[Tài liệu văn 10] Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp cuộc sống và vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua tác phẩm “Nhàn”.
Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ lớn của dân tộc, thơ ông mang đậm chất triết lí, giáo huấn, ngợi ca chí của kẻ sĩ, thú thanh nhàn, đồng thời phê phán những điều xấu xa trong xã hội. “Nhàn” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Bỉnh Khiêm, bài thơ cho ta thấy được vẻ đẹp của cuộc sống nhàn và vẻ đẹp tâm hồn thanh cao của ông.
Bao trùm trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm từ khi về trí sĩ ở quê nhà là cảm hứng thanh nhàn, tự tại, gắn bó với thiên nhiên, không tơ tưởng bon chen phú quý. Cảm hứng ấy được thể hiện bằng những bài thơ có ngôn từ giản dị, tự nhiên mà cô đọng, giàu ý vị. Bài thơ Nôm “Nhàn” trích trong “Bạch Vân quốc ngữ thi” là một trường hợp tiêu biểu. Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú và nhan đề bài thơ là do người đời sau đặt.
Vẻ đẹp của cuộc sống nhàn trong quan niệm của NBK được thể hiện trước hết ở triết lí sống nhàn:
“Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.”
Các công cụ lao động được liệt kê: mai là công cụ để đào, cuốc để xới và cần câu để kiếm tôm cá. Nhịp thơ 2/2/3 gợi tả phong thái khoan thai của nhà Nho, nghe như nhân vật trữ tình đang nhẹ nhàng đếm bước: một… một… một…. Dù có lao động vất vả nhưng tác giả tỏ ra mãn nguyện với cuộc sống mà mình đã lựa chọn. “Thơ thẩn” là sống ung dung, không bận tâm đến sự đời đen bạc. Đó là cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm, của cụ Trạng. Nó thuần hậu và thanh khiết biết bao. Câu thơ đưa ta trở về với cuộc sống chất phác nguyên sơ của cái thời “nước giếng đào, cơm cày ruộng”. Cuộc sống tự cung tự cấp mà vẫn ung dung ngông ngạo trước thói đời. Hai câu đầu còn là cái tâm thế nhàn tản, thong dong của Tuyết Giang Phu Tử, sẵn sàng với công việc của một “lão nông tri điền” đích thực.
Ngoài ra, vẻ đẹp của cuộc sống nhàn còn thể hiện ở cuộc sông gắn liền với thiên nhiên dân dã, bình dị, thuận theo tự nhiên:
“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.”
Cuộc sống nhàn được hiện ra qua sự hòa hợp với thiên nhiên, thuận theo tự nhiên. Hai câu thơ nói về nếp ăn, nếp sinh hoạt: mùa thu ăn măng, mùa đồng ăn giá, mùa xuân tắm hồ sen, mùa hạ tắm ao. Vẫn là những ngôn từ giản dị, vẫn là những hình ảnh nghệ thuật dân dã, đời thường, vậy mà hai câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm “sang trọng” biết bao. Khác hẳn với lối sống hưởng thụ vật chất đắm mình trong bả vinh hoa, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thụ hưởng những ưu đãi của một thiên nhiên hào phóng bằng một tấm lòng hoà hợp với thiên nhiên. Tận hưởng từ lộc thiên nhiên bốn mùa Xuân – Hạ- Thu – Đông, nhà thơ cũng được hấp thụ tinh khí đất trời để gột rửa bao lo toan vướng bận riêng tư. Cuộc sống ấy mang dấu ấn lánh đời gần gũi với triết lí “vô vi” của đạo Lão. Nhưng gạt sang một bên những triết lí siêu hình, ta nhận ra con người nghệ sĩ đích thực của Nguyễn Bỉnh Khiêm, hoà hợp với tự nhiên một cách sang trọng bằng tất cả cái hồn nhiên trong sạch của lòng mình. Không những thế, những hình ảnh măng trúc, giá, hồ sen còn mang ý nghĩa biểu tượng về phẩm chất thanh cao của người quân tử, sống không hổ thẹn với lòng mình. Nhà thơ thanh cao trong cách ăn uống sinh hoạt và cả trong cái niềm thích thú khi được hòa mình vào cuộc sống thiên nhiên.
Ẩn sau lối sống nhàn của một lão nông tri điền đích thực là vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của người chí sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Vẻ đẹp ấy được thể hiện trước hết ở thái độ dứt khoát tránh xa nơi quyền quý, danh lợi:
“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao.”
“Ta” đây là Nguyễn Bỉnh Khiêm và những người cùng chí hướng như ông.“Người” đây là đám vua chúa, quan lại đương thời. “Nơi vắng vẻ” là cuộc sống giữa thiên nhiên, xa cách xã hội ồn ào, lộn xộn, do đó không phải bon chen, cầu cạnh nên tâm hồn được thoải mái. “Chốn lao xao” là chốn triều đình, chốn cửa quyền có lâu đài, bổng lộc hậu hĩ nhưng phải cạnh tranh quyết liệt. Vậy là “khôn” mà thành “dại”; “dại” mà thành “khôn”. Thể bình đối tạo nên ấn tượng về sự tương phản sâu sắc giữa “ta” và “người”. Đọc đến đây, ai cũng có cảm tưởng như cụ Trạng Trình đang mỉm một nụ cười châm biếm những người gọi là “khôn”. Nối tiếp Nguyễn Bỉnh Khiêm, về sau Lê Hữu Trác – tác giả Thượng Kinh ký sự – cũng không ra làm quan, sống ở quê nhà và tự gọi là Lãn Ông – tức ông già lười nhác, lười nhác về mặt công danh. Vậy ra, Tuyết Giang phu tử về với thiên nhiên là để thoát ra khỏi vòng danh lợi, thoát ra khỏi chốn nhiễu nhương đầy những ganh tị, bon chen. Hai câu thơ diễn ý bằng nói ngược. Vì thế nó tạo cho người đọc một liên tưởng thật hóm hỉnh, sâu cay. Câu thơ đúng là trí tuệ sắc sảo của một bậc đại quan – trí tuệ để nhận ra cái khôn và cái dại thật sự ở đời.
Vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của cụ Trạng lại càng được thể hiện đậm nét qua thái độ coi thường công danh phú quý:
“Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.”
Nhà thơ lấy điển tích Thuần Vu Phần, một viên tướng đời Đường, vì chán công danh, xin từ chức, về nhà uống rượu làm khuây. Một lần say, ngủ bên gốc cây hòe, chiêm bao được làm phò mã, có cuộc đời rất phú quý. Tỉnh dậy thì ra đang nằm cạnh tổ kiến bên gốc cây hòe! Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng giống như Thuần Vu Phần, coi phú quý chỉ là chuyện chiêm bao, chuyện hão huyền, chuyện phù du. Câu thơ cuối có cách ngắt nhịp khác hẳn các câu thơ còn lại. Thủng thẳng nói về cái thú nhàn dật rồi buông ra một câu kết như thế, nhà thơ đã thể hiện một cách dứt khoát thái độ của mình đối với chuyện công danh phú quý. Nguyễn Trãi cáo quan về ở ẩn nhưng khi được vời lại sẵn sàng ra giúp vua, giúp nước bởi tấm lòng luôn “cuồn cuộn nước triều dâng” khiến ông không thể yên tâm hưởng thanh nhàn nơi thông reo bốn mùa. Để rồi ông đã không thoát được cái án oan khiên thảm khốc. Còn Nguyễn Bỉnh Khiêm, với một thế thời khác đã kiên định lối sống ở ẩn. Trong một chừng mực nào đó, cách lựa chọn của Trạng Trình chưa hẳn đã là đúng. Song vì thế thời, để giữ gìn phẩm giá thanh sạch của mình, việc lựa chọn cách sống ấy cũng là một điều đáng để chúng ta trân trọng họ – những nhà nho chân chính.
“Nhàn” có nội dung sâu sắc, tiêu biểu cho phong cách thơ triết lí của Nguyễn Bỉnh Khiêm.Từ ngữ giản dị, mộc mạc, tự nhiên mà ý vị, giàu chất triết lí, phần lớn là thuần Việt , hình ảnh cô đọng, đối ngẫu chặt chẽ, điển cố hợp lí,… đánh dấu một bước tiến của thơ Nôm Đường luật ở nước ta trong thế kỉ XVI. Bài thơ như một lời tâm sự thâm trầm, sâu sắc, khẳng định quan niệm sống nhàn là hào hợp với tự nhiên, giữ cốt cách thanh cao, vượt lên trên danh lợi. Xã hội phong kiến Việt Nam vào thế kỷ XVI đang chìm trong khủng hoảng trầm trọng đã khiến nhà thơ chán ghét, tìm cách xa lánh nó, sống trong cảnh nhàn để giữ cho tâm hồn thanh cao. “Nhàn” mà trong sạch, cao quý, vì đó là một nét đẹp của tâm hồn kẻ sĩ .
Chủ đề:Cảm nhận về bài thơ Nhàn ngắn gọn, Cảm nhận về vẻ đẹp chân dung của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn, Dàn ý cảm Nhàn của anh chị về quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài thơ Nhàn, Quan điểm sống nhàn của nhân vật trữ tình trong bài thơ gợi cho anh chị suy nghĩ gì, Quan niệm sống nhàn qua bài thơ Nhàn, Vẻ đẹp cuộc sống trong bài Nhàn, Vẻ đẹp lối sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn