Đề bài: Trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài đã miêu tả hành động trỗi dậy của nhân vật Mị qua hai đoạn văn sau:
-“Bây giờ Mị cũng không nói. Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, với lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách…”
-“Lúc ấy trong nhà đã tối bưng, Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt, nhưng Mị tưởng như A Phủ đương biết có người bước lại… Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ cứ thở phè từng hơi, không biết mê hay tỉnh. Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng, Mị chỉ thì thào được một tiếng “Đi ngay…”…”
Cảm nhận của anh/chị về tâm trạng của nhân vật Mị qua hai đoạn văn trên, từ đó nhận xét về sức sống tiềm tàng của nhân vật này.
1. Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm
– Tô Hoài là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam hiện đại.
– “Vợ chồng A Phủ”trích trong tập “Truyện tây Bắc”. Tác phẩm phản ánh bức tranh bi thảm của người dân nghèo miền núi dưới ách áp bức, bóc lột của bọn phong kiến, thực dân và là bài ca về phẩm chất, vẻ đẹp, về sức sống mãnh liệt của người lao động.
– Giới thiệu nhân vật Mị
Mị là cô gái xinh đẹp, có tài thổi sáo, có nhiều chàng trai theo đuổi. Vì món nợ truyền kiếp, Mị đã bị bắt về cúng ma và làm con dâu gạt nợ nhà thống lí, trở thành nô lệ, dần dần tê liệt về tinh thần. Thế nhưng với phẩm chất tốt đẹp của người lao động, sức sống cứ tiềm tàng, âm ỉ rồi bùng cháy mãnh liệt khiến Mị có thể trỗi dậy giải thoát cho A Phủ và cho chính mình.
2. Phân tích hai đoạn văn
a. Đoạn văn thứ nhất:
* Hoàn cảnh: Sau khi uống rượu, lắng nghe tiếng sáo trong không khí mùa xuân đang về, tâm trạng Mị có sự thay đổi. Từ kiếp sống nô lệ, cam chịu, tâm hồn Mị đã có sự hồi sinh. Mị muốn đi chơi và sửa soạn để đi chơi.
* Tâm trạng Mị:
– Bây giờ Mị cũng không nói. Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ vào đĩa đèn cho sáng”
+ Sống trong thân phận làm dâu gạt nợ, tinh thần Mị tưởng như đã bị tê liệt hoàn toàn. Nhưng khi đêm tình mùa xuân đến đã đánh thức khát khao trong Mị sống lại. Bây giờ Mị không nói, nhưng tâm hồn Mị đã hồi sinh và ý thức được cuộc sống vô nghĩa ở hiện tại.
+ Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ xắn một miếng bỏ vào đĩa đèn cho sáng. Hành động ấy cho thấy Mị đang muốn thắp sáng lại căn phòng cũng là thắp sáng cho tâm hồn và cuộc đời đầy đau khổ, tăm tối của mình.
– Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo
+ Tiếng sáo là biểu tượng cho tình yêu, Hạnh phúc, khát vọng tuổi trẻ và là biểu tượng cho cuộc sống tự do
+ Tiếng sáo từ ngoại cảnh trở thành tiếng sáo trong tâm tưởng, vẫn rập rờn trong đầu Mị như thúc giục Mị đi theo tiếng gọi của tình yêu, hạnh phúc.
– Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách.
+ Những khát khao ấy cho thấy Mị đã thực sự sống lại với quá khứ tươi đẹp ngày trước. Trong những đêm tình mùa xuân, Mị đã từng hẹn hò đi chơi với người yêu qua âm thanh tiếng sáo.
+ Mị dường như quên đi sự có mặt của A Sử. Những câu văn ngắn, nhịp điệu nhanh, nêu ra ước muốn và các hành động liên tiếp của Mị thể hiện sự thôi thúc như một sự chuẩn bị tất yếu cho một sự trỗi dậy mạnh mẽ hơn.
– Nghệ thuật: Nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lý tinh tế,…
b. Đoạn văn thứ hai
* Hoàn cảnh
– Sau đêm tình mùa xuân, Mị càng trở nên vô hồn, vô cảm. Trong những đêm làm bạn với bếp lửa, Mị đã bắt gặp A Phủ bị trói đứng.
– Ban đầu Mị thản nhiên, lạnh lùng nhưng khi nhìn thấy một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại của A Phủ, từ thương cho mình Mị thương cho A Phủ.
– Mị quyết định cắt dây cởi trói và chết thay cho A Phủ.
*Tâm trạng của Mị
-“Lúc ấy trong nhà tối bưng, Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt, nhưng Mị tưởng như A Phủ đương biết có người bước lại…
+ Nếu Mị là thân phận con dâu gạt nợ thì A Phủ là kẻ ở không công. Chỉ vì để hổ ăn mất một con bò mà A Phủ bị thống lí Pá Tra trói đứng. Sự gặp gỡ của Mị và A Phủ là sự gặp gỡ của những con người cùng cảnh ngộ.
+ Nhà văn đã tạo ra thời điểm thuận lợi cho sự trỗi dậy của Mị. Đó là lúc trong nhà “tối bưng” với không gian yên tĩnh, vắng vẻ.
– Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây.
+ Đây là hành động táo bạo, là sự phản kháng tất yếu của một con người đã bị áp bức, bóc lột tàn nhẫn.
+ Hành động thể hiện sự đồng cảm, tình yêu thương của những con người cùng cảnh ngộ. Tình yêu thương giữa những con người cùng khổ đã tạo nên sức mạnh để Mị vượt qua nỗi sợ hãi trước cường quyền giải thoát cho A Phủ.
+ Hành động này cũng là kết quả tất yếu của quá trình hồi sinh trong hồn Mị, thể hiện cho một sức sống tiềm tàng, mãnh liệt.
+ Thể hiện ngòi bút hiện thực và nhân đạo của Tô Hoài.
– Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng, Mị chỉ thì thào được một tiếng “Đi ngay…”…”
+ Mị ý thức được việc làm của mình, cô hốt hoảng bởi lo cho A Phủ và chính mình. Chính Mị cũng không thể nghĩ mình lại có thể làm được như vậy.
+ Dẫu đã vượt qua sự sợ hãi cường quyền nhưng Mị vẫn bị ám ảnh bởi thế lực thần quyền. Mị luôn cho rằng, đã bị cúng ma rồi thì “chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi”.
– Nghệ thuật: miêu tả nhân vật qua diễn biến tâm lý, ngôn ngữ và hành động.
3. Nhận xét về sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị.
– Cả hai đoạn văn đề tập trung làm nổi bật sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị qua những hành động trỗi dậy thật quyết liệt. Sức sống của Mị chỉ tạm thời bị che lấp chứ không bị dập tắt và khi có cơ hội là sẽ bùng lên mạnh mẽ. Ở đoạn văn thứ nhất thể hiện sức sống tiềm tàng của Mị trong đêm tình mùa xuân với khát vọng vượt thoát khỏi hiện thực, khao khát tự do, được hưởng tình yêu và hạnh phúc nhưng sự hồi sinh trong tâm hồn nhanh chóng bị dập tắt bởi nghịch cảnh. Đoạn văn thứ hai lại tập trung thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng và hành động của Mị trong đêm cởi trói cho A Phủ với vẻ đẹp đầy nội lực, lòng dũng cảm và sự quyết đoán của nhân vật, sức sống tiềm tàng của Mị đã chuyển hóa thành hành động cụ thể, cắt dây cởi trói cho A Phủ và sau đó là tự giải thoát cho cuộc đời mình.
=> Mị có sức sống mãnh liệt không gì có thể ngăn cản hay kìm hãm được.
4. Đánh giá:
– Hai đoạn văn đã thể hiện:
+ Vẻ đẹp của nhân vật Mị: là người có sức sống tiềm tàng, tình yêu thương, khát vọng tự do mãnh liệt…
+ Tư tưởng của nhà văn: Thể hiện tiếng nói nhân đạo sâu sắc, tiến bộ của nhà văn: khẳng định, trân trọng vẻ đẹp và khát vọng chính đáng của người lao động, tìm ra con đường đấu tranh để giải phóng cho nhân vật…
🔻 Xem thêm: