[Ngữ văn 9] Phân tích tâm trạng ông Hai khi nghe tin cải chính
Đề bài: Cảm nhận về nhân vật ông Hai trong đoạn trích sau:
Dứt lời ông lão lại lật đật đi thẳng sang bên gian bác Thứ.
Chưa đến bực cửa ông lão đã bô bô:
– Bác Thứ đâu rồi? Bác Thứ làm gì đấy? Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ. Đốt nhẵn! Ông chủ tịch làng tôi vừa mới lên trên này cải chính, ông ấy cho biết…cái chính là cái tin làng chợ Dầu chúng tôi đi Việt gian ấy mà. Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả.
Bác Thứ chưa nghe thủng câu chuyện ra sao, ông lão đã lật đật bỏ lên nhà trên.
-Tây nó đốt nhà tôi rồi ông chủ ạ. Đốt nhẵn. Ông chủ tịch làng em vừa lên cải chính…cải chính cái tin làng Chợ Dầu chúng em Việt gian ấy mà. Ra láo! Láo hết, chẳng có gì sất. Toàn sai sự mục đích cả!
Cũng chỉ được bằng ấy câu, ông lão lại lật đật bỏ đi nơi khác.
(Trích Làng – Kim Lân, Ngữ văn lớp 9, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.169 – 170)
DÀN Ý
I/ Mở bài:
– Giới thiệu tác giả: Kim Lân là một nhà văn có sở trường về truyện ngắn. Ông am hiểu sâu sắc về đời sống nông dân, nông thôn Việt Nam.
– Giới thiệu văn bản: Truyện ngắn Làng viết vào thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp và được đăng trên tạp chí Văn nghệ năm 1948. Đây là một trong những truyện ngắn thành công nhất của ông.
– Giới thiệu vấn đề nghị luận: Truyện đã xây dựng thành công nhân vật ông Hai với tình yêu làng, yêu nước và tinh thần kháng chiến hài hòa, nồng thắm. Điều đó được đặc biệt thể hiện trong đoạn trích kể về tình huống khi tin dữ về làng Chợ Dầu được cải chính, ông Hai như được hồi sinh, “bệnh” hay khoe của ông lại “tái phát”.
II/ Thân bài
1/ Khái quát tình huống truyện, vị trí đoạn trích
– Khi kháng chiến chống Pháp nổ ra: ông Hai muốn ở lại làng để tham gia kháng chiến nhưng vì hoàn cảnh gia đình buộc ông phải rời làng đi tản cư, lòng ông luôn day dứt nỗi nhớ làng.
– Nhà văn đã đặt nhân vật vào tình huống có ý nghĩa: là một nông dân suốt đời sống ở quê hương, gắn bó máu thịt với từng con đường, nếp nhà, thửa ruộng và biết bao nhiêu người ruột thịt, xóm giềng. Vậy mà vì giặc ngoại xâm, ông phải rời xa quê hương đi tản cư, sống nhờ nơi đất khách. Do đó, lòng ông luôn đau đáu nỗi nhớ quê. Ban ngày lo sản xuất, ổn định cuộc sống, nhưng buổi tối lại sang hàng xóm giãi bày nỗi nhớ của mình. Nỗi nhớ của ông đều bắt nguồn từ những kỉ niệm trong cuộc sống hàng ngày.
– Thế rồi, đột ngột ông nghe tin dữ làng Dầu theo giặc, giữa lúc tâm trạng của ông đang phấn chấn vì nghe những tin thắng trận. Tâm trạng ông trở nên đau đớn, nặng nề, tủi hổ tràn ngập lòng ông. Trước ông Hai hãnh diện, tự hào về làng bao nhiêu thì nay lại đau đớn, nhục nhã bấy nhiêu. Tình huống này buộc ông Hai phải lựa chọn giữa tình yêu làng và tình yêu nước.
– Cao trào tâm trạng của nhân vật cũng là lúc bộc lộ một cách sâu sắc, cảm động nhất tình cảm chân thành, thiêng liêng của ông Hai với quê hương, đất nước, cách mạng. Đó là tình huống khi tin dữ về làng Chợ Dầu được cải chính.
2/ Phân tích nhân vật ông Hai trong đoạn trích
– Tác giả lại để cho ông Hai nói “sai sự mục đích”dùng với nghĩa sai sự thật. Đúng ra phải dùng từ “mục kích” (nhìn thấy rõ ràng, tận mắt). Tác giả để ông Hai thích nói chữ nhưng dùng từ không chính xác. Điều này cho ta thấy ngôn ngữ của nhân vật ông Hai vừa có nét chung trong ngôn ngữ của người nông dân, vừa mang đậm cá tính của nhân vật nên rất sinh động.
– Đối với người nông dân , căn nhà là một cơ nghiệp. Vậy mà ông Hai lại sung sướng hả hê khoe: “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ” như một chiến công bởi vì:
+ Với ông Hai, Tây đốt nhà là minh chứng hùng hồn khẳng định làng ông không theo giặc, làng ông vẫn anh dũng kháng chiến. Nó cũng khẳng định tấm lòng ông ngay thẳng, trung thực.
+ Ông Hai coi việc nhà bị đốt là một đóng góp cho kháng chiến, là một niềm hạnh phúc. Đối với người nông dân trung thực ấy, danh dự còn có ý nghĩa lớn lao hơn tài sản, vật chất.
+ Đó là niềm vui kì lạ, thể hiện một cách cảm động tinh thần yêu nước và cách mạng của người dân Việt Nam trong kháng chiến.
3/ Nhận xét
– Nhà văn Kim Lân đã tạo dựng một tình huống thử thách tâm lí nhân vật rất đặc sắc, qua đó, tính cách, phẩm chất của nhân vật nổi lên thật rõ ràng. Lối kể chuyện giản dị tự nhiên, gần gũi, ngòi bút phân tích tâm lí sắc sảo, sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ đối thoại và độc thoại nội tâm cũng góp phần tạo nên một hình tượng chân thực và đẹp đẽ về người nông dân Việt Nam.
– Đoạn trích đã cho ta thấy sự phát triển trong nhận thức của người nông dân Việt Nam: tình yêu làng là cơ sở của tình yêu nước, yêu cách mạng song tình yêu nước vẫn bao trùm lên tất cả và là định hướng hành động cho họ.
III. Kết bài: Khẳng định lại vẻ đẹp của người nông dân Việt Nam và tấm lòng của nhà văn đối với họ.
– Ông Hai tiêu biểu cho tầng lớp nông dân thời kì kháng chiến chống Pháp.
– Qua nhân vật ông Hai trong tác phẩm nói chung và trong đoạn truyện ông hai nghe tin làng cải chính , tác giả muốn biểu đạt một cách thấm thía, xúc động tình yêu làng, yêu nước sâu sắc của người nông dân trong kháng chiến chống Pháp.
– Tác giả viết bằng trái tim, tình cảm của mình nên dễ tìm được sự đồng cảm từ người đọc.
Xem thêm:
- Kiến thức cơ bản văn bản “Làng”
- Phân tích nhân vật ông Hai trong đoạn văn nghe tin cải chính
- Phân tích nhân vật ông Hai trong cuộc trò chuyện với con út
- Phát biểu cảm nghĩ của em về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng”
- Cảm nhận về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân
Chủ đề:Cảm xúc của ông Hai khi nghe tin làng được cải chính, Dàn ý diễn biến tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng theo giặc, Khi nghe tin làng được cải chính, Phân tích nhân vật ông Hai khi nghe tin làng được cải chính, Phiếu học tập diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin dữ, Tâm trạng ông Hai trước khi nghe tin làng theo giặc, Việt đoạn văn làm rõ tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu Việt gian theo giặc, Viết đoạn văn phân tích tâm trạng của ông Hai sau khi nghe tin cải chính