[Tài liệu văn 11] Vẻ đẹp tâm hồn Liên trong “Hai đứa trẻ”
Đề bài: Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp tâm hồn Liên trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.
Bài làm:
Thạch Lam là một trong những gương mặt tiêu biểu của khuynh hướng lãng mạn trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX. Ông chủ yếu khai thác thế giới nội tâm của nhân vật với những xúc cảm mong manh, mơ hồ của con người, xót thương cho những con người nghèo khổ. Là một nhà văn lãng mạn nhưng các tác phẩm của Thạch Lam còn mang tính hiện thực sâu sắc, truyện ngắn “Hai đứa trẻ” chính là một trong những truyện ngắn tiêu biểu nhất của ông. Qua không gian của một phố huyện nghèo trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhà văn đã khắc họa nên vẻ đẹp tâm hồn Liên – một cô bé giàu lòng trắc ẩn, có sự nhạy cảm tinh tế và luôn có những khát vọng, ước mơ.
Thạch Lam sinh năm 1910, mất năm 1942, tuổi thơ ông gắn bó với quê ngoại ở phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, đây là một vùng không gian giáp ranh nửa tỉnh nửa mê, nửa làng nửa phố – không gian của những kiếp sống lau lắt, mòn mỏi. Thạch Lam sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống văn học, ông là em ruột của Nhất Linh và Hoàng Đạo, cả ba người đều là thành viên của “Tự lực văn đoàn”. Ông là người có tính cách dịu dàng, tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, luôn nâng niu xúc cảm, lắng nghe, trân trọng những biến đổi tế vi ở sâu thẳm trong tâm hồn. Thạch Lam “là người hòa giải giữa thơ và văn xuôi, giữa hiện thực và lãng mạn”. Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” là một trong những tác phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp văn chương của Thạch Lam, được in trong tập “Nắng trong vườn” xuất bản năm 1938. Cũng như nhiều truyện ngắn khác của ông, “Hai đứa trẻ” có sự hòa quyện giữa hai yếu tố hiện thực và lãng mạn.
Hoàn cảnh sống của Liên là một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến tâm hồn Liên. Gia đình Liên vốn sống ở Hà Nội, nhưng vì bố mất việc nên cả nhà phải chuyển về quê ở. Hai chị em Liên và An có nhiệm vụ trông coi cái cửa hàng nhỏ được thuê lại của bà lão móm, trong cửa hàng chỉ có vài ba thứ hàng đơn giản đủ để phục vụ cho đời sống hàng ngày của người dân. Tuổi thơ của hai chị em Liên gắn liền với cửa hàng đó từ sáng sớm cho đến tận đêm khuya khi đoàn tàu đi qua mới được đóng cửa hàng đi ngủ. Cuộc sống vất vả của Liên khi tuổi đời còn quá trẻ chính là lí do khiến chị già dặn hơn tuổi của mình.
Tuy cuộc sống khó khăn, Liên sở hữu một vẻ đẹp tâm hồn trong sáng và thuần khiết, tự nhiên như chưa từng chịu một tác động tiêu cực nào của cuộc sống. Trước hết, vẻ đẹp tâm hồn Liên được thể hiện qua sự rung cảm tinh tế của chị trước cuộc sống xung quanh. Mỗi lúc chiều tàn, Liên lại thấy “lòng buồn man mác” nhưng chính chị cũng không biết tại sao mình buồn, có lẽ đó là nỗi u hoài vốn có của con người khi chứng kiến sự trôi chảy, tàn lụi của thời gian. “Chiều, chiều rồi” là tiếng kêu não nề, thảng thốt khi Liên lại phải chứng kiến cảnh vật tàn lụi, hắt hiu nơi phố huyện. Trước khung cảnh buổi chiều tàn ở phố huyện, Liên đã trông thấy những kiếp người tàn lụi nơi phố huyện nghèo xơ xác. Trước cuộc sống của con người, Liên bộc lộ vẻ đẹp của một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, một trái tim giàu lòng trắc ẩn. Trong Liên là một tình yêu, sự gắn bó máu thịt với quê hương, là niềm thương cảm cho những kiếp người bất hạnh. Chị động lòng thương những đứa trẻ con nhà nghèo mà không có tiền để cho chúng, nếu chị có, chắc hẳn chị sẽ chẳng ngần ngại phân phát cho chúng. Chị quan tâm, chia sẻ, xót thương cho hoàn cảnh chị Tí, đầy lòng trắc ẩn với bà cụ Thi điên,… Đó là tất cả nét đẹp trong tâm hồn chị mà Thạch Lam đã khéo léo gợi mở tới người đọc.
Khi đêm đến, phố huyện chìm vào bóng tối tưởng chừng như vô tận. Trong tâm hồn Liên, bóng tối không hề xa lạ hay đáng sợ mà quen thuộc, gần gũi, đầy thi vị. Liên ngồi trong “một đêm mùa hạ êm như nhung…đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang mà yên lặng”. Liên và An lặng lẽ ngắm các vì sao, lặng lẽ quan sát những gì diễn ra ở phố huyện và xót xa với những kiếp người nhỏ nhoi sống lay lắt trong cơ cực đói nghèo, tù đọng trong bóng tối nơi phố huyện không có lối thoát. Liên nhớ lại những tháng ngày tươi đẹp ở Hà Nội, nỗi buồn cùng bóng tối đã tràn ngập trong đôi mắt Liên, nhưng trong tâm hồn chị vẫn dành chỗ cho một mong ước, một sự đợi chờ trong đêm dù mơ hồ, chưa rõ rệt. Câu chuyện phảng phất một nỗi buồn man mác, sáng trong khi Liên chỉ cảm thấy một nỗi buồn mong manh mơ hồ một cách rất tự nhiên khi đắm chìm vào khung cảnh đêm tối nơi phố huyện chứ chị không thể cắt nghĩa được đến cùng nỗi buồn ấy.
Lòng trắc ẩn của Liên đối với những hoàn cảnh đáng thương cũng thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của chị. Bản thân Liên đang sống một cuộc sống nghèo khó, tuy có cuộc sống khá hơn những người xung quanh nhưng hai chị em Liên cũng sớm phải san sẻ gánh nặng mưu sinh cùng cha mẹ. Liên cũng thấm thía sâu sắc cảnh nghèo và buồn mà chị đang phải trải qua song không vì thế mà Liên đóng kín tâm hồn đối với con người và cuộc sống quanh mình. Nhìn những đứa trẻ nghèo đang nhặt nhạnh, tìm kiếm những gì còn sót lại sau phiên họp chợ, Liên thấy “động lòng thương” tuy chính chị cũng không có tiền để cho chúng. Sẵn có một tấm lòng thơm thảo, Liên đã rót đầy hơn vào cút rượu của bà cụ Thi điên dù trong chị không phải không có cảm giác run sợ rất tự nhiên ở một đứa trẻ khi phải đối diện với một người không hoàn toàn bình thường. Chính những tình cảm ngỡ như rất giản dị ấy lại làm cho người ta cảm động như được “thanh lọc tâm hồn” để trở về với những gì tự nhiên thuần khiết nhất sau khi chứng kiến những mảnh đời tàn nơi huyện nghèo xơ xác.
Liên mang kiếp sống tàn ngay từ khi còn tấm bé, thế nhưng trong chị luôn hiện hữu khát vọng và ước mơ. Khát vọng đó được thể hiện trong cảnh đợi tàu ở cuối tác phẩm. Liên và những người dân nơi đây chờ đợi đoàn tàu đến hằng đêm trong sự da diết, khắc khoải. Dù đã buồn ngủ ríu cả mắt nhưng Liên vẫn gượng thức khuya tí nữa chờ đoàn tàu đi qua, bởi chuyến tàu có ý nghĩa đặc biệt đối với Liên. Trong khoảnh khắc con tàu đi qua, Liên chỉ đứng nhìn, lặng đi trong nỗi xúc động, cái nhìn không chớp mắt được Thạch Lam diễn tả một cách tinh tế “Đồng và kền lấp lánh. Và các cửa kính sáng”. Khi đoàn tàu ra đi, chìm khuất hoàn toàn vào trong bóng tối, Liên mới lặng theo mơ tưởng. Liên đã đi một chuyến tàu tâm tưởng ngược từ hiện tại về quá khứ “Hà Nội xa xăm. Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo”. Cái tên Hà Nội vang lên trong tâm trí Liên bồi hồi, những tính từ “sáng rực”, “vui vẻ”, “huyên náo” là tiếng vọng của sự sống từ một miền “xa xăm”. Đó là giây phút bừng sáng trong cuộc đời của hai đứa trẻ, chúng quên hết sự tăm tối xung quanh, chỉ còn sống với niềm hạnh phúc. Niềm hạnh phúc trong mơ tưởng ấy đã cứu rỗi cuộc đời nghèo khổ, lay lắt lụi tàn trong thực tại của Liên.
Qua nhân vật Liên, Thạch Lam đi sâu vào việc miêu tả diễn biến nội tâm của nhân vật với ngôn ngữ nhẹ nhàng, man mác mang đậm chất trữ tình, chất thơ. Thạch Lam đã rất trân trọng cuộc sống con người để khắc họa vẻ đẹp tâm hồn của cô bé Liên, một cô bé giàu tình cảm, sở hữu một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và luôn khát khao hướng về cuộc sống tươi sáng hơn. Từ đó Thạch Lam đem đến cho người đọc một thông điệp có ý nghĩa sâu sắc về ước mơ trong cuộc đời dù còn nhiều tăm tối, khó khăn, chỉ cần còn hi vọng thì còn có thể thực hiện được.
Bằng cách kể nhẹ nhàng, trữ tình, lối viết “truyện không có chuyện”, cách xây dựng nhân vật theo lối diễn đạt nội tâm, Thạch Lam đã khắc họa tinh tế, sâu sắc hình ảnh cô bé Liên với vẻ đẹp tâm hồn đẹp đẽ, sáng trong như một sự đánh thức sâu sắc trong tâm hồn người đọc về cái gọi lại “chân tâm, chân cảm” của nhà văn về con người và kiếp sống nghèo khổ.
🔻 Xem thêm:
Chủ đề:Cảm nhận của ánh chị về vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Liên trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của cô bé Liên, Dàn ý vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Liên, Hoàn cảnh gia đình Liên trong Hai đứa trẻ, Liên hệ tác phẩm Hai đứa trẻ, Nhân vật Liên trong Hai đứa trẻ, Phân tích tâm trạng của Liên trong tác phẩm Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam, Vẻ đẹp con người trong Hai đứa trẻ