[Tài liệu văn 11] Phân tích ý nghĩa cảnh đợi tàu của hai chị em Liên
Đề bài: Phân tích ý nghĩa cảnh đợi tàu của hai chị em Liên
1/ Mở bài
Thạch Lam là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930 – 1945. Ông là một cây bút chủ lực của nhóm Tự lực văn đoàn. Những sáng tác của Thạch Lam thường rất nhẹ nhàng, giàu tình cảm với những truyện không có chuyện, mỗi tác phẩm của Thạch Lam được ví như một bài thơ trữ tình đượm buồn. “Hai đứa trẻ” là một trong những thành công nổi bật của Thạch Lam, thể hiện rõ đặc trưng phong cách ấy. Trong tác phẩm, nhà văn đã sáng tạo một chi tiết nghệ thuật rất đặc sắc, chứa đựng nhiều ý nghĩa : cảnh đợi tàu của chị em Liên.
2/ Thân bài
a/ Khái quát chung
Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” được in trong tập “Nắng trong vườn” (1938) . Không có cốt truyện đặc biệt, “Hai đứa trẻ” giống như một bài thơ trữ tình miêu tả cảnh vật và con người ở một phố huyện nghèo từ lúc chiều tàn cho đến đêm khuya khi có con tàu chạy qua dưới đôi mắt nhìn của hai đứa trẻ là Liên và An. Truyện chỉ có vậy nhưng ý nghĩa tư tưởng và sức hấp dẫn đối với bạn đọc vô cùng đậm nét.
b/ Phân tích ý nghĩa cảnh đợi tàu
Chuyến tàu là hoạt động cuối cùng của đêm khuya , hoạt động ấy có khả năng khuấy động mãnh liệt nhịp sống tù đọng, tẻ nhạt của phố huyện nghèo , đem lại cho nó sự đổi thay dù chỉ trong chốc lát. Chuyến tàu là hình ảnh đối lập với cuộc sống mòn mỏi, tối tăm, quẩn quanh của người dân phố huyện. Đoàn tàu đem đến cho phố huyện một thế giới khác hẳn: nếu phố huyện tàn tạ và tối tăm thì đoàn tàu sáng trưng và rực rỡ; nếu phố huyện tù đọng, ngưng trệ thì đoàn tàu náo nhiệt và sống động; nếu phố huyện xơ xác và nghèo khổ thì đoàn tàu lại sang trọng và giàu có. Đoàn tàu chính là biểu tượng cho thế giới đáng sống với sự giàu sang và rực rỡ ánh sáng.
Với chị em Liên, đoàn tàu vừa mang lại kí ức vui tươi, vừa đem đến ước vọng mơ hồ mà đẹp đẽ như trong truyện cổ tích nhưng chẳng khác gì một ảo ảnh, vụt sáng rồi lại qua ngay, xa dần, nhỏ dần, tắt dần tróng sự nuối tiếc. Hai chị em Liên chờ đợi tàu không phải để bán hàng mà để nhìn thấy một thế giới khác sôi động và sang trọng hơn. Còn với những người dân nghèo khổ kia thì đoàn tàu lại là cảnh sống của một thế giới thần tiên, mơ hồ, xa lạ nhưng lại hiện ra đêm đêm như một giấc mộng đẹp, một ước mơ xa xôi dẫu không bao giờ thành hiện thực nhưng vẫn như có một cái gì đó là niềm an ủi chốc lát cho cảnh đời cơ cực của họ.
Liên và An đêm nào cũng đều cố thức để chờ đợi đoàn tàu khuya từ Hà Nội đi ngang qua, d ù cả hai chị em đã buồn ngủ ríu cả mắt nhưng vẫn cố gắng gượng thức để đợi bằng được chuyến tàu đêm. Tiếng trống cầm canh ở huyện đánh vang cùng với lời thông báo của bác Siêu đã xua tan sự tĩnh mịch của màn đêm, để chuẩn bị cho sự xuất hiện của đoàn tàu. Con tàu từ Hà Nội dần dần xuất hiện, ban đầu là ngọn lửa xanh biếc như ma trơi, rồi tiếp đến là làn khói trắng bừng lên từ xa. Liên gọi em dậy và cả hai chị em quan sát kĩ từng chuyển động của đoàn tàu. Khoảnh khắc đoàn tàu đến với “các toa đèn sáng trưng, chiếu sáng cả xuống đường, Liên đã cảm thấy xúc động khi nghe thấy tiếng còi xe lửa ở đâu vang lại, trong đêm khuya kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi. Tiếng còi trở thành âm vang mơ hồ, xao xuyến, ngân vang. Liên chỉ thoáng trông thấy những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền sáng lấp lánh, và các cửa kính sáng” rồi trong một khoảnh khắc đã chỉ còn lại chiếc chấm đỏ nhỏ, rồi khuất sau rặng tre, để lại bóng tối lại dày đặc và để lại bao tiếc nuối cho những người dân nơi phố huyện nghèo, đặc biệt là hai chị em Liên. Mặc dù chuyến tàu của ngày hôm nay không đông nhưng mà nó lại từ Hà Nội về, nó mang theo một thế giới khác hẳn đối với liên, đó là thế giới sáng rực, vui vẻ và huyên náo.
Khao khát chờ đoàn tàu đi qua đã nói lên những khát vọng mãnh liệt của những đứa trẻ, đó là khát vọng được đổi đời. Đoàn tàu đến đã đưa hai đưa trẻ thoát khỏi không gian tăm tối, nghèo khổ của phố huyện dù chỉ trong chốc lát. Và những kí ức về một tuổi thơ êm đẹp như tiếng gọi về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.
Qua khung cảnh đợi tàu, Thạch Lam cũng đã thể hiện thái độ cảm thương đối với những số phận người nhà quê, nhỏ và bất hạnh vì phải sống mòn mỏi với cuộc đời chật vật, bế tắc. Con tàu đã tác động vào lòng người một ấn tượng mạnh mẽ, đưa phố huyện ra khỏi cuộc sống tù đọng, u uẩn dù chỉ trong chốc lát , chờ đợi con tàu trở thành nhu cầu không thể thiếu của người dân nơi phố huyện . Đoàn tàu chính là niềm vui, niềm an ủi, hi vọng dẫu còn mơ hồ về một ngày mai tươi sáng, là khát vọng sống mãnh liệt chợt bùng lên trong tâm hồn của những con người nghèo khổ. Chuyến tàu đã trở thành niềm an ủi, niềm tin để con người nơi phố huyện nghèo tiếp tục hi vọng, chờ đợi về một thế giới tươi sáng hơn.
c/ Đánh giá
Với cốt truyện đơn giản, nổi bật là những dòng tâm trạng chảy trôi , những cảm xúc, cảm giác mong manh, mơ hồ trong tâm hồn con người; ngôn ngữ, hình ảnh giàu ý nghĩa tượng trưng ; giọng điệu thủ thỉ thấm đượm chất thơ, chất trữ tình sâu lắng,… nhà văn Thạch Lam đã rất thành công khi xây dựng cảnh đợi tàu của hai đứa trẻ để qua đó bộc lộ niềm cảm thương sâu sắc của mình với cuộc sống của những con người nghèo khổ và thể hiện niềm trân trọng những ước mơ bình dị của họ. Đây chính là một trong những biểu hiện của tư tưởng nhân đạo, giá trị nhân văn của tác phẩm.
3/ Kết bài
Có thể nói, cảnh đợi tàu trong tác phẩm là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc, truyền tải những nội dung tư tưởng mà tác giả muốn biểu đạt. Đó là niềm cảm thương sâu sắc, chân thành của Thạch Lam đối với những kiếp sống nghèo khổ, chìm khuất trong mòn mỏi, tăm tối, quẩn quanh nơi phố huyện trước cách mạng. Với những thành công về nội dung cũng như nghệ thuật biểu hiện, tác phẩm “”Hai đứa trẻ” xứng đáng là một trong những thành công vang dội của Thạch Lam, đưa tên tuổi tác giả sống mãi trong lòng bạn đọc muôn thế hệ.
🔻 Xem thêm:
Chủ đề:Cảm nhận của ánh chị về cảnh đợi tàu của hai chị em Liên trong Hai đứa trẻ, Cảnh đợi tàu học sinh giới, Dàn ý cảnh đợi tàu trong tác phẩm Hai đứa trẻ, Nếu cảm nhận của ánh chị về cảnh đợi tàu trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, Tâm trạng của Hai đứa trẻ trước khi tàu đến khi tàu đến, Tâm trạng đợi tàu của chị em Liên, Vì sao nơi hai chị em Liên đợi tàu trong niềm hạnh phúc, Ý nghĩa của cảnh đợi tàu