Phân tích nhân vật người gùi nước trong truyện “Chiếc bình nứt”
CHIẾC BÌNH NỨT
Một người gùi nước có hai cái bình gốm lớn, mỗi cái được cột vào đầu của một sợi dây và rồi được đeo lên cổ anh ta mang về nhà. Một trong hai cái bình thì còn rất tốt và không bị chút rỏ rỉ nào cả. Cái còn lại bị nứt một chút nên nước bị vơi trên đường về nhà, chúng chỉ còn lại có hai phần ba. Hai năm trời anh ta vẫn sử dụng hai cái bình gùi nước đó, mặc dù lượng nước mà anh ta mang về nhà không còn nguyên vẹn. Và lẽ dĩ nhiên, cái bình tốt tỏ vẻ hãnh diện, trong khi cái bình nứt thì cảm thấy vô cùng xấu hổ. Một ngày nọ, cái bình nứt đã thưa chuyện với người gùi nước:
– Tôi rất xấu hổ về bản thân và muốn nói lời xin lỗi ông về thời gian đã qua.
Anh ta hỏi lại cái bình:
– Sao lại phải xin lỗi? Mà ngươi xin lỗi về chuyện gì? Cái bình nứt đáp lại:
-Suốt hai năm qua, do vết nứt của tôi mà nước đã bị rò rỉ trên đường về nhà. Ông đã phải làm việc chăm chỉ, nhưng kết quả mang lại cho ông đã không hoàn toàn như ông mong đợi.
Với lòng trắc ẩn của mình, người gùi nước rất thông cảm với cái bình nứt, ông ta nói:
– Khi chúng ta trên đường về nhà, ta muốn ngươi chú ý đến những bông hoa tươi đẹp mọc bên vệ đường.
Quả thật, cái bình nứt đã nhìn thấy những bông hoa tươi đẹp dưới ánh nắng mặt trời ấm áp trên đường về nhà, và điều này khuyến khích nó được đôi chút. Nhưng khi đến cuối đường mòn, nó vẫn cảm thấy rất tồi tệ bởi nước đã chảy ra rất nhiều. Một lần nữa, nó lại xin lỗi người gùi nước. Người gùi nước liền nói:
– Ngươi có thấy rằng những bông hoa kia chỉ nở một bên vệ đường, chỉ phía bên ngươi không? Thật ra, ta đã biết rất rõ về vết nứt của ngươi, và ta đã lấy điểm yếu đó để biến nó thành lợi điểm. Ta đã gieo một số hạt hoa ở vệ đường phía bên người. Giờ đây, ta có thể hái những bông hoa tươi tắn ấy để trang trí nhà cửa của ta. Không có vết nứt của ngươi, ta đã không có những bông hoa duyên dáng để làm đẹp ngôi nhà của mình.
(Truyện ngụ ngôn Ấn Độ)
1. Mở bài
Giới thiệu câu chuyện, nhân vật, nêu ấn tượng chung về nhân vật: “Cái bình nứt” là câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng của nền văn học dân gian Ấn Độ. Người làm công việc gùi nước là nhân vật chính trong câu chuyện. Đây là nhân vật có nhiều phẩm chất tốt đẹp, đem đến cho người đọc những bài học sâu sắc.
2. Thân bài
a. Phân tích đặc điểm của nhân vật
Trước hết, người gùi nước trong câu chuyện là một người rất kiên trì, bền bỉ trong công việc. Điều này được thể hiện ở chỗ một trong hai chiếc bình gùi nước của anh đã bị nứt, khi về đến nhà, lượng nước trong bình chỉ còn hai phần ba. Công việc nặng nhọc và thành quả thu về ít ỏi nhưng anh không nản chí, không than phiền mà vẫn kiên trì gùi nước trong suốt hai năm.
Bên cạnh đó, ta cũng thấy anh là một người rất thông minh, sáng tạo và có bản lĩnh. Anh đã gieo những hạt giống hoa bên vệ đường phía có chiếc bình nứt để tận dụng nước rò ra từ chiếc bình. Nhờ đó mà anh đã có những bông hoa xinh đẹp để trưng trong nhà. Anh đã biến những khuyết điểm thành ưu điểm, biến những khó khăn thành cơ hội bằng chính ý chí và bản lĩnh vượt khó của mình.
Không chỉ vậy, ta còn thấy anh là người có tấm lòng nhân hậu. Trước sự việc chiếc bình bị nứt và luôn làm vơi nước khi về đến nhà nhưng anh không hề tỏ ra bực bội, khó chịu hay có ý định sẽ vứt chiếc bình đó đi. Mà ngược lại, anh còn ra sức động viên, an ủi chiếc bình nứt khi nó cảm thấy có lỗi với anh. Chính tấm lòng nhân hậu của anh đã khiến chiếc bình cảm thấy an tâm, vui vẻ.
b. Nhận xét về nhân vật
Nhân vật người gùi nước trong câu chuyện chính là hình ảnh đại diện cho những người mang những phẩm chất tốt đẹp trong cuộc sống. Đó là những người có lòng kiên trì, có sự quyết tâm, thông minh, bản lĩnh và giàu lòng nhân hậu. Chính những phẩm chất ấy đã đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhân vật và gửi gắm những bài học sâu sắc về cách sống dành cho mỗi người.
3. Kết bài
Khái quát về nhân vật + rút ra bài học cho bản thân
Qua câu chuyện “Cái bình nứt” với những vẻ đẹp phẩm đáng trân trọng của nhân vật người gùi nước, chúng ta nhận ra bài học đáng quý cho bản thân mình: trong cuộc sống, sẽ có những điều không may mắn xảy ra, điều quan trọng là chúng ta cần phải có ý chí, nghị lực và lòng quyết tâm vượt qua thử thách, phải có bản lĩnh để biến thách thức thành cơ hội. Cùng với đó, ta phải luôn có ý thức bồi dưỡng cho mình tình yêu thương và lòng nhâu hậu. Chỉ có như vậy, chúng ta mới thực sự sống đời hạnh phúc và đem lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng.
Chủ đề:Cảm nghĩ của em về nhận vật người gùi nước trong câu chuyện chiếc bình nứt, Câu chuyện cái bình nứt, Chiếc bình nứt, Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi câu chuyện về chiếc bình nứt, Nghị luận về câu chuyện chiếc bình nứt, Qua câu chuyện chiếc bình nứt em rút ra bài học gì cho bản thân, Theo anh chỉ sức hấp dằn của câu chuyện cái bình nứt đến từ những yếu tố nào, Thông điệp của câu chuyện chiếc bình nứt