[Học văn 7] Những câu hát châm biếm
I. Tìm hiểu chung
- Ca dao – dân ca là gì?
2. Những câu hát châm biếm
a. Nội dung: Phơi bày các sự việc mâu thuẫn, ngược đời, trái tự nhiên; phê phán những thói hư tật xấu, những hiện tượng đáng cười, những con người đáng cười, đáng chê trách trong cuộc sống.
b. Nghệ thuật: thường sử dụng biện pháp nói ngược, phóng đại, ẩn dụ, tượng trưng
II. Phân tích
- Bài ca dao số 1
Cái cò lặn lội bờ ao
Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng?
Chú tôi hay tửu, hay tăm
Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa
Ngày thì ước những ngày mưa
Đêm thì ước những đêm thừa trống canh
Bài ca dao đã phê phán hạng người lười biếng trong xã hội
– Hai câu đầu vừa để bắt vần, vừa để chuẩn bị cho sự giới thiệu nhân vật. Đây là một hiện tượng rất phổ biến trong ca dao.
– Bốn câu sau là bức chân dung của nhân vật “chú tôi” – một kẻ lười biếng, lắm thói hư, nhiều tật xấu:
+ Nghiện rượu (hay tửu, hay tăm)
+ Nghiện chè (hay nước chè đặc)
+ Hay ngủ nhiều, dậy muộn (hay nằm ngủ trưa)
+ Ngày thì ước những ngày mưa ( không phải ra đồng làm việc)
+ Đêm thì ước những đêm thừa trống canh ( để được ngủ nhiều)
– Làm nên cái hay, cái hấp dẫn của bài ca dao chính là các biện pháp nghệ thuật đặc sắc:
+ Phép điệp (từ “hay” lặp lại 4 lần, các từ “ngày”, “đêm”, “ước” lặp lại 2 lần) có tác dụng gợi cảm giác kéo dài, quẩn quanh, bức bối, khó chịu.
+ Lối nói ngược, chơi chữ (hay tửu, hay tăm, hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa), bề ngoài có vẻ như khen ông chú tài giỏi nhưng thực chất là giễu cợt , mỉa mai, chê trách.
– Bài ca dao với giọng điệu rất nhẹ nhàng, hóm hỉnh nhưng ý nghĩa phê phán lại rất sâu cay, chế giễu những người nghiện ngập, lười biếng.
2.Bài số 2
Số cô chẳng giàu thì nghèo
Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà
Số cô có mẹ có cha
Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông
Số cô có vợ, có chồng
Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai
– Bài ca dao là lời châm biếm những kẻ hành nghề bói toán dốt nát, lừa bịp , lợi dụng lòng tin của người khác để kiếm tiền đồng thời cũng phê phán sự mù quáng của những người ít hiểu biết, tin vào bói toán.
– Trong lời phán đoán của thầy có sự vô lí bởi người ta đi xem bói là để xem những điều chưa biết, những “bí ẩn” trong tương lai nhưng những lời thầy phán đều vô nghĩa, hiển nhiên, ai cũng biết:
– Đoán về tài lộc của cô gái, thầy phán : Số cô chẳng giàu thì nghèo/ Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà . Lời của thầy không mang đến một thông tin gì mới mẻ mà chỉ gây cười vì đó là điều hiển nhiên.
– Đoán về gia cảnh, về nhân duyên của cô gái thì thầy lại nói những điều hiển nhiên, ai cũng biết, nói nước đôi không thế này thì thế khác: có mẹ, có cha, mẹ là đàn bà, cha là đàn ông, cô sẽ lấy chồng, sinh con đầu lòng nếu không phải là trai thì là gái.
– Rõ ràng, ông thầy bói chỉ ba hoa, múa mép, nói những điều mà ai cũng biết. Tục ngữ dân gian có câu “thầy bói nói mò” quả không sai. Ông thầy bói này không chỉ nói mò mà còn nói lăng nhăng, vô nghĩa, thật nực cười.
3.Bài số 3.
Con cò chết rũ trên cây
Cò con mở lịch xem ngày làm ma
Cà cuống uống rượu la đà
Chim ri ríu rít bò ra lấy phần
Chào mào thì đánh trống quân
Chim chích cởi trần vác mõ đi rao
– Bài ca dao mượn chuyện loài vật để phê phán những kẻ lợi dụng hủ tục lạc hậu để hưởng lợi.
– Bài ca dao diễn tả cảnh đám ma con cò – một sự kiện buồn đau nhưng ở đây người ta lại thấy sự vui nhộn, tưng bừng:
+ Cò con bình tĩnh mở lịch xem ngày giờ tốt để tổ chức đám ma, không hề có sự lo lắng tất bật cho đám ma của người thân.
+ Cà cuống uống rượu say ngất ngưởng như là ở chốn vui chơi
+ Chim ri thì tranh nhau miếng ăn với vẻ vui nhộn, không chút buồn thảm
+ Chào mào thì đệm nhạc cho bài hát thêm vui, không còn sự ai oán, não nùng vốn có của đám ma nữa.
+ Chim chích thì điệu bộ thê thảm, loan báo ầm ĩ, không phải là cách đưa tin buồn.
– Đây không phải là cảnh đám ma buồn thảm mà giống như cảnh hội hè đình đám.
– Đưa tiễn người quá cố là một việc trang nghiêm nhưng hình ảnh đám ma cò trong bài ca dao thì không còn sự trang nghiêm nữa. Ở đây diễn ra sự ngược đời, trái khoáy, việc buồn lại biến thành việc hưởng lợi, mua vui.
– Mỗi nhân vật trong bài ca dao đều tượng trưng cho một hạng người trong xã hội:
+ Con cò, cò con là tượng trưng cho gia đình người nông dân xấu số, thiệt phận
+ Cà cuống là tượng trưng cho những kẻ tai to mặt lớn trong XH
+ Chim ri, chào mào là những cai lệ, lính lệ
+ Chim chích đóng vai mõ làng
– Dùng thế giới loài vật để nói về thế giới con người. Từng con vật với những đặc điểm của nó là tiêu biểu cho các loại người, hạng người trong XH mà nó ám chỉ. Qua những hình ảnh này, nội dung châm biếm, phê phán trở nên sâu sắc và kín đáo hơn.