[Tài liệu văn 9] Cảm nhận về tình cha con của ông Sáu
Đề bài: Viết bài văn nghị luận trình bày cảm nhận của em về đoạn văn sau:
“Tôi hãy còn nhớ buổi chiều hôm đó – buổi chiều sau một ngày mưa rừng, giọt mưa còn đọng trên lá, rừng sáng lấp lánh. Đang ngồi làm việc dưới tấm ny lôn nóc, tôi bỗng nghe tiếng kêu. Từ con đường mòn chạy lẫn trong rừng sâu, anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà. Sau đó anh lấy vỏ đạn hai mươi ly của Mỹ, đập mỏng làm thành một cây cưa nhỏ, cưa khúc ngà thành từng miếng nhỏ. Những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỷ mỉ và cố công như người thợ bạc. Chẳng hiểu sao tôi thích ngồi nhìn anh làm và cảm thấy vui vui khi thấy bụi ngà rơi mỗi lúc một nhiều. Một ngày, anh cưa được một vài răng. Không bao lâu sau, cây lược được hoàn thành. Cây lược dài độ hơn một tấc, bề ngang độ ba phân rưỡi, cây lược cho con gái, cây lược dùng để chải mái tóc dài, cây lược chỉ có một hàng răng thưa. Trên sóng lưng lược có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu, con của ba”. Cây lược ngà ấychưa chải được mái tóc của con, nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của anh. Những đêm nhớ con, anh ít nhớ đến nỗi hối hận đánh con, nhớ con, anh lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt. Có cây lược, anh càng mong gặp lại con. Nhưng rồi một chuyện không may xảy ra. Một ngày cuối năm năm mươi tám, năm đó ta chưa võ trang – trong một trận càn lớn của quân Mỹ – ngụy, anh Sáu bị hy sinh. Anh bị viên đạn của máy bay Mỹ bắn vào ngực.
Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu. Tôi không đủ lời lẽ để tả cái nhìn ấy, chỉ biết rằng, cho đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi cứ nhớ lại đôi mắt của anh.
– Tôi sẽ mang về trao tận tay cháu.
Tôi cúi xuống gần anh và khẽ nói. Đến lúc ấy, anh mới nhắm mắt đi xuôi.”
(Trích Chiếc lược ngà– Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục)
Dàn bài:
I/ Mở bài:
– Nguyễn Quang Sáng là nhà văn của những số phận người dân Nam Bộ. Tác phẩm Chiếc lược ngà được Nguyễn Quang Sáng viết năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang rất ác liệt. Tác phẩm là một câu chuyện cảm động về tình cha con trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh.
– Đoạn trên nằm ở phần sau của của truỵện, kể về những ngày trở lại chiến trường của ông Sáu và cái chết đầy bất ngờ, xúc động của ông; qua đó, cho ta cảm nhận rõ nét về tình yêu vô bờ bến ông dành cho con.
II/ Thân bài:
1/ Cảnh ngộ của cha con ông Sáu
– Bé Thu- đứa con gái duy nhất của ông Sáu được sinh ra và lớn lên khi ông biền biệt xa nhà đi chiến đấu. Sau tám năm, ông được trở về thăm nhà với biết bao mong chờ, hạnh phúc vì được gặp con. Nhưng trớ trêu thay, suốt ba ngày, con bé kiên quyết không nhận ông là cha bởi vết thẹo trên mặt khiến ông khác hẳn người đàn ông trong bức hình chụp chung với má nó.Chỉ đến khi được ngoại tháo gỡ, khi ông phải từ biệt mọi người để trở lại chiến trường nó mới chịu gọi ông là “ba”. Cha con ông nhận nhau, từ biệt nhau trong nước mắt. Ông đã hứa sẽ làm tặng Thu một chiếc lược ngà.
2/ Đoạn trích là câu chuyện về tình phụ tử thiêng liêng.
– Niềm hạnh phúc của người cha khi làm chiếc lược tặng con
+ Ông Sáu không giấu nổi niềm hạnh phúc khi tìm được khúc ngà, liền “ hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà.”
+ Ông tỉ mỉ làm chiếc lược bằng tất cả say mê và yêu thương: “ lấy vỏ đạn hai mươi li của Mĩ, đập mỏng làm thành một cây cưa nhỏ, cưa khúc ngà thành từng miếng nhỏ. Những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc.”
+ Ông khắc lên đó tình yêu và nỗi nhớ con không nguôi: “ Yêu nhớ tặng Thu, con của ba”.
+ “ Những đêm nhớ con, anh ít nhớ đến nỗi hối hận đánh con, nhớ con, anh lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt. Có cây lược, anh càng mong gặp lại con.”
– Sự hi sinh của ông Sáu.
+ Ông mất khi chưa kịp trao chiếc lược cho con, khi mới chỉ được gặp con duy nhất một lần trong đời.
+ Giờ phút cuối, ông khong dành cho mình mà cho con- ông gửi lại đồng đội chiéc lược với thỉnh cầu bằng đôi mắt tha thiết, nhờ trao tận tay chiếc lược cho con.
=> Viên đạn của kẻ thù khiến ong phải từ giã cõi đời nhưng tình yêu thương con vẫn còn mãi mãi.
– Ý nghĩa của hình tượng chiếc lược ngà:
+ Đó là tất cả tình yêu thương, nỗi nhớ và cả sự ân hận vì đã lỡ đánh con của ông Sáu.
+ Là kỉ vât thiêng liêng, là chiếc cầu nối giữa cha con ông Sáu.
+ Là biểu tượng cho tình cha con bất diệt, không gì ngắn cản được.
3/Nghệ thuật kể chyện đặc sắc
– Xây dựng tình huống truyện éo le, đau xót và đầy bất ngờ.
– Lựa chọn ngôi kể thứ nhất- lời kể tỉ mỉ của một người chứng kiến toàn bộ câu chuyện cùng giọng văn trầm lắng, đậm chất suy tư làm tăng sự khách quan, chân thực của truyện và tạo sự ám ảnh trong tâm trí người đọc.
– Xây dựng hình ảnh có tính biểu tượng cao.
III/ Kết bài
– Đoạn trích nói riêng và tác phẩm “ Chiếc lược ngà” nói chung đã kể cho chúng ta câu chuyện vô cùng cảm động về tình phụ tử thiêng liêng trong thời chiến. Qua đó, ta nhận ra một thông điệp thật ý nghĩa: Chiến tranh là kẻ thù của tình yêu và hạnh phúc!
Chủ đề:Cảm nhận về tình cảm của ông Sáu dành cho con, Dàn ý tình cảm của ông Sáu khi ở chiến khu, Dàn ý tình cha con trong Chiếc lược ngà, Suy nghĩ về tình cha con, Tình cảm của ông Sáu khi ở chiến khu, Tình phụ tử của cha con ông Sáu qua giây phút chia tay, Viết đoạn văn làm rõ tình cảm của ông Sáu đối với con, Viết đoạn văn về tình cảm cha con trong chiến tranh