Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2016 – 2017 Phòng GD&ĐT Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc (có đáp án)
PHÒNG GD&ĐT VĨNH TƯỜNG
ĐỀ THI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2016 – 2017
MÔN: NGỮ VĂN LỚP 9
Thời gian làm bài: 90 phút
A. Phần trắc nghiệm (2,0 điểm): Hãy chọn đáp án đúng trong các câu sau:
Câu 1. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải được viết năm nào?
A. 1975 B. 1980 C. 1954 D. 1945
Câu 2. Câu thơ “Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ.” được trích từ tác phẩm nào?
A. Tiếng gà trưa. B. Bếp lửa. C. Mây và sóng. D. Ánh trăng.
Câu 3. Xác định trong các câu dưới đây, câu nào đưa ra được đề văn yêu cầu xây dựng một văn bản nghị luận về một hiện tượng đời sống?
A. “Đói cho sạch, rách cho thơm”.
B. Suy nghĩ về câu “Uống nước nhớ nguồn”.
C. Suy nghĩ về cảnh “Ao tù nước đọng” ở một số làng quê nông thôn.
D. Suy nghĩ về câu “Lá lành đùm lá rách”.
Câu 4. Cho biết thành phần tình thái trong câu “Có lẽ tôi bán con chó đấy, ông giáo ạ!” (Nam Cao)?
A. có lẽ B. đấy C. ạ D. bán
B. Phần tự luận (8,0 điểm):
Câu 5. (2,0 điểm) Em hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về vai trò ý nghĩa quan trọng của gia đình trong cuộc sống mỗi con người.
Câu 6. (1,0 điểm) Cho đoạn văn sau: “Tôi, một quả bom trên đồi. Nho, hai quả dưới lòng đường. Chị Thao, một quả dưới chân cái hầm ba-ri-e cũ”.
a) Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Của tác giả nào?
b) Phân tích thành phần ngữ pháp của những câu văn trên?
Câu 7. (5,0 điểm) Cảm nhận của em về bài thơ “Sang Thu” của Hữu Thỉnh.
Đáp án đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 9
A. Phần trắc nghiệm: (2,0 điểm)
Câu 1 2 3 4
Đáp án B C C A
Thang điểm 0,5 0,5 0,5 0,5
B. Phần tự luận: (8,0 điểm)
Câu 5
Giải thích: gia đình là nơi sinh thành nuôi dưỡng bồi đắp tâm hồn tình cảm cho con người. Nơi đó có những người thân yêu cha mẹ, ông bà, anh chị em…
Bàn luận về vai trò của gia đình:
Chỗ dựa tinh thần vững chắc trong cuộc sống, chốn về bình yên sau những vất vả gian lao, nơi luôn rộng mở khoan dung sau những sai lầm vấp ngã. (Dẫn chứng)
Nguồn động viên, hỗ trợ về tinh thần để mỗi người nỗ lực hơn, mạnh mẽ và vững vàng hơn trong cuộc sống.
Bài học:
Phê phán những người mải chạy theo tiền tài địa vị, đuổi theo những thứ phù du mà quên đi gia đình. (Lấy ví dụ thực tế để chứng minh)
Phải biết yêu thương trân trọng những người thân trong gia đình, có ý thức vun đắp gia đình hạnh phúc. (Yêu cầu học sinh viết đúng hình thức đoạn văn nghị luận về một tư tưởng đạo lý. Nếu không đúng hình thức đoạn văn -0.25đ
Câu 6
a) Đoạn văn trên trích trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê.
b) Phân tích ngữ pháp: chủ ngữ của ba câu là: “Tôi”, “Nho”, “Chị Thao”. Còn lại đều là thành phần bổ ngữ cho động từ làm vị ngữ chính đã được lược đi.
Câu 7
Yêu cầu chung: học sinh viết được một bài văn nghị luận về bài thơ, bố cục ba phần: mở bài, thân bài, kết bài.
Yêu cầu cụ thể: học sinh cảm nhận được những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ theo những gợi ý sau.
1. Mở bài: (0.5 điểm)
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
– Nêu được cảm nhận chung nhất về bài thơ.
2. Thân bài: (4.0 điểm)
a) Khái quát về bài thơ: Bài thơ có mạch cảm xúc đi từ những cảm nhận tinh tế của nhà thơ về sự biến đổi của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu đến những suy ngẫm về mùa thu của cuộc đời. (0.5 điểm)
b) Cảm nhận bài thơ: (3.0 điểm)
* Những cảm nhận tinh tế về sự chuyển mùa của thiên nhiên trong không gian làng quê. (Khổ một)
Những tín hiệu sang thu: hương ổi, gió se, làn sương…
Cảm xúc nhà thơ ngỡ ngàng bâng khuâng, đón nhận những tín hiệu sang thu bằng các giác quan: khứu giác, thị giác, xúc giác, và bằng cả tâm hồn “hình như”…
Nghệ thuật: sử dụng từ láy, nhân hóa…
=> Khổ thơ thể hiện được cảm nhận tinh tế của nhà thơ về những tín hiệu chuyển mùa của thiên nhiên trong không gian làng quê lúc thu sang, đồng thời bộc lộ nét sang thu trong hồn người với tâm trạng bâng khuâng lưu luyến.
* Những cảm nhận tinh tế của nhà thơ về sự chuyển mùa của thiên nhiên trong không gian đất trời. (Khổ hai)
Tín hiệu chuyển mùa: sông dềnh dàng, chim bắt đầu vội vã, đám mây…
Nghệ thuật: đối, nhân hóa…(Phân tích sâu sắc hình ảnh đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu)
Cảm nhận của nhà thơ hết sức tinh tế, tâm hồn nhạy cảm thể hiện sự gắn bó giao hòa với thiên nhiên và tình yêu tha thiết đắm say của Hữu Thỉnh trước vẻ đẹp của đất trời trong khoảnh khắc giao mùa.
* Những cảm nhận về sự chuyển mùa của thiên nhiên và những suy ngẫm của nhà thơ. (Khổ ba)
Những tín hiệu mùa thu được cảm nhận bằng những kinh nghiệm và suy tư sâu lắng bằng những hình ảnh vừa mang nghĩa tả thực vừa mang nghĩa ẩn dụ “Sấm cũng bớt bất ngờ/Trên hàng cây đứng tuổi”…
Ý nghĩa ẩn dụ: “Sấm” chỉ những vang động bất thường của ngoại cảnh của cuộc đời; “Hàng cây đứng tuổi” chỉ những con người đã từng trải. Từ đó nhà thơ muốn nói con người lúc sang thu không còn bồng bột mà sâu sắc chín chắn hơn có bâng khuâng, bồi hồi nhưng bình tĩnh, chín chắn trước những giông tố cuộc đời.
=> Khổ thơ cuối không chỉ khắc họa bức tranh giao mùa từ hạ sang thu mà còn ẩn chứa những suy tư sâu sắc về quy luật cuộc đời, con người. Thiên nhiên vào thu, hồn người cũng sang thu.
c. Đánh giá: (0.5 điểm)
– Với thể thơ 5 chữ, cách ngắt nhịp linh hoạt, giọng điệu tự nhiên nhẹ nhàng, ngôn ngữ hình ảnh trong sáng, giàu sức biểu cảm, sử dụng sáng tạo các biện pháp tu từ…”Sang thu” của Hữu Thỉnh là một thi phẩm hay viết về mùa thu trong văn học Việt Nam. Bài thơ phác họa bức tranh thiên nhiên đẹp ở thời điểm giao mùa, thể hiện tình yêu tha thiết với thiên nhiên và những chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ về con người và cuộc đời. Bài thơ bồi đắp thêm tình yêu thiên nhiên, quê hương đất nước cho mỗi người Việt Nam.
3. Kết bài: (0.5 điểm) Nêu suy nghĩ của bản thân.