếc. Phong cảnh thật hữu tình. Để nhấn manh cảnh đẹp, tác giả dân gian làm phép so sánh : như tranh hoạ đồ. Đây là cách so sánh có tính chất cực tả (chú ý, khi nói người đẹp, người ta hay nói đẹp như tiên ; còn khi nói cảnh đẹp, người ta hay nói đẹp như tranh). Ở đây, tác giả không miêu tả chi tiết mà dùng thủ pháp ước lệ để tăng sức gợi cho vẻ đẹp của cảnh.
Câu thơ Ai vô xứ Huế thì vô… là một lời mời. Nếu thêm câu bát vào sau đó thì sẽ dài dòng không cần thiết. Chú ý, ai là đại từ phiếm chỉ, có thể vừa hướng tới người đã quen, có thể hướng tới cả những người chưa quen. Lời mời còn thể hiện niềm tự hào trước cảnh đẹp của quê hương. Mà cảnh đẹp như thế, ai nỡ từ chối. Câu thơ cho thấy sự tinh tế của người nói.
Bài 3.
Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát
Đứng bền tê đồng ngó bên ni đồng bát ngát mênh mông
Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.
Bài ca dao có cấu trúc khá đặc biệt
– Hai câu đầu : miêu tả cảnh đẹp của cánh đồng miền trung
+ Câu thơ kéo dài tới 12 tiếng gợi sự trải rộng, mênh mông của cánh đồng.
+ Các từ láy mênh mông, bát ngát có sức gợi tả rất lớn, mang đến cho ta hình dung về những cánh đồng lúa trù phú, trải dài như vô tân.
+ Sự thay đổi điểm nhìn và thủ pháp đối xứng (đứng bê ni đồng, đứng bên tê đồng) đã khiến cho cảnh thêm mênh mông, rộng lớn.
+ Hình thức đảo ngữ : mênh mông bát ngát – bát ngát mênh mông đã nhấn mạnh vẻ rộng lớn, bao la của những cánh đồng lúa quê hương. Nhìn ở phía nào cũng thấy sự mênh mông, rộng lớn của cánh đồng. Cánh đồng không chỉ rộng mà còn rất đẹp, rất trù phú và đầy sức sống.
– Hai câu sau: miêu tả vẻ đẹp của cô gái đi thăm đồng
+ Cô gái mang vẻ đẹp trẻ trung, giàu sức sống qua hình ảnh so sánh với “chẽn lúa đòng đòng phất phơ giữa ngọn nắng hồng ban mai” , cô gái và ngọn lúa có nét tương đồng ở nét trẻ trung phơi phới, sức xuân căng tràn.
+ Hình ảnh thơ có sự đối lập giữa không gian rộng lớn, bao la của cánh đồng và hình ảnh người con gái nhỏ bé, mảnh mai. Nhưng cô chính là điểm nhấn của bức tranh. Nếu thiếu đi hình ảnh cô gái thì bài thơ sẽ mất đi sự duyên dáng, sự hô ứng giữa cảnh và tình.
+ Bài ca dao có bốn câu, những câu dài không che lấp những câu thơ ngắn. Hai dòng cuối có vẻ đẹp riêng trong sự kết hợp với toàn bài. Nếu hai câu đầu, ta mới chỉ thấy sự xuất hiện của cảnh mà chưa thấy hồn cảnh thì đến hai câu cuối cái hồn của cảnh đã hiện lên rõ nét. Đó chính là con người, là cô thôn nữ mảnh mai, duyên thầm và đầy sức sống. Cô chính là một phần, là điểm nhấn, là điểm sáng cho bức tranh quê hương, vẻ đẹp con người vừa hòa quyện, vừa tô điểm cho vẻ đẹp quê hương.
Bài ca dao với cách sử dụng rất tinh tế các biện pháp nghệ thuật: so sánh, điệp ngữ, đối xứng, đảo ngữ và các từ láy giàu giá trị biểu cảm đã tái hiện vẻ đẹp của quê hương đất nước bình dị gần gũi và vẻ đẹp của người lao động. Bài ca đã giúp ta thêm yêu thương, gắn bó với quê hương mình.
Chủ đề:Bài giảng: Những câu hát về tình yêu quê hương, cảm nghĩ về những câu hát về tình yêu quê hương, Cảm nhận của em về Những câu hát về tình yêu quê hương, Những câu hát than thân, Những câu hát về tình cảm gia đình, Những câu hát về tình yêu quê hương, Những câu thơ về tình yêu quê hương đất nước, Sưu tầm những câu hát về tình yêu quê hương