[Học văn 11] Cảm nhận 13 câu đầu bài “Vội vàng”
Đề bài : Cảm nhận của anh/ chị về tâm trạng của nhân vật trữ tình thể hiện trong đoạn thơ sau:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.”
(Trích Vội vàng – Xuân Diệu, Ngữ Văn 11,
NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.22)
Hướng dẫn làm bài
I/ Mở bài : giới thiệu tác giả – tác phẩm – vấn đề nghị luận
Xuân Diệu là một gương mặt tiêu biểu của phong trào thơ Mới với hồn thơ yêu đời, yêu cuộc sống đến thiết tha, cuồng nhiệt. Ông được đánh giá là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ Mới, được tôn vinh là ông hoàng của thơ ca tình yêu. „Vội vàng“ là một trong những thi phẩm đặc sắc nhất mà Xuân Diệu dành tặng cho thế gian. Bài thơ vừa như một nguồn cảm xúc dâng trào vừa là tuyên ngôn sống của một nhà thơ khao khát yêu đời. 13 câu đầu là đoạn thơ hay nhất thể hiện tình yêu thiết tha, niềm đắm say mãnh liệt của thi nhân với cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế:
Tôi muốn tắt nắng đi
…
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
II/ Thân bài
1/ Khái quát chung
Bài thơ “Vội vàng” được rút từ tập “Thơ thơ” (1938) – tập thơ đầu tay của Xuân Diệu, ngay từ khi mới ra đời đã lập tức vinh danh tên tuổi của nhà thơ Xuân Diệu trở thành đại biểu xuất sắc nhất của phong trào thơ Mới. Bài thơ thể hiện lòng yêu đời, ham sống đến thiết tha, cuồng nhiệt; là lời giục giã sống mãnh liệt, sống hết mình , hãy biết quý trong từng phút, từng giây của cuộc đời mình, nhất là những năm tháng tuổi trẻ.
2/ Phân tích đoạn thơ
a/ Bài thơ được bắt đầu bằng bốn câu thơ ngũ ngôn tưởng như lệch nhịp so với toàn bài và thể hiện một ước muốn lạ thường, có phần ngông cuồng, táo bạo:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Nhà thơ đã thể hiện lòng mình một cách trực tiếp bằng hai từ “Tôi muốn” đầy chủ động. Từ “Tôi muốn” được lặp lại hai lần để nhấn mạnh khao khát, mong muốn rất táo bạo, rất ngông cuồng của nhà thơ. Vì yêu nên thi sĩ luyến tiếc và mong muốn giữ lại tất cả vẻ đẹp đang có trên cuộc đời này. Nắng, gió vốn là những hiện tượng tự nhiên có quy luật riêng của nó mà con người không có khả năng chi phối, thay đổi. Vậy mà thi sĩ lại muốn đoạt quyền của tạo hóa để tắt nắng, buộc gió để sắc màu đừng nhạt mất, để hương thơm đừng bay đi, để cuộc đời mãi đẹp như giây phút hiện tại. Điệp từ “đừng” vang lên như một lời cầu xin khẩn thiết bởi quyền năng của tạo hóa là vô cùng, cầu xin tạo hóa hãy dừng lại quyền năng vô biên ấy để cuộc sống mãi tươi đẹp như giây phút này. Cái tôi thi sĩ hiện lên như một vị chỉ huy đầy ngông cuồng và táo bạo nhưng cũng như một đứa trẻ ngây thơ và hồn nhiên. Với những câu thơ ngắn, nhịp thơ nhanh, phép điệp nhịp nhàng, bốn câu thơ tựa như khúc dạo đầu đầy phấn khởi của một tâm hồn yêu đời, yêu sống thiết tha.
b/ 9 câu thơ tiếp theo đã vẽ ra bức tranh thiên đường trên mặt đất, là lời lí giải cho khát vọng ngông cuồng, táo bạo ở trên:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây gió của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Trước hết, đoạn thơ đã mang đến cho người đọc những cảm nhận độc đáo về vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên . Phép điệp cấu trúc “của … này đây…”, “này đây … của…” luyến láy, đảo vị trí cho nhau cùng với đó là thủ pháp liệt kê (hoa, đồng nội xanh rì, gió, cành tơ phơ phất, yến anh, khúc tình si, ánh sáng chớp hàng mi) đã có tác dụng phơi bày ra những vẻ đẹp không tả hết, không kể xiết ở chốn trần gian. Và dường như những vẻ đẹp ấy gần gũi chúng ta đến mức chỉ cần với tay ra là có thể chạm tới, ôm choàng tất cả vẻ đẹp ấy vào trong lòng mình. Nhà thơ đã căng mở mọi giác quan để tận hưởng vẻ đẹp ở cõi trần gian, để cảm nhận đầy đủ hương vị và thanh sắc của cuộc đời. Đó là vị ngọt của ong bướm trong tuần tháng mật, đó là hương thơm, màu sắc của hoa trong đồng nội, đó là áng hình uyển chuyển của lá trên cành non, đó là âm thanh tình tứ của yến anh, đó là ánh rực rỡ của bình mình xuân. Tất cả những vẻ đẹp ấy mỗi ngày lại như một bữa tiệc thịnh soạn, nó bày ra, gõ cửa và mang niềm vui đến từng nhà. Đến đây, ta nhận ra một quan niệm rất mới mẻ, tiến bộ của nhà thơ Xuân Diệu : cuộc sống quanh ta đẹp vô cùng, vẻ đẹp cuộc đời không cần tìm đâu xa mà ở ngay trong khoảnh khắc hiện tại gần gũi này.
Điều đặc biệt, trong thơ Xuân Diệu, dưới cái nhìn của ông hoàng thơ tình thì vạn vật đều mang vẻ đẹp của tình yêu. Chính vì thế, khu vườn màu xuân thiên nhiên đã biến thành khu vườn yêu, khu vườn hạnh phúc, vạn vật kết nối với nhau có đôi, có cặp. Có cặp đôi ong bướm trong tuần tháng mật yêu đương, có hoa trong đồng nội, có lá trên cành tơ phơ phất, có yến anh với khúc tình si say sưa và có gương mặt người đẹp với rèm mi ánh sáng. Và như thế, thi nhân trong khu vườn mùa xuân trần thế đã biến thành tình nhân trong khu vườn mùa xuân tình yêu. Cho nên, trong cảm nhận của thi nhân, tình nhân : “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” . Phép so sánh rất lạ , nhà thơ đã sử dụng phép tương giao, cảm quan tương ứng của văn học phương Tây cho rằng vạn vật đều có mối tương quan, tương giao với nhau. Tháng giêng là thời điểm đẹp nhất, căng mọng nhất của mùa xuân và cặp môi gần của người thiếu nữ cũng chính là vẻ đẹp căng tràn sức sống nhất của tuổi trẻ. Sự so sánh trở nên hợp lí và gợi cảm. Nghệ thuật ẩn dụ cảm giác trong hình ảnh “tháng giêng ngon” đã biến khái niệm thời gian vốn vô hình trở nên hữu hình, cụ thể. Từ đó giúp ta có thể cảm nhận vẻ đẹp mùa xuân và tận hưởng mùa xuân một cách trọn vẹn.
Hai câu thơ cuối đã nói lên cảm xúc, suy tư của nhà thơ Xuân Diệu: “Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa – Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Câu thơ đặc biệt với dấu chấm ở giữa dòng ngắt đôi câu thơ, diễn tả hai cảm xúc: sung sướng, vội vàng. Sung sướng khi tận hưởng vẻ đẹp chốn trần gian nhưng lại vội vàng khi nhận thức được sự chảy trôi của thời gian. Tiếc xuân ngay khi mùa xuân đang đẹp nhất. Đó là những suy tư về thời gian, là thái độ sống khi nhận ra thời gian là tuyến tính, một đi không trở lại.
3/ Đánh giá chung
Với thể thơ tự do, phóng túng , câu thơ co duỗi nhịp nhàng cùng với các biện pháp tu từ điệp ngữ, ẩn dụ, liệt kê và phép tương giao, cảm quan tương ứng của văn học phương Tây được vận dụng triệt để, đoạn thơ đã cho ta thấy được tình yêu cuộc sống thiết tha của nhà thơ Xuân Diệu được bày tỏ qua ước muốn ngông cuồng và lời lí giải cho ước muốn ấy – đó là bức tranh cuộc sống trần thế tươi đẹp và hấp dẫn vô cùng.
III/ KẾT BÀI
Như một người họa sĩ tài ba, đoạn thơ đã làm hiện lên trước mắt người đọc một bức tranh xuân vô cùng tươi đẹp và lộng lẫy với đủ âm thanh, ánh sáng, sắc màu,…Qua đó, Xuân Diệu đem đến một thông điệp mang ý nghĩa nhân văn tích cực:thiên đường không ở đâu xa mà có ngay trên mặt đất, có ngay trong cuộc sống của chúng ta. Mỗi người cần phải biết trân trọng từng giây từng phút được sống bởi cuộc đời đẹp nhất chính là những khoảnh khắc hiện tại.
🔻 Xem thêm: