[Tài liệu văn 11] Phân tích bài thơ “Tự tình II” của Hồ Xuân Hương
Đề bài : Phân tích bài thơ Tự tình II của Hồ Xuân Hương
1/ Mở bài : giới thiệu tác giả – tác phẩm – vấn đề nghị luận
Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ nữ tiêu biểu nhất của nền văn học trung đại Việt Nam. Bà được mệnh danh là “bà chúa thơ Nôm” với những bài thơ Nôm kiệt xuất. Thơ của bà là thơ của phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà vẫn rất trữ tình. Một trong những bài thơ tiêu biểu nhất cho hồn thơ ấy chính là bài “Tự tình II”. Bài thơ đã thể hiện những tâm trạng, nỗi niềm của người phụ nữ trước duyên phận, cuộc đời của mình.
2/ Thân bài
a/ Khái quát chung
“Tự tình II” là bài thơ thuộc chùm thơ “Tự tình” gồm ba bài của Hồ Xuân Hương. Đây là chùm thơ nữ sĩ viết để tự kể nỗi lòng, tâm tình của mình. Tác phẩm được viết bằng chữ Nôm, làm theo thể thất ngôn bát cú Đường luật thể hiện tâm trạng đau đớn, phẫn uất trước thực tại đau buồn, gắng gượng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch.
b/ Phân tích
Luận điểm 1: Mở đầu bài thơ là hình ảnh người phụ nữ thao thức không ngủ, một mình một bóng giữa đêm khuya thanh vắng:
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Giữa đêm khuya, người phụ nữ thao thức không ngủ được và lắng tai nghe âm thanh tiếng trống canh dồn dập từng hồi kéo đến. Đêm khuya là khoảng thời gian con người đối diện thật nhất với chính mình, là lúc người ta lắng lòng lại để nghĩ về chính mình, đó là lúc mà nhân vật trữ tình nhận ra tình cảnh đáng thương của mình. Sự cô đơn, trơ trọi đã được đặt trong thời gian, một khoảng thời gian tĩnh lặng đến tuyệt đối. Âm thanh của tiếng trống canh với nhịp điệu dồn dập đã gợi lên không gian vắng vẻ với bước đi dồn dập của thời gian, khơi sâu hơn tâm trạng cô đơn, rối bời của nhân vật trữ tình. Âm thanh ấy từ xa vọng lại, “văng vẳng” bên tai. Đó là nghệ thuật lấy động để tả tĩnh, tiếng trống cầm canh không làm cho khung cảnh trở nên sôi động hơn mà ngược lại còn khiến cho không gian đêm vắng càng thêm tĩnh lặng, nỗi sầu tủi cô đơn của người phụ nữ càng khắc sâu hơn nữa.
Thân phận người phụ nữ thật đáng thương trong cách viết “Trơ cái hồng nhan với nước non”. “Trơ” có thể hiểu là trơ lì, với cách hiểu này, ý thơ cho ta thấy sự từng trải do cuộc đời nhiều éo le, ngang trái, duyên phận hẩm hiu, kiếp hồng nhan bạc mệnh. “Trơ” còn có nghĩa là trơ trọi, gợi sự cô đơn, lẻ bóng, gợi thân phận nhỏ bé, bẽ bàng. “Cái hồng nhan” là cách gọi trào phúng, đầy mỉa mai cay đắng cho số phận của người phụ nữ. “Cái” gợi một cái gì đó rẻ rúng, tầm thường còn “hồng nhan” lại là một khái niệm mĩ miều chỉ người con gái tài sắc. Hồng nhan vốn đáng trân trọng, đáng nâng niu đã trở nên rẻ rúng hóa, đồ vật hóa. Nhà thơ đã rất khéo léo khi sử dụng biện pháp nghệ thuật đối lập giữa “ cái hồng nhan” với “nước non” , đó là sự đối lập giữa cái nhỏ bé với cái rộng lớn, mênh mông, không tận, không cùng. Sự đối lập ấy đã cho thấy bản lĩnh của Hồ Xuân Hương : thách thức số phận, dám đương đầu với tất cả. Hai câu đề của bài thơ đã tạc vào không gian, thời gian hình ảnh người đàn bà trầm uất, đang đối diện với chính mình.
Luận điểm 2: Bi kịch, nỗi đau thân phận càng được nhấn mạnh, khắc sâu hơn khi nhân vật trữ tình ngồi đối diện với vầng trăng lạnh và mượn rượu để giải khuây:
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn
Các từ ngữ đăng đối, hô ứng với nhau càng làm rõ thêm thân phận của người đàn bà dang dở. Rượu không giúp vơi cạn nỗi niềm mà nỗi niềm càng thêm thấm thía, đau xót hơn vì say rồi lại tỉnh, lại nhận ra bi kịch của đời mình. Chữ “lại” đã gợi lên vòng luẩn quẩn, trở đi trở lại trong bế tắc, trong xót xa, chán nản, tuyệt vọng.
Thi sĩ tìm đến trăng, tìm đến người sẻ chia bầu bạn nhưng trăng lại trở thành hình ảnh soi chiếu cho thân phận: Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn. Vầng trăng đã xế bóng nhưng vẫn còn khuyết, chưa tròn đầy. Nó giống như thân phận của nhà thơ, tuổi xuân trôi qua đi mà tình duyên vẫn chưa trọn vẹn. Hai câu thơ chính là nỗi xót xa, cay đắng cho thân phận dở dang, lỡ làng của một người phụ nữ tài hoa, ý thức sâu sắc về tình cảnh của bản thân mình.
Luận điểm 3: Hai câu luận đã thể hiện nỗi niềm phẫn uất, sự phản kháng dữ dội, muốn vùng vẫy, bứt phá của người phụ nữ:
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.
Mượn hình ảnh thiên nhiên để nói lên tâm trạng của chính mình, nữ sĩ đã giúp người đọc hiểu rõ hơn tình cảnh của nhân vật trữ tình để mà xót xa, thương cảm. Rêu vốn là một sinh vật nhỏ bé, mềm yếu nhưng nó cũng không chịu khuất phục, nó đã mọc lên và còn mọc xiên ngang mặt đất đầy thách thức. Đá vốn đã rắn chắc nhưng giờ đây nó rắn chắc hơn, nhọn hơn để đâm toạc chân mây. Các động từ mạnh “xiên”, “đâm” cùng với các phụ ngữ “ngang”, “toạc” và biện pháp đảo ngữ đã thể hiện sự bướng bỉnh, ngang ngạnh rất Hồ Xuân Hương, sự phản kháng, không cam chịu, không chấp nhận số phận. Mượn sức sống mãnh liệt của thiên nhiên để thể hiện bản lĩnh, thái độ phản kháng, ý thức vươn lên, đối đầu với hoàn cảnh là nét độc đáo, táo bạo, mang đậm phong cách thơ Hồ Xuân Hương.
Luận điểm 4: Hai câu kết khép lại bài thơ là tiếng thở dài ngán ngẩm trước bi kịch cuộc đời:
Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con
Mùa xuân của thiên nhiên , đất trời đi rồi lại trở về theo quy luật tuần hoàn tự nhiên của nó. Nhưng tuổi xuân của người phụ nữ, tuổi trẻ và sắc đẹp của đời người thì không thể nào quay trở lại. Mỗi một mùa xuân trôi đi là thêm một tuổi xuân của đời người qua đi bởi vậy mới khiến lòng người ngán ngẩm, chán chường. Hai tiếng “lại lại” như một tiếng thở dài đầy ngao ngán trước sự chảy trôi tàn nhẫn của thời gian. Và trong bước đi vô tình ấy của thời gian, tình duyên của người phụ nữ vẫn chưa trọn vẹn. “Mảnh tình” vốn đã nhỏ bé, mỏng manh mà còn phải san sẻ, chia bảy sẻ năm thật là tội nghiệp. Cái còn lại chỉ là một “tí con con” đâu đáng kể gì. Nghệ thuật tăng tiến theo chiều giảm dần khiến người đọc thấy rõ bi kịch xót xa của nữ sĩ và cảm thương cho con người tài hoa mà bạc mệnh.
c/ Đánh giá
Với ngôn ngữ thơ Nôm giản dị, tự nhiên cùng với các biện pháp nghệ thuật được sử dụng rất linh hoạt như : nghệ thuật đối, biện pháp đảo ngữ, dùng các động từ mạnh , nghệ thuật tả cảnh ngụ tình,… bài thơ đã thể hiện tâm trạng vừa đau đớn, vừa phẫn uất đồng thời cũng nói lên niềm khát khao hạnh phúc mãnh liệt của nhà thơ.
3/ Kết bài
Có thể nói bài thơ “Tự tình II” đã thể hiện rất rõ bản lĩnh của Hồ Xuân Hương qua tâm trạng đầy bi kịch: vừa buồn tủi, phẫn uất trước tình cảnh éo le, vừa cháy bỏng khát khao được sống hạnh phúc. Đọc bài thơ, ta vừa thương xót cho số phận bất hạnh, vừa khâm phục bản lĩnh cứng cỏi của nữ sĩ. Bài thơ là minh chứng tiêu biểu cho tài năng ngôn ngữ của “bà chúa thơ Nôm”.
🔻 Xem thêm:
- Nỗi đau duyên phận và khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương trong “Tự tình II”
- Cảm nhận về bài thơ “Tự tình (II)” của Hồ Xuân Hương