[Tài liệu văn 8] Bộ đề luyện thi học sinh giỏi văn 8 (phần 2)
ĐỀ 6.
ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI HUYỆN
Môn: Ngữ văn 8
Thời gian làm bài: 150 phút
(Không kể thời gian giao đề)
Câu 1 (4.0 điểm) :
TẤT CẢ SỨC MẠNH
Có một cậu bé đang chơi ở đống cát trước sân. Khi đào một đường hầm trong đống cát, cậu bé đụng phải một tảng đá lớn. Cậu bé liền tìm cách đẩy nó ra khỏi đống cát.
Cậu bé dùng đủ mọi cách, cố hết sức lực nhưng rốt cuộc vẫn không thể đẩy được tảng đá ra khỏi đống cát. Đã vậy bàn tay cậu còn bị trầy xước, rướm máu. Cậu bật khóc rấm rứt trong thất vọng.
Người bố ngồi trong nhà lặng lẽ theo dõi mọi chuyện. Và khi cậu bé bật khóc, người bố bước tới: “Con trai, tại sao con không dùng hết sức mạnh của mình?”.
Cậu bé thổn thức đáp: “Có mà! Con đã dùng hết sức rồi mà bố!”.
“Không con trai – người bố nhẹ nhàng nói – con đã không dùng đến tất cả sức mạnh của con. Con đã không nhờ bố giúp”.
Nói rồi người bố cúi xuống bới tảng đá ra, nhấc lên và vứt đi chỗ khác.
(Theo báo Tuổi trẻ – Bùi Xuân Lộc phỏng dịch từ “Faith to Move Mountains”).
Suy nghĩ của anh/chị về bài học rút ra từ câu chuyện trên.
Câu 2 ( 6.0 điểm):
Nhận xét về bài thơ Quê hương của Tế Hanh, có ý kiến cho rằng: “ Sức hấp dẫn của những vần thơ viết về quê hương của Tế Hanh không chỉ dừng lại ở việc miêu tả cảnh vật vùng biển kỳ vĩ mà hồn thơ Tế Hanh còn dành tình yêu đặc biệt với những người dân vạn chài nơi đây”.
Bằng hiểu biết về bài thơ Quê hương , em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên !
— Hết —
HƯỚNG DẪN CHẤM
- Hướng dẫn chung
– Giáo viên cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm thi để đánh giá tổng quát bài làm của học sinh, tránh trường hợp đếm ý cho điểm hoặc bỏ sót ý trong bài làm của học sinh.
– Do đặc trưng của môn Ngữ văn nên giáo viên cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có sáng tạo, có ý tưởng riêng và giàu chất văn.
– Giáo viên cần vận dụng đầy đủ các thang điểm. Điểm toàn bài tính đến 0,25 điểm (không làm tròn).
- Đáp án và thang điểm
Câu 1 (4.0 điểm) :
NỘI DUNG | ĐIỂM |
1. Yêu cầu về kĩ năng
Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí đặt ra trong tác phẩm văn học. Bài viết thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về kiến thức xã hội; dẫn chứng thực tế, phong phú, có sức thuyết phục; bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt tốt; không mắc lỗi đặt câu, dùng từ, chính tả,…
|
|
2. Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, chấp nhận cả các ý ngoài đáp án, miễn là phù hợp với đề bài và có kiến giải hợp lí, có sức thuyết phục. Sau đây là những yêu cầu cơ bản: | |
a. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận | 0.5 |
b. Giải thích nội dung, ý nghĩa câu chuyện và rút ra bài học
– Cậu bé đối diện với khó khăn, dù cố gắng hết sức vẫn thất bại, khóc và tuyệt vọng vì nghĩ rằng sức mạnh của con người nằm trong chính bản thân mình. – Người cha với lời nói và hành động mang đến một thông điệp: sức mạnh của mỗi người là sức mạnh của bản thân và sự giúp đỡ từ người khác. => Bài học: Tự lực là cần thiết nhưng nếu không biết dựa vào sự giúp đỡ từ người khác khi cần thiết cũng khó thành công hơn. |
0.5 |
c. Bàn luận
– Tại sao mỗi người nên nhận sự giúp đỡ của người khác? + Thực tế cuộc sống đặt ra nhiều vấn đề phức tạp, bất ngờ vượt khỏi khả năng của mỗi cá nhân; có những vấn đề phải nhiều người mới giải quyết được. + Mỗi người luôn có khát vọng được thành công trên nhiều lĩnh vực. – Ý nghĩa của sự giúp đỡ từ người khác: + Sự thành công sẽ nhanh và bền vững hơn. + Người nhận sự giúp đỡ có thêm sức mạnh và niềm tin, hạn chế được những rủi ro và thất bại. + Tạo lập mối quan hệ tốt đẹp, gắn kết giữa người với người, nhất là trong xu thế hội nhập hiện nay. – Giúp đỡ không phải là làm thay; giúp đỡ phải vô tư, chân thành, tự nguyện. – Phê phán những người tự cao không cần đến sự giúp đỡ của người khác, những người ỷ lại, dựa dẫm vào người khác. |
2.0
|
d. Bài học nhận thức và hành động
– Phải nhận thấy sức mạnh của cá nhân là sức mạnh tổng hợp. – Chủ động tìm sự giúp đỡ và chỉ nhận sự giúp đỡ khi bản thân thực sự cần. – Có thói quen giúp đỡ mọi người. |
0.5 |
e. Khái quát vấn đề | 0.5 |
Câu 2 (6.0 điểm) :
Nội dung | Điểm |
Về kĩ năng:
– Biết cách viết một bài văn nghị luận văn học. Bố cục bài viết sáng rõ, các luận điểm liên kết mạch lạc, liên kết chặt chẽ; văn phong trong sáng, có cảm xúc,… – Biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến thức lí luận và năng lực cảm thụ văn học. |
|
Về kiến thức: Thí sinh có thể sắp xếp các luận điểm trong bài viết theo nhiều cách nhưng về cơ bản, cần đảm bảo những nội dung sau: | |
a. Mở bài:
– Dẫn dắt để giới thiệu tác giả, tác phẩm. – Trích dẫn ý kiến. |
0.5 |
b. Thân bài : Chứng minh qua tác phẩm: | 5.0 |
*Khái quát được ý kiến:
– Ý kiến trên muốn khẳng định sức hấp dẫn của bài thơ Quê hương với người đọc không chỉ bởi cảnh vật vùng biển quê ông được miêu tả rất đẹp bằng ngòi bút tinh tế mà còn hấp dẫn bởi tình yêu chân thành, tha thiết mà Tế Hanh dành trọn cho con người quê hương. |
0.5 |
* Luận điểm 1: Bài thơ hấp dẫn người đọc trước hết bởi cảnh vật vùng biển quê hương hiện lên thật tự nhiên mà cũng thật đẹp. | 2.0 |
– Ngay ở lời thơ mở đầu nhà thơ đã giới thiệu với người đọc về quê hương yêu dấu của mình với nghề nghiệp và vị trí cụ thể -> với niềm tự hào về một vùng quê chài lưới thanh bình.
– Vùng quê đó càng đẹp hơn khi tác giả đặc tả cảnh dân chài ra khơi vào buổi sớm mai hồng: + Đó là khung cảnh thời tiết đẹp, lí tưởng,cho một chuyến ra khơi. + Nổi bật lên giữa thiên nhiên hùng vĩ là hình ảnh con thuyền ra khơi căng tràn sự sống.(chú ý vào hình ảnh so sánh tinh tế, độc đáo của nhà thơ khi miêu tả con thuyền và cánh buồm..) => Bức tranh thiên nhiên vùng biển hiện lên thật tinh tế và sống động dưới nét vẽ tài tình của nhà thơ. |
|
* Luận điểm 2: Bài thơ còn hấp dẫn người đọc bởi tình yêu đặc biệt của người con xa quê dành cho người dân vạn chài nơi đây. | 2.0 |
– Ông viết về họ với tất cả niềm tự hào hứng khởi:
+ Đó là cảnh đoàn thuyền trở về trong sự mong đợi của dân chài… + Đó là hình ảnh những con người khỏe mạnh rắn rỏi (chú ý bút pháp tả thực kết hợp bút pháp lãng mạn). Nhà thơ đã khắc họa vẻ đẹp đặc trưng của con người nơi đây. + Đó còn là hình ảnh con thuyền mệt mỏi say sưa sau một hành trình vất vả.. (NT nhân hóa và ẩn dụ chuyển đổi cảm giác) – Bài thơ kết thúc trong nỗi nhớ quê hương khôn nguôi của người con xa xứ. (Nếu không có bốn câu thơ cuối bài có lẽ người đọc không thể biết được nhà thơ viết bài thơ khi xa quê.)
|
|
* Đánh giá chung:
– Khẳng định ý kiến là đúng – Để đạt được giá trị đó cần có một cách viết giản dị tự nhiên mà sâu sắc qua ngôn ngữ, hình ảnh thơ… |
0.5 |
c. Kết bài:
– Khẳng định lại vấn đề chứng minh. – Liên hệ: Thơ Tế Hanh có sức lay động mạnh mẽ tới độc giả. Nó đánh thức trái tim ta trong tình yêu nỗi nhớ quê hương… |
0.5 |
——————————– Hết ——————————-
********************************************************
ĐỀ 7
KỲ THI CHỌN HSG CẤP HUYỆN
Môn: Ngữ Văn – Lớp 8
Thời gian: 150 phút, không kể thời gian giao đề
Câu1(2.0 điểm): Phân tích giá trị biểu đạt của các biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
( Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải, Ngữ văn 9, Tập 2)
Câu 2 (6,0 điểm):
“Mỗi ngày ta chọn một niềm vui
Chọn những bông hoa và những nụ cười.”
(Mỗi ngày một niềm vui – Trịnh Công Sơn)
Từ nội dung của những ca từ trên, em hãy viết một bài văn bàn luận về niềm vui trong cuộc sống.
Câu 3 (12,0 điểm): Bàn về văn chương, Hoài Thanh viết: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có.”
(Trích Ý nghĩa văn chương – Ngữ văn 7, Tập 2)
Bằng hiểu biết của em về bài thơ Quê hương của Tế Hanh, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên./.
————Hết————-
HƯỚNG DẪN CHẤM NGỮ VĂN 8 (Đề chính thức)
CÂU | Hướng dẫn chấm
|
ĐIỂM |
Câu 1
4,0 điểm |
1. Xác định biện pháp tu từ:
– Biện pháp tu từ ẩn dụ: Mùa xuân nho nhỏ – Điệp ngữ: Dù là – Hoán dụ: Tuổi hai mươi, khi tóc bạc |
0,5đ
|
2. Giá trị của biện pháp tu từ:
– Hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ” chỉ con người cá nhân với lối sống đẹp, với tất cả sức sống tươi trẻ, mạnh mẽ, rực rỡ nhất, đẹp nhất của đời người góp vào mùa xuân lớn của đất nước, của cuộc đời chung. |
0,5đ
|
|
– Điệp ngữ: “Dù là” được nhắc lại hai lần nhằm khẳng định sự cống hiến chân thành, vô điều kiện. | 0,25đ | |
– Biện pháp hoán dụ: “tuổi hai mươi” chỉ tuổi trẻ mạnh mẽ, đầy sức sống; “khi tóc bạc” chỉ tuổi khi đã xế bóng, cho thấy khát vọng cống hiến, hiến dâng tất cả sức lực của mình cho cuộc đời, cho đất nước. | 0,25đ
|
|
Các biện pháp tu từ nhằm diễn tả khát vọng cống hiến của nhà thơ – những gì đẹp đẽ, tinh túy nhất của cuộc đời dâng hiến cho non sông đất nước, không một chút toan tính, vụ lợi. | 0,5đ | |
Câu 2
6,0 điểm |
* Yêu cầu về kĩ năng:
– Bài viết có bố cục và cách trình bày hợp lí. – Hệ thống ý (luận điểm) rõ ràng và được triển khai tốt Diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ và ngữ pháp. |
1,0đ
|
* Yêu cầu về kiến thức: (Học sinh có thể sắp xếp, trình bày theo nhiều cách, nhưng cần đảm bảo một số ý cơ bản mang tính định hướng dưới đây).
– Giải thích được nội dung của những ca từ: + Câu hát khẳng định: cuộc sống đan xen giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa hạnh phúc và đau khổ. Vì vậy, con người nên chọn niềm vui là phương châm sống của mình. + Niềm vui không hẳn là những điều to tát mà có thể chỉ là những điều nhỏ bé, giản dị như ngắm một bông hoa, nở một nụ cười. |
1,5đ
|
|
– Hiểu biết chung về niềm vui:
Niềm vui là những điều mang lại cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc, hân hoan cho con người trong cuộc sống. |
0,5đ
|
|
– Chỉ ra được ý nghĩa của niềm vui:
+ Niềm vui đem lại cho con người sự sảng khoái về tinh thần, là động lực cho con người tham gia tốt tất cả mọi công việc. + Có niềm vui, con người thêm lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống. + Niềm vui nâng cao sức khỏe và trí tuệ cho con người: Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. + Bên cạnh đó cũng có những người có lối sống bi quan, chán nản, tiêu cực, chúng ta cần phê phán. |
1,5đ
|
|
– Chỉ ra được những biểu hiện của niềm vui:
+ Người có niềm vui là người luôn hòa đồng, sống chan hòa, yêu đời, yêu cuộc sống. + Người có niềm vui luôn biết đồng cảm và tạo ra niềm vui cho những người xung quanh. |
1,0đ
|
|
– Liên hệ:
+ Cần rèn luyện cho mình niềm lạc quan, yêu đời, phải biết tìm niềm vui trong những điều giản dị nhất. + Thái độ của bản thân đối với những người sống bi quan, tiêu cực. |
0,5đ | |
Câu 3
12,0 điểm |
NGHỊ LUẬN VĂN HỌC | |
* Yêu cầu về kĩ năng:
– Bài viết có bố cục và cách trình bày hợp lí. – Hệ thống ý (luận điểm) rõ ràng và được triển khai tốt Diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ và ngữ pháp |
1,0đ
|
|
* Yêu cầu về kiến thức: (Học sinh có thể sắp xếp, trình bày theo nhiều cách, nhưng cần đảm bảo một số ý cơ bản mang tính định hướng dưới đây).
Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, giới thiệu ý kiến của Hoài Thanh gắn với nội dung chính của bài thơ Quê hương: bài thơ thể hiện tình yêu quê hương sâu nặng. |
1,0đ
|
|
Thân bài:
1. Giải thích tổng quát: – Hoài Thanh khẳng định: văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, tức là khẳng định các tác phẩm văn chương có khả năng khơi dậy những tình cảm, rung cảm đẹp đẽ cho mỗi người khi tiếp cận tác phẩm. – Ông còn khẳng định: văn chương luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có, tức là nhấn mạnh khả năng văn chương bồi đắp tâm hồn, tình cảm của mỗi người thêm sâu sắc, thêm đẹp đẽ, bền vững. – Nhận định đã khái quát một cách sâu sắc hai vấn đề: khái quát quy luật sáng tạo và tiếp nhận văn chương: đều xuất phát từ tình cảm, cảm xúc của tác giả và bạn đọc; khái quát chức năng giáo dục và thẩm mỹ của văn chương đối với con người. – Nêu hoàn cảnh ra đời của bài thơ Quê hương: bài thơ được viết năm 1939, khi Tế Hanh 18 tuổi, đang học ở Huế; quê hương hiện lên trong hoài niệm, nỗi nhớ nhung, trong sự bùng cháy mãnh liệt của cảm xúc. Khẳng định: bài thơ khơi dậy, bồi đắp thêm cho tình yêu con người, tình yêu quê hương, đất nước của mỗi người. Bài thơ là minh chứng cho nhận định của Hoài Thanh. |
1,5đ
|
|
2. Phân tích, chứng minh:
a. Bài thơ khơi dậy và làm đẹp thêm tình yêu quê hương, đất nước cho mỗi người đọc qua niềm tự hào của tác giả khi giới thiệu về quê hương mình một cách đầy trìu mến. (hai câu thơ đầu) Bài thơ mở đầu bằng hai câu thơ giới thiệu về “làng tôi ở” rất giản dị và trìu mến. Hai câu thơ gợi lên một vùng quê sông nước mênh mông và công việc chính của người dân nơi đây là nghề chài lưới. |
1,0đ
|
|
b. Bài thơ khơi dậy và làm đẹp thêm tình yêu quê hương, đất nước cho mỗi người đọc qua việc ngợi ca vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên và cuộc sống của người dân làng chài ven biển.
– Cảnh ra khơi đầy hứng khởi giữa thiên nhiên sông nước gần gũi, khoáng đạt, thi vị. (phân tích khổ thơ thứ hai) + Thiên nhiên: sớm mai hồng thơ mộng và trong trẻo. + Con người lao động: những người dân trai tráng tràn trề sức lực. + Đoàn thuyền: nghệ thuật so sánh miêu tả đoàn thuyền ra khơi với khí thế hùng tráng, mang theo ước mơ của những người dân làng chài về một chuyến đi biển bình yên. => Toàn bộ đoạn thơ gợi lên khung cảnh thiên nhiên vùng biển đẹp thơ mộng, những người con trai tráng của làng chài căng tràn nhựa sống và hình ảnh đoàn thuyền ra khơi đầy tráng khí. Qua đó, Tế Hanh đã thể hiện tình yêu, lòng tự hào về vẻ đẹp của thiên nhiên và con người quê hương. |
1,5đ
|
|
– Cảnh trở về tấp nập, no đủ, bình yên. (phân tích khổ thơ thứ ba)
+ Không khí: tấp nập vui tươi với những người lao động làng chài hồn hậu, yêu lao động và biển cả bao dung cho những khoang thuyền tươi ngon đầy ắp cá. + Vẻ đẹp tràn đầy sinh lực của những người con ưu tú của làng chài: “Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng Cả thân hình nồng thở vị xa xăm”. + Hình ảnh con thuyền được nhân hóa, trở về nghỉ ngơi sau một chuyến biển dài. Con thuyền mang trong thớ vỏ dư vị mặn mòi của biển cả bao la. => Các hình ảnh thuyền, biển và con người làng chài gắn bó, hòa quyện cùng nhau trong mối quan hệ linh thiêng. Tế Hanh đã sử dụng những câu thơ đằm thắm, ngọt ngào, những biện pháp tu từ nhân hóa, ẩn dụ đặc sắc để tái hiện vẻ đẹp của thiên nhiên thơ mộng, hùng tráng, vẻ đẹp tràn trề sinh lực của người lao động làng chài. Ông ca ngợi cuộc sống lao động bình dị mà vui tươi trên quê hương mình với một tình yêu thương tha thiết, chân thành. c. Bài thơ khơi dậy và làm đẹp thêm tình yêu quê hương, đất nước cho mỗi người đọc qua tình cảm thiết tha, nỗi nhớ da diết của nhà thơ đối với quê hương được bộc lộ trực tiếp ở khổ thơ cuối: nhớ quê hương là Tế Hanh nhớ về những hình ảnh, những sự vật bình dị, gần gũi, quen thuộc mang vẻ đẹp mộc mạc của làng chài ven biển tỉnh Quảng Ngãi: màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi, con thuyền, mùi nồng mặn,… (Khi trình bày, HS phải phân tích được các hình ảnh vừa chân thực, vừa bay bổng lãng mạn, bất ngờ; từ ngữ chọn lọc; biện pháp tu từ độc đáo; nhịp thơ tha thiết, lời thơ giản dị, đằm thắm,…) |
1,5đ
2,5 đ |
|
3. Đánh giá:
Tâm hồn trong sáng, tình cảm thiết tha của nhà thơ Tế Hanh đối với quê hương đã khơi dậy, bồi đắp thêm cho mỗi bạn đọc tình yêu con người, tình yêu quê hương, đất nước. Đây chính là chức năng giáo dục và thẩm mỹ của văn chương đối với con người, là yếu tố quyết định cho sức sống bền vững của một tác phẩm văn học trong lòng độc giả. |
1,0đ
|
|
Kết bài:
Khẳng định lại giá trị của bài thơ Quê hương và bộc lộ suy nghĩ riêng. |
1,0đ |
************************************************************
ĐỀ 8:
KÌ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 8 CẤP HUYỆN
Môn thi: Ngữ văn.
Thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
- ĐỌC – HIỂU (4,0 điểm)
Đọc phần trích sau và thực hiện các yêu cầu:
… Thế là em quẹt những que diêm còn lại trong bao. Em muốn níu bà em lại! Diêm nối nhau chiếu sáng như giữa ban ngày. Chưa bao giờ em thấy bà em to lớn và đẹp lão như thế này. Bà cụ cầm lấy tay em, rồi hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi, chẳng còn đói rét, đau buồn nào đe dọa họ nữa. Họ đã về chầu thượng đế.
Sáng hôm sau, tuyết vẫn phủ kín mặt đất, nhưng mặt trời lên cao, trong sáng, chói chang trên bầu trời xanh nhợt (…). Trong buổi sáng lãnh lẽo ấy, người ta thấy một em gái có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười. Em đã chết vì đói rét trong đêm giao thừa.
(Ngữ văn 8, tập 1, NXB GD 2010)
Câu 1 (1,0 điểm): Nêu phương thức biểu đạt chính của phần trích?
Câu 2 (2,0 điểm): Vận dụng kiến thức về phép tu từ, chỉ ra sự khác nhau trong cách viết của hai câu văn được gạch chân? Hiệu quả nghệ thuật của các cách viết đó?
Câu 3 (1,0 điểm): Thông điệp sâu sắc từ phần trích trên?
- LÀM VĂN (16,0 điểm)
Câu 1 (4,0 điểm):
Bài thơ” Tức cảnh Pác Bó” (Hồ Chí Minh, Văn 8, tập 2, NXB GD 2010) kết thúc bằng câu thơ: “Cuộc đời cách mạng thật là sang”. Viết đoạn văn cảm nhận về vẻ đẹp của câu thơ trên và nét độc đáo trong “thú lâm tuyền” của Hồ Chí Minh với người xưa?
Câu 2 (12,0 điểm):
Hình tượng quê hương trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Tế Hanh (Văn 8, tập 2, NXB GD 2010); từ đó nêu suy nghĩ về giá trị của quê hương trong cuộc sống?
———————–Hết———————–
HƯỚNG DẪN CHẤM
- Hướng dẫn chung
– Giám khảo cần vận dụng hướng dẫn chấm chủ động, linh hoạt, tránh cứng nhắc, máy móc và phải biết cân nhắc trong từng trường hợp cụ thể để ngoài kiểm tra kiến thức cơ bản, giám khảo cần trân trọng những bài làm thể hiện được tố chất của một học sinh giỏi (kiến thức vững chắc, có năng lực cảm thụ văn học sâu sắc, tinh tế, kỹ năng làm bài tốt, diễn đạt có cảm xúc…) đặc biệt khuyến khích những bài làm có sự sáng tạo, có phong cách riêng.
– Giám khảo cần đánh giá bài làm của học sinh một cách tổng thể ở từng câu và cả bài, không đếm ý cho cho điểm nhằm đánh giá bài làm của học sinh trên cả hai phương diện: kiến thức và kỹ năng.
– Hướng dẫn chấm thi chỉ nêu ý chính và thang điểm cơ bản, trên cơ sở đó, giám khảo có thể thống nhất để định ra ý chi tiết và thang điểm cụ thể hơn.
– Nếu thí sinh làm bài theo cách riêng nhưng đáp ứng được yêu cầu cơ bản, hợp lý, có sức thuyết phục, giám khảo căn cứ vào thực tế bài làm để cho điểm một cách chính xác, khoa học, khách quan, công bằng.
– Tổng điểm toàn bài là 20 điểm, cho điểm lẻ đến 0,5 điểm.
- Hướng dẫn cụ thể
Câu | Nội dung | Điểm |
I. ĐỌC – HIỂU | ||
1 | – Phương thức biểu đạt chính: tự sự | 1,0 |
2 |
* Sự khác nhau trong cách viết của 2 câu văn đã cho:
– Câu 1: “Họ đã về chầu thượng đế”: Dùng cách nói giảm nói tránh. – Câu 2: “Em đã chết vì đói rét trong đêm giao thừa”: Không dùng cách nói giảm nói tránh. *Hiệu quả của cách viết đó: – Câu 1: Tránh sự nặng nề, tạo cảm giác nhẹ nhàng, phù hợp với tâm lí và khát khao của nhân vật, sự thấu hiểu và tinh tế của nhà văn. – Câu 2: Nổi bật bi kịch, tăng tiếng nói tố cáo, bức thông điệp gửi đến người đọc càng sâu sắc hơn. |
0,5 0,5
0, 5
0,5 |
3 | – HS rút ra những thông điệp hợp lí, thuyết phục, phù hợp với nội dung phần trích trên. | 1,0 |
II. LÀM VĂN | ||
1 | Bài thơ” Tức cảnh Pác Bó” (Hồ Chí Minh) kết thúc bằng câu thơ: “Cuộc đời cách mạng thật là sang”. Viết đoạn văn cảm nhận về vẻ đẹp của câu thơ trên và nét độc đáo trong “thú lâm tuyền” của Hồ Chí Minh với người xưa? | |
a. Yêu cầu về hình thức, kĩ năng: Viết đúng thể thức của đoạn văn, có kĩ năng cảm thụ thơ.
– Diễn đạt trôi chảy, có hình ảnh và cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ đặt câu. |
0,5 | |
b. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày nhiều cách, nhưng cần đảm bảo các ý sau:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm, câu thơ. |
0,5 |
|
– Vẻ đẹp của câu thơ:
+ Niềm vui thích của nhân vật trữ tình về cuộc đời cách mạng -> Nổi bật vẻ đẹp của niềm lạc quan phong thái ung dung của Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh cách mạng còn nhiều gian khổ, thử thách. + Nghệ thuật điểm nhãn, giọng thơ hóm hỉnh, kết hợp triết lí và trữ tình… |
1,0
|
|
– Nét độc đáo trong “thú lâm tuyền” của Hồ Chí Minh:
+ Thiên nhiên là căn cứ địa, là nơi “hành đạo” của người chiến sĩ cách mạng + “Khách lâm tuyền” có dáng dấp ẩn sĩ nhưng vẫn mang cốt cách chiến sĩ. |
1,0
|
|
2 | Hình tượng quê hương trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Tế Hanh, từ đó nêu suy nghĩ về giá trị của quê hương trong cuộc sống? |
|
|
a. Yêu cầu về kĩ năng:
– Biết cách tạo lập văn bản nghị luận văn học, từ đó trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề trong đời sống xã hội. – Bố cục bài văn chặt chẽ, mạch lạc. – Diễn đạt trôi chảy, văn có hình ảnh, cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. |
1,0 |
b. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày nhiều cách, nhưng cần đảm bảo các ý sau:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận |
1,0 |
|
– Nêu ngắn gọn cách hiểu về hình tượng văn học quê hương: Là cội nguồn gần gũi, thiêng liêng, là nơi gửi gắm tình cảm, là điểm tựa tinh thần của cuộc đời mỗi con người… | 1,0 | |
– Cảm nhận về hình tượng quê hương trong bài thơ: Quê hương hiện lên trong dòng tâm tưởng là một miền quê bình dị, sức sống, trong sáng, tươi sáng và mang đậm đặc trưng của quê hương vùng biển: Qua vẻ đẹp của con người và cảnh sắc quê hương trong cảnh ra khơi, cảnh trở về trong nỗi nhớ tha thiết của nhà thơ… | 6,0
|
|
+ Đánh giá, khái quát: hình tượng quê hương, hình tượng cái tôi nhà thơ Tế Hanh, liên hệ, mở rộng… | 1,0 | |
– Giá trị của quê hương:
+ Giá trị của quê hương: Là cội nguồn sinh dưỡng gần gũi và thiêng liêng, là nơi lưu giữ những buồn vui của mỗi người và những đặc trưng của vùng miền về văn hóa, phong tục…một điểm tựa tinh thần bền bỉ trong cuộc đời mỗi người. + Phản đề, bài học… |
1,0
1,0 |
——————-Hết——————–
ĐỀ 9:
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI
MÔN NGỮ VĂN 8
Thời gian làm bài: 120 phút
- ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu sau:
Tiểu đội giải phóng quân chúng tôi trong Trung đội “ký con” đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi mong được ghi nhận rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa Xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn.
Còn như chúng tôi được phát hiện muộn hơn sau 5 năm 10 năm – tự do quý giá, thì xin cho chúng tôi gởi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa. Các bạn đang lao động quên mình cũng như chúng tôi đã chiến đấu quên mình cho đất nước ta ngày nay tươi đẹp, cho dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, cho xã hội ta ngày càng dân chủ công bằng.
(Trích Thư gửi thế hệ mai sau của 3 liệt lĩ Lê Hoàng Vũ, Nguyễn Chí, Trần Viết Dũng thuộc Tiểu đội 1 – Trung đội Ký Con, Trung đoàn Bình Giã, Quân giải phóng miền Nam)
Câu 1. (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt của văn bản
Câu 2. (1,5 điểm): Nêu nội dung chính của văn bản
Câu 3. (2,0 điểm): Suy nghĩ về những lời tâm sự của các anh hùng liệt sĩ trong đoạn trích gửi đến chúng ta – những con người thế hệ hôm nay (trình bày 6 đến 8 dòng)
- LÀM VĂN (16,0 điểm)
Câu 1. (6,0 điểm)
Nhưng ô kìa ! Sau trận mưa vùi dập và những cơn gió phũ phàng kéo dài suốt cả một đêm, tưởng chừng như không bao giờ dứt, vẫn còn một chiếc lá thường xuân bám trên bức tường gạch. Đó là chiếc lá cuối cùng trên cây. Ở gần cuống lá còn giữ màu xanh sẫm, nhưng với rìa là hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa, chiếc lá vẫn dũng cảm treo bám vào cành cách mặt đất chừng hai mươi bộ.
(Trích Chiếc lá cuối cùng, O Hen-ri, Ngữ văn 8, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.87)
Từ ý nghĩa đoạn trích trên, hãy trình bày suy nghĩ về nghị lực sống của con người.
Câu 2.(10,0 điểm)
Đánh giá về bài thơ Quê hương của Tế Hanh, trong phần ghi nhớ, Sách giáo khoa Ngữ văn 8, Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam trang 18 viết:
“Với những vần thơ bình dị mà gợi cảm, bài thơ Quê hương của Tế Hanh đã vẽ ra một bức tranh tươi sáng, sinh động về một làng quê miền biển, trong đó nổi bật lên hình ảnh khỏe khoắn, đầy sức sống của người dân chài và sinh hoạt lao động làng chài”
Hãy phân tích bài thơ Quê hương của Tế Hanh để thấy: “một bức tranh tươi sáng, sinh động về một làng quê miền biển” và “hình ảnh khỏe khoắn, đầy sức sống của người dân chài và sinh hoạt lao động làng chài”
…………………Hết………………..
ĐÁP ÁN – THANG ĐIỂM MÔN NGỮ VĂN 8
(Đáp án- Thang điểm gồm có 03 trang)
- Hướng dẫn chung:
- Có kiến thức văn học, xã hội đúng đắn, sâu rộng; kĩ năng làm văn tốt; bố cục rõ ràng, kết cấu hợp lý, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh và sức biểu cảm,. Ít mắc lỗi về chính tả, ngữ pháp
- Đáp ứng yêu cầu đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của học sinh. Hướng dẫn chấm thi chỉ nêu một số nôi dung cơ bản, giám khảo cần hết sức linh hoạt khi vận dụng hướng dẫn chấm. Khuyến khích, trân trọng những bài làm có tính sáng tạo, những bài có ý kiến và giọng điệu riêng. Chấp nhận các cách kiến giải khác nhau, kể cả không có trong hướng dẫn chấm, miễn là hợp lí, có sức thuyết phục.
- Tổng điểm của toàn bài là 20,0 điểm, cho lẻ đến 0,25. Việc chi tiết hóa điểm số của các câu (nếu có) trong Đáp án – thang điểm phải được sự thống nhất trong tổ chấm thi và đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của mỗi câu.
- Hướng dẫn cụ thể:
Câu | Nội dung | Điểm | |
ĐỌC HIỂU | 4,0 | ||
1 | Phương thức biểu đạt: tự sự, biểu cảm.
|
0,5 | |
2 | Nội dung chính của đoạn trích:
– Lời nhắn gửi của những người lính đến thế hệ mai sau: ghi nhận họ đã từng chiến đấu, hi sinh để bảo vệ Tổ quốc – Mong ước thế hệ mai sau tiếp tục lao động, cống hiến dựng xây đất nước |
1,5 | |
3
|
– Suy nghĩ về những lời tâm sự của các anh hùng liệt sĩ gửi đến chúng ta – những con người của thế hệ hôm nay
– Thí sinh bày tỏ suy nghĩ theo những cách riêng miễn là hợp lí, thuyết phục. Dưới đây là một hướng suy nghĩ: + Trân trọng biết ơn những gì mà thế hệ cha anh đi trước đã hi sinh cho Tổ quốc để chúng ta có được cuộc sống hòa bình hôm nay + Từ đó biết sống xứng đáng, cống hiến sức mình để dựng xây quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp |
2,0
|
|
LÀM VĂN | 16,0 | ||
1 | Từ ý nghĩa đoạn trích, hãy trình bày suy nghĩ về nghị lực sống của con người. | 6,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài giới thiệu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề | 0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Nghị lực sống của con người | 0,25 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:Triển khai luận điểm theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt thao tác lập luận để làm rõ luận điểm; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải phù hợp, cụ thể sinh động. Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần làm nổi bật các ý sau:
|
5.0 | ||
* Giới thiệu tác giả và vấn đề nghị luận | 0.5 | ||
* Nghị luận về đoạn trích: Đoạn trích làm hiện lên hình ảnh chiếc lá cuối cùng trên cây thường xuân. Trước sự dữ dội của thiên nhiên, chiếc lá vẫn kiên cường treo bám vào cành. Từ sức sống mãnh liệt ta nghĩ về nghị lực của con người trong cuộc sống. | 1
|
||
* Nghị luận về nghị lực sống của con người
– Nghị lực sống của con người chính là bản lĩnh, ý chí, sự cố gắng để vượt lên tất cả những khó khăn, dám nghĩ, dám làm, dám sống. |
0,5 | ||
– Vai trò, ý nghĩa của nghị lực sống:
+ Tạo cho ta bản lĩnh và lòng dũng cảm, tự tin trong cuộc sống + Ứng phó và cải biến được khó khăn, thử thách + Ngoài trí tuệ và tài năng, tình cảm và nhiệt huyết thì nghị lực sống là một nhân tố quan trọng, là động lực giúp cho con người thành công trong cuộc sống. + Nghị lực sống là thước đo phẩm chất con người |
1,5 | ||
– Nêu và phân tích những tấm gương cụ thể trong đời sống trên các mặt: vượt khó để học tập, lập nghiệp, lao động và sáng tạo… | 0,5 | ||
– Phê phán những biểu hiện tiêu cực: thiếu nghị lực, bản lĩnh, chỉ biết sống trong sự bao bọc, chở che, không dám đối diện với khó khăn, thử thách | 0,5 | ||
– Rút ra bài học:
+ Rèn luyện nghị lực sống để vượt qua khó khăn, gian khổ và vượt qua chính mình + Kiên định mục đích sống của mình, không chán nản, bi quan, bỏ cuộc |
0,5 | ||
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu. Đảm bảo quy tắc chính tả, ngữ nghĩa, dùng từ, đặt câu. | 0,25 | ||
e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt độc đáo, sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm…; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực xã hội)
|
0,25 | ||
2 | Phân tích bài thơ Quê hương của Tế Hanh để thấy: “một bức tranh tươi sáng, sinh động về một làng quê miền biển” và “hình ảnh khỏe khoắn, đầy sức sống của người dân chài và sinh hoạt lao động làng chài” | 10,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài giới thiệu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề | 0,5 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Một bức tranh tươi sáng, sinh động về một làng quê miền biển và hình ảnh khỏe khoắn, đầy sức sống của người dân chài và sinh hoạt lao động làng chài… | 0,5 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt thao tác lập luận để làm rõ luận điểm; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải phù hợp, cụ thể sinh động. – Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, miễn là hợp lí, thuyết phục. Sau đây là một định hướng: |
8,0 |
||
* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận | 0,5 | ||
* Giải thích ý kiến:
– Ý kiến trên nhằm khẳng định sức hấp dẫn của bài thơ Quê hương khi nhà thơ đã vẽ ra được bức tranh cảnh vật vùng biển tươi sáng bằng ngòi bút tinh tế, sinh động, tình yêu quê hương sâu nặng. – Điểm sáng trong bức tranh ấy là vẻ đẹp khỏe khoắn, tràn đầy sức sống, tinh thần lao động miệt mài của người dân chài và sinh hoạt lao động làng chài |
1,0 | ||
* Chứng minh:
– Vẻ đẹp tươi sáng, sinh động của một làng quê miền biển + Khung cảnh ra khơi trong trẻo, tươi sáng được khắc họa trong buổi sớm mai hồng + Cảnh đoàn thuyền trở về mang hơi thở mặn mòi của địa dương |
1 | ||
– Nổi bật lên trong bức tranh ấy là hình ảnh khỏe khoắn, đầy sức sống của người dân chài và sinh hoạt lao động làng chài: | |||
+ Khí thế lao động hăng hái được gợi tả qua hình ảnh những chàng trai phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang | 1 | ||
+ Hình ảnh cánh buồn là một so sánh độc đáo gợi ra linh hồn của làng chài với bao ước mơ, khát vọng của người dân vùng biển | 1 | ||
+ Cảnh ồn ào tấp nập là một bức tranh sinh hoạt lao động ở làng chài được miêu tả hết sức sinh động, chan chứa niềm vui sướng trước thành quả lao động và thể hiện khát vọng ấm no, hạnh phúc của người dân làng chài.
(Chú ý phân tích nhịp thơ, giọng thơ, từ ngữ, hình ảnh và các biện pháp nghệ thuật để làm rõ) |
1,5 | ||
* Đánh giá:
– Đằng sau hình ảnh bức tranh làng quê mà nổi bật là hình ảnh người dân chài là niềm vui, niềm tự hào, tình yêu của nhà thơ Tế Hanh đối với quê hương. Từ đó làm nên cảm hứng thơ mãnh liệt. – Với cách viết giản dị, tự nhiên mà sâu sắc qua ngôn ngữ mộc mạc, gợi cảm, hình ảnh thơ tươi sáng, giọng điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, âm điệu vui tươi, đằm thắm, hồn thơ trẻ trung của một cái nhìn ấm áp về làng quê trong kỉ niệm. – Bài thơ viết về làng quê riêng của chính tác giả nhưng mang theo nét đẹp của cuộc sống và con người ở mọi làng chài, do vậy nó có sức hấp dẫn, đánh thức trái tim con người Việt Nam. |
1
|
||
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu. Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. | 0,5 | ||
e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện cảm nhận sâu sắc về vấn đề nghị luận. | 0,5 | ||
******************************************************
ĐỀ 10:
ĐỀ KHẢO SÁT HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN
Môn: Ngữ văn 8
Năm học: 2017-2018
Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề.
ĐỀ BÀI
Câu 1: (6 điểm).
Hãy viết về những điều em cảm nhận được từ câu chuyện dưới đây:
HOA HỒNG TẶNG MẸ
Anh dừng lại tiệm bán hoa để gửi hoa tặng mẹ qua đường bưu điện. Mẹ anh sống cách chỗ anh khoảng 300km. Khi bước ra khỏi xe, anh thấy một đứa bé gái đang đứng khóc bên vỉa hè. Anh đến và hỏi nó sao lại khóc.
– Cháu muốn mua một bông hoa hồng để tặng mẹ cháu – nó nức nở – nhưng cháu chỉ có bảy mươi lăm xu trong khi giá một bông hoa hồng đến hai đô-la.
Anh mỉm cười và nói với nó:
– Đến đây, chú sẽ mua cho cháu.
Anh liền mua hoa cho cô bé và đặt một bó hồng cho mẹ anh. Xong xuôi, anh hỏi cô bé có cần đi nhờ xe về nhà không. Nó vui mừng nhìn anh và trả lời:
– Dạ, chú cho cháu đi nhờ đến nhà mẹ cháu.
Rồi nó chỉ đường cho anh lái xe đến một nghĩa trang, nơi có một phần mộ vừa mới đắp. Nó chỉ ngôi mộ và nói:
– Đây là nhà của mẹ cháu.
Nói xong, nó ân cần đặt nhánh hoa hồng lên phần mộ.
Tức thì anh quay lại tiệm bán hoa, huỷ bỏ dịch vụ gửi hoa vừa rồi và mua một bó hồng thật đẹp. Suốt đêm đó, anh đã lái một mạch 300km về nhà mẹ để trao tận tay bà bó hoa.
(Theo Quà tặng cuộc sống, NXB trẻ, 2006)
Câu 2: (14 điểm)
Xuân Diệu khẳng định thơ hay là “ hay cả hồn lẫn xác, hay cả bài”.
Hãy chứng minh qua bài thơ Quê hương của Tế Hanh.
………………………………………Hết………………………………………
ĐÁP ÁN
Phần I. Hướng dẫn chung
– Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá đúng bài làm của thí sinh. Tránh cách chấm đếm ý cho điểm.
– Khi vận dụng đáp án và thang điểm, giám khảo cần chủ động, linh hoạt với tinh thần trân trọng bài làm của học sinh. Đặc biệt là những bài viết có cảm xúc, có ý kiến riêng thể hiện sự độc lập, sáng tạo trong tư duy và trong cách thể hiện.
– Nếu có việc chi tiết hóa điểm các ý cần phải đảm bảo không sai lệnh với tổng điểm và được thống nhất trong toàn hội đồng chấm thi.
– Điểm toàn bài là tổng điểm của các câu hỏi trong đề thi, chấm điểm lẻ đến 0,25 và không làm tròn.
Phần II. Đáp án và thang điểm
Câu | Nội dung | Điểm |
Câu 1 (6,0 điểm) | Yêu cầu học sinh viết một bài văn nghị luận xã hội và cần đảm bảo các ý sau đây.
– Tóm tắt câu chuyện bằng một đoạn văn ngắn. – Rút ra ý nghĩa của câu chuyện: Hãy trân trọng và quý những giây phút được sống bên mẹ, hãy thực hiện lòng hiếu thảo một cách thật tâm, chân tình ,đừng thực hiện lòng hiếu thảo một cách quá muộn mằn, lòng hiếu thảo thật sự có thể làm thay đổi nhận thức và hành động của mỗi người… – Phân tích, lí giải: + Câu chuyện kể về hai người con mua hoa tặng mẹ. Nó không đơn thuần chỉ có vậy, hai người con một lớn một nhỏ mua hoa trong hai hoàn cảnh khác nhau. + Dường như tình yêu ấm áp của cô bé dành cho người mẹ đã mất đã đánh thức được chàng trai, đưa anh về với những giá trị thực tại, và cũng vô tình đứa trẻ ấy để lại trong lòng người lớn những suy ngẫm sâu sắc hơn. + Anh nhận ra rằng đến một ngày nào đó mẹ anh cũng sẽ rời xa anh để bước đi sang bên kia thế giới và lúc ấy anh có muốn tặng những bông hoa đẹp nhất thì cũng không thể nào trao đến tay mẹ được nữa. Lúc này đây mẹ anh cần gặp anh chứ không phải là bó hoa mà anh gửi về. Đúng, bây giờ thì anh đã hiểu ra dù mình đã trưởng thành rồi nhưng vẫn có những phút giây vô tâm…đối với mẹ – người đã sinh thành và nuôi dưỡng anh nên người. – Đánh giá bình luận: Hiếu thuận và biết ơn cha mẹ là đạo lí tốt đẹp của con người, nhất là người Việt Nam, đạo lí ấy ngày nay vẫn được kế thừa, phát huy nhưng với một số người có phần bị mai một bởi đâu đó vẫn thấy những đứa con bất hiếu, ngược đãi cha mẹ…cần phê phán lên án… |
|
Câu 2: (14 điểm)
|
1. Mở bài: Có thể mở bài theo nhiều cách nhưng phải:
– Dẫn dắt được vấn đề và hướng vào nhận định của Xuân Diệu về thơ hay phải là “ hay cả hồn lẫn xác, hay cả bài”. – Khẳng định bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh đúng với nhận định về thơ của thi sĩ Xuân Diệu. 2. Thân bài. 2.1 Giải thích nhận định + Xuân Diệu thật tinh tế khi quan niệm về thơ hay, thơ hay phải là “ hay cả hồn lẫn xác, hay cả bài”. Hồn ở đây chính là nội dung, là tình cảm, là tấm lòng, là hiện thực và điều gửi gắm của tác giả vào bài thơ, còn xác là nghệ thuật thơ hay chính là hình thức thơ, là cấu tứ, thể thơ, ngôn từ, nhịp điệu, giọng điệu, hình ảnh thơ, là cái phản ánh nội dung của bài thơ. Có thể thấy quan niệm của Xuân Diệu thật toàn vẹn, đầy đủ và hài hòa về thơ hay, phải là một thi sĩ, một người am hiểu và từng trải về nghệ thuật mới có cái nhìn sâu sắc đến vậy. + Cái hồn trong bài thơ Quê hương của Tế Hanh chính là tình cảm yêu nhớ quê hương của nhà thơ, tình cảm ấy hướng về vị trí địa lí, nghề nghiệp của làng, là cảnh dân làng ra khơi đánh cá, cảnh trở về, là hình ảnh con thuyền và những chàng trai miền biển đầy thơ mộng, là cánh buồm căng gió, là nỗi nhớ chơi vơi, da diết, còn xác trong bài thơ là thể thơ tám chữ, hình ảnh thơ bay bổng, lãng mạn, ngôn từ, giọng điệu trong sáng, thiết tha, là phương thức miêu tả kết hợp với biểu cảm và các biện pháp tu từ được sử dụng tinh tế, hài hòa. 2. 2. Chứng minh nhận định qua việc phân tích chi tiết bài thơ ( PT nội dung và nghệ thuật của tác phẩm) * Nội dung bài thơ ( Đây là luận điểm chủ yếu: kết hợp phân tích cả nội dung và nghệ thuật). + Vị trí, nghề nghiệp: Hai câu đầu giới thiệu về vị trí rất đặc biệt và nghề chài lưới của làng quê tác giả. + Cảnh ra khơi đánh cá: Đó là cảnh rất đẹp, đầy khí thế với những hình ảnh thật đẹp và ấn tượng về thời tiết, con người, cánh buồm. “ Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng ………………………………………. Rướn thân trắng bao la thâu góp gió” – Thời tiết trong lành, sáng sủa, mát mẻ: trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng. Con người khỏe mạnh: Dân trai tráng. – Chiếc thuyền được so sánh và nhân hóa như: con tuấn mã rất hăng hái vượt trường giang. – Cánh buồm là hình ảnh thơ độc đáo, sáng tạo được so sánh như mảnh hồn làng, nhân hóa như con người biết “Rướn thân trắng” để thâu góp gió. + Cảnh trở về thật ồn ào, đông đúc, yên bình, tươi vui, no đủ, một bức tranh ấm cúng, giàu sự sống, thơ mộng với lời cảm tạ chân tình của người dân chài. “ Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ …………………………………… Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ” – Hình ảnh người dân chài vừa tả thực vừa sáng tạo với nước da nhuộm nắng gió, thân hình vạm vỡ thấm đậm vị mặn mòi, nồng tỏa vị xa xăm của biển. – Con thuyền được nhân hóa như có một tâm hồn tinh tế biết nằm nghỉ ngơi và lắng nghe. – Người viết có một tâm hồn tinh tế, tài hoa, có tấm lòng gắn bó sâu nặng với quê hương. + Nỗi nhớ quê hương: Biểu cảm trực tiếp với nỗi nhớ biển, cá, cánh buồm, thuyền, mùi biển… tất cả được cảm nhận bằng tấm tình trung hiếu của người con xa quê. “ Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ ……………………………………… Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá” * Nghệ thuật (luận điểm phụ) – Quê hương là bài thơ trữ tình, phương thức biểu đạt chủ yếu là biểu cảm. Ngòi bút miêu tả thẫm đẫm cảm xúc. Hình ảnh, ngôn từ đẹp, bay bổng, lãng mạn, biện pháp nhân hóa, so sánh độc đáo thổi linh hồn vào sự vật. – Sáng tạo hình ảnh thơ rất phong phú, chính xác, chân thực qua ngôn ngữ giản dị. 3. Kết bài – Học sinh khái quát bài thơ và đánh giá nhận định
|
🔻 Xem thêm: