Cảm nhận về sắc xuân và con người xứ Huế qua 3 khổ thơ đầu bài Mùa xuân nho nhỏ
I. Mở bài
– Giới thiệu vài nét về nhà thơ Thanh Hải và bài “Mùa xuân nho nhỏ
– Nêu vấn đề: Đoạn thơ đã khắc hoạ thành công vẻ đẹp mùa xuân và con người xứ Huế – Suy nghĩ của bản thân.
– Thanh Hải là một trong những nhà thơ tiêu biểu của miền Nam ruột thịt trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, có thể nói ông đã cống hiến cả đời mình cho thơ ca, cách mạng. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là tác phẩm nổi bật của ông.
– Thanh Hải là người con của mảnh đất cố đô, sông Hương núi Ngự đã nuôi dưỡng để làm nên một hồn thơ bình dị, trong trẻo mà thiết tha, đằm thắm. Bài “Mùa xuân nho nhỏ” là một trong những sáng tác tiêu biểu cho hồn thơ ấy.
– Thanh Hải là một trong những cây bút có nhiều đóng góp cho nền văn học cách mạng ở miền Nam từ những ngày đầu với một hồn thơ bình dị, đôn hậu và chân thành…
– Thanh Hải là nhà thơ tiêu biểu của mảnh đất cố đô xinh đẹp, ông nổi tiếng với những vần thơ mượt mà, sâu lắng mang đậm văn hóa con người xứ Huế…
II. Thân bài
– Khái quát chung:
+ Hoàn cảnh ra đời đặc biệt của bài thơ.
+ Nhà thơ thể hiện tiếng lòng gắn bó với quê hương, cuộc đời. Bởi vậy mà cảnh sắc thiên nhiên và con người quê hương hiện lên trong cái nhìn thiết tha trìu mến, ấm áp, tin yêu.
* Bức tranh thiên nhiên mùa xuân xứ Huế
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tim biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
– Cảnh sắc mùa xuân:
+ Hình ảnh: Dòng sông, bông hoa, con chim chiền chiện
+ Không gian: cao rộng của bầu trời, chiều dài của dòng sông xanh
+ Màu sắc: xanh của dòng sông, tím biếc của hoa
+ Âm thanh của con chim chiền chiện
+ Điểm nhấn là gam màu thật dịu nhẹ, tươi tắn: màu xanh của nước hài hòa cùng màu tím biếc của hoa, một màu tím giản dị mà cũng thật mộng mơ, quyến rũ – sắc màu đặc trưng của xứ Huế.
+ Dòng sông: không phải là con sông chung chung nào, mà người đọc dễ nhận ra, đó là sông Hương – “bài thơ trữ tình cố đô Huế”.
+ Chọn bông hoa tím để tả mùa xuân, nhà thơ muốn ca ngợi vẻ đẹp riêng của quê hương mình, xứ sở mình.
– Sắc xanh, màu tím biếc đã tạo nên bức tranh xuân với những đường nét chấm phá mặn mà đằm thắm. Đó là bức tranh mà nhìn vào con người như đọc được điệu hồn quê hương.
– Động từ “mọc” – lối đảo ngữ => tạo sự khỏe khoắn, khắc sâu ấn tượng về sức sống trỗi dậy và vươn lên của mùa xuân.
– Giữa dòng sông rộng lớn, một bông hoa tím biếc cũng làm nên sức xuân, cũng làm nên ánh xuân lung linh, rực rỡ sắc màu, làm nồng ấm cả dòng sông.
+ Không gian: cao rộng của bầu trời, chiều dài của dòng sông xanh
+Hình ảnh: Dòng sông, bông hoa, con chim
+Màu sắc: xanh của dòng sông, tím biếc của hoa
– Đoạn thơ đẹp như bức tranh. Đó là bức tranh xuân của “Huế đẹp và thơ”, một sắc xuân tươi xinh rực rỡ tắm mát tâm hồn chúng ta.
+ Bức tranh không chỉ có “họa” mà còn có “nhạc”: tiếng chim chiền chiện.
– Âm thanh rộn rã vui tươi của con chim chiền chiện như đọng thành “từng giọt long lanh rơi”. Cả bầu trời ăm ắp tiếng chim chiền chiện.
=> Bằng bút pháp chấm phá cổ điển, Thanh Hải đã vẽ nên một bức tranh xuân ấn tượng vô cùng. Dòng sông êm trôi, bông hoa thắm sắc, tiếng chim rộn rã… Mùa xuân xứ Huế bao giờ cũng nhẹ nhàng, đằm thắm, mơ mộng và tràn đầy sức sống như thế. Đó là vẻ đẹp và sức sống mặn mà của đất nước vào xuân.
Con người xứ Huế
Con người có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống.
+ Nhà thơ có cái nhìn trìu mến với cảnh vật: Bức tranh xuân rất Huế; Lời bộc lộ trực tiếp cảm xúc: “ơi, chi mà”
+ Động tác: “đưa tay – hứng” đón nhận vừa trân trọng, nâng niu vừa thiết tha, trìu mến.
+ Cảm nhận: giọt long lanh – giọt âm thanh của tiếng chim chiền chiện – thực chất là nói về những điều tinh túy, đẹp đẽ của cuộc sống – giọt mật mùa xuân, giọt niềm vui, hạnh phúc.
– Con người đang hăng say cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp của đất nước.
+ Mùa xuân của đất nước gắn với hình ảnh “người cầm súng” – những người trong sự nghiệp bảo vệ đất nước và hình ảnh “người ra đồng” – những người trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Lộc: Mầm non, chồi biếc của cây cối mùa xuân, Sức sống, sức thanh xuân của tuổi trẻ; Là nhiệt huyết cống hiến sôi nổi, là nhiệt tình lao động ; Là thành quả của hôm nay, là niềm tin – hy vọng của ngày mai
+ Tất cả: tất cả mọi người, tất cả mọi lúc, tất cả mọi nơi.
+ Hối hả: tất bật, khẩn trương, hăng say; Xôn xao: nhịp sống sôi động, náo nức, rộn ràng.
+ Cả Tổ quốc đang bừng bừng khí thế sục sôi trong quá trình xây dựng đất nước..
=> Con người đã góp sức để sức xuân đang dâng trào mãnh liệt trên quê hương. Qua ngôn ngữ mà khắc hoạ được khí thế của cả một thời đại; khắc hoạ được tư thế, tâm thế của con người Việt Nam.
– Con người luôn niềm tự hào, có niềm tin và tinh thần lạc quan về nhân dân, đất nước
+ Nhịp thơ không nhanh, không dồn dập mà chậm lại, trầm lắng.
+ Nhắc nhở về tháng ngày gian khổ, khó khăn, thử thách.
+ Nhân hoá: đất nước như một người mẹ tần tảo, vất vả và gian lao.
+ So sánh: Đất nước như vì sao:
Nguồn sáng đẹp, lung linh, bất diệt => Trường tồn, toả sáng, Tương lai tươi sáng, rộng mở bay cao
+ Phụ từ “cứ”, động từ “đi lên”: quyết tâm cao độ, tư thế hiên ngang hướng về phía trước.
+ Cấu trúc song hành → Sự vận động đi lên của lịch sử ; Khẳng định sự trường tồn vĩnh cửu của đất nước.
=> Tình yêu với đất nước: nâng tầm Tổ quốc sánh ngang với tầm vóc vũ trụ, đẹp đẽ, rực rỡ và vĩ đại, khiến người người thiết tha ngưỡng mộ, tự hào.
*Nghệ thuật thể hiện sắc xuân và con người xứ Huế
– Âm hưởng trong sáng, nhẹ nhàng, tha thiết.
– Giọng điệu bài thơ phù hợp với cảm xúc của tác giả: vui, say sưa với vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, rồi phấn chấn, hối hả trước khí thế lao động của đất nước, sau đó là sự trầm lắng, suy tư.
– Hình ảnh tự nhiên, giản dị mà giàu ý nghĩa biểu tượng.
– Cấu tứ bài thơ chặt chẽ: mùa xuân đất trời – đất nước – con người.
Đoạn thơ có màu sắc tươi vui, âm thanh rạo rực của mùa xuân đất trời, có sức trẻ phơi phới của mùa xuân lòng người, mùa xuân đất nước. Tất cả hòa quyện với nhau, tạo nên niềm lạc quan, tin tưởng cất lên thành khúc ca rộn rã, ca ngợi quê hương, Tổ quốc trên con đường tiến lên phía trước.
Mùa xuân đất trời – Mùa xuân lòng người – Mùa xuân đất nước.
III. Kết bài
– Khẳng định thành công về nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ – đặt trong chỉnh thể toàn bài.
– Ta trân trọng trước một hồn thơ, một tiếng lòng. Truyền cho ta tình yêu đất nước.
Hướng dẫn làm bài
Cách mở bài
Đi từ đề tài, so sánh: Mùa xuân vốn là đề tài vô tận của thi ca xưa và nay. Ta đã từng bắt gặp một sắc cỏ xuân non tơ trong thơ Nguyễn Du, một nét xuân chín rạo rực của thi sĩ họ Hàn, hay một mùa xuân xanh tươi tắn, nhẹ nhàng trong thơ Nguyễn Bính. Và xúc động biết bao khi ta được hòa mình vào “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ xứ Huế – Thanh Hải. Bài thơ được xem như sợi dây nối tiếp mạch cảm xúc của mấy mươi năm về trước để rồi giúp ta thêm hiểu và yêu cuộc sống hơn. Đến với ba khổ thơ đầu trong bài thơ này ta cảm nhận được vẻ đẹp của sắc xuân và con người xứ Huế.
Đi từ đặc điểm: Nếu ai đã một lần được lênh đênh trên mặt nước Hương Giang, đắm mình trong Nhã nhạc Cung đình Huế rồi cứ thế thả hồn theo tà áo người con gái đất kinh kỳ, hẳn rằng cơn say ấy theo mãi về sau. Huế với những nét đẹp thanh khiết cổ kính đã làm xiêu lòng bao văn nhân nghệ sĩ, để rồi tự nhiên đi vào văn chương như lời bày tỏ dành cho người gái đẹp. Quả vậy, khi đọc “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải, ta sẽ mang cả hồn mình để mà cảm nhận, mà lắng nghe, mà say với sắc xuân và con người nơi đây. Ta sẽ thấy rõ điều đó trong ba khổ thơ đầu của bài.
Đi từ câu thơ, châm ngôn, nhận định…
Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.
(Bùi Giáng)
Sông Hương – dòng sông huyền thoại của thi ca văn hóa, là đặc ân của đất trời dành cho Huế. Và chính từ mặt nước êm đềm này đã nuôi dưỡng nên cả một vùng văn hóa châu thổ cổ kính, đã sản sinh ra Huế với những thành quách cung điện vàng son và sau này, chính là những tình khúc về Huế. “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải chính là một trong số đó. Ba khổ thơ đầu của bài thơ mang đến cho người đọc vẻ đẹp của sắc xuân và con người nơi đây.
Puskin từng viết: “Linh hồn là ấn tượng của một tác phẩm. Cây cỏ sống được là nhờ ánh sáng, chim muông sống được là nhờ tiếng ca, một tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút”. Thanh Hải đã gửi cả lòng mình, để tiếng lòng cất lên trong “Mùa xuân nho nhỏ”. Bài thơ cũng chính là món quà cuối cùng nhà thơ dâng trọn cho cuộc đời những yêu thương. Đọc ba khổ đầu của bài thơ ta cảm nhận được tiếng lòng tha thiết dành cho thiên nhiên và con người xứ Huế.
Cách viết đoạn văn trình bày luận điểm
Bài thơ được Thanh Hải viết vào 11/1980, khi đang nằm trên giường bệnh, không bao lâu sau, ông trút hơi thở cuối cùng. Cho tới tận lúc này, hồn thơ vẫn đậm âm hưởng của quê hương, một hồn thơ đầy “nghẹn ngào” mà ngày trước Hoài Thanh luôn chờ đợi. “… Nhưng trong nhận thức của chúng tôi về miền Nam vẫn thấy thiếu một cái gì. Thiếu những nhịp cầu, thiếu những cánh chim? Vẫn có gì như nghẹn ngào chưa nói lên được…Cho nên chúng tôi rất sung sướng khi bắt gặp những bài thơ ấy của Thanh Hải…” . Vừa hay, “Mùa xuân nho nhỏ” là một minh chứng rõ nét cho hồn cốt Huế, nơi mà sắc Huế, vẻ đẹp con người xứ Huế rạo rực, đầy sức sống khiến cho người thưởng thơ cũng muốn được một lần đặt chân tự mình chiêm nghiệm mảnh đất đầy nhớ thương này.
Những câu thơ của Thanh Hải đưa ta đến bức tranh thiên nhiên mùa xuân với vẻ đẹp tự nhiên, nhẹ nhàng mà đặc trưng cho mùa xuân xứ Huế:
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.
Với phép đảo trật tự ngữ pháp, động từ “mọc” đặt trước hình ảnh “dòng sông xanh” và “hoa tím biếc”, tác giả đã gợi được sức sống trỗi dậy, vươn mình của vạn vật trước mùa xuân. Bức tranh hiện lên sắc nét qua những hình ảnh chọn lọc, tiêu biểu, đó là dòng sông Hương thơ mộng, nước trong xanh êm đểm, điểm thêm sắc tím biếc mộng mơ của bông lục bình lững lờ trôi. Nếu mùa xuân trong thơ Tố Hữu có “mơ nở trắng rừng” thì Thanh Hải chỉ say đắm một đóa lục bình tím mà thôi. Bút pháp chấm phá cùng điểm nhìn đặt vào một bông hoa nhỏ bé giữa dòng đã phần nào tạo điểm nhấn cho bức tranh. Và bức tranh ấy càng đẹp hơn, có “hồn” hơn khi màu tím kia được nhà thơ tô đậm lên thành “tím biếc”. Gam màu ấy đã được tô vẽ vào bức tranh thật khéo léo, tài tỉnh, làm cho người đọc có thể hình dung trước mắt cả một bông hoa thật nhỏ, thật xinh, nhưng dường như cũng có đủ khả năng để nhuộm tím cả bầu trời, làm nồng ấm cả dòng sông, cả không gian mùa xuân đang căng tràn sức sống. Sắc màu ấy lan ra, chơi vơi, và khẽ lay động theo những ngọn gió xuân. Cảnh vật mùa xuân trong bài thơ có lẽ cũng bình dị, giản đơn, và thâm trầm, tĩnh lặng như vùng đất miền Trung quê hương tác giả. Xứ Huế vốn nổi tiếng với núi Ngự sông Hương, với những điệu hò mái nhì mái đẩy, giờ lại càng thêm xinh đẹp dưới ngòi bút tô vẽ của nhà thơ…
Vừa cổ kính vừa nên thơ, vừa trữ tình vừa trầm mặc; không khó để lý giải vì sao Huế trở thành niềm cảm hứng bất tận và bước vào trang thơ của các thi nhân một cách tự nhiên đến thế. Nhưng có lẽ phải đắm mình trong dòng sông Hương hiền hòa, phải tận mắt ngắm nhìn núi Ngự mộng mơ, phải lớn lên cùng với những khúc nhạc trữ tình của ca Huế mới có thể lột tả được hết những điều rất Huế. Xuân có họa, có nhạc với tiếng chim vang trời. Âm thanh rộn rã đã làm sống dậy cả không gian cao rộng, khoáng đạt và có lẽ nó cũng làm sống dậy, vực dậy cả một tâm hồn. Vissarion Grigoryevich Belinsky – một nhà phê bình văn học Nga đã từng viết: “Thiên nhiên là mẫu mục vĩnh viễn của nghệ thuật, mà đối tượng vĩ đại nhất và cao quý nhất trong thiên nhiên là con người.” Không đơn giản là bức tranh xuân mà là cả trái tim, là nỗi niềm của người nghệ sĩ sau những con chữ, sau mỗi lời thơ. Tâm hồn phải nhạy cảm, tinh tế đến nhường nào để cảm nhận được “Từng giọt long lanh rơi”, để “Tôi đưa tay tôi hứng”, đưa cả cõi lòng “hứng” trọn. Mùa xuân được cảm nhận bằng cả thị giác, thính giác và xúc giác. Từ cái có thể nghe được (thính giác) đến cái có thể nhìn thấy được (thị giác) và cuối cùng là cái có thể nắm bắt được (xúc giác). Mọi cảm xúc được lên men và nhà thơ như ngây ngất trước vẻ đẹp của thiên nhiêu xứ Huế. Thiên nhiên và con người hòa làm một, để vỡ òa mà cất lên thành tiếng “ơi” ngỡ ngàng, thích thú và cũng thật da diết khôn nguôi. Bài thơ được viết khi ấy đang là mùa đông giá rét, khi nhà thơ Thanh Hải đang phải đối mặt với bệnh tật. Cần có bao nhiêu say mê, tình yêu thiên nhiên phải tha thiết đến đâu, để rồi trong thời khắc nghiệt ngã như vậy, bằng sự tài hoa của ngòi bút, sự thăng hoa trong tâm hồn, Thanh Hải vẫn tạo được một khoảng trời xuân xốn xao, rạo rực và rung động hồn người đến thế. Mùa xuân đẹp đến mức làm cho trái tim của một người gần đất xa trời phải bừng tỉnh hay chính sức sống mãnh liệt, niềm tin yêu cuộc sống của nhà thơ đã thổi vào trong từng câu chữ những màu sắc và âm thanh của sự hỗi sinh. Thiên nhiên vốn luôn rộng mở, hồi đáp con người, đặc biệt là người nghệ sỹ yêu cái đẹp. Mùa xuân ấy, dù là mùa xuân tươi trẻ của những năm về trước khi nhà thơ được tận mắt chứng kiến hay dẫu chỉ là xuân trong tâm tưởng thì quả thật Thanh Hải, bất kể trong khoảnh khắc nào vẫn luôn nâng niu, luôn trân trọng, vẫn muốn ôm trọn vào lòng tất thảy sức sống mơn mởn của mùa xuân. Cảm phục biết bao trái tim thi nhân yêu thiên nhiên, yêu cảnh vật và quê hương đến vô ngần.
Cách viết kết bài
Tóm lược,suy nghĩ
Trong bản “hoà ca” chung của thơ Việt, Thanh Hải tự nhận mình chỉ là một “nốt trầm”. Nhưng “nốt trầm” ấy đã làm “xao xuyến” bao nhiêu trái tim bạn đọc. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của ông là những giai điệu ngân nga cất lên tự đáy lòng của con người tha thiết yêu đời. Đặc biệt qua ba khổ thơ |Thanh Hải giúp ta hiểu rằng: Sẽ không bao giờ có cái chết vì nơi tận cùng cũng là khởi thủy cho những mầm sống mới bởi trước khi sang thế giới bên kia nhà thơ đã gieo vào lòng người đọc những hạt giống của lẽ sống đẹp ở đời bằng khúc ca xuân được cất lên từ chính lòng tin vào con người và cuộc đời củanhà thơ.
Bàn luận,mở rộng
Có thể nói, đoạn thơ trên đây là khát vọng mùa xuân muôn đời. Cả đoạn thơ không một từ “Huế” nhưng chúng ta lại cảm nhận thật nhiều sắc xuân của Huế ở trong đó. Là xuân của đất trời xứ Huế, xuân cách mạng cố đô, xuân con người xứ Huế…Đoạn thơ cũng như bài thơ chứa đựng trong nó nhiều vẻ đẹp. Những gì Thanh Hải gửi gắm, ngợi ca sẽ còn vấn vương lòng người mãi không thôi! Để rồi ta chợt hiểu tại sao bài hát mà nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc từ bài thơ này lại đi cùng năm tháng.
Dẫn câu nói
Paustopski đã từng nói: “Niềm vui của nhà thơ chân chính là niềm vui của người mở đường đến với cái đẹp.” Phải chăng, Thanh Hải đã có được niềm vui ấy – niềm vui của người mở đường đến với vẻ đẹp thiên nhiên và con người xứ Huế qua những vần thơ trên. Đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung không chỉ đem lại cho ta những rung động thẩm mĩ mà còn hướng ta tới những gì tốt đẹp nhất của cuộc đời và giúp ta yêu mến cuộc sống hơn.
🔻 Xem thêm:
- Cảm nhận bức tranh thiên nhiên và mùa xuân đất nước qua 2 khổ thơ đầu bài Mùa xuân nho nhỏ
- Cảm nhận ước nguyện của nhà thơ trong “Mùa xuân nho nhỏ” và “Viếng lăng Bác”
- Cảm nhận của em về bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” – Thanh Hải
- Phân tích khổ 4,5 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
- Tình yêu cuộc sống và ước nguyện cống hiến chân thành, tha thiết của nhà thơ Thanh Hải trong “Mùa xuân nho nhỏ”
- “Mùa xuân nho nhỏ” – điều mới mẻ, lời nhắn nhủ mà nhà thơ góp vào đời sống chung
Chủ đề:Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài mùa xuân nho nhỏ, Cảm nhận 3 khổ đầu bài mùa xuân nho nhỏ, Cảm nhận của em về bài thơ mùa xuân nho nhỏ khổ 2 3, Cảm nhận khổ 1 2 3 mùa xuân nho nhỏ, Cảm nhận khổ 3 mùa xuân nho nhỏ, Dàn ý cảm nhận 3 khổ đầu bài mùa xuân nho nhỏ, Viết đoạn văn khổ 3 bài mùa xuân nho nhỏ, Viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ