[Tài liệu văn 9] Phân tích diễn biến tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng theo giặc.
Đề bài : Cảm nhận của em về tâm trạng của nhân vật ông Hai trong đoạn trích sau:
Cổ ông lão nghẹn ắng hằn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được. Một lúc lâu ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở có, ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi:
– Liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ lại …
[…] Ông lão vờ vờ đứng lảng ra chỗ khác, rồi đi thẳng […]
Ông Hai củi gằm mặt xuống mà đi. Ông thoáng nghĩ đến vụ chủ nhà.
Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường, mấy đứa trẻ thấy bố hôm nay có vẻ khác, len lét đưa nhau ra đầu nhà chơi sặm chơi sụi với nhau.
Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu… Ông lão năm chặt hai tay lại mà rít lên:
– Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này.
(Làng – Kim Lân)
Gợi ý:
I/ Mở bài : Giới thiệu vấn đề nghị luận
Kim Lân là một trong những cây bút văn xuôi tiêu biểu của nền văn học Việt Nam sau cách mạng. Ông được mệnh danh là con đẻ của đồng ruộng, một lòng đi về với đất, với người, gắn bó máu thịt với những người nông dân nghèo, những kiếp người chịu nhiều bần cùng, khốn khổ. Ông cũng là một nhà văn có trái tim yêu nước son sắt, một tấm lòng thiết tha với dân tộc. Bởi vậy mà những sáng tác của ông thường viết về những người nông dân có lòng yêu nước, yêu cách mạng sâu sắc. Nói đến các sáng tác của Kim Lân, ta không thể không kể đến truyện ngắn “Làng”. Tác phẩm đã khắc hoạ sinh động chân dung nhân vật ông Hai – một người nông dân chân chính với tình yêu làng, yêu quê hương tha thiết và sự gắn bó máu thịt với cách mạng. Điều đó được thể hiện một cách rõ nét nhất qua đoạn trích kể lại diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai khi ông vừa nghe được tin làng mình theo giặc: “Cổ ông lão nghẹn ắng hằn lại, da mặt tê rân rân… đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này.”
II .Thân bài:
1.Khái quát về tác phẩm
Ra đời vào năm 1948, thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, truyện ngắn “Làng” thành công không chỉ bởi tài năng viết truyện của Kim Lân mà còn do sự am hiểu của nhà văn về người nông dân cùng thời kì lịch sử lúc bấy giờ. Nhà văn đã có lần tâm sự: “Cái không khí ngày đầu kháng chiến ở nông thôn ,tôi đã đưa vào làng. Lúc ấy Tây còn đóng ở cầu Đuống ,tôi về làng chơi mấy lần chứng kiến tận mắt thế nào là làng chiến đấu”.Truyện hấp dẫn bạn đọc ở nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật trong những tình huống đặc biệt cùng với cách viết đơn giản, ngôn ngữ mộc mạc, dân dã .
2.Khái quát nội dung đoạn trước đó.
Ở phần đầu của tác phẩm, người đọc đã được chứng kiến một ông Hai rất yêu và tự hào về làng của mình. Đi đâu ông cũng khoe về làng. Ở nơi tản cư ông nhớ làng và chỉ muốn quay về làng cùng anh em tham gia kháng chiến. Không về làng được, ông hay đến phòng thông tin để nghe tin kháng chiến, tin về làng mình. Thế nhưng đang trong tâm trạng vô cùng vui sướng khi nghe được nhiều tin vui về cách mạng thì ông bất ngờ nghe được một tin sét đánh: Tin làng chợ Dầu theo giặc
3/ Cảm nhận về tâm trạng ông Hai trong đoạn trích
a/ Tâm trạng bàng hoàng, sửng sốt đau khổ khi bất ngờ nghe được tin làng theo giặc.
Nhà văn Kim Lân đã thực sự rất tài tình khi xây dựng tình huống truyện, đặt nhân vật vào tình huống đầy thử thách để bộc lộ suy nghĩ, tình cảm của nhân vật. Nhà văn để cho ông Hai vui sướng đến tột độ khi nghe được nhiều tin kháng chiến rồi bất ngờ cho ông nghe được tin làng theo Tây. Cuộc gặp gỡ với đoàn tản cư trên đường trở về từ phòng thông tin diễn ra thật bất ngờ. Gặp được đoàn tản cư với ông là một cơ hội để ông hỏi về cái làng quê yêu dấu của mình và háo hức được nghe tin làng chiến đấu chống giặc ngoan cường. Nhưng cái điều ông chờ đợi không đến. Lời kể của người đàn bà cho con bú đã dập tắt tất cả:”cả làng chúng nó việt gian theo tây còn giết gì nữa”. Lời nói đỏng đảnh đầy chế giễu của người đàn bà cho con bú giống như một nhát dao cứa vào trái tim ông, nghe như một tiếng sét bên tai làm ông hoảng loạn và sụp đổ: ” Cổ nghẹn ắng hẳn lại,da mặt tê rân rân.Ông lão lặng đi tưởng đến không thở được“. Đó là cái cảm giác sững sờ choáng váng , co thắt từng khúc ruột của ông – một trạng thái phản ánh tâm lí hết sức tự nhiên của một người quá yêu làng. Nếu không yêu thì cái tin làng Chợ Dầu theo giặc không thể gây chấn động mạnh tựa như một cú sốc tinh thần như thế với ông Hai. Sở dĩ ông choáng váng , sững sờ vì trong thâm tâm của ông, cái làng chợ Dầu quê ông vốn rất kiên cường, ấy vậy mà giờ đây niềm tin ấy đã hoàn toàn sụp đổ. Nỗi đau khổ cực độ ấy càng chứng minh ông là người yêu làng chợ Dầu tha thiết lắm, càng yêu bao nhiêu càng đau khổ bấy nhiêu.
b/ Tuy nhiên ông vẫn chưa vội tin cái tin đó là sự thật
Tuy nhiên ông vẫn nghi nghi hoặc hoặc : “Liệu có thật không hở bá?“.Câu hỏi thể hiện sự bán tín, bán nghi. Ông mong mỏi tin ấy không đúng, chỉ là một sự nhầm lẫn… Ông làm sao có thể tin được rằng làng chợ Dầu theo Tây, người dân làng ông là Việt gian. Niềm yêu thương mãnh liệt, sâu nặng của ông làm sao chó thể chấp nhận được điều ấy. « Hay là chỉ lại….” , lời ông nói được kết thúc bằng dấu chấm lửng. Ông không nói hết câu, có thể bởi những tin tức mà người phụ nữ tản cư nói rất chính xác, cụ thể. Nhưng cũng có thể dấu chấm lửng ấy còn cho ta thấy nỗi lo sợ đến tột cùng của ông Hai. Phải chăng ông Hai ngừng lời vì sau câu hỏi của ông là sự xác nhận làm ông đau xót, tin tức ấy sẽ được xác nhận một lần nữa, ông không muốn nghe, không muốn thấy…
c/ Cái tin làng theo Tây khiến ông xấu hổ đành đánh trống lảng ra về.
Lời kể của những người tản cư rành rọt quá khiến ông Hai không thể không tin, sự xấu hổ, nhục nhã khiến ông Hai phải đánh trống lảng ra về. Dường như cái tin dữ ấy trở thành một nỗi ám ảnh cứ bám diết lấy ông, nó làm cho bước chân ông khi trở về trở nên rất nặng nề. Nếu khi đến phòng thông tin tuyên truyền, ông đi nghênh ngang giữa đường vắng thì bây giờ: ” Cúi gằm mặt xuống mà đi”. Ông không dám ngẩng mặt lên vì xấu hổ, xấu hổi với mọi người và xấu hổ với chính mình bởi ông đã trót khoe về làng mình nhiều quá. Không chỉ khoe làng đẹp mà còn khoe những ngày khởi nghĩa dồn dập ở làng , khoe các cụ già râu tóc bạc phơ cũng vác gậy đi tập một hai. Bây giờ thì mọi người đều biết làng ông theo Tây,
ông sẽ giải thích thế nào.
d/ Ông trở về nhà mang theo tâm trạng vừa xấu hổ vừa nhục nhã.
Về đến nhà, sự mệt nhọc như đã chiếm hết tâm trí ông, và thứ ông suy nghĩ duy nhất đó là đứa con của mình. ông Hai nằm vật ra giường, nhìn lũ con tủi thân “nước mắt ông lão cứ giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu.” Cái nỗi đau đớn, căm giận đến tột cùng của ông đã nhấn chìm ông xuống chiếc giường. Ông khóc vì ông thương lũ nhỏ , chúng mới có mấy tuổi đầu đã mang tiếng là con người Việt gian bán nước. Ông lo cho tương lai của những đứa nhỏ không biết đi đâu, về đâu. Càng thương con bao nhiêu thì nỗi căm tức của ông lại càng lớn bấy nhiêu. Ông căm thù bọn theo Tây phản bội làng, ông nắm chặt hai bàn tay mà rít lên: “Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”. Ông cảm thấy như chính ông mang nỗi nhục của một tên bán nước theo giặc, cả các con ông cũng sẽ mang nỗi nhục ấy. Niềm tin, nỗi nhớ cứ giằng xé trong ông. Tủi thân ông Hai thương con, thương dân làng chợ Dầu,thương thân mình mang tiếng là người làng Việt gian.
3.Đánh giá
– Nhà văn Kim Lân đã tạo dựng một tình huống thử thách tâm lí nhân vật rất đặc sắc, qua đó, tính cách, phẩm chất của nhân vật nổi lên thật rõ ràng. Lối kể chuyện giản dị tự nhiên, gần gũi, ngòi bút phân tích tâm lí sắc sảo, sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ đối thoại và độc thoại nội tâm cũng góp phần tạo nên một hình tượng chân thực và đẹp đẽ về người nông dân Việt Nam.
– Đoạn trích đã cho ta thấy sự phát triển trong nhận thức của người nông dân Việt Nam: tình yêu làng là cơ sở của tình yêu nước, yêu cách mạng song tình yêu nước vẫn bao trùm lên tất cả và là định hướng hành động cho họ.
III/ Kết bài:
Văn hào I-li-a, Ê-ren-bua từng nói: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu đồng quê trở nên lòng yêu tổ quốc”. Ông Hai đúng là một con người như thế. Niềm vui, nỗi buồn của ông đều gắn bó với làng. Lòng yêu làng chính là cội nguồn của lòng yêu nước, là cơ sở cho những tình cảm lớn lao, cao đẹp. Qua nhân vật ông Hai trong tác phẩm nói chung và trong đoạn truyện ông Hai nghe tin làng theo giặc nói riêng, tác giả muốn biểu đạt một cách thấm thía, xúc động tình yêu làng, yêu nước sâu sắc của người nông dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm đã đem đến cho người đọc những bài học vô cùng sâu sắc. Đó là bài học về tình yêu quê hương, về đức hi sinh, về lòng yêu nước. Và có lẽ chính vì thế mà sau bao thăng trầm của lịch sử, sau bao lớp bụi mờ của thời gian, truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân vẫn luôn sáng mãi.
Chủ đề:Dàn ý diễn biến tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng theo giặc, Diễn biến tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng được cải chính, Diễn biến tâm trạng của ông Hai trước khi nghe tin làng theo giặc, Nếu diễn biến tâm trạng của ông Hai khi nghe làng Chợ Dầu theo giặc, Tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng theo giặc được, Việt đoạn văn làm rõ tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu Việt gian theo giặc, Việt đoạn văn nói về tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc, Việt đoạn văn tâm trạng của ông Hai trước khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc