[Ngữ văn 6 – KNTT] Phân tích bài thơ “Bắt nạt”
Trong những năm gần đây, Nguyễn Thế Hoàng Linh nổi lên như một hiện tượng thơ ca! Anh là một nhà thơ trẻ (sinh năm 1982), sáng tác thơ từ năm 12 tuổi, và gia tài thơ của anh có tới hàng ngàn bài thơ. Thơ anh viết cho trẻ em rất hồn nhiên, ngộ nghĩnh, trong trẻo, vui tươi. Một trong những bài thơ gần gũi với các bạn học sinh là bài thơ “Bắt nạt” in trong tập thơ “Ra vườn nhặt nắng”, sáng tác năm 2017. Bài thơ nói về hiện tượng bắt nạt là thói quen xấu xí, đáng chê. Bằng tâm hồn thơ trong sáng, cách nhìn thân thiện, bao dung của nhà thơ, bài thơ đã giúp cho mọi người có thái độ đúng đắn trước hiện tượng bắt nạt, góp phần xây dựng môi trường học đường lành mạnh, an toàn, hạnh phúc.
“Bắt nạt” là một bài thơ sáng tác theo thể thơ 5 chữ. Bài thơ viết về hiện tượng khá dễ bắt gặp “bắt nạt” trong cuộc sống. Đây là hành động xấu, cần lên án, loại bỏ khỏi mọi nơi, nhất là trường học. Nhà thơ không “đao to búa lớn”, không gay gắt đến tiêu cực, mà ngược lại, với cái nhìn thân thiện, bao dung. Bằng giọng thơ vừa dứt khoát vừa trìu mến, Nguyễn Thế Hoàng Linh tâm tình, động viên, và tìm hướng khắc phục bằng tình yêu và sự quan tâm, chia sẻ. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là tác giả xưng “tớ”.
Mở đầu bài thơ, thi sĩ viết:
Bắt nạt là xấu lắm
Đừng bắt nạt, bạn ơi
Bất cứ ai trên đời
Đều không cần bắt nạt
Với cách nêu vấn đề trực tiếp, nhà thơ khẳng định bắt nạt là “xấu lắm”. Cụm tính từ “xấu lắm” bộc lộ thái độ trực tiếp của tác giả. Bắt nạt là hành động rất xấu xí, không nên làm. Ngay sau đó, tác giả đưa ra lời khuyên: “Đừng bắt nạt, bạn ơi!”. Từ “đừng” kết hợp với dấu phẩy, khiến giọng thơ dứt khoát, thể hiện thái độ mạnh mẽ. Nhân vật tớ bày tỏ thái độ đối với các bạn bắt nạt rất thẳng thắn, phủ nhận một cách dứt khoát chuyện bắt nạt.
Cách gọi thân mật “bạn” đặt cạnh từ để gọi “ơi” làm cho giọng thơ vừa thân thương trìu mến vừa tha thiết, dịu dàng. Lời khuyên của tác giả nhẹ nhàng, mà thấm sâu. Hai câu cuối khổ thơ thi sĩ khẳng định một cách chắc chắn, có tính chất hiển nhiên. Đó là bất cứ ai trên đời cũng không cần bắt nạt.
Bắt nạt là xấu, là không cần thiết. Vậy đối với chúng ta, nhất là những ai đã từng bắt nạt người khác nên làm những việc gì thay vì bắt nạt?
Tại sao không học hát
Nhảy híp- hóp cho hay?
Thời gian trong một ngày
Đâu để dành bắt nạt
Sao không ăn mù tạt
Đối diện thử thách đi?
Thử kẻ yếu làm gì
Sao không trêu mù tạt?
Những bạn nào nhút nhát
Thì giống như thỏ con
Trông đáng yêu đấy chứ
Sao không yêu, lại còn…?
Đang nói về chuyện “bắt nạt” căng thẳng, tác giả lại dùng các từ “học hát”, “nhảy hip-hop” làm cho không khí bài thơ trở nên vui nhộn, và đầy hào hứng. Với trẻ thơ bạn nào chả thích thú với những điệu nhảy năng động của kiểu “hip- hop”, hay âm thanh trong trẻo của những câu hát. Tác giả đã khuyên chúng ta nên “học hát”, “nhảy híp hóp” nghĩa là nên dành thời gian học tập, trau dồi kiến thức, yêu âm nhạc để có tâm hồn, trái tim rộng mở, cuộc sống vui vẻ đúng nghĩa của tuổi thơ.
Đến khổ 3, lời thơ càng hóm hỉnh, nhà thơ hỏi “Sao không ăn mù tạt/ Đối diện thử thách đi?”. Cái món “mù tạp” thì quả là thử thách không hề nhỏ với các bạn rồi. Với cách hỏi ấy, nhà thơ khéo léo nhắc nhở các bạn hãy tôi luyện bản thân. Chuyện “ăn mù tạp” ngầm chỉ việc đối diện với khó khăn; kết hợp với câu hỏi tu từ và điệp từ “Sao không …, sao không…” nhà thơ đã nhấn mạnh ý. Đó là cách giúp chúng ta hiểu “bắt nạt” kẻ yếu là việc làm của kẻ hèn nhát. Người mạnh mẽ và dũng cảm thì phải biết “trêu mù tạp” nghĩa là biết đối diện với khó khăn, thử thách, biết vượt lên chính mình. Tuy nhiên, nhân vật tớ không dùng cách lên án kịch liệt mà ngược lại thái độ cởi mở, thân thiện.
Còn với các bạn bị bắt nạt, tác giả có thái độ và tình cảm như thế nào?
Hình ảnh so sánh “Những bạn nào nhút nhát/ Thì là giống thỏ non/Trông đáng yêu đấy chứ”là hình ảnh so sánh ngộ nghĩnh, đáng yêu. Dùng hình ảnh so sánh người bị bắt nạt với “thỏ non” nhà thơ đã thể hiện thái độ gần gũi, tôn trọng và yêu mến với các em nhỏ. Câu hỏi tu từ kết hợp dấu chấm lửng “ Sao không yêu lại còn…?” làm cho giọng thơ nhẹ nhàng, chân tình của tác giả với những ai đã từng đi bắt nạt người khác. Dấu chấm lửng như để lại một khoảng lặng, để mỗi người tự vấn lương tâm, để hành động cho đúng. Câu thơ cũng bày tỏ thái độ của tác giả, là lời khẳng định cần phải biết yêu thương, giúp đơc những người yếu đuối, nhút nhát quanh mình.
Tác giả phủ định mạnh mẽ việc bắt nạt:
Đừng bắt nạt người lớn
Đừng bắt nạt trẻ con
Đừng bắt nạt nước khác
Trên khắp trái đất tròn
Đừng bắt nạt mèo, chó
Đừng bắt nạt cái cây
Đừng bắt nạt ai cả
Vì bắt nạt dễ lây
Đọc hai khổ thơ 5,6, cụm từ “ đừng bắt nạt” 6 lần được lặp đi lặp lại khiến giọng thơ vừa rắn rỏi, vừa dứt khoát, phủ nhận hoàn toàn việc bắt nạt
Đối tượng không nên bắt nạt được tác giả nhắc cụ thể là : trẻ con, người lớn, bất cứ ai, nước khác, cái cây, chó, mèo. Tác giả đã mở rộng cho chúng ta thấy, việc bắt nạt không phải chỉ là việc làm xấu giữa con người với con người, mà còn là chuyện diễn ra giữa quốc gia dân tộc này với quốc gia dân tộc khác; thậm chí bắt nạt còn diễn ra giữa con người với thiên nhiên (như với động vật chó, mèo, cái cây). Đây là quan điểm nhân đạo, thể hiện thái độ yêu chuộng hòa bình,yêu thiên nhiên, sống gần gũi với thiên nhiên, để có cuộc sống tốt đẹp. Tình yêu thương được mở rộng ra với muôn vật, muôn loài, với cả nhân loại. Đó là tư tưởng nhân ái, nét đẹp trong sáng trong thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh.
Bài thơ khép lại là lời nhắn nhủ của tác giả
Bạn nào bắt nạt bạn
Cứ đưa bài thơ này
Bảo nếu cần bắt nạt
Thì đến gặp tớ ngay
Cứ đến bắt nạt tớ
Bị bắt nạt quen rồi
Vẫn không thích bắt nạt
Vì bắt nạt rất hôi!
Thái độ bênh vực các bạn bị bắt nạt của nhà thơ rất rõ ràng: “Bạn nào bắt nạt bạn/ Cứ đưa bài thơ này/ Bảo nếu thích bắt nạt/ Thì đến gặp tớ ngay”. Cách xưng hô “tớ- bạn” vừa gần gũi, vừa đáng yêu. Lời tâm sự cới mở, chân tình. Nhân vật trữ tình của bài thơ “tớ” tức tác giả trong vai trò là bạn bè, lời khuyên cũng là lời tâm sự của những người từng trải qua chuyện “bắt nạt” để cũng chia sẻ, thấu hiểu lẫn nhau. Nhân vật tớ nói cho các bạn biết “bị bắt nạt quen rồi” nên không thích ai bắt nạt và “bắt nạt rất hôi”. Từ “hôi” nghĩa là cái không ai thích, không ai ưa, mọi người xa lánh. Người đi bắt nạt người khác cũng thế, luôn bị mọi người xa lánh. Cách tác giả lí giải hồn nhiên, phù hợp tâm lí trẻ thơ. Bắt nạt “rất hôi”, “dễ lây” tạo ra tiếng cười nhẹ nhàng, khiến câu chuyện dễ tiếp nhận, thể hiện cách nhìn thân thiện, bao dung và tinh thần đối thoại. Bởi vì không chỉ người bị bắt nạt cần bảo vệ, mà người bắt nạt cũng cần được giúp đỡ.
Đọc cả bài thơ, chúng ta cảm nhận được ý vị hài hước, dí dỏm, nét đáng yêu của thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh. Bắt nạt là một thói xấu, có thể gây tổn thương, nỗi sợ hãi, ám ảnh, thậm chí cả hậu quả nặng nề nhưng bài thơ lại nói bằng giọng điệu hồn nhiên, dí dỏm, thân thiện. Cách nói hài hước, dí dỏm, hình ảnh thơ ngộ nghĩnh: “Sao không ăn mù tạp/ Đối diện thử thách đi”,“Tại sao lại không hát/ Nhảy híp hóp cho hay”. Lí giải hồn nhiên, phù hợp tâm lí trẻ thơ: Bắt nạt “rất hôi”, “dễ lây” tạo ra tiếng cười nhẹ nhàng, khiến câu chuyện dễ tiếp nhận, thể hiện cách nhìn thân thiện, bao dung và tinh thần đối thoại. Bởi vì không chỉ người bị bắt nạt cần bảo vệ, mà người bắt nạt cũng cần được giúp đỡ.
Tóm lại, bà thơ “Bắt nạt” là một bài thơ đặc sắc, đề cập một chủ đề khá mới mẻ, mang tính thời sự, với một lối nói rất thơ. Thể thơ 5 chữ, hình ảnh thơ ngộ nghĩnh, giọng thơ hài hước, dí dỏm, tâm tình, gần gũi, tạo không khí thân thiện, khiến người nghe dễ tiếp nhận, thể hiện cách nhìn bao dung. Bài thơ nói về hiện tượng bắt nạt là thói quen xấu xí, đáng chê. Từ đó giúp mọi người có thái độ đúng đắn trước hiện tượng bắt nạt, góp phần xây dựng môi trường học đường lành mạnh, an toàn, hạnh phúc. Bài thơ cho ta thấy tâm hồn thơ trong sáng, cách nhìn thân thiện, bao dung của nhà thơ. Bài thơ nhẹ nhàng vươn tới, thấm sâu vào cảm xúc của con người, nhất là những ai từng rơi vào tình huống khó xử “bắt nạt”, để mỗi người tự tìm cho mình cách ứng xử phù hợp, tránh gây tổn thương, và làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa.