[Tài liệu văn 9] Viết đoạn văn cảm nhận về tình thương con ở ông Sáu
Đề bài : Hãy viết một đoạn nghị luận khoảng 12 câu theo phép lập luận quy nạp làm rõ tình cảm sâu nặng của người cha đối với con trong tác phẩm trên, trong đoạn văn có sử dụng câu bị động và phép thế (Gạch dưới câu bị động và phép thế).
- Hình thức: đoạn văn quy nạp
- Vấn đề nghị luận : tình cảm của ông Sáu dành cho con
- Phạm vi nghị luận : toàn bộ đoạn trích
- Yêu cầu TV: câu bị động, phép thế
Đoạn văn:
(1)Hình ảnh của một người cha, người chiến sĩ cách mạng xúc động dang hai tay chờ đón đứa con gái bé bỏng, duy nhất của mình vào lòng sau tám năm xa cách chắc chắn sẽ còn gây xúc động mãi với người đọc. (2) Mong mỏi ngày trở về, nóng lòng được nhìn thấy con, được nghe con gọi tiếng “ba” thân thương nhưng ông Sáu đã thực sự rơi vào hụt hẫng khi bé Thu không nhận ra ông là cha mà còn hoảng sợ, bỏ chạy, ông đau đớn đến tột cùng “mặt sầm lại, hai tay buông thõng xuống như bị gẫy”. (3) Ông không thể ngờ rằng chính chiến tranh vừa là nguyên nhân trực tiếp, vừa là nguyên nhân gián tiếp gây nên nỗi đau ấy – bé Thu không nhận ra ông là cha chỉ vì trên mặt ông có vết thẹo không giống với người đàn ông trong bức hình chụp chung với má của nó. (4) Ba ngày phép ngắn ngủi ở nhà, ông chẳng đi đâu xa, cố gắng gần gũi, vỗ về con để bù đắp cho con những ngày xa cách nhưng thật trớ trêu, bé Thu đã không nhận ra ông là cha mà con khước từ một cách quyết liệt. (5) Trước thái độ ương bướng của con, ông không nỡ giận vì nó còn quá nhỏ để hiểu ra những éo le, khắc nghiệt của đời sống cho nên ông chỉ nhìn con, khe khẽ lắc đầu cười bởi có lẽ khổ tâm quá không thể khóc được. (6) Người đọc những tưởng người cha ấy sẽ ra đi mãi mãi mà không được nghe con gọi một tiếng “ba” nhưng thật bất ngờ, đến tận giây phút cuối cùng, khi không còn thời gian để ở bên con nữa thì ông lại được nghe con gọi ba và bộc lộ những tình cảm mãnh liệt. (7) Trước sự vồ vập, cuống quýt, hối hả xen lẫn cả sự ân hận của con, ông Sáu đã xúc động đến rơi nước mắt, đó là những giọt nước mắt của niềm vui sướng và hạnh phúc đến tột độ. (8) Cái tình của người cha dành cho con càng được bộc lộ mãnh liệt hơn trong những ngày ông Sáu trở về khu căn cứ. (9) Nỗi ân hận vì đã trót đánh con luôn dằn vặt tâm trí ông, ông dồn hết cả tình yêu thương con vào việc làm chiếc lược để thực hiện lời hứa với con. (10) Chiếc lược bằng ngà voi mà ông Sáu đã cố công, tỉ mỉ làm đã trở thành một kiệt tác – kiệt tác của tình yêu thương, là nơi ông Sáu kí thác tất cả tình yêu, lòng mong nhớ của mình dành cho đứa con gái bé bỏng. (11) Trước lúc hi sinh, không thể trăng trối được điều gì, chỉ có tình cha con là không thể chết, ông Sáu đã dồn hết tàn lực, đưa tay vào túi áo, móc ra cây lược và nhìn người đồng đội, chỉ đến khi bác Ba hiểu ý, gật đầu và hứa sẽ trao tận tay cây lược cho con gái thì ông Sáu mới yên lòng nhắm mắt đi xuôi. (12) Như vậy, có thể nói, tình cảm sâu nặng của ông Sáu dành cho con đã được tác giả Nguyễn Quang Sáng thể hiện rất chân thực và cảm động, gây xúc động lâu bền trong lòng người đọc.
Chú thích:
—–: câu bị động
====: phép thế
Chủ đề:Cảm nhận về nhân vật ông Sáu ngắn gọn, Dàn ý tình cảm ông Sáu dành cho be Thu, Tình cảm của ông Sáu dành cho con, Viết đoạn văn cảm nhận về tình cha con, Viết đoạn văn làm rõ tình cảm của ông Sáu đối với con, Viết đoạn văn làm rõ tình cảm sâu nặng của người cha đối với con trong tác phẩm Chiếc lược ngà, Viết đoạn văn ngắn cảm nhận về ông Sáu, Viết đoạn văn về tình cảm của be Thu dành cho ông Sáu