[Học văn 7] Những câu hát về tình cảm gia đình (chi tiết)
I. Tìm hiểu chung
- Tác giả : tác giả dân gian (nhân dân lao động)
2. Khái niệm ca dao – dân ca
– Ca dao, dân ca là tên gọi chung của các thể loại trữ tình dân gian có sự két hợp giữa lời và nhạc để bày tỏ thế giới nội tâm của con người.
– Ca dao: là những bài thơ dân gian cho nhân dân lao động sáng tác, phần lớn là thơ lục bát, có kết cấu ngắn gọn, phản ánh đời sống vật chất và tâm hồn của con người.
– Dân ca: là những bài hát trữ tình dân gian của mỗi miền quê, có làn điệu riêng, cốt lõi là thơ dân gian, được thêm tiếng láy tiếng đệm.
– Đặc điểm: Ca dao, dân ca có những nghệ thuật truyền thống: thể thơ lục bát, sử dụng nhiều biện pháp tu từ, lời thơ ngắn gọn, có thêm những tiếng láy, tiếng đệm. Ca dao, dân ca là mẫu mực về tính chân thực, cô đúc, giàu cảm xúc. Ngôn ngữ đậm sắc thái địa phương, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân, được nhân dân ưa chuộng và đề cao.
II. Phân tích
- Bài ca dao số 1
Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ, ghi lòng con ơi!
Bài ca dao là lời mẹ ru con với âm điệu ngọt ngào, êm ái
Hai câu đầu, bằng lối nói so sánh, ví von quen thuộc , tác giả dân gian đã khẳng định công lao to lớn của cha mẹ với con cái. “Núi ngất trời”, “nước ngoài biển Đông” là những hình ảnh kì vĩ, lớn lao, trường tồn của thiên nhiên, vũ trụ, không bao giờ mất đi, không bao giờ vơi cạn. Những hình ảnh đó lại được so sánh với công cha, nghĩa mẹ để khẳng định công cha, nghĩa mẹ là vô cùng to lớn, không gì có thể đong đếm được. Nhân dân đã khéo léo sử dụng những hình ảnh lớn lao của vũ trụ vĩnh hằng, tồn tại mãi mãi để ca ngợi công lao trời biển của cha mẹ.
Hai câu sau là lời nhắn nhủ ân tình, tha thiết. Hình ảnh “núi” và “biển” được lặp lại một lần nữa để cụ thể hóa công lao to lớn của cha mẹ. Hai tiếng “con ơi!” làm cho giọng thơ trở nên ngọt ngào, thấm thía. Cụm từ Hán Việt “cù lao chín chữ” đã gợi nhắc đến nhiều công lao cụ thể của cha mẹ. Để nuôi con khôn lớn, thành người, cha mẹ phải trải qua muôn vàn khó khăn, cơ cực . Chính vì vậy, mỗi người con phải ghi lòng tạc dạ công lao to lớn ấy.
Với việc sử dụng tinh tế các biện pháp tu từ nghẹ thuật so sánh, ẩn dụ, giọng điệu tâm tình, tha thiết , bài ca dao đã thể hiện thấm thía công lao trời biển của cha mẹ. Qua đó, nhắc nhở chúng ta bài học về đạo làm con vô cùng sâu sắc.
2. Bài số 2
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều
Bài ca dao là lời của người con gái lấy chồng xa quê nói với mẹ, nhớ mẹ da diết. Cô gái đang rất buồn, nỗi niềm không biết chia sẻ cùng ai.
“Chiều” là khoảng thời gian gợi buồn, gợi nhớ, gợi khát khao sum họp gia đình. Trong văn học dân gian và trong văn học nói chung, thời gian buổi chiều thường gợi nỗi nhớ mong, gợi nỗi cô đơn vắng vẻ, là thời gian để mọi thành viên đoàn tụ trong bữa cơm ấm cúng của gia đình. Nhưng đối với người con gái “xuất giá tòng phu” như cánh chim lưu lạc nơi đất khách quê người thì khát khao được trở về bên gia đình lại càng thêm xa vời khôn xiết.
Tại sao lại là “ngõ sau” mà không phải ngõ trước? Ngõ sau là một không gian hẹp, vắng vẻ, khuất bóng người. Không gian này đã gợi niềm cô đơn và thân phận của người phụ nữ trong xã hội xưa: họ phải che giấu nỗi niềm riêng của mình, không biết chia sẻ cùng ai.
Bài ca dao có cách diễn đạt thật độc đáo, mở đầu bằng “chiều chiều” và kết thúc bằng “chín chiều” gợi sự quẩn quanh, bế tắc, nỗi đau càng thêm tế tái.
Bài ca dao tuy ngắn nhưng chứa đầy tâm trạng. Tác giả dân gian đã cho ta hiểu hơn về thân phận của người phụ nữ trong xã hội xưa : Khi lấy chồng, họ hoàn toàn phụ thuộc vào chồng (gia đình nhà chồng), con đường về quê mẹ, về thăm cha mẹ lúc già yếu gần như bị chặn đứng.
3. Bài số 3.
Ngó lên nuộc lạt mái nhà
Bao nhiêu nuộc lạt, nhớ ông bà bấy nhiêu
Bài ca dao là nỗi nhớ, lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà.
“Ngó lên” là tư thế trữ tình của người nói, gợi tình cảm tôn kính dành cho ông bà.
“Nuộc lạt” là sợi dây nan chẻ ra từ cây tre, cây giang để buộc những thanh gỗ, thanh tre lại với nhau cho mái nhà kiên cố.
Nhân vật trữ tình nhìn lên mái nhà để nhớ về ông bà vì ngôi nhà chính là nơi ông bà sinh sống, là nơi ông bà đã tạo dựng, vun đắp hạnh phúc gia đình.
Nghệ thuật so sánh “Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu” đã thể hiện tình cảm nhớ thương sâu nặng của con cháu dành cho ông bà. Nuộc lạt thì rất nhiều, không ai có thể đong đếm được số lượng nuộc lạt của ngôi nhà cũng giống như không ai có thể đong đếm được nỗi nhớ của dành cho người thân đã ra đi mãi mãi.
Bài ca dao đã thể hiện một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, đó chính là đạo hiếu. Qua đó, chúng ta cũng rút ra bài học cho bản thân mình: phải luôn yêu thương, kính trọng, biết ơn ông bà, cha mẹ.
4. Bài số 4.
Anh em nào phải người xa
Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân
Yêu nhau như thể tay chân
Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy.
Bài ca dao là lời của ông bà, chú bác nói với các cháu, là lời bố mẹ nói với con, là lời của anh chị em nói với nhau.
Trong hai câu đầu, tác giả dân gian đã khẳng định tình cảm anh em là rất cao đẹp, thiêng liêng, đó là tình máu mủ ruột già. “Nào phải người xa” là lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà thấm thía khiến người nghe phải suy ngẫm. Từ “cùng” được lặp lại hai lần để nhấn mạnh mối quan hệ thiêng liêng, gần gũi, tình anh em là một tình cảm vô cùng đáng, đáng trọng của đời người.
Anh em là những người cùng chung bố mẹ sinh ra, cùng sống trong một mái nhà, cùng nhau chia sẻ mọi buồn vui sướng khổ. Chính vì chung nhau những yếu tố thiêng liêng về quan hệ nguồn cội, môi trường sống mà anh em cần phải đối xử với nhau làm sao cho trọn nghĩa vẹn tình.
Hai câu sau là lời khuyên về lối sống, về cách ứng xử của anh em trong gia đình. Biện pháp so sánh “Yêu nhau như thể tay chân” đã gợi ấn tượng đậm nét về mối quan hệ gắn bó chặt chẽ không thể tách rời. Hình ảnh so sánh nhằm nhấn mạnh: đã là anh em thì phải biết yêu quý, chở che, đùm bọc, đoàn kết với nhau như những bộ phận không thể thiếu trên cơ thể người. Có như vậy, cha mẹ mới vui lòng, gia đình mới ấm êm, hạnh phúc.
Với việc sử dụng thành công biện pháp tu từ điệp ngữ, so sánh, giọng điệu nhẹ nhàng, sâu lắng,…bài ca dao giúp chúng ta thấm thía hơn tình cảm anh em trong gia đình và từ đó biết rèn luyện cho mình lối sống cao đẹp: yêu thương, tương trợ, gắn bó với anh chị em để mang lại niềm vui cho cha mẹ, cho tất cả mọi người.
Chủ đề:Cảm nghĩ của em về bài ca dao số 1 trong những câu há, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình là ai, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình lớp 7, Những câu hát về tình yêu quê hương, Nội dung những câu hát về tình cảm gia đình ngắn nhất, nội dung những câu hát về tình yêu quê hương, Nội dung và nghệ thuật bài những câu hát về tình cảm gia đình