Cảm nhận về hình tượng Đất nước qua đoạn trích “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
Đề:
“Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
(Trích Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, Tập một, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2018, trang118,119)
Cảm nhận của anh/chị về hình tượng Đất Nước trong đoạn thơ trên. Từ đó nhận xét cách nhìn mới mẻ về Đất Nước của tác giả Nguyễn Khoa Điềm.
I – Mở bài
– Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Khoa Điềm, tác phẩm “Mặt đường khát vọng”, đoạn trích “Đất Nước” và đoạn trích trong đề.
II – Thân bài
* Cảm nhận hình tượng Đất Nước: Đất Nước hiện lên vừa gần gũi, thân thuộc vừa thiêng liêng, lớn lao:
– Hình tượng Đất Nước từ góc nhìn văn hóa gần gũi, thân thuộc, bình dị, gắn bó với đời sống tâm hồn, phẩm chất của nhân dân lao động: những câu chuyện cổ, phong tục tập quán, truyền thống đánh giặc giữ nước, lối sống tình nghĩa vợ chồng, đức tính cần cù, chăm chỉ…
– Hình tượng Đất Nước từ góc nhìn địa lý vừa cụ thể, gần gũi, gắn bó với cuộc sống thường nhật của mỗi con người, vừa thơ mộng, trữ tình: con đường đến trường, dòng sông quê hương, nơi đôi lứa hẹn hò; đó còn là Đất Nước với rừng vàng biển bạc.
– Hình tượng Đất Nước được thể hiện bằng thể thơ tự do; ngôn ngữ bình dị, dễ hiểu; sự vận dụng sáng tạo chất liệu văn hóa, văn học dân gian; giọng thơ tha thiết, trang trọng, thiêng liêng, tính chính luận kết hợp với chất trí tuệ và trữ tình.
* Nhận xét cách nhìn mới mẻ của tác giả về Đất Nước:
– Nhìn Đất Nước đa diện, tinh tế, sâu sắc, đặc biệt nhà thơ phát hiện quá trình Đất Nước hình thành và phát triển gắn liền với đời sống bình dị của nhân dân lao động. Đất Nước kết tinh đời sống tâm hồn, phẩm chất đẹp đẽ, truyền thống đạo lí ngàn đời của dân tộc.
– Cách nhìn mới mẻ về hình tượng Đất Nước cho thấy sự gắn bó, am hiểu, lòng tự hào và tình yêu đất nước sâu nặng, phong cách thơ trữ tình- chính luận của tác giả Nguyễn Khoa Điềm.
III – Kết bài
– Khẳng định lại vấn đề
Bài văn mẫu
Đất nước – Hai tiếng thiêng liêng gợi lên lòng tự hào dân tộc trong mỗi con người. Có thể nói viết về chủ đề đất nước luôn là niềm cảm hứng bất tận của các nhà thơ, nhà văn. Đất nước trong mỗi tác phẩm đều mang những phong vị rất đặc biệt và rất riêng. Một trong những tác phẩm đặc biệt và để lại nhiều dấu ấn trong lòng người đọc có thể kể đến tác phẩm Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Chỉ với 14 câu thơ tác giả đã cho người đọc cảm nhận được quá trình hình thành đất nước bằng cả chiều sâu văn hóa – lịch sử.
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…
Đất Nước nằm trong trái tim mỗi con người, dù đi xa, đi đến đâu thì những giá trị tồn tại chẳng bao giờ mang đến cảm giác xa lạ ngược lại nó đã trở thành một nguồn gắn kết bền vững, tha thiết. Qua bao thế hệ, Đất Nước lại càng vững bền hơn qua sự dựng xây, bồi đắp của chính những con người Đất Việt. Khi đứng trước Đất Nước thiêng liêng nhà thơ thể hiện cảm xúc dào dạt, trái tim rung động đầy thành kính. “Đất Nước” được viết hoa và lặp lại nhiều trong từng dòng thơ đến hết bài chính là dụng ý của nhà thơ cho thấy sự trang trọng, niềm tự hào lớn lao dành cho nguồn cội của mình. Nhà thơ hay chính chúng ta cũng chẳng ai biết chính xác là Đất Nước có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi ta sinh ra, lớn lên Đất Nước đã có rồi. Nguyễn Khoa Điềm đi tìm câu trả lời Đất Nước có từ khi nào thì ông chợt suy ngẫm và nhớ về những điều ngày xửa ngày xưa, đó là: trong những câu truyện khi xưa mẹ thường kể, trong từng miếng trầu quen thuộc bà hay ăn đã có hình bóng của Đất Nước. Hình ảnh hiện về luôn giản dị, mộc mạc đến thế để nói về Đất Nước thiêng liêng, lớn lao thì chỉ có Nguyễn Khoa Điềm mới tài tình trong cách miêu tả như thế.Năm tháng cổ xưa, ca dao tục ngữ kết tinh trong mỗi tâm hồn Việt luôn có Đất Nước đi cùng. Và hơn nữa qua những năm tháng chiến tranh đau thương, Đất Nước cũng đồng hành cùng con người “lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”. Tình yêu thương, lòng thủy chung son sắt của người dân đất Việt, dân tộc Lạc Hồng luôn được Đât Nước mang theo cùng dù ở bất cứ đâu, thời điểm nào.
Nếu như nhà thơ gắn Đất Nước trong hình ảnh miếng trầu bà ăn thì không quên những phong tục khác như : “Tóc mẹ thì bới sau đầu”, “cái kèo cái cột thành tên”. Chắc sẽ chẳng nhà thơ nào đi tìm về những điều xưa cũ mà chân phương như thế này, riêng Nguyễn Khoa Điềm thì khác, ông tỉ mỉ cho người đọc thấy được một Đất Nước của nhân dân nghìn năm hùng vĩ. Nào là búi tóc sau đầu của mẹ, từng cái kèo cái cột trầy trước theo thời gian in hằn tên dựng nên tổ ấm cho gia đình. Tác giả không quên công ơn, nhìn vào nỗi vất vả một nắng hai sương, tần tảo sớm hôm để mang lại hạt gạo trắng tinh tuơm cho bữa con thơm ngon. Đất Nước, một phần thân thương mà nhà thơ nghĩ về.
Tóm lại, qua 14 câu thơ bài Đất nước Nguyễn Khoa Điềm đã mang đến cho chúng ta một hình ảnh Đất Nước bình dị nhưng không kém phần tươi đẹp. Đọc đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung, ta cảm nghe như cội nguồn dân tộc, cội nguồn văn hóa đang thấm vào tận từng mạch hồn ta, dòng máu ta. Điều đó càng làm ta thêm yêu thêm quý quê hương Tổ quốc mình.
Chủ đề:cảm nhận của anh chị về đoạn thơ khi ta lớn lên đất nước đã có rồi'', Cảm nhận của em về Đất nước, Cảm nhận về bài thơ Đất nước đoạn 1, Cảm nhận về bài thơ Đất nước đoạn 2, Cảm nhận về bài thơ Đất nước đoạn 3, Cảm nhận về bài thơ Đất nước ngắn gọn, Cảm nhận về bài thơ Đất nước từ câu 10 đến câu 29, đất nước có từ ngày đó, Việt đoạn văn cảm nhận về đất nước