[Tài liệu văn 10] Nỗi đau thân phận và vẻ đẹp tâm hồn của Thúy Kiều trong đoạn trích “Trao duyên”
Đề bài : Có ý kiến cho rằng : “Trao duyên” đã thể hiện bi kịch tình yêu, số phận cá nhân và vẻ đẹp tâm hồn của Thúy Kiều“. Hãy chứng minh.
Bài làm tham khảo
Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc Việt Nam, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. Truyện Kiều là tập đại thành của ông, là nơi tập trung thể hiện tư tưởng nhân văn cao cả, sâu sắc thông qua cuộc đời chìm nổi, truân chuyên của người con gái tài sắc Vương Thúy Kiều. Một trong những trích đoạn thể hiện rõ nhất ngòi bút nhân đạo của Nguyễn Du đó là “Trao duyên“. Bàn về đoạn trích, có ý kiến cho rằng : “Trao duyên đã thể hiện bi kịch tình yêu, số phận con người và vẻ đẹp nhân cách cao cả của nàng Kiều”.
Truyện Kiều tên gọi Đoạn trường tân thanh, nghĩa là Tiếng kêu mới đứt ruột. Rõ ràng, tiếng kêu thương cho số phận con người, đặc biệt là số phận của người phụ nữ đã có nhiều rồi và tác phẩm của Nguyễn Du là một tiếng kêu mới, tiếng kêu đến đứt ruột nát gan. “Truyện Kiều” có vô vàn những tiếng kêu thương xé lòng và “Trao duyên” chính là tiếng kêu đầu tiên mở màn cho một chuỗi những bi kịch đau thương của Kiều trong suốt hành trình mười lăm năm chìm nổi.
Đọc Trao duyên, người đọc thấy nỗi đau đớn đầu tiên mà nàng Kiều phải đối mặt đó là bi kịch tình yêu tan vỡ, tình yêu vẫn tràn đầy mà phải dứt lòng trao duyên cho kẻ khác. Trước khi quyết định gửi gắm mối duyên tơ với Kim Trọng cho em gái , Kiều đã phải đau đớn giày vò rất nhiều, nàng đã phải trải qua một cuộc giằng xé âm thầm giữa một bên là mối tình đầu biết bao hứa hẹn và một bên là bổn phận làm con với ơn sinh thành:
Duyên hội ngộ, đức cù lao
Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn
Sau cùng, nàng đã quyết hi sinh chữ Tình vì chữ Hiếu:
Để lời thệ hải minh sơn
Làm con quyết phải đền ơn sinh thành
Nỗi khổ đau tưởng đến thế là cùng. Nhưng không, Nguyễn Du còn nhận ra nỗi uẩn khúc sâu hơn, nỗi xót xa hơn của thân phận. Nếu việc lựa chọn giữa Tình và Hiếu, là sự đấu tranh của lí trí thì xem ra việc giải quyết cũng dễ hơn nhiều. Nói như vậy bởi lẽ con người đạo đức truyền thống trong Thúy Kiều vốn hết sức coi trọng bổn phận thì nàng chẳng nề hà gì mà không chấp nhận hi sinh. Thế nhưng, trong giờ phút này đây, nàng đang trong một sự giằng xé khác, đó là sự giằng xé giữa chữ Tình và chữ Duyên và đây mới là phần xung đột không dễ gì hóa giải. Cho dù bi kịch gia đình có được dẹp yên thì vết thương tâm vẫn không ngừng rỉ máu, đoạn trường này mới vĩnh viễn đau thương. Bi kịch trong lòng nàng chính là duyên đã trao đi mà tình lại càng thêm nặng và có lẽ chính lúc mất đi Kim Trọng nàng lại thấy yêu, thấy gắn bó với chàng Kim nhiều hơn. Vì thế mà mỗi lời nàng nói, mỗi việc nàng làm trong cái lúc trao duyên này như đứt từng khúc ruột. Cảnh trao duyên chính là sự giằng xé tinh vi của tấn bi kịch đau thương ấy.
Câu chuyện nàng định nói ra với em thật khó bởi lẽ người ta trao nhau tấm quà, tấm bánh chứ có thấy ai trao duyên bao giờ. Nàng phải lựa lời để em lắng nghe mình nói, để em đồng ý giúp mình:
Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
Nàng hiểu cái sự hệ trọng của câu chuyện mà mình nhờ vả, hiểu cả cái tình thế khó xử của em bởi chuyện hôn ước là chuyện quan trọng cả đời người cơ mà. Bởi thế nàng phải lựa lời thật khéo. Phải là “cậy” chứ không phải là “nhờ” bởi trong chữ cậy ngoài ý nhờ vả còn thể hiện cả sự trông mong tha thiết được tựa nương; phải là “chịu” chứ không phải là “nhận” bởi điều nàng sắp nói đây là ý ép buộc Vân phải nhận lời, không thể thoái thác bởi không còn cách giải quyết nào khác. Cái hành động của nàng mới thật kì lạ làm sao. Nàng bảo em ngồi lên cho mình lạy rồi mới thưa chuyện. Hành động ấy tưởng chừng như phi lí bởi nàng là chị, sao lại lạy – thưa với em, một điều cấm kị trong quan điểm đạo đức Nho giáo. Thế nhưng sự phi lí lại chuyển thành hợp lí bởi giữa nàng và em gái giờ đây là kẻ chịu ơn và người ban ơn. Nàng hiểu sự thiệt thòi của em, tin rằng em sẽ giúp mình và nàng cảm kích cái ơn đức đó. Trong cái cử chỉ có phần tội nghiệp của nàng, ta thấy tất cả sự cao khiết của một tâm hồn, một nhân cách cao cả.
Rồi nàng kể, nàng giãi bày thật nhanh, thật rõ ràng ngọn ngành để cho Vân hiểu vì sao nàng phải lựa chọn cách này. Nàng ra sức thuyết phục em hãy giúp mình vì tình máu mủ thâm sâu và thậm chí nàng còn viện dẫn cả cái chết để em xem đó là lời ủy thác thiêng liêng mà không thể chối từ:
Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.
Thế nhưng, đâu phải nàng viện dẫn cái chết ra như một lời đe dọa, ép buộc em phải nhận lời. Thực tế, đối với Kiều lúc này, nàng coi như mình đã chết, cuộc đời còn nghĩa lí gì đâu, mọi thứ đã vô nghĩa hết cả rồi. Càng tha thiết yêu đời nàng lại càng không muốn sống.
Thuyết phục em rồi, nàng phải làm một công việc hết sức quan trọng mà cũng tột cùng đau đớn, nỗi mất mát mới thực sự choán ngợp tâm hồn nàng: trao kỉ vật cho em. Còn giữ kỉ vật thì ít nhiều người ta vẫn có cái ảo giác người yêu hãy còn là của mình, chỉ đến khi tự tay trao đi kỉ vật người ta mới rơi vào hụt hẫng. Bắt đầu từ giây phút này đây, cùng với kỉ vật này, chàng Kim sẽ vĩnh viễn thuộc về người khác:
Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ vật này của chung.
Hai chữ “của chung” hiện lên thật đau xót. Kỉ vật tình yêu vốn chỉ thiêng liêng khi nó là kỉ vật thầm kín, nhân chứng tình yêu của riêng hai người mà thôi. Giờ đây nó đã là của chung của ba người, người ta có thể dễ dàng sẽ chia vật chất, có ai chia sẻ tình yêu được bao giờ. Còn giữ kỉ vật tức là là nàng còn mong muốn được sống trong tình yêu của Kim Trọng, hiện diện trong tình yêu của Kim Trọng. Ở đây có sự mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm. Lí trí mong muốn trao duyên cho em, mong em được hạnh phúc nhưng tình cảm vẫn như cố trì hoãn, níu giữ.
Nàng nghĩ về ngày mai, nàng dặn dò em những chuyện mai sau, nàng cầu mong em và chàng Kim dù vui duyên tình ái cũng đừng quên nàng, mong chàng Kim hãy nhớ về nàng mà “Rưới xin chén nước cho người thác oan“. Cái mong ước của nàng có phần ích kỉ nhưng đó là cái ích kỉ đáng thương của một trái tim yêu thiết tha, rạo rực.
Duyên đã trao, kỉ vật đã trao, khát khao sống trong tình yêu bằng linh hồn bất tử cũng không thành bởi sự trở về có nghĩa lí gì đâu khi âm dương cách biệt, cách mặt khuất lời. Nàng quay về với thực tại phũ phàng nghiệt ngã mà đau đớn, xót xa. Nàng rơi vào mặc cảm tội lỗi, nàng cho mình là kẻ bội tình mà mong muốn được thứ tha. Lời trao duyên kết thúc bằng một lời than, bằng tiếng kêu đớn đau, tuyệt vọng:
Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.
Bi kịch tình yêu tan vỡ có lẽ là điều người đọc dễ nhận thấy nhất trong trích đoạn Trao duyên. Thế nhưng, đâu chỉ có vậy, đoạn trích còn thể hiện rất rõ số phận bất hạnh của con người đặc biệt là người phụ nữ. Kiều là hiện thân cho những con người tài hoa bạc mệnh, cho thuyết “tài mệnh tương đố” của Nguyễn Du. Một người con gái tài sắc, hiếu hạnh như nàng đáng lẽ phải được hưởng hạnh phúc tình yêu, được sung sướng hạnh phúc nhưng không nàng phải chịu nỗi bất hạnh tột cùng của số phận. Nhân phẩm bị chà đạp, nhan sắc bị mang ra làm một món hàng mua bán, tình yêu, hạnh phúc vĩnh viễn chìm vào đáy vực bi thương. Những nỗi đau đớn, xót xa của nàng cho ta thấy cái giá của sự hi sinh. Sự hi sinh của nàng là quá lớn. Vì chữ Hiếu nàng phải hi sinh chữ Tình, rồi nàng cũng phải hi sinh chữ Tình vì chữ Nghĩa. Một người con gái trọn nghĩa, vẹn tình, trọn hiếu, vẹn trung lại là người con gái phải gánh chịu nhiều mất mát, bất hạnh. Từ bi kịch ấy, tiếng nói tố cáo xã hội phong kiến bóp nghẹt quyền sống và quyền hạnh phúc của con người lại cất lên gay gắt, mạnh mẽ.
Đọc đoạn trích, người đọc không chỉ cảm thương cho bi kịch tình yêu của nàng, cho thân phận bất hạnh của người phụ nữ mà còn cảm phục trước nhân cách cao thượng của nàng. Nàng thương người rồi mới thương mình, luôn luôn nghĩ cho người khác trước khi nghĩ về bản thân. Tai họa bất ngờ ập xuống gia đình, không trừ một thành viên nào nhưng nàng lại đứng ra cáng đáng tất cả. Không còn cách nào khác, nàng phải bán mình chuộc cha và nhờ em trả nghĩa cho Kim Trọng. Nàng đã lựa chọn hi sinh hạnh phúc riêng của bản thân để đáp đền chữ hiếu cho cha mẹ. Trong tâm trạng dày vò ngổn ngang bao mối, nàng vẫn cố gắng lựa lời thuyết phục em, nàng hiểu được những khó xử của em, những thiệt thòi mà em phải gánh chịu, nàng coi đó là ơn nghĩa, coi em là ân nhân. Vì cơn tai biến của gia đình, nàng phải lỗi hẹn thề với Kim Trọng. Đó là nguyên nhân khách quan, thế nhưng nàng luôn xem mình là người có lỗi, là kẻ phụ tình. Nàng thương cho chàng Kim, trách tại mình khiến cho tình yêu của chàng lỡ dở. Trong hoàn cảnh bản thân vô cùng bất hạnh nhưng nàng không hề toan tính cho mình, chỉ lo nghĩ cho người khác. Đoạn trích Trao duyên đã cho ta thấy tấm lòng bao dung độ lượng, tình yêu thương cao cả Thúy Kiều dành cho mọi người, một lần nữa khẳng định nhân cách đẹp đẽ của Thúy Kiều.
Khép lại đoạn thơ, người đọc như cũng bàng hoàng, xót xa cho bi kịch của nàng Kiều, cho số phận bất hạnh của người phụ nữ tài sắc trong xã hội cũ. Đoạn thơ cũng làm ngời sáng thêm vẻ đẹp nhân cách của nàng Kiều : một người con hiếu thảo, một người tình thủy chung, một con người có tấm lòng bao dung, nhân hậu. Đoạn trích Trao duyên đã thể hiện đậm nét tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du: cảm thông cho những đau khổ của thân phận con người, trân trọng vẻ đẹp nhân cách cao thượng, tố cáo xã hội bất công, ngang trái.
Chủ đề:Em hiểu được gì về vẻ đẹp tâm hồn của Thúy Kiều, Qua đoạn thơ em hiểu được gì về vẻ đẹp tâm hồn của Thúy Kiều, tâm hồn của thúy kiều qua chị em thúy kiều, Vẻ đẹp tâm hồn của Thúy Kiều, Vẻ đẹp tâm hồn của Thúy Kiều qua đoạn trích Chị em Thúy Kiều, Vẻ đẹp tâm hồn của Thúy Kiều qua đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Vẻ đẹp tâm hồn của Thúy Vân, Viết đoạn văn ngắn 5 đến 7 dòng bày tỏ suy nghĩ của em về vẻ đẹp tâm hồn của Thúy Kiều qua văn bản